TS. Nguyễn Minh Thảo: "Xuất hiện tâm lý không dám thực hiện các thủ tục nếu các luật chưa đồng bộ"

TS. Nguyễn Minh Thảo: "Xuất hiện tâm lý không dám thực hiện các thủ tục nếu các luật chưa đồng bộ"

Hà Thương (Thực hiện)
Hà Thương (Thực hiện) ngthuongreatimes@gmail.com
Thứ Năm, 14/09/2023 - 06:00

Trong cuộc trò chuyện với Reatimes mới đây, TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện CIEM) đã thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân sâu xa của việc thực thi chính sách kém hiệu quả. Đó là do các văn bản pháp lý chưa đủ rõ ràng, minh bạch, chưa có sự thống nhất.

Kèm theo đó, việc thanh, kiểm tra quá mức, tính quy trách nhiệm quá lớn làm tăng thêm nhiều lo ngại về sự rủi ro trong hoạt động thực thi của chính quyền. Chính vì vậy mà phần lớn cán bộ thời gian qua không dám thực thi, mang nặng tâm lý sợ trách nhiệm. 

******

Giữa văn bản và hành động thực tiễn chưa có sự song hành với nhau

PV: 8 tháng đầu năm 2023, lượng doanh nghiệp bất động sản giải thể tiếp tục tăng (trên 30% so với cùng kỳ năm trước), trong khi đó, số doanh nghiệp thành lập mới lại giảm mạnh (khoảng 61,4%) và nhiều tháng liền dẫn đầu về sự sụt giảm số lượng doanh nghiệp thành lập mới. Có lẽ, chưa bao giờ doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn như hiện nay, thưa bà?

TS. Nguyễn Minh ThảoTheo xu hướng của các năm, số doanh nghiệp thành lập mới của năm sau thường lớn hơn năm trước. Tuy nhiên đối với 8 tháng đầu năm 2023, xu hướng này đã hoàn toàn bị đảo ngược do số doanh nghiệp thành lập mới sụt giảm mạnh.

Bên cạnh đó, nhìn vào số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, rút lui khỏi thị trường thì 8 tháng đầu 2023 cũng đi ngược so với các năm khi số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, rút lui khỏi thị trường tăng cao hơn.

Với riêng lĩnh vực bất động sản, các doanh nghiệp đang có xu hướng chững lại để chờ đợi tín hiệu của thị trường và những tín hiệu mới về mặt chính sách nên số vốn đăng ký thành lập mới cũng giảm đáng kể, trong khi số doanh nghiệp giải thể tăng cao. 

Điều này cho thấy, sức khoẻ của cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp bất động sản nói riêng đang vô cùng suy yếu. Thậm chí, các doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại còn yếu hơn cả giai đoạn chịu ảnh hưởng đại dịch Covid-19. Bởi nhìn các số liệu của doanh nghiệp trong giai đoạn Covid-19 thì bức tranh cũng không nặng nề như 8 tháng đầu năm nay. 

Sức khoẻ của cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp bất động sản nói riêng đang vô cùng suy yếu. (Ảnh: Vietnamnet)

Trên thực tế, trước phông nền chung suy trầm, ảm đạm hiện nay, Chính phủ đã nỗ lực rất lớn trong việc thực hiện các chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, thị trường bất động sản hồi phục như đẩy mạnh đầu tư công, hạ lãi suất, hay mới đây là ban hành Thông tư 10 của Ngân hàng Nhà nước ngừng một số quy định “thắt chặt” về điều kiện vay vốn của Thông tư 06…

Tuy nhiên, trong chừng mực nào đó, việc đẩy mạnh đầu tư công mới chỉ đang hỗ trợ lĩnh vực xây dựng cải thiện chút ít, còn bất động sản thì chưa. Với việc hạ lãi suất, dù lãi vay đã được giảm dần và gần tiệm cận thời điểm giữa năm 2022, nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn tín dụng, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp thấp. Do đó, nhìn nhận tổng thể thì thị trường cũng như các doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa có nhiều chuyển biến rõ nét, các khó khăn vẫn còn hiện hữu. 

PV: Theo bà, tại sao trong hơn nửa năm qua, Chính phủ lại liên tiếp có những chỉ đạo điều hành dành riêng cho lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là vấn đề tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp? Và bà đánh giá như thế nào về tác động chính sách đối với sự phục hồi của thị trường và doanh nghiệp bất động sản cho đến thời điểm này?

TS. Nguyễn Minh ThảoChính phủ liên tiếp có những chỉ đạo quan tâm hơn đến thị trường bất động sản có lẽ là do vai trò của thị trường bất động sản trong sự tăng trưởng của nền kinh tế quá lớn. 

