Aa

Doanh nghiệp nhà thầu “thoi thóp”, đồng loạt “kêu cứu” trong mùa dịch

Thứ Tư, 25/08/2021 - 06:00

Dịch Covid -19 bùng phát cùng giá VLXD tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp nhà thầu xây dựng rơi vào cảnh “thoi thóp”, khó gắng gượng. Trước thực trạng này, cần thiết tìm ra giải pháp tháo gỡ, vực dậy ngành xây dựng.

LTS:

Thời gian qua, các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản không khỏi bất ngờ trước tình trạng giá vật liệu xây dựng (VLXD) liên tục tăng. Theo Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, giá thép tăng đột biến từ quý IV/2020, và kéo dài trong những tháng đầu năm 2020. Đơn cử, giá thép phi 6 của một doanh nghiệp thép tại thời điểm tháng 10/2020 mới chỉ 12,4 triệu đồng/tấn thì đến nay đã vọt lên 19,4 triệu đồng/tấn, tăng gần 60%. Không chỉ riêng hãng thép này mà tất cả thương hiệu thép cũng đều đồng loạt tăng giá, với mức tăng 40% - 60% so với cuối năm 2020.

Ngoài thép, kim loại màu cũng tăng 20% và những VLXD  khác cũng bước vào chu kỳ tăng giá.

Tình trạng VLXD tăng giá đã ảnh hưởng rất lớn đến thị trường bất động sản, bởi xi măng, cát đá, đặc biệt là sắt thép… là những nguyên liệu chủ chốt cho việc thi công, xây dựng. Thông thường, riêng chi phí mua thép chiếm khoảng 28% chi phí xây dựng một căn chung cư và 35% chi phí xây dựng một căn nhà liền kề.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp bất động sản đang lao đao cầm cự, việc VLXD liên tục tăng giá có thể trở thành cú đánh bồi, gây ra những hệ luỵ nghiêm trọng cho thị trường. Đặc biệt, khi phân khúc nhà ở bình dân dần "biến mất" khỏi thị trường với nguồn cung vô cùng hạn chế, VLXD tăng giá tạo ra áp lực lớn buộc các chủ đầu tư có thể phải tăng giá nhà và thiết lập mặt bằng giá mới tăng cao hơn nữa.

Trên tinh thần nghiên cứu, phản biện, Reatimes khởi đăng tuyến bài "Vật liệu xây dựng "nhảy múa" bất thường và những hệ luỵ đến thị trường bất động sản".

Trân trọng giới thiệu!

Từ đầu năm đến nay, khi các công trình, dự án xây dựng có tiến độ triển khai tốt, nhu cầu vật liệu tăng thì giá thép xây dựng cũng tăng vọt. Mức giá thép hiện tại đã đạt từ 16 đến hơn 18 triệu đồng/tấn tùy loại, cao hơn thời điểm đầu năm khoảng 27% đến 45% so cuối năm 2020. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong tháng 4/2021 vừa qua, giá thép nhiều lần tăng với biên độ ngày càng lớn, đạt mức giá kỷ lục từ 16 đến hơn 18 triệu đồng/tấn tùy loại, cao hơn thời điểm đầu năm khoảng 27% và 45% so cuối năm 2020