Aa

Giá nhà ở xã hội tăng, người nghèo không tìm được lối thoát

Chủ Nhật, 06/11/2022 - 06:09

Nhà ở xã hội vốn là phân khúc có mức giá rẻ nhất trên thị trường, tuy nhiên do nguồn cung hạn chế nên giá đã bị đẩy lên cao, nhiều người chấp nhận xuống tiền vì không còn lựa chọn tốt hơn.

Giá tăng, áp lực đến người mua nhà

Theo khảo sát của Batdongsan.com.vn, giá nhà ở xã hội tại Hà Nội đã tăng mạnh trong biên độ thời gian từ 3 đến 5 năm. Đơn cử, dự án nhà ở xã hội ở Kiến Hưng, nhiều năm trước, thời điểm mở bán có mức giá chỉ khoảng 14 triệu đồng/m² thì hiện tại, giá bán đều ngoài 20 triệu đồng/m².

Cách đây khoảng 5 năm, dự án nhà ở xã hội The Vesta Phú Lãm có giá khoảng 15 triệu đồng/m² thì hiện nay, giá giao dịch trung bình đạt khoảng 22-27 triệu đồng/m². Dự án nhà ở xã hội IEC Residences Tứ Hiệp giá cũng tăng từ 16-17 triệu đồng/m² lên mức 23-27 triệu đồng/m². Nhà ở xã hội Rice City Linh Đàm cũng tăng từ 13-15 triệu đồng/m², lên mức 28-30 triệu đồng/m². Ngay đến cả chung cư Đại Thanh, từ mức giá mở bán hơn 10 triệu đồng/m², dù chịu nhiều điều tiếng về vấn đề chất lượng nhưng giá hiện tại cũng đã ngoài 20 triệu đồng/m².

Chia sẻ với PV, vợ chồng chị Nguyễn Thị Ngọc Lan, hiện đang thuê trọ gần khu công nghiệp Thạch Thất - Hà Nội ngán ngẩm khi giá nhà ở xã hội tăng một cách chóng mặt.

“Hết giá nhà ở chung cư tăng giờ giá nhà ở xã hội cũng tăng theo. Hơn một tháng nay, vợ chồng tôi chóng mặt khi liên tục nhận thông báo giá căn hộ nhà ở xã hội tại dự án mà 2 vợ chồng đang đăng ký mua tiếp tục tăng lên. Trong khi tài chính của vợ chồng gom góp 2 năm nay chỉ vỏn vẹn 900 triệu đồng. Vợ chồng tôi cũng tính vay thêm để mua, nhưng tình hình giá cứ leo thang mỗi ngày như thế này thì khả năng phải vay nhiều mới có thể mua được hoặc sẽ tiếp tục thuê nhà”, chị Lan nói.

Một trường hợp khác, chị Đỗ Thị Hoa đang ở tại phố Mễ Trì Thượng, Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết, gia đình chị vừa mua lại một căn hộ thuộc dự án nhà ở xã hội Rice City Linh Đàm với giá 29 triệu đồng/m².

“Cách đây vài tháng, gia đình tôi có đi tham khảo qua nhiều dự án nhà ở xã hội để tìm mua căn hộ, giá bán khi đó không cao như bây giờ chỉ giao động khoảng 15-16 triệu đồng/m² nhưng do thời điểm đó chủ căn hộ hiện tại chưa bán. Đến nay, chủ căn hộ chuyển sang Mỹ định cư nên đã bán lại cho gia đình tôi nhưng giá đã cao hơn trước. Gia đình tôi quyết định mua vì không còn lựa chọn nào khác, nếu mua nhà ở thương mại thì giá còn cao hơn nhiều”, chị Hoa chia sẻ.

Giá tăng là điều tất yếu để tương ứng chất lượng

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, người mua nhà cũng nên thay đổi tư duy về nhà ở xã hội thì phải có giá thật rẻ và thay vào đó hãy nghĩ chất lượng nhà ở xã hội ngày càng phải tốt hơn, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống của những người có thu nhập thấp. 

“Chúng ta thấy hiện nay có rất nhiều dự án tái định cư đang xuống cấp trong khi vừa mới xây dựng và đưa vào hoạt động. Vì vậy, nếu người dân vẫn tiếp tục tư duy giá rẻ thì luôn luôn nhận được những căn nhà chất lượng kém, chưa ở bao lâu thì xuống cấp. Cho nên giá nhà tăng để tương ứng với chất lượng là điều phải chấp nhận và người dân nên chọn phương án mua trả góp vì đây là phát triển tất yếu”, ông Thanh chia sẻ.

