Aa

GDP quý II tăng 7,72%, cao nhất thập kỷ

Thứ Tư, 29/06/2022 - 15:35

GDP quý II năm nay tăng cao nhất trong trong hơn một thập kỷ qua.

Số liệu mới công bố từ Tổng cục Thống kế cho biết, kinh tế Việt Nam tăng trưởng đến 7,72% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là mức tăng GDP quý II cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2021.

Tính chúng 6 tháng đầu năm, GDP Việt Nam tăng 6,42% (cao hơn tốc độ tăng 2,04% của 6 tháng đầu năm 2020 và tốc độ tăng 5,74% của 6 tháng đầu năm 2021). 

Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP Việt Nam tăng 6,42%

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,78% (đóng góp 5,07%); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,70%, (đóng góp 48,33%), trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 9,66%; khu vực dịch vụ tăng 6,60%, (đóng góp 46,60%).

Thêm một dấu hiệu cho thấy đà phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam là giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 ước tính tăng 8,48% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm trước của một số ngành trọng điểm tăng cao: Sản xuất trang phục tăng 23,3%; sản xuất thiết bị điện tăng 22,2%…

Hơn 76.000 doanh nghiệp thành lập mới

Về hoạt động của doanh nghiệp, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy tính chung 6 tháng đầu năm, cả nước có 76.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước). Cùng với đó là gần 40.700 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 55,6%).

Hơn 76.000 doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đầu năm

Trong chiều ngược lại, 6 tháng đầu năm cả nước có 50.900 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; gần 24.100 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 8.600 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

Theo điều tra xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, kết quả điều tra trong quý II/2022 cho thấy có 78,4% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và tốt hơn so với quý I/2022. Dự kiến quý III/2022, có 85,0% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ ổn định và tốt lên so với quý II/2022.

Những chỉ số cho thấy kinh tế Việt Nam tiếp tục đà hồi phục mạnh mẽ

Không chỉ doanh nghiệp, sức mua của người tiêu dùng cũng tiếp tục đà tăng. Theo đó, Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý II/2022 ước đạt 1,395 triệu tỷ đồng (tăng 5,5% so với quý trước và tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước). Tính chung 6 tháng ước đạt gần 2,72 triệu tỷ đồng (tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước).

Xuất siêu hơn 700 triệu USD

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, 6 tháng đầu năm giá trị xuất khẩu hàng hoá đạt 185,94 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong chiều ngược lại, giá trị nhập khẩu hàng hoá nửa đầu năm nay đạt 185,23 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 710 triệu USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 1,86 tỷ USD).

Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2022, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 55,9 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 61,3 tỷ USD.

Cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 710 triệu USD. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng và lạm phát tiếp tục được kiểm soát.

Lạm phát tăng 1,25%

Cũng theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2022 tăng 0,69% so với tháng trước; tăng 3,18% so với tháng 12/2021 và tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân CPI quý II/2022 tăng 2,96% so với quý II/2021.

Bình quân 6 tháng đầu năm, CPI tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,25%./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top