Gia đình - Ngọn nguồn kiến tạo dòng chảy yêu thương

Gia đình - Ngọn nguồn kiến tạo dòng chảy yêu thương

Thứ Hai, 27/09/2021 - 06:00

1. Khi nghĩ về gia đình, hình ảnh đầu tiên hiện ra trong tâm trí bạn là gì? Chúng ta của những ngày bình thường, thức dậy vội vã để đi làm và ước gì, mình có thời gian ở nhà nhiều hơn, được thoải mái, có thể ở bên người thân lâu hơn...

Rồi dịch bệnh xảy ra, hầu hết chúng ta đều ở nhà để thực hiện giãn cách an toàn cho chính mình và xã hội. Vào giây phút đó, bạn cảm thấy thế nào? Bạn nghĩ về điều gì? Lo lắng, bất an bởi vì dịch bệnh thật khủng khiếp hay bình tĩnh, phân tích tình hình, hiểu rằng dịch bệnh là điều nằm ngoài khả năng kiểm soát. Mình cần chú tâm vào những thứ trong khả năng của mình?

Rồi, tất cả mọi thứ được diễn ra trong ngôi nhà của bạn: Sinh hoạt, công việc, học tập… Bạn có nhận ra, ngoài tác động từ dịch bệnh, thì thực tế, một phần điều ước của bạn đã trở thành hiện thực: Ở nhà lâu hơn, bên cạnh người thân nhiều hơn…

Và có "nhiều thứ hơn" mà bạn không hề mong chờ cũng đến: Vợ/chồng cư xử không như mình mong muốn; lũ trẻ ở nhà lâu, mọi người dễ “va” vào nhau hơn theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng…

Hãy dành thời gian để lắng đọng và suy ngẫm về những câu hỏi này:

Bạn muốn tất cả mọi người trong gia đình sống theo những giá trị nào?

Bạn sẽ nghĩ gì, nói gì, làm gì khi con bạn lười học, không nghe lời, bừa bộn, cãi nhau inh nhà? Bạn lựa chọn giúp đỡ hay can thiệp dạy dỗ?

Gia đình mà bạn mong muốn trông thế nào? Bạn có thể đóng góp điều gì để gia đình của bạn đạt được đích đến như bạn mong muốn?

Bạn có thể làm gì trước những khó khăn, thách thức trong chính ngôi nhà của bạn?

Trong "ngân hàng" tình cảm, "tài khoản" của bạn có bao nhiêu?

Nếu bạn có rất nhiều tình yêu thương, bạn sẽ đủ kiên nhẫn để lắng nghe, chờ đợi, đủ rộng lượng để vị tha cho lỗi lầm cho chính mình và người thân của bạn.

2. Dù là trẻ em hay người lớn, tất cả chúng ta đều coi nhu cầu được yêu thương và được công nhận là tâm điểm của cuộc sống hàng ngày. Có nhiều cách để trao tặng yêu thương. Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, yêu thương được trao tặng thông qua sự gần gũi, ôm ấp, âu yếm, nói lời yêu thương qua việc chơi đùa hay chăm sóc. Tình yêu thương được trao gửi theo nhiều cách khác nhau, khi chúng ta lớn dần với những vai trò khác nhau. Tuy nhiên, nhu cầu được quan tâm của chúng ta thì vẫn không hề thay đổi.

Nguồn năng lượng từ tình yêu thương và sự công nhận giúp cho chúng ta luôn sống trong niềm vui, cảm giác được tôn trọng và hạnh phúc với chính mình, với người khác. Trong môi trường hiện nay, nhiều người phải học cách tồn tại trong một môi trường không có yêu thương và tôn trọng, vì không ít người đã quên mất giá trị của người khác, họ coi vật chất và vai trò của bản thân nhiều hơn. Họ cũng tìm kiếm tình yêu thương nhưng lại lầm tưởng rằng tài sản và thành công sẽ mang lại điều đó. Dù sao là người lớn, chúng ta ta vẫn có thể tồn tại, trong một môi trường làm việc thiếu tình yêu thương và tôn trọng. Nhưng phải tốn nhiều công sức hơn để đạt được hiệu quả.

Nhưng trẻ em thì không thể tự xoay sở như thế. Nếu không có tình yêu thương trìu mến và quan tâm của cha mẹ, người thân. Trẻ sẽ cảm thấy hụt hẫng, thiếu thốn, gặp nhiều trở ngại trong quá trình phát triển tâm - sinh lý. Bởi vậy, nguồn năng lượng yêu thương và chăm sóc là không thể thiếu cho sự phát triển của trẻ.

