Trong đó, tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư tăng 1,53%; nhà ở riêng lẻ tăng 2,24%; đất nền cho xây dựng nhà ở tăng 2,85%. Tại TP. HCM, căn hộ chung cư tăng 2,48%; nhà ở riêng lẻ tăng 2%; đất nền cho xây dựng nhà ở tăng 3,6%.
Chưa phù hợp nhu cầu thị trường
Báo cáo thị trường bất động sản quý I/2022 của CBRE cũng cho thấy tại Hà Nội, giá bán trên thị trường sơ cấp trong quý I trung bình ở mức 1.655 USD/m2 (chưa bao gồm VAT và phí bảo trì), tăng 13% theo năm và 4% theo quý.
Còn trên thị trường thứ cấp, giá bán nhà trung bình đạt 1.278 USD/m2, tăng 9% so với cùng kỳ 2021. Đây cũng là mức tăng cao nhất trong 5 năm qua do nguồn cung mới hạn chế, đặc biệt là khu vực nằm trong đường vành đai 3.
Tại các quận trung tâm như Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa, giá nhà thuộc phân khúc cao cấp có mức tăng giá cao hơn trung bình thị trường, ở ngưỡng 10% theo năm.
Tương tự, theo số liệu thị trường của Batdongsan.com.vn, mặt bằng giá chung cư bình dân trong năm 2021 đã tăng trưởng 8%, giá chung cư cao cấp tăng 5%.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh áp lực lạm phát tăng cao, việc giá nhà tăng là điều tất yếu của thị trường. Song, điều đáng ngại là giá nhà tiếp tục tăng sẽ ngày càng xa tầm với của người dân. Cơ cấu bất động sản không hợp lý dẫn đến tình trạng thừa nhà cao cấp, thiếu nhà bình dân trầm trọng.
Trước đó, báo cáo thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII về lĩnh vực xây dựng, lãnh đạo Bộ Xây dựng từng thừa nhận nguồn cung bất động sản, đặc biệt là nhà ở tại 2 thị trường chính là Hà Nội và TP.HCM vẫn chưa phù hợp nhu cầu thị trường. Trong khi báo cáo năm 2021 của Bộ cũng cho thấy giá bán sơ cấp căn hộ tại Hà Nội tăng liên tiếp hơn 10 quý.
Việc giá nhà tăng được đánh giá sẽ gây hệ quả nghiêm trọng với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, tình trạng "lệch pha" khiến thị trường bất động sản phát triển thiếu cân đối, thiếu bền vững.
Với thực trạng hiện nay, để kéo giảm giá nhà là rất khó, nhà ở xã hội thì nguồn cung nhỏ giọt, hàng loạt dự án đắp chiếu khiến giấc mơ an cư ngày càng xa vời.
Giải pháp nào để kìm giá nhà?
Theo ông Châu, thực tế việc tăng giá bán còn đến từ nguyên nhân thủ tục đầu tư kéo dài quá lâu, buộc chủ đầu tư phải tăng chi phí để đảm bảo lợi nhuận. Lãnh đạo HoREA cho biết, nếu dự án nhà ở thương mại được triển khai thực hiện suôn sẻ trong ba năm, thì chi phí quản lý doanh nghiệp thường chiếm khoảng 5%/giá thành.
Ngoài ra, giá thành của một dự án còn bao gồm những chi phí “không tên” thường được các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại tính vào trong khoản chi phí dự phòng.
Hiệp hội cho rằng cần có quy trình chuẩn về đầu tư xây dựng, rút ngắn thời gian làm thủ tục hành chính. Đồng thời cần sớm triển khai đề án phát triển nhà ở thương mại giá thấp với các cơ chế, chính sách ưu đãi về tiền sử dụng đất, thuế, tín dụng, để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư các dự án nhà ở thương mại có mức giá căn hộ không quá 20 triệu đồng/m2 ở các tỉnh và không quá 22-25 triệu đồng/m2 ở các đô thị loại I, đô thị đặc biệt.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, nội hàm thị trường vẫn đang rất tốt nên cách giải quyết “bong bóng” bất động sản là tháo gỡ các rào cản quy định pháp luật để thị trường có thêm nhiều nguồn cung.
Song, trao đổi với phóng viên, TS. Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng khó để kìm giá nhà bởi khi tỷ lệ lạm phát có xu hướng tăng do những bất ổn về chiến tranh, kinh tế - chính trị thế giới, nguồn tài chính đầu tư vào bất động sản được xem là một phương án giúp bảo toàn dòng vốn trước rủi ro. Mặt khác, trong lịch sử việc giá nhà giảm trên toàn bộ thị trường chỉ xảy ra khi có chiến tranh hay suy thoái kinh tế như giai đoạn 2008 – 2011./.