Aa

Giá thép tiếp tục giảm, có loại giảm đến 1 triệu đồng mỗi tấn

Thứ Năm, 19/05/2022 - 14:00

Nhiều doanh nghiệp thép trong nước đồng loạt hạ giá bán sản phẩm kể từ ngày 17/5. Đây là lần điều chỉnh giảm giá bán thứ hai liên tiếp trong vòng 1 tuần trở lại đây.

Giá thép đã chính thức giảm tiếp khoảng 300.000 - 800.000 đồng mỗi tấn, đưa mặt bằng giá chung của các thương hiệu sản xuất trong nước về dưới 18 triệu đồng.

Đây là lần thứ hai một số doanh nghiệp thép điều chỉnh giảm giá sau đợt dài tăng nóng. Tuy nhiên, hiện giá thép trong nước vẫn còn cao so với giá trung bình ở quý IV/2021.

Thép Việt Nhật điều chỉnh giảm 1,01 triệu đồng/tấn cho thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300.

Trong đợt giảm giá lần này, thép Việt Nhật ghi nhận mức điều chỉnh giảm mạnh nhất với 1,01 triệu đồng/tấn cho loại thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Sau khi giảm, giá hai loại thép trên còn lần lượt là 17,81 triệu đồng/tấn và 17,91 triệu đồng/tấn.

Tương tự với thép Hòa Phát, doanh nghiệp chiếm 32,6% thị phần thép xây dựng toàn quốc trong năm 2021, giảm 800.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 tại thị trường miền Bắc, xuống còn 17,83 triệu đồng/tấn. Mặt hàng thép D10 CB300 giảm 460.000 đồng/tấn xuống còn 18,28 triệu đồng/tấn.

Còn tại miền Nam, giá thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 giảm lần lượt 750.000 đồng/tấn và 510.000 đồng/tấn xuống còn 17,93 triệu đồng/tấn và 18,28 triệu đồng/tấn.

Đây là lần thứ hai liên tiếp các doanh nghiệp thép điều chỉnh giảm giá sau đợt dài tăng nóng.

Với thương hiệu thép Việt Ý, CB240 và D10 CB300 giảm lần lượt 570.000 đồng/tấn và 450.000 đồng/tấn xuống còn 17,98 triệu đồng/tấn và 18,23 triệu đồng/tấn.

Thương hiệu thép Việt Đức cũng điều chỉnh giảm 760.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và giảm 510.000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300. Hiện mức giá của hai sản phẩm này ở mức 17,81 triệu đồng/tấn và 18,37 triệu đồng/tấn.

Thép Kyoei cũng điều chỉnh giảm với các mức 500.000 đồng/tấn và 510.000 đồng/tấn đối với CB240 và D10 CB300. Sau điều chỉnh, giá hai mặt hàng trên là 18,07 triệu đồng/tấn và 18,27 triệu đồng/tấn.

Hiệp hội Thép Việt Nam đánh giá, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp thép trong nước đã đáp ứng đủ nhu cầu cho thị trường nội địa. Nhưng nguồn nguyên liệu trong nước mới đáp ứng một phần nhu cầu sản xuất, 70 - 80% nguyên liệu vẫn phụ thuộc nhập khẩu. Vì thế, giá thép trong nước gần như phụ thuộc vào giá nguyên liệu thế giới.

Mặt hàng thép hiện chiếm khoảng 20 - 30% chi phí xây dựng của các nhà thầu thi công trong mỗi công trình. Theo đó, việc giá thép giảm sẽ giúp các nhà thầu công trình hạ tầng giao thông, đầu tư công hay xây dựng dân dụng công nghiệp đẩy nhanh thi công do bớt áp lực, khó khăn khi giá vật liệu xây dựng tăng cao./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top