Theo nghiên cứu của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, lĩnh vực bất động sản có khả năng lan tỏa đến trên 40 ngành kinh tế quan trọng khác của nền kinh tế, nhất là những ngành liên quan trực tiếp như: Xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo, du lịch, lưu trú - ăn uống… Khi nhu cầu sử dụng cuối cùng của ngành bất động sản mở rộng, tăng 1 tỷ đồng sẽ kích thích giá trị sản xuất của các ngành còn lại là 0,772 tỷ đồng và lan tỏa tới giá trị tăng thêm là 0,191 tỷ đồng…

Trường hợp giá trị sản xuất của nhóm ngành bất động sản thay đổi giảm 10%: GDP sẽ giảm 1,247%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chịu ảnh hưởng mạnh nhất, giảm tới 0,861%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản giảm 0,366%; du lịch giảm 0,352%; dịch vụ khác giảm 0,348%…

Ngoài ra, bất động sản còn là lĩnh vực có mối quan hệ rất chặt chẽ với ngành ngân hàng. Sự biến động của thị trường bất động sản sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống các ngân hàng. 

"Theo số liệu mới được công bố của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 7/2023, vốn tín dụng cho nền kinh tế chỉ đạt khoảng 12,4 triệu tỷ đồng, tăng 4,56% so với đầu năm. Riêng tháng 7, tăng trưởng tín dụng “cài số lùi” so với tháng 6 và chưa bằng một nửa tốc độ tăng trưởng cùng kỳ năm 2022 (9,54%)".

TS. Nguyễn Minh Thảo 

Theo số liệu mới được công bố của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 7/2023, vốn tín dụng cho nền kinh tế chỉ đạt khoảng 12,4 triệu tỷ đồng, tăng 4,56% so với đầu năm. Riêng tháng 7, tăng trưởng tín dụng “cài số lùi” so với tháng 6 và chưa bằng một nửa tốc độ tăng trưởng cùng kỳ năm 2022 (9,54%). 

Điều này cho thấy, cùng với sự khó khăn của thị trường bất động sản, nguồn tín dụng trong các ngân hàng cũng không được lưu thông. Và khi nguồn tín dụng không được lưu thông sẽ không tạo ra động lực tăng trưởng cho nền kinh tế. Bởi vì tiền phải đẻ ra tiền, tiền phải được lưu thông, còn khi tiền không được lưu thông thì các hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ bị tắc nghẽn.

Đó là lý do trong hơn nửa năm qua, Chính phủ liên tiếp có những chỉ đạo điều hành dành riêng cho lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là vấn đề tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. 

Đối với mức độ thẩm thấu của chính sách, thời gian qua Chính phủ đã rà soát các cơ sở pháp lý, cụ thể là rà soát các văn bản pháp lý để nhận diện rõ ràng những bất cập của thể chế, xem xét các vấn đề đang khó khăn ở đâu, cản trở đến quá trình đầu tư phát triển dự án bất động sản như thế nào để có kế hoạch sửa đổi. Đến thời điểm hiện tại, dù chưa có văn bản cụ thể nhưng đã có những đề xuất tạo kỳ vọng thể chế sẽ được hoàn thiện trong thời gian tới. 

Tuy nhiên, đánh giá khách quan thì mức độ thẩm thấu của chính sách vẫn còn quá yếu, giữa văn bản và hành động thực tiễn chưa có sự song hành với nhau nên thị trường bất động sản nói chung và các doanh nghiệp nói riêng vẫn chưa thoát khỏi những khó khăn. 

Pháp lý không rõ ràng, thống nhất là “gốc rễ” của việc thực thi chính sách kém hiệu quả

PV: Chung sức, đồng lòng phục hồi, phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững là thông điệp mà Chính phủ nhấn mạnh nhiều lần tại các hội nghị về bất động sản với các bộ, ngành, địa phương... Theo bà, đâu là yếu tố quyết định để thực thi chính sách hiệu quả theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ? 

TS. Nguyễn Minh ThảoTôi cho rằng, yếu tố quyết định ở đây là sự nỗ lực phối hợp từ đa phía, đa lĩnh vực để gia tăng mức độ thẩm thấu của chính sách.

Khi nói về khó khăn của lĩnh vực bất động sản thì phải nhìn nhận một cách thẳng thắn khó khăn ở đây là gì? Khó khăn ở điểm nghẽn pháp lý nào? Khó khăn ở thực thi pháp lý ra sao? Khó khăn về cơ chế vốn như thế nào? 

Khi nhận diện được các khó khăn từ nhiều phía thì đòi hỏi cải cách muốn thực hiện cũng phải đến từ nhiều khía cạnh. Nếu khơi thông điểm nghẽn này nhưng điểm nghẽn khác không thông thì vô hình trung, điểm khơi thông đó không đem lại hiệu quả. Vì vậy, để ngành bất động sản nói riêng và các ngành khác nói chung tháo gỡ được hoàn toàn khó khăn thì cần phải có các giải pháp đồng bộ.

