Aa

Giá vật liệu tăng “phi mã“, nhà thầu làm cao tốc Bắc - Nam thua lỗ

Thứ Sáu, 11/03/2022 - 16:45

Hàng loạt nhà thầu thi công trên tuyến cao tốc Bắc - Nam đang đứng trước nguy cơ thua lỗ nặng khi giá nguyên vật liệu đầu vào phục vụ thi công tăng chóng mặt so so với giá tại thời điểm bỏ thầu.

Nhiều dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đang gặp khó khăn về nguồn vật liệu đất đắp và giá nguyên vật liệu tăng “phi mã,”nếu không giải quyết kịp thời chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới tiến độ thi công và thời gian hoàn thành.

Nhà thầu thi công dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Gỡ điểm nghẽn thiếu vật liệu xây dựng

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 (giai đoạn 1), hiện nay, trong 11 dự án hiện có một dự án đã hoàn thành (Cao Bồ - Mai Sơn), 7/10 dự án cơ bản đáp ứng tiến độ yêu cầu. Trong đó, 4 dự án gồm Mai Sơn - Quốc lộ 45; Cam Lộ - La Sơn; Dầu Giây - Phan Thiết; Phan Thiết - Vĩnh Hảo phải hoàn thành trong 2022.

Về vật liệu đắp nền đường, báo cáo của Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) cho thấy, hiện còn thiếu hụt khoảng 12,59 triệu m3 đất đắp tại 6 dự án thành phần.

Cụ thể, dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 (địa bàn Ninh Bình) thiếu 0,8 triệu m3; Cam Lộ - La Sơn thiếu 0,37 triệu m3 (gói thầu XL5 và XL6 trên địa bàn Thừa Thiên - Huế); Diễn Châu - Bãi Vọt thiếu 2,92 triệu m3 (địa bàn Nghệ An); Nha Trang - Cam Lâm thiếu 2,6 triệu m3 (địa bàn Khánh Hòa); Cam Lâm - Vĩnh Hảo thiếu 2,3 triệu m3 (tỉnh Ninh Thuận 2 triệu m3 và Bình Thuận 0,3 triệu m3); Vĩnh Hảo - Phan Thiết thiếu 3 triệu m3 (tỉnh Bình Thuận).

Là đơn vị thi công thực hiện gói thầu số 10-XL dài 13,65km đoạn qua tỉnh Ninh Bình thuộc dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45, đại diện Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường cho biết đến nay, giá trị xây lắp đạt gần 60% khối lượng và cơ bản đáp ứng theo tiến độ. Trong số đó, phần đường đang thi công đắp nền trên toàn tuyến, khối lượng đắp đất đạt 1,2/2 triệu m3.

Theo vị đại diện Doanh nghiệp Xuân Trường, dự án do khó khăn không có nguồn vật liệu đất đắp nền do điều kiện đặc thù tất cả các mỏ đất trên địa bàn tỉnh Ninh Bình chỉ khai thác được khoảng 2 - 3m phần đất trên mặt, xuống dưới là đá cứng nên thời gian tới không đáp ứng đủ nhu cầu vật liệu đắp của gói thầu (hiện nay thiếu 0,8 triệu m3).

“Nhà thầu đã chủ động sử dụng vật liệu sẵn có với giá thành cao hơn là đá xay nghiền, chấp nhận lỗ thêm 60 - 80 tỷ đồng thay cho đất đắp, song song với việc tìm kiếm mỏ thay thể để thi công, đảm bảo tiến độ rút ngắn tiến độ 3 tháng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải. Nếu giải quyết được vật liệu thiếu đất trong tháng Ba này, nhà thầu mới hoàn thành công trình, còn lùi sang tháng Tư chắc chắn dự án sẽ chậm tiến độ,” đại diện Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường nhấn mạnh.

Khẳng định các địa phương tích cực tháo gỡ, dự kiến sẽ cơ bản hoàn thành tháo gỡ các vướng mắc về nguồn vật liệu đắp nền đường trong tháng 3/2022, tuy nhiên, lãnh đạo Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông tiếp tục đôn đốc các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án tích cực phối hợp chặt chẽ với địa phương giải quyết các thủ tục liên quan (cấp phép, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đền bù giải phóng mặt bằng, đường vào khai thác...), rà soát khối lượng vật liệu thiếu hụt, chủ động nắm bắt, xác định rõ nguyên nhân một số dự án vẫn báo cáo thiếu vật liệu là do đâu, thiếu ở vị trí nào, khối lượng thiếu cụ thể

“Nếu lý do xuất phát từ việc địa phương cấp phép chưa đủ, Bộ Giao thông Vận tải sẽ kiến nghị cấp có thẩm quyền đôn đốc địa phương tiếp tục thực hiện đúng theo các Nghị quyết 60 và Nghị quyết 133 của Chính phủ đã ban hành,” lãnh đạo Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cho hay.