Hơn 8 năm làm việc với các cha mẹ, đã giúp tôi nhận ra rằng hầu hết các cha mẹ mẹ đều rơi vào một trong hai nhóm sau:

Một số người chăm sóc con cực kỳ chu đáo. Họ luôn ân cần và luôn tận hưởng thời gian ở bên con. Tuy nhiên, họ lại hoàn toàn thiếu nghiêm khắc và kỷ luật với con. Do đó con cái của họ luôn tận dụng điều đó, bằng cách không nhặt đồ chơi, không làm việc nhà, liên tục vòi vĩnh, nhõng nhẽo, cãi lại hay không tuân thủ các yêu cầu và hướng dẫn của người lớn, không sẵn sàng nhận lấy trách nhiệm, một số thì nổi giận khi không được làm theo ý muốn, một số nói năng thô lỗ và tỏ thái độ vô lễ với cha mẹ mình.

Một số phụ huynh khác, thuộc nhóm kỷ luật nghiêm khắc thì lại không biết cách thể hiện tình yêu thương, lắng nghe và tận hưởng thời gian bên con Đôi khi, các con cũng giận dỗi hoặc không chịu làm việc ở nhà, nhưng vấn đề chúng thường gặp hơn cả là đánh nhau với anh chị em trong nhà hoặc gặp những khó khăn trong cách cư xử ở trường. Một số trẻ tỏ ra bướng bỉnh và khó bảo, luôn đòi hỏi sự chăm sóc từ cha mẹ và không ngừng vòi vĩnh cho đến khi cha mẹ chú ý mới thôi.  Điều tôi lo lắng hơn cả là khi chúng “lỳ đòn” và không còn sợ bất cứ hình phạt nào, không còn lắng nghe, chúng đã đóng chặt cảm xúc. Với những bậc cha mẹ có con rơi vào tình trạng như thế, họ cần nhận ra tầm quan trọng của việc ở bên con, chơi đùa và lắng nghe. Tôi thường nhẹ nhàng chia sẻ: Trẻ khi có tình yêu sẽ có sự hợp tác.

Một số ít cha mẹ không thể trao cho con tình yêu thương, trìu mến và cũng không kỷ luật nghiêm khắc với con con, vì họ đang có những rối loạn nội tâm. Con của họ thường mặc cảm, buồn bã. Tôi thường bắt đầu bằng cách lắng nghe họ cho đến khi chúng tôi có thể đưa ra một vài gợi ý đơn giản.

3. Dưới đây là một vài gợi ý để bạn có thể tăng thêm nhiều yêu thương và cả xúc cho gia đình mình:

Nuôi dưỡng cơ thể của bạn

Tình yêu thương có thể là công việc mang đến cho bạn sự mãn nguyện và hạnh phúc khi mọi thứ diễn ra tốt đẹp. Có thể cũng có những lúc lo lắng, bất ổn, đau khổ và kiệt sức. Do đó việc chăm sóc bản thân sẽ vô cùng cần thiết. Khi chúng ta cảm thấy khỏe và tâm trạng tốt thì sẽ dễ dàng hơn nhiều để ở bên con cái, bạn đời.

Khi công việc và cả những điều xảy đến ngoài mong đợi, các mối quan hệ của chúng ta nhờ đó sẽ trở nên tích cực và lành mạnh hơn. Ta thấy dễ dàng tươi cười, lắng nghe, kiên nhẫn và tốt bụng hơn, sẵn lòng tận hưởng thời gian bên con và bạn đời của chúng ta hơn, vui vẻ làm các nhiệm vụ bình thường trong cuộc sống. Chăm sóc bản thân không phải là ích kỷ mà là rất cần thiết. Để ý tới chế độ ăn, uống đủ nước và tập thể dục thường xuyên.

Nuôi dưỡng tinh thần của bạn

Trào lưu nghiên cứu về hạnh phúc, bắt đầu trở nên ngày càng phổ biến vào đầu những năm 1980 và có một bước nhảy vọt vào năm 2000 với phong trào tâm lý học tích cực. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng “những người hạnh phúc thì làm việc hiệu quả hơn, học tập tốt hơn, dễ được thăng tiến hơn, sáng tạo, họ cũng có những mối quan hệ tốt đẹp hơn và có sức khỏe tốt hơn. Tâm lý học tích cực tập trung vào nghiên cứu những gì giúp con người có được sức khỏe về mặt tinh thần. Một nghiên cứu về hạnh phúc giáo sư Sonja và các đồng nghiệp trên các cặp song sinh giống hệt nhau, kết luận hạnh phúc là 50% do di truyền, 10% tùy thuộc vào hoàn cảnh và 40% là do chủ thể nghĩa là dưới sự kiểm soát của chúng ta.