Ở đây, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo hỗ trợ thị trường bất động sản về cơ chế pháp lý, có cả những cơ chế về nguồn vốn đối với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, chúng ta cần phải có sự phối hợp hơn nữa giữa các bộ, ban ngành thực thi và giữa các chính sách được ban hành với nhau. 

Với điểm nghẽn về vốn, bên cạnh vốn tín dụng thì trái phiếu doanh nghiệp cũng cần được quan tâm và có nhiều hơn các chỉ đạo để tháo gỡ. Bởi trái phiếu doanh nghiệp mới là kênh huy động có thể cung cấp được nguồn vốn lớn và dài hạn, đúng với đặc thù của ngành bất động sản. Tuy nhiên, với các cơ chế đang đóng cứng như hiện nay thì trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa phát huy hết vai trò của mình, mặt khác tạo thêm nhiều khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản trong việc huy động vốn. Trong khi không phải trái phiếu bất động sản nào cũng xấu.

Do vậy, cần khơi thông kênh huy động trái phiếu doanh nghiệp, cần có sự đánh giá rủi ro và công khai minh bạch các trái phiếu doanh nghiệp để khách hàng có quyền lựa chọn. Tất nhiên sự công khai minh bạch thông tin đó cần phải có sự giám sát của cơ quan nhà nước. 

Với điểm nghẽn về pháp lý, bên cạnh hoàn thiện các luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản, cũng cần có các giải pháp trước mắt về tháo gỡ thủ tục đầu tư. Hiện nay, để thực hiện đầu tư một dự án bất động sản doanh nghiệp phải trải qua rất nhiều bước, mất rất nhiều thời gian và thực hiện rất khó khăn. Nếu một nhà đầu tư thông thường nhìn vào “rừng thủ tục” như vậy, từ thủ tục này đến thủ tục khác thì tâm lý của họ khi tham gia vào thị trường đầu tư bất động sản sẽ rất ái ngại, thận trọng.

Trước đây, nếu các quy định pháp luật có nhiều rắc rối thì đâu đó còn có sự linh hoạt trong việc thực thi. Có nghĩa là doanh nghiệp có thể chỉ đáp ứng điều kiện của luật này nhưng chưa hoàn toàn phù hợp với luật khác thì vẫn được cơ quan thực thi hỗ trợ. Tuy nhiên, trong khoảng 1 năm trở lại đây, cơ quan thực thi xuất hiện tâm lý lo ngại khi không dám thực hiện các thủ tục nếu không được quy định đồng bộ giữa các luật. Điều này đã tạo ra tắc nghẽn rất nhiều thủ tục đầu tư, đặc biệt là các thủ tục liên quan đến bất động sản. Trong bối cảnh như vậy, cần phải đồng bộ giữa các thủ tục pháp lý, giữa các văn bản pháp lý, đơn giản hóa các thủ tục pháp lý để cơ quan thực thi dễ dàng thực hiện.

Ngoài ra, ở Việt Nam hiện nay đang có một thực tế là mỗi bộ, ngành sẽ có những cách thức quản lý riêng đối với lĩnh vực của mình mà không có sự phối hợp để tạo ra sự thống nhất. Đây được gọi là tính cát cứ trong và tính này đang gây ra không ít khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục. 

PV: Năng lực cán bộ và tâm lý sợ trách nhiệm dường như vẫn đang là chốt chặn trong việc thực thi chính sách. Làm sao để khơi thông được điểm nghẽn này, thưa bà?

TS. Nguyễn Minh ThảoMột trong những nguyên nhân dẫn đến việc thực thi chính sách kém hiệu quả là do năng lực cán bộ thấp, mang nặng tâm lý sợ sai, né tránh trách nhiệm. Tuy nhiên theo nhìn nhận của tôi, ở vấn đề này còn có nhiều nguyên nhân khác. Đó là hệ thống văn bản pháp lý của mình chưa đủ rõ ràng, tạo ra nhiều cách hiểu khác nhau. Và khi văn bản pháp lý tạo ra nhiều cách hiểu khác nhau sẽ khiến tâm lý của cán bộ thực thi sợ sai khi thực hiện. 

Do đó, nguyên nhân của vấn đề này không hoàn toàn đến từ năng lực của cán bộ, bởi trong nhiều trường hợp cán bộ nhận thức được rằng, dự án A hay dự án B là tốt nhưng với bối cảnh pháp lý chồng chéo thì khó để cán bộ có thể hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện đầu tư.


