Bộ Tài chính đang lấy ý kiến cho dự thảo nghị định của Chính phủ về gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023 - một chính sách được cộng đồng doanh nghiệp mong chờ và đánh giá rất cao sự đồng hành, hỗ trợ tích cực của Chính phủ giúp doanh nghiệp sớm phục hồi và phát triển. Đây là ý kiến trao đổi của TS. Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội với phóng viên.
PV: Trong năm 2022, có rất nhiều chính sách hỗ trợ về thuế, phí giúp cho doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế. Theo ông, các chính sách này đã thể hiện rõ hiệu quả hay chưa?
TS. Mạc Quốc Anh: Sau đại dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo đà cho tăng trưởng và GDP năm 2022 đã tăng 8,02%. Có thể nói, chính sách giãn, giảm thuế, phí trong năm qua đã đi đúng hướng và là động lực chính để cộng đồng doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh trong điều kiện vẫn còn nhiều khó khăn do tác động kéo dài của dịch bệnh.
Từ những thuận lợi đó, doanh nghiệp đã có điều kiện cơ cấu lại tổ chức sản xuất, giảm chi phí nguyên vật liệu, tăng năng suất lao động. Chính sách thuế luôn gắn liền với hoạt động của doanh nghiệp, do vậy đã hỗ trợ kinh tế phục hồi ổn định, sản xuất kinh doanh và đời sống người lao động được hỗ trợ hiệu quả, giúp giảm một phần khó khăn cho người lao động sau dịch Covid-19.
PV: Để tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong năm 2023, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất Chính phủ gia hạn tiền nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023, với tổng giá trị dự kiến hơn 100 nghìn tỷ đồng. Ông đánh giá thế nào về động thái này của Bộ Tài chính?
TS. Mạc Quốc Anh: Ngày 31/1/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 01/2023/QĐ-TTg về việc giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Chúng tôi ghi nhận sự vào cuộc của Bộ Tài chính là rất tích cực và kịp thời, đã đề xuất Chính phủ ban hành quyết định trên, nhằm tháo gỡ một phần khó khăn cho doanh nghiệp. Đồng thời, do lãi suất tăng cao, doanh nghiệp đã bị tăng chi phí vì lãi suất tăng, chính sách này ra đời đã hỗ trợ một phần tiền vốn doanh nghiệp không phải vay để phục vụ sản xuất kinh doanh.
Cùng với đó, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo nghị định của Chính phủ về gia hạn một số sắc thuế và tiền thuê đất đang được cộng đồng doanh nghiệp rất phấn khởi và mong đợi chính sách này sớm được ban hành.
Tôi cho rằng, chính sách này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có thêm nguồn tài chính, ước tính khoảng hơn 100 nghìn tỷ đồng để giải quyết các khó khăn, phục vụ sản xuất kinh doanh trong thời gian trước mắt, từ đó có thể ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh về lâu dài.
PV: Theo ông, trong bối cảnh năm nay nhiều tổ chức quốc tế nhận định nền kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn và Việt Nam cũng không ngoại lệ, chính sách này cần sớm được triển khai thực hiện?
TS. Mạc Quốc Anh: Năm 2022 là một năm đầy khó khăn với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, Chính phủ đã có những giải pháp cụ thể, kịp thời, giúp cộng đồng doanh nghiệp từng bước vượt qua khó khăn, thách thức và trụ vững trước những biến động của thị trường thế giới cũng như thị trường nội địa. Sự đồng hành và quan tâm sát sao của Chính phủ sẽ vẫn là trợ lực quan trọng giúp doanh nghiệp có thể vượt qua những khó khăn, hoàn thành các kế hoạch kinh doanh .
Năm 2023, Chính phủ đã ban hành Quyết định 01/2023/QĐ-TTg, tới đây tiếp tục chính sách gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất. Việc tiếp tục các giải pháp về thuế là động lực hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp đẩy mạnh và phát triển sản xuất kinh doanh.
Chính sách hỗ trợ thuế, phí đi nhanh vào thực tiễn, có hiệu ứng cao
TS. Mạc Quốc Anh cho rằng, đầu năm 2022, khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15, Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP, cộng đồng doanh nghiệp đặt rất nhiều kỳ vọng. Thực tế, sau một năm triển khai, kỳ vọng và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp được thể hiện rõ giai đoạn vừa qua như số vốn đăng ký, số doanh nghiệp thành lập mới, sự trở lại hoạt động, tốc độ tăng trưởng ấn tượng của nhiều ngành chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch. Điều này cũng cho chúng ta một kinh nghiệm rằng, những chính sách hỗ trợ như miễn giảm, giãn nộp thuế, phí đi được nhanh vào thực tiễn, có hiệu ứng cao, công bằng với mọi đối tượng, chi phí triển khai thực hiện thấp.
Bên cạnh đó, việc tiêu thụ hàng hóa ở lĩnh vực xuất khẩu được dự báo giảm ở một số thị trường, nhất là ngành dệt may và đồ gỗ. Do vậy, tình hình chung là doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều khó khăn, cần sự hỗ trợ sớm ngay từ đầu năm của Chính phủ và các bộ, ban ngành.
PV: Từ kinh nghiệm xây dựng và ban hành chính sách những năm trước, để việc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nhanh và hiệu quả, cần lưu ý điều gì, thưa ông?
TS. Mạc Quốc Anh: Những lưu ý khi ban hành chính sách theo tôi là nhanh, kịp thời, đơn giản, dễ áp dụng triển khai, doanh nghiệp dễ hiểu và dễ tiếp cận; tuyên truyền hướng dẫn sâu rộng trong cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Để từ đó, chính sách thực sự đi vào cuộc sống, có hiệu quả khi ban hành. Đồng thời, chúng ta cần rà soát đánh giá hiệu lực của chính sách sau khi ban hành, qua đó bổ sung, điều chỉnh kịp thời khi có đề xuất kiến nghị từ doanh nghiệp.
PV: Xin cảm ơn ông!