Trong khi nhiều người nghĩ rằng nếu họ có một ngôi nhà mới, được thăng quan tiến chức tức thì họ sẽ hạnh phúc hơn nhiều, nhưng kết quả nghiên cứu cho thấy không được như vậy, những người có một hoàn cảnh mới thì sau một thời gian họ sẽ trở lại mức độ hạnh phúc như cũ. Thoát khỏi một mối quan hệ, một công việc khó khăn hoặc một tình huống mất tự do có thể làm chúng ta hạnh phúc trong một thời gian. Nhưng để duy trì mức độ hạnh phúc lâu bền thì mọi người cần phải kiểm soát cách nghĩ và hành vi của họ.

Aristotle phân loại hạnh phúc không phải là một loại cảm xúc mà là kết quả của đức hạnh. Lựa chọn cách sống bằng tình yêu thương, tôn trọng và hòa bình, thực hành theo lòng trắc ẩn, trung thực, luôn làm theo lẽ phải, đó là những cách để chúng ta sống theo các giá trị của mình. Khi chúng ta sống theo các giá trị, hạnh phúc sẽ tự động tăng lên. Khi chúng ta hành động theo những gì là cốt lõi của tinh thần con người, tâm hồn hồn ta sẽ tự nhiên cảm thấy hạnh phúc.

Hãy dành thời gian mỗi ngày để làm đầy bản thân bằng sự bình an và lòng biết ơn…

Tôi nghĩ rằng rất đáng để chúng ta dành thời gian làm tràn đầy bản thân bằng tình yêu thương và cảm nhận bình yên mỗi ngày. Có thể chỉ cần kết thúc một ngày, bạn trò chuyện cùng người bạn đời của bạn trong khoảng 2 đến 3 phút. Nghĩ về những điều bạn thích, thể hiện lòng biết ơn ngày hôm đó. Có thể làm tràn đầy bên trong bằng ánh sáng của tình yêu thương theo cách riêng của bạn, khi bạn chúc những người thân yêu ngủ ngon. Lòng biết ơn giúp chúng ta “neo đậu” trong sự thanh thản, yêu thương và sự mạnh mẽ vốn có.

Bạn có thể thử nghiệm bằng cách viết xuống một vài điều bạn biết ơn trước khi đi ngủ. Lòng biết ơn làm tăng nhận thức về việc chúng ta may mắn thế nào. Điều gì là quan trọng trong cuộc sống và hạnh phúc của chúng chúng ta. Nhiều cha mẹ mà tôi hỗ trợ, đã chia sẻ rằng, khi họ thực tập lòng biết ơn với các con, chúng trở nên ngoan ngoãn và đáng yêu hơn.

Luôn luôn có ý thức phát huy những suy nghĩ tích cực

Chúng ta đều sống trong tâm trí của chúng ta, cảm nhận và hình dung, có thể cảm thấy bình an hay giận dữ, yêu thương hay sợ hãi, nhưng không khi nào cả hai loại cảm xúc cùng một lúc tồn tại. Đôi khi chúng ta sống với quá khứ hay lo lắng về tương lai. Vậy chúng ta có được bao nhiêu thời gian thật sự hiện diện, tận hưởng bản thân bên con cái hoặc vẻ đẹp của thiên nhiên?

Lấp đầy tâm trí với những rung động của sự bình an, tình yêu thương hay sự mãn nguyện sẽ giúp ta cảm thấy đầy đủ.

Cho phép chúng ta có một vài phút im lặng, bên trong bạn có thể suy nghĩ về một hoặc hai phẩm chất tích cực hay giá trị của bạn, những đức tính mà bạn cảm thấy là một phần thật sự của chính bạn hoặc những đứa trẻ hoặc là đức tính bạn muốn phát triển thêm nữa…

Tạo một suy nghĩ tích cực xung quanh đức tính hoặc giá trị ấy.  Một vài ví dụ về sự khẳng định tích cực, đầy yêu thương như: Tôi là bình an, tôi là một tâm hồn nhân từ, tôi là một tâm hồn yêu thương… Bất cứ khi nào tôi đi lạc hãy chọn một câu suy nghĩ tích cực như là một màn chắn bảo vệ tâm trí của bạn. Có nghĩa là bạn trở về với câu suy nghĩ tích cực đó của bạn bất cứ khi nào bạn cần.

