Một báo cáo công bố trước đây của CBRE Việt Nam cho biết trong 9 tháng năm 2018, lượng người Trung Quốc mua căn hộ tại TP.HCM thông qua đơn vị này đã vươn lên vị trí số 1, với 31% tổng lượng giao dịch. So với các năm trước, đây là một bước nhảy vọt của nhà đầu tư Trung Quốc vào thị trường căn hộ Việt Nam. Không chỉ có Trung Quốc, khách mua đến từ Hàn Quốc cũng tăng mạnh (năm 2016 - 2017 chỉ chiếm lần lượt là 6-8% tổng số giao dịch qua CBRE).
Trong số 5 nhóm khách hàng mua căn hộ tại TP.HCM qua đơn vị này, CBRE thống kê bên cạnh người Trung Quốc chiếm tỉ lệ lớn nhất với 31% tổng số giao dịch, tiếp đến là người Việt (24%), Hàn Quốc (19%), Mỹ (3%).
Báo cáo quý III/2019, đơn vị này cũng cho biết thêm, nguồn cầu về căn hộ đến từ các nhà đầu tư nước ngoài đang có xu hướng tăng tại Việt Nam. Đặc biệt, lượng khách Hàn Quốc, Hong Kong, Đài Loan chiếm khoảng 85% lượng khách nước ngoài mua nhà ở Việt Nam.
Cũng theo Savills Việt Nam, thời gian qua, khách hàng Hàn Quốc đã thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ đối với các căn hộ cao cấp tại TP.HCM, trung tâm tài chính của Việt Nam. Kết quả của sự kiện phần nào chứng minh được nhu cầu lớn của các nhà đầu tư Hàn Quốc cho các sản phẩm nhà ở tại thị trường Việt Nam.
Sức hấp dẫn của thị trường bất động sản Việt Nam được giải thích bởi một số yếu tố như giá bán hấp dẫn, tiềm năng lợi nhuận cao, sản phẩm chất lượng cao do sự tham gia của các nhà phát triển có uy tín và Luật Nhà ở được nới lỏng tạo điều kiện cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam.
Ngoài ra, giá căn hộ tại TP.HCM và Hà Nội nhìn chung vẫn thấp hơn so với các các thành phố trung tâm trong khu vực như Kuala Lumpur và Bangkok, mặc dù tốc độ tăng trưởng mạnh hơn nhiều. Giá nhà mới tại khu trung tâm TP.HCM hiện tại trung bình khoảng từ 5.500 - 6.500 USD/m2, chỉ bằng một phần của mức giá nhà tại Hong Kong.
Theo ông Dương Đức Hiển, Giám đốc bộ phận Kinh doanh nhà ở Savills Hà Nội phân tích, trong 14 năm vừa qua, thị trường bất động sản Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, những tư duy về ý tưởng kiến trúc so với thời điểm 10 năm trước đây đã tốt hơn nhiều. Những dự án trước đây, thiếu nhiều về tiện ích, không gian sống, chất lượng sống chưa cao thì giờ đã được cải thiện và nâng cao. Hơn nữa, vấn đề chất lượng công trình, điều kiện bàn giao, hạ tầng kỹ thuật cũng được đảm bảo so với trước đây.
Đặc biệt, sau khi Việt Nam gia nhập APEC đã ghi nhận một làn sóng lớn đầu tư từ nước ngoài, kéo theo đó tập khách hàng từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản vào Việt Nam. Trong đó, có các nhà đầu tư nhỏ lẻ bắt đầu đầu tư vào lĩnh vực bất động sản.
Ông Hiển cho hay: “Tại sao Việt Nam hấp dẫn vậy, những tập khách hàng đã chia sẻ với chúng tôi rằng cùng một số tiền thay vì đầu tư 1 căn hộ tại đất nước của họ thì khi sang Việt Nam họ có thể mua được 3 căn hộ. Như vậy, họ có thể đa dạng hoá được danh mục đầu tư của họ. Trong khi đó, lợi nhuận cho thuê mang lại tại Việt Nam khá tốt. Với các nhà đầu tư nước ngoài, phần cho thuê hằng năm tính theo tỉ lệ nếu đạt được ngưỡng 4 - 5% tức là đã thành công. Đặc biệt là với những quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng ổn định”.
Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc bộ phận tư vấn và nghiên cứu CBRE Hà Nội cho biết, xu hướng người nước ngoài, đặc biệt là Hàn Quốc mua nhà tại Việt Nam đã xuất hiện trong khoảng 4 – 5 năm qua và xu hướng này vẫn tiếp tục trong năm 2019 ở cả Hà Nội và TP.HCM. Xu hướng tăng mua nhà của khách nước ngoài tại Việt Nam phản ánh tiềm năng của thị trường bất động sản trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu tăng trưởng tích cực. Bên cạnh đó, so sánh với giá nhà tại các nước lân cận, đơn cử như Hàn Quốc, giá nhà ở tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đang ở mức hấp dẫn.
Ví dụ, đơn giá nhà trung bình (cận cao cấp) ở Việt Nam chỉ khoảng 2.000 - 4.000 USD/m2, trong khi đó, mức giá này tại Hàn Quốc có thể lên đến 15.000 - 20.000 USD/m2. Đây cũng là cơ sở để kỳ vọng trong những năm tới, giá bất động sản của Việt Nam có thể tăng lên.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, việc phát triển mảng bất động sản cho người nước ngoài cũng bao gồm những yếu tố khó khăn và thuận lợi. Trong đó, một trong những yếu tố thuận lợi là hiện đang có nhiều người nước ngoài thích thị trường bất động sản Việt Nam và đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam có nhiều tiềm năng.
Trong khi đó, để phục vụ và đáp ứng được yêu cầu của người nước ngoài đòi hỏi phải giải quyết nhiều yếu tố như khả năng ngoại ngữ của người bán hàng, sản phẩm nào phù hợp với thị hiếu của người nước ngoài, công tác quản lí nhà cho người nước ngoài khi họ không ở Việt Nam.