Ngoài ra, việc thanh tra, kiểm tra quá mức và tính quy trách nhiệm quá lớn đang tăng thêm những lo ngại về sự rủi ro trong hoạt động thực thi của chính quyền. Khi đó, họ thường có xu hướng xin ý kiến tất cả các cấp nhưng có cấp trả lời, có cấp không trả lời, có cấp lại trả lời căn cứ theo văn bản trong khi các văn bản hiện nay đều chưa rõ ràng. Điều này khiến các hồ sơ của doanh nghiệp bị lưu không biết bao giờ có thể giải quyết.  

Vì vậy, ngoài việc nhìn vào năng lực của cán bộ thì đâu đó phải nhìn vào gốc rễ của vấn đề là các văn bản pháp lý của mình chưa đủ rõ ràng, chưa đủ minh bạch và chưa có sự thống nhất.

Do đó, giải pháp đầu tiên cần thực hiện để nâng cao hiệu quả thực thi của cán bộ là pháp lý phải rõ ràng, dễ hiểu, hiểu phải thống nhất, tránh có nhiều cách hiểu khác nhau.  

Thứ hai, cần giám sát việc thực thi tốt hơn. Trong nhiều trường hợp văn bản pháp lý rõ ràng nhưng cán bộ cố tình gây khó. 

Thứ ba, cần giải tỏa tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm của đa phần cán bộ thực thi hiện nay. Trong thời gian tới, Chính phủ cần có những biện pháp để bảo vệ cán bộ khi họ thực thi các trách nhiệm công vụ vì lợi ích chung. Bởi hiện nay, việc sửa văn bản pháp lý không thể nhanh do nhiều văn bản nằm ở hệ thống luật nên cần thiết phải có các cơ chế để bảo vệ cán bộ dám thực thi công vụ vì lợi ích chung.

Cải cách môi trường kinh doanh để nâng cao thu hút đầu tư

PV: Xin bà nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thể chế đối với một lĩnh vực đặc thù như bất động sản?

TS. Nguyễn Minh Thảo: Không chỉ Việt Nam mà tất cả các nước, môi trường kinh doanh luôn là yếu tố quan trọng. Bởi cải cách môi trường kinh doanh không phải là cải cách cần nhiều nguồn lực như tài khoá hay tiền tệ nhưng kết quả đem lại về mặt kinh tế trong dài hạn là rất lớn. Đâu đó, các chính sách tài khóa, tiền tệ có thể hỗ trợ doanh nghiệp trong ngắn hạn còn cải cách môi trường kinh doanh sẽ tạo được động lực cho doanh nghiệp phát triển trong dài hạn, tạo được điều kiện cho sự sáng tạo của doanh nghiệp. 

Vì vậy trên thế giới, Chính phủ các nước luôn cố gắng tạo ra một môi trường kinh doanh tốt, hấp dẫn nhằm thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước phát triển những lĩnh vực mà Chính phủ chú trọng.

Với lĩnh vực bất động sản, môi trường kinh doanh cũng là một trong những yếu tố then chốt quyết định nhà đầu tư có tham gia đầu tư hay không. Mà môi trường kinh doanh ở đây chính là thể chế pháp lý, thể chế thực thi.

Cải cách môi trường kinh doanh để nâng cao thu hút đầu tư. (Ảnh: Vietnamnet)

Để cải cách môi trường kinh doanh lĩnh vực bất động sản hiện nay, tôi cho rằng cần rà soát lại toàn bộ các bất cập pháp lý để có hướng tháo gỡ, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp được đầu tư kinh doanh thuận lợi. Làm sao phải tạo được môi trường kinh doanh vừa giảm chi phí đầu tư, vừa giảm thời gian thực hiện các thủ tục mà các cơ chế ưu đãi vẫn rộng mở. 

Đồng thời cũng cần có cơ chế khuyến khích những sáng tạo mới trong ngành. So với thời kỳ trước đây thì hiện nay chúng ta đã có nhiều mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực bất động sản. Với những mô hình như vậy cần phải có cơ chế để được thí điểm áp dụng. Chỉ khi môi trường kinh doanh hấp dẫn thì mới nâng cao được khả năng thu hút đầu tư kinh doanh. 

PV: Ngoài việc cải cách thể chế, để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, còn cần giải pháp gì, thưa bà?

TS. Nguyễn Minh ThảoCó lẽ điều còn lại sẽ nằm ở bản thân các doanh nghiệp. Bởi thương trường là chiến trường, cạnh tranh phải dựa trên chính năng lực của mình thì mới bền lâu. 

Do đó, bên cạnh sự đồng hành hỗ trợ của Chính phủ, sự hợp tác của các cơ quan nhà nước để đem lại một môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn thì bản thân nội tại của doanh nghiệp cũng cần được cải thiện hơn. Đó là cải thiện về năng lực kinh doanh, sản phẩm kinh doanh, dịch vụ kinh doanh…

PV: Trân trọng cảm ơn!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top