Ổ bánh mì đã tăng giá. Cọng hành, mớ rau đã tăng giá. Đến ly trà đá cũng tăng từ 3 lên 5 ngàn. Rồi cái gì cũng sẽ tăng. Nói một cách hình ảnh: “Giá tăng đã “leo lên” ngồi chễm chệ trên bàn ăn mỗi gia đình rồi”.
Ngoặc kép là lời ông Lê Quang Hậu, một chủ cơ sở chả sạch ở TP.HCM được báo Thanh Niên trích dẫn. Và đây là những ví dụ “sát sườn” từ ngoài chợ, từ cuộc sống, từ thực tế: Bột ngọt Ajinomoto đã tăng 3.000 đồng/kg từ tuần trước và sáng qua tăng tiếp 2.000 đồng/kg. Tổng cộng hai lần tăng hơn 10%. Giá thịt bán lẻ đã rục rịch tăng. Tại chợ Thái Bình (Q.1, TP.HCM), giá thịt nạc thăn tăng từ 85.000 đồng lên 90.000 đồng/kg, thịt ba chỉ tăng 15.000 đồng/kg...
Rồi ổ bánh mì cũng tăng giá, rồi cọng hành, mớ rau cũng tăng giá. Rồi đến ly trà đá vỉa hè cũng tăng giá.
Chủ một cơ sở sản xuất nhỏ thôi cũng nhìn thấy ngay rằng: Giá điện đã “giáng đòn” quá nặng lên DN sản xuất nay thêm giá xăng tăng vọt khiến nhà sản xuất không thể không tăng giá bán.
Một người bán trà đá vỉa hè thôi cũng biết rằng “trà không có cánh để bay, còn đá (lạnh) thì không thể nhặt ngoài đường”.
Có lẽ, không thừa nếu nhắc lại rằng sau khi giá điện tăng 8,36%, giá tăng liên tiếp tăng 2 lần trong chỉ 3 tuần khiến cả người dân cũng như doanh nghiệp “sây sẩm mặt mày” khi chúng không chỉ là 2 loại hàng hóa mà là “đầu vào” của hàng trăm ngành kinh tế, của cả nền kinh tế.
Những cú tăng giá “ngoài chợ” bao hàm hai mặt của giá. Một, kiểu “té giá theo xăng”- xuất phát từ tâm lý tăng giá, một kiểu tăng giá Nhà nước không có cách gì điểu chỉnh. Nhưng thật ra, giá ổ bánh, mớ rau, ly trà ấy đang ghi nhận sức ép khủng khiếp mà các DN, lực lượng sản xuất ra của cải vật chất đang phải chịu đựng.
Theo Hiệp hội vận tải, xăng dầu chiếm từ ít nhất 30-40% giá thành vận tải, xăng dầu tăng giá khiến giá cước vận tải tăng theo không có gì phải bàn cãi, nhưng việc giá xăng tăng liên tục với kiểu “3 tuần 2 lần tăng giá” thì DN có thuê giáo sư toán cũng không có cách gì điều chỉnh, có cách gì chạy theo cho kịp.
Chưa kể yêu cầu bắt buộc là các DN vận tải hành khách muốn điều chỉnh giá cước phải làm đơn, giải trình, xin ý kiến cơ quan chức năng xét duyệt.
2.000 đồng tăng thêm mỗi cốc trà đá hay 3.000 đồng tăng thêm cho một phần ăn sáng của công nhân có thể chỉ là tiền lẻ. Nhưng những “cái “giá ngoài chợ” hôm nay đang chỉ là những tín hiệu đầu tiên cho việc tăng giá “kéo theo” khi các DN buộc phải “điều chỉnh”, chỉ là những tín hiệu đầu tiên cho một cuộc sống khó hơn, chật vật hơn. Nhưng tỉ trọng % tăng thêm từ vài ngàn tưởng như là tiền lẻ ấy cũng cho thấy mức độ ảnh hưởng không giống như sự lạc quan trên giấy.