Aa

Giá cả tuần qua: Nghịch lý tăng giảm giữa các mặt hàng

Thứ Hai, 20/04/2020 - 05:50

Giá cả các mặt hàng tiêu dùng tuần qua có sự biến đổi giữa một số mặt hàng, trong tình hình dịch bệnh ảnh hưởng đến thị trường trên toàn thế giới.

Giá thịt lợn một số nơi vẫn neo cao

Nói đến giá cả, người tiêu dùng quan tâm nhất là giá thịt lợn - món quen thuộc trên mâm cơm hàng ngày.  Thời gian qua thịt lợn tăng khá cao và Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều biện pháp bình ổn giá.

Thủ tướng đã yêu cầu hạ giá heo hơi xuống mức 70.000đồng/kg cuối tháng 3. Tuy nhiên, cho đến nay đã qua tuần thứ 2 của tháng tư mà tại thị trường tự do, giá heo hơi không những giảm mà còn tăng cao. Trong tuần qua, giá heo hơi đã tăng chóng mặt.

Giá heo hơi trong tuần qua tại một số tỉnh miền Bắc đã đạt đỉnh 90.000 đồng/kg. Đặc biệt, ở Hà Nội và Thái Bình, giá 90.000 – 92.000 đồng/kg. Với mức giá cao như vậy thì giá thịt heo đến tay người tiêu dùng được bán từ 130.000 – 200.000 đồng/kg. Tại siêu thị Lotte, thịt ba chỉ gần 200.000 đồng kg, thịt đùi, cốt lết khoảng 130.000 đồng/kg. Siêu thị BigC khuyến mại thịt vai heo 125.000 đồng/kg.

Giá thịt lợn vẫn chưa giảm

Cuối tháng 3, chính phủ cũng đã thông tin nhập khẩu hàng nghìn tấn thịt lợn nhưng người dân vẫn ưa chuộng thịt tươi ở các chợ truyền thống bởi thói quen thích ăn thịt tươi mới mổ. Do vậy thịt lợn vẫn chưa thể hạ giá.

Ông Vũ Vĩnh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị phân tích vì sao giá trên thị trường tự do vẫn cao. Ông cho rằng, "Mặc dù giá lợn hơi có giảm đôi chút song nghịch lý là giá bán lẻ vẫn đứng yên ở mức cao và có ngày lại tăng lên một mức cao hơn. Việc hạ giá nhỏ giọt trong khi khoảng chênh lệch giá còn rất lớn của lợn hơi đã không có những tác dụng mạnh vào giá bán lẻ ở chợ và siêu thị".

Theo ông Phú, trong lúc tình hình dịch bệnh đang phức tạp mà giá thịt lợn vẫn tăng cao thì người dân cần một quy định cụ thể hơn "Những đề xuất có vai trò rất quan trọng về việc đưa mặt hàng thịt lợn vào mặt hàng bình ổn giá của các cơ quan thống kê, vật giá và thuế vẫn chưa được chấp nhận, nếu không đưa vào luật quy định thì thực tế rất khó để kiểm soát giá từ khâu chăn nuôi tới khâu bán lẻ trên thị trường hiện nay. Vì hiện nay tỷ lệ lợi nhuận quá cao cho nên cần phải có cơ chế để quản lý và hạn chế bớt những khâu trung gian mới khiến giá lợn  bình ổn được"

Tin vui là giá thịt gia cầm tuần này có nhỉnh hơn so với thời gian trước. bắt đầu từ giữa tuần trước giá vịt đã phục hồi trở lại. Vịt bầu cánh trắng hiện có giá 35.000 - 36.000 đồng/kg, vịt siêu nạc super 25.000 - 27.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, giá trứng gà hiện cũng tăng từ 1.000 đồng/quả lên 1.400 - 1.500 đồng/quả khoảng hơn tuần nay mang lại niềm vui cho người nuôi gà trứng sau thời giá trứng dưới giá thành kéo dài.

Giá trái cây tăng mạnh

Cũng giống như thịt lợn, giá các mặt hàng trái cây cũng tăng đồng loạt. Có loại còn tăng từ 20-40% so với tháng trước như thanh long ruột trắng trên 30.000 đồng/kg, vú sữa Lò rèn 50.000 đồng/kg, cam sành giá 28.000 - 30.000 đồng/kg, hồng xiêm 30.000 đồng/kg, sầu riêng tăng lên trên 70.000 đồng/kg.

Lý giải cho nguyên nhân trái cây tăng giá, một số chuyên gia cho biết, do tình hình hạn mặn năng suất thu hoạch và trồng trọt giảm cho nên tăng giá. Hơn nữa, do tình trạng diễn biến của dịch bệnh phức tạp nên đường thông thương của hoa quả nhập khẩu bị hạn chế, chính vì vậy mà hoa quả nội địa tăng cao.

Nhiều chủ vựa còn cho rằng giá thời điểm này có cao hơn lúc trước nhưng các nhà vườn còn không đủ cung ứng cho đối tác. Tuy rằng hoa quả tăng giá nhưng cũng không đáng kể so với các mặt hàng khác và đây cũng là tín hiệu đáng mừng vì người Việt đang có xu hướng quay lại với hàng Việt nhiều hơn.

Các mặt hàng giảm giá

Thêm tin vui tiếp theo cho người tiêu dùng trong tuần qua là giá xăng đã được điều chỉnh giảm hơn. Từ 13/4, giá xăng trong nước được điều chỉnh giảm tiếp hơn 600 đồng/lít; dầu hỏa, dầu diesel giảm hơn 400 - 500 đồng/lít. Như vậy, cả hai lần điều chỉnh trong nửa tháng, giá xăng giảm gần 5.000 đồng/lít, chỉ còn gần một nửa so với 6 tháng trước.

Hoa loa kèn năm nay thất thế. Ảnh: VOV

Đối với các loại hoa giá lại giảm mạnh chưa từng có. Thời điểm hiện tại, những phố hoa như Giảng Võ, Tố Hữu, Nguyễn Trãi không còn nhiều xe hoa bán hàng rong. Một phần do công tác cách ly xã hội người dân không ra khỏi nhà, một phần vì hoa quá rẻ khiến người buôn không còn có lãi.

Tháng 4 là mùa hoa loa kèn và hàng năm loại hoa này đầu vụ sẽ rất đắt. Thế nhưng, trái ngược hẳn với mọi năm, năm nay hoa loa kèn xuống phố từ đầu tháng 3, giá lại còn khá rẻ nhưng vẫn không thu hút được người mua.

Giá hoa năm nay mua tại vườn khoảng 1.000 – 1.500 đồng/cành, bán ra khoảng 2.000 - 3.000 đồng/cành. So với năm ngoái thì năm nay giá hoa loa kèn giảm khoảng 50% so với cùng thời điểm đầu vụ năm ngoái.

Không chỉ hoa loa kèn mà các loại hoa khác cũng rớt giá trầm trọng. Theo những chủ vườn, giá hoa rớt hơn nửa so với bình thường, hoa cúc hiện tại chỉ bán với giá 1.000 - 2.000 đồng/cây nhưng phải loại thật đẹp mới bán được, hoa hồng giá 1.000 - 2.000 đồng/cây. Lỗ nặng nhất là hoa ly hiện tại chỉ bán với giá 10.000 - 15.000 đồng/cây, trung bình mỗi cây lỗ khoảng 5.000 đồng.

Trong những ngày này, không khí đìu hiu diễn ra tại vườn hoa Tây Tựu (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), nhiều nhà vườn đành phải vứt bỏ vì hoa quá lứa thu hoạch nhưng vẫn không ai mua.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top