Aa

Giá cát xây dựng có xu hướng tăng nhẹ trong quý IV

Thứ Sáu, 29/10/2021 - 06:15

Viện Kinh tế Xây dựng dự báo, quý IV/2021, hoạt động khai thác cát, đá đang triển khai tiếp tục trên cả nước với lượng cung sẽ tăng.

Giá cát xây dựng sẽ tương đối ổn định và có chiều hướng tăng nhẹ từ 3 - 5%.

Theo Báo cáo Nghiên cứu thị trường vật liệu xây dựng quý III và dự báo quý IV/2021 của Viện Kinh tế Xây dựng, do các địa phương tại khu vực Bắc Trung Bộ, Duyên Hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long phải thực hiện giãn cách từ tháng 5/2021 đã khiến cho giá cát xây dựng trong quý III giảm từ 6 - 20% so với quý II/2021.

Tuy nhiên, ngành chức năng đánh giá, giá cát xây dựng tại cả 6 khu vực thị trường trên cả nước thời gian qua cơ bản vẫn ổn định, không có sự tăng giá bất thường. Giá cát xây dựng các khu vực biến động do các địa phương thực hiện phòng chống dịch theo Chỉ thị 15/CT-TTg và Chỉ thị 16/CT-TTg của Chính phủ.

Cụ thể, trên thị trường, giá các loại cát đắp, cát xây, cát vàng tại thị trường Trung du và miền núi phía lần lượt là 167.795 đồng, 267.232 đồng và 306.222 đồng/m3. Tương ứng, giá tại khu vực Đồng bằng sông Hồng là cát đắp 127.209 đồng/m3, cát xây 181.136 đồng/m3 và cát vàng 426.448 đồng/m3.

Các mức giá này tại khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung tương ứng là: cát đắp 90.255 đồng/m3, cát xây 262.042 đồng/m3 và cát vàng 329.892 đồng/m3. Khu vực Tây Nguyên, cả 3 loại cát đều có giá cao nhất trong các khu vực khác, tương ứng lần lượt theo mức: cát đắp 289.497 đồng/m3, cát xây 399.241 đồng/m3 và cát vàng 471.274 đồng/m3.

Mức giá cát trên thị trường tại khu vực Đông Nam Bộ lần lượt là cát đắp 129.129 đồng/m3, cát xây 354.750 đồng/m3 và cát vàng 427.425 đồng/m3. Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là cát đắp 156.742 đồng/m3, cát xây 375.381 đồng/m3 và cát vàng 506.365 đồng/m3.

Để đảm phòng chống dịch, trong giai đoạn giãn cách xã hội, các công trình được phép tổ chức thi công xây dựng phải đáp ứng một số tiêu chí và nguyên tắc nhất định theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng và phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương.

Theo quy định, đó phải là công trình xây dựng phục vụ phòng, chống dịch bệnh; công trình thuộc dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quyết định của cấp có thẩm quyền; công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp theo quy định của pháp luật về xây dựng; công trình phục vụ quốc phòng, an ninh đã triển khai thi công xây dựng; công trình sử dụng cho mục đích sản xuất công nghiệp, giao thông vận tải, nông nghiệp và phát triển nông thôn; công trình cung cấp cơ sở, tiện ích hạ tầng kỹ thuật ở ngoài đô thị, cách xa điểm dân cư tập trung.

Cùng đó là nhóm công trình xây dựng sắp hoàn thành khi đưa vào khai thác sử dụng có ý nghĩa lớn về kinh tế - xã hội có khối lượng xây dựng đã thực hiện đạt trên 80%; công trình đang thi công xây dựng bắt buộc phải tiếp tục triển khai để bảo đảm kỹ thuật công trình, an toàn tính mạng cộng đồng hoặc ảnh hưởng, gây mất an toàn cho công trình liền kề; công trình xây dựng trong khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; công trình sửa chữa, cải tạo nhà xưởng, thiết bị trong phạm vi mặt bằng của doanh nghiệp.

Ngoài ra, còn có nhóm công trình sử dụng cho mục đích dân dụng trong khu dân cư có hàng rào che chắn xung quanh khu vực xây dựng và có khoảng cách đến nhà, công trình lân cận, trục đường giao thông chính tối thiểu từ 30m trở lên. Riêng đối với nhà ở riêng lẻ, số lượng lao động có mặt tại công trình xây dựng không quá 10 người.

Riêng đối với khu vực có mức nguy cơ rất cao (vùng đỏ), phải tạm dừng thi công xây dựng tất cả các công trình xây dựng, trừ các công trình xây dựng sử dụng cho mục đích phòng, chống dịch.

Sang quý IV, nhiều địa phương đang dần trở thái hoạt động bình thường mới, các hoạt động đầu tư xây dựng cũng dần vào "guồng". Tuy nhiên, nhiều loại vật liệu xây dựng như thép, xi măng... lại đồng loạt tăng giá cũng khiến nhà thầu thi công gặp khó, tiến độ nhiều công trình cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top