Nhà thầu càng thi công càng lỗ

Hàng loạt nhà thầu thi công trên tuyến cao tốc Bắc - Nam đang đứng trước nguy cơ thua lỗ nặng khi giá nguyên vật liệu đầu vào phục vụ thi công như đất, thép, xăng dầu, xi măng, nhựa đường… đang tăng từ 20 - 30, vượt xa so với giá tại thời điểm bỏ thầu.

Cụ thể, thời điểm đấu thầu các gói thầu dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây cuối năm 2020, giá xăng từ 15.000 đồng/lít hiện đã lên 26.000 đồng/lít; giá nhựa đường khoảng 11.000 đồng/lít hiện tại đã lên 14.000 - 15.000 đồng/lít; giá thép xây dựng chỉ xấp xỉ 11.000 đồng/kg, nhưng từ 2021 đã tăng vọt lên 18.000 đồng/kg, thậm chí cao điểm tới 20.000 đồng/kg.

Đại diện Ban điều hành gói thầu XL10 thuộc dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 cho hay giá thép vượt 50% so với dự toán, trong khi đó dự án điều chỉnh giá theo chỉ số của tỉnh, chủ yếu dao động bù giá khoảng 5 - 8%. Mức điều chỉnh này không thể giúp nhà thầu bù được giá thực tế.

“Với mức trượt giá này, đa số các nhà thầu thi công trên tuyến cao tốc Bắc - Nam đều đang lỗ nặng, càng thi công càng lỗ. Gói thầu này sử dụng là 5.000 tấn thép, nếu tính theo giá hiện tại nhà thầu sẽ lỗ khoảng 30 - 40 tỷ đồng,” đại diện Ban điều hành gói thầu XL10 ngao ngán nói.

Giá nguyên vật liệu tăng khiến các nhà thầu thi công dự án cao tốc Bắc - Nam đứng trước nguy cơ thua lỗ.
(Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long thừa nhận giá nguyên vật liệu tăng quá cao so với chỉ số giá ký với nhà thầu ban đầu, trong khi giá vật liệu theo thông báo giá của các địa phương đang chậm công bố giá và chỉ số giá vật liệu xây dựng, hoặc công bố nhưng không theo kịp giá thị trường khiến càng nhà thầu gặp nhiều khó khăn.

“Các dự án cao tốc Bắc - Nam áp dụng hình thức hợp đồng đơn giá điều chỉnh theo chỉ số giá, trong hợp đồng cũng đã cộng dự trù trượt giá. Nhưng hơn một năm qua giá nguyên vật liệu các loại tăng quá nhanh, nên phần dự phòng không đủ bù đắp,” ông Roãn cho hay.

Để giảm bớt thiệt hại và hỗ trợ nhà thầu có đủ dòng tiền quay vòng sản xuất, tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công, các nhà thầu thi công dự án cao tốc Bắc - Nam đề xuất, kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép thuê tư vấn xây dựng chỉ số giá riêng cho từng gói thầu.

Trong thời gian chưa lập và phê duyệt chỉ số giá riêng cho dự án, Bộ Giao thông Vận tải cho phép tạm thanh toán điều chỉnh giá theo chỉ số giá của địa phương công bố. Sau khi được phê duyệt điều chỉnh sẽ thanh toán bù trừ để kịp thời bù đắp một phần trượt giá giúp nhà thầu giảm bớt khó khăn.

Trước tình hình giá nguyên vật liệu tăng “phi mã”, trong thời gian qua, các Ban Quản lý dự án đã có văn bản kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải đề xuất Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ cho phép bổ sung điều khoản hoặc thỏa thuận hợp đồng trường hợp được phép điều chỉnh giá như giá cả vật tư tăng, giảm đột biến quá lớn so với phạm vi dự phòng phí của dự án.

Đối với các dự án chưa vượt tổng mức đầu tư, Ban Quản lý dự án đề nghị cho phép sử dụng dự phòng của dự án để điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư, bổ sung dự toán các gói thầu và cho phép điều chỉnh đơn giá hợp đồng do biến động giá thép trong thời gian qua, trường hợp vượt tổng mức đầu tư thì được phép điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án để làm cơ sở thực hiện./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top