Ngoài ra ông Thanh còn nhấn mạnh, nhà ở xã hội là phân khúc dành cho những người có nhu cầu ở thật và họ luôn mong có cơ hội để được mua. Mặc dù hiện nay đã có nhiều dự án đang triển khai nhưng từ nay đến năm 2023 nguồn cung vẫn thấp và chưa cải thiện được nhiều so với nhu cầu thật.

Đồng quan điểm, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Lê Thành cũng cho rằng, giá nhà đã tăng cao và sẽ không có câu chuyện quay lại xuống giá. Giá nhà ở xã hội tăng cao có rất nhiều nguyên nhân như: giá vật liệu xây dựng tăng; giá nhân công tăng; lạm phát tăng,… Đặc biệt là do thủ tục pháp lý khi doanh nghiệp xin phê duyệt xây dựng dự án quá rắc rối và phức tạp, cho nên thời gian xin thủ tục càng lâu thì giá nhà càng tăng cao. Vì doanh nghiệp bỏ ra hàng tỷ để mua đất để nằm không chờ xin thủ tục, dẫn đến không có dự án mới và kéo theo nguồn cung không có cho nên giá tăng là hiển nhiên.

“Vấn đề cần quan tâm là hiện nay lương của người Việt Nam đang rất thấp mà giá nhà tăng cao sẽ ảnh hưởng đến những người công nhân, người có nhu cầu thật, việc sở hữu nhà đối với họ sẽ càng trở nên khó khăn hơn và gần như không đủ khả năng để mua. Cho nên, chúng ta phải tìm giải pháp khác để an cư cho họ. Ví dụ như: xây nhà cho công nhân thuê, không phải ai cũng phải mua nhà mà tuỳ trường hợp. Còn đối tượng nào đủ khả năng thì chúng ta sẽ xây dựng nhà cho họ mua. Vì vậy, chúng ta nên chia ra nhiều phân khúc về nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp”, ông Nghĩa chia sẻ.

Thực trạng thiếu nguồn cung nhà ở xã hội hiện nay là vấn đề nhức nhối đối với xã hội trong việc đảm bảo an sinh xã hội của người dân. Còn nhiều vướng mắc cần phải tháo gỡ để cùng Chính phủ và các doanh nghiệp thực hiện đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội (đến năm 2030). Trong phiên chấn vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị tại Quốc hội, Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) đã đặt câu hỏi: "Mục tiêu của nhà ở xã hội là hướng đến người có thu nhập thấp và giải quyết nhà ở giá rẻ là điểm mấu chốt về vấn đề nhà ở cho công nhân và người lao động; xem ra mục tiêu này khó thực hiện khi giá nhà ở xã hội đang ở mức rất cao so với thu nhập của người lao động. Một số số liệu cho thấy giá trung bình ở mức trên 15 triệu đồng/mét vuông, có nơi từ 21- 25 triệu đồng/mét vuông. Đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân của thực trạng này; có thể đưa giá nhà ở xã hội trở về phù hợp với khả năng của công nhân, người lao động có thu nhập thấp hay không; nếu được thì giải pháp nào và trong thời gian bao lâu?".

Chỉ ra nguyên nhân giá nhà ở xã hội đang ở mức quá cao so với thu nhập thực tế của đối tượng được sở hữu, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, do nguồn cung còn hạn chế, chưa đảm bảo được so với nhu cầu lớn của người dân thu nhập thấp ở đô thị và công nhân khu công nghiệp; quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội còn rất hạn chế; nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội chưa được đảm bảo, chính sách ưu đãi, khuyến khích chưa thật sự thu hút.

Việc khả thi tổ chức thực hiện trong quy trình thủ tục còn nhiều phức tạp dẫn đến nguồn cung chưa đảm bảo và giá nhà ở xã hội tăng cao so với thu nhập người dân. Trong thời gian tới với các giải pháp đồng bộ về sửa đổi điều chỉnh pháp luật để thu hút phát triển nhà ở xã hội tăng thêm cải thiện nguồn cung cũng như chính sách ưu đãi trong phát triển nhà ở xã hội đặc biệt là thực hiện đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội mà Bộ Xây dựng đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt. Với tổng thể những chính sách đó sẽ đảm bảo giá nhà ở xã hội phù hợp hơn với thu nhập của người dân có thu nhập thấp ở đô thị và công nhân trong khu công nghiệp.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top