Con số 67.000 người đi thu tiền điện từng được TGĐ EVN Phạm Lê Thanh công bố trong một buổi làm việc với Thủ tướng ít năm trước.
Dẫu sau đó, EVN “cải chính” rằng 67.000 là làm việc trong tất cả các khâu có liên quan đến kinh doanh, phân phối điện năng chứ không phải chỉ “ghi giấy, thu tiền” thì sự thật là lực lượng lao động thủ công trong ngành điện vẫn là quá lớn.
Trong khi lao động kiểu “bắc thang leo cột nhìn mắt ghi tay” khiến NSLĐ tại EVN có thời điểm chỉ bằng 40% của Thái Lan, 60% của Malaysia, thậm chí chỉ bằng 10% Singapore.
Nếu muốn tìm một hình ảnh biểu tượng của ngành điện Việt Nam có lẽ không gì tiêu biểu hơn chuyện “leo cột”. Nó phản ánh chính xác sự thủ công, lạc hậu, tiểu nông. Và tất cả chi phí nhân công ấy được tính vào đâu nếu không bổ đầu giá điện?
NSLĐ quá thấp, trong khi tỉ lệ tổn thất điện năng tới 2018 vẫn ở mức 6,38%. Tổn thất này, tất nhiên được hạch toán vào giá điện. Có nghĩa rằng chúng ta phải trả oan ít nhất 6,38% trong tiền điện mỗi tháng cho dù tỉ lệ thất thoát ấy là do những yếu kém của EVN.
Nhớ trong cuộc họp công bố mức tăng dự kiến giá bán lẻ điện 8,36% (tăng lên 1.864,49 đồng/kWh), ngành điện có nhắc tới hơn 20.735 tỉ đồng “tổng chi phí tăng thêm của EVN năm 2018 và năm 2019) trong đó có vài ngàn tỉ “chênh lệch tỉ giá”.
Trên Tuổi trẻ, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực lập tức đặt ra những câu hỏi lớn. Khoản tỉ giá của EVN thực tế là gì? nguyên nhân tại sao? Do khách quan hay chủ quan? Giải pháp của EVN trong việc phòng ngừa rủi ro tỉ giá có đảm bảo hiệu quả để giảm áp lực lên tình hình tài chính nói chung của tập đoàn này?
TS Ngô Đức Lâm, chuyên gia độc lập trong lĩnh vực năng lượng cũng cho rằng: Chi phí cho phát điện là chi phí lớn nhất ảnh hưởng tới giá điện (chiếm tới 70%), tuy nhiên, đây lại là yếu tố chưa minh bạch khi các yếu tố đầu vào để tính toán chi phí chưa được công khai.
Theo TS Lâm, điều này dẫn tới giá thành không thực, trong đó còn có thể có những yếu tố chưa minh bạch, chưa đúng mà người tiêu dùng cần biết vì chính họ bị thua thiệt, chưa bảo đảm tính hợp lý và hợp lệ.
Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương từng phải thốt lên với Bộ trưởng Bộ Công Thương: “Điện là mặt hàng kỳ lạ, chỉ tăng giá, tăng giá và tăng giá”.
Sự thật là với 9 lần tăng giá, trong 10 năm qua, giá điện đã tăng gấp đôi. Và chắc chắn sẽ còn tăng nữa nếu như những yếu kém vẫn được đậy điệm bên trong tấm áo độc quyền.