Hãy hiện diện và tận hưởng giây phút hiện tại

Nếu bạn đang suy nghĩ lung tung từ chuyện này sang chuyện khác thì bạn nên bắt đầu bằng cách tập trung vào hơi thở. Từ từ hít vào và từ từ thở ra để những cảm giác trong lồng ngực và bụng của bạn khi chúng phình lên và xuống theo từng nhịp thở. 

Khi chúng ta suy nghĩ chậm lại để bản thân được sống trong hiện tại, chúng ta sẽ cảm nhận được sự hiện hữu của chính mình, tận hưởng được cảm giác về những gì chúng ta đang làm. 

Khi một người có mặt một cách trọn vẹn có nghĩa là người đó nhận biết những gì đang xảy ra và không phán xét. Nhận thức được mọi cảm xúc về tình cảm của chính mình, những cảm xúc vui, tổn thương hay đau buồn mà không kháng cự lại những cảm xúc đó. Cho phép những cảm xúc đau khổ được ôm ấp và chấp nhận để chúng có thể qua đi.

Trong quan hệ với người khác những gì chúng ta cho đi sẽ quay trở lại với chúng ta. Khi bạn thành công trong việc hoàn thành mọi việc bằng phẩm chất tích cực, tự nhiên của bạn thì điều đó sẽ giúp bạn nuôi dưỡng niềm tin vào bản thân và tinh thần lạc quan luôn có.

Đừng so sánh, chấp nhận và trân quý bản thân

Bạn đã cố gắng và làm tốt nhất những gì có thể trong khả năng của bạn. Khi nhìn lại quãng đường đã đi qua, hãy cho phép bản thân mình được cảm thấy hài lòng, tin tưởng. Đâu đó, còn một vài điều bạn muốn làm tốt hơn, hay làm khác đi, thời gian sẽ cho bạn cơ hội để trở thành phiên bản mà bạn mong đợi.

Dành thời gian ở bên gia đình

Tôi hy vọng bạn sẽ suy ngẫm về những gì bạn cần làm ít hơn hoặc nhiều hơn trong gia đình và trong cuộc sống của bạn. Nếu cuộc sống của bạn quá bận rộn hãy xem những gì cần ưu tiên, trẻ con lớn rất nhanh, những năm thơ ấu của con là rất quý giá, các con cần thời gian ở bên bạn, nhận tình yêu thương và sự bảo vệ của bạn, sự hướng dẫn của bạn, được cười và chơi đùa cùng bạn. Hãy suy ngẫm về việc làm sao để tận hưởng thời gian bên con mỗi ngày. Bên cạnh thời gian gia đình cùng nhau đi mua sắm và làm công việc nhà bạn vẫn cần dành riêng ra thời gian ở bên nhau để lắng nghe, chơi đùa hay là một nghi thức chúc ngủ ngon của gia đình bạn.

Hãy tắt điện thoại di động, iPad và các trò chơi video và dành ra ít nhất 2, 3 hoặc 4 giờ vào buổi tối để bản thân có thời gian vui vẻ cùng các thành viên trong gia đình. Có thể ăn tối hoặc ăn sáng ăn trưa cùng nhau, tắt tivi khi cả nhà cùng nhau ăn,thư giãn và kể về một ngày của mình.

Nếu tình yêu thương trở nên khô cạn, hãy khơi lại dòng suối yêu thương…

Tất cả chúng ta ai cũng có những lúc khó chịu, khi chúng ta mệt mỏi hoặc cảm thấy mình không có giá trị, không được yêu thương. Đôi khi vợ/ chồng, con của chúng ta hoặc những người khác trong cuộc sống của chúng ta trở nên gắt gỏng.

Bạn có thể tạo ra một dòng chảy của tình yêu thương bằng một trong những cách trên đây. Hoặc bạn có thể sáng tạo những cách khác mà bạn thích. Bạn có thể đứng đối diện với vợ/chồng hoặc con và nhẹ nhàng nói: "Đến giờ trao yêu thương rồi" và trao cho người đó những cái ôm hôn đặc biệt hoặc hỏi người đó điều mà họ yêu thích, để bù đắp.

Hãy tin tưởng vào hành trình của chính mình và tôn trọng vào tiến trình của bạn, cũng như những người thân bên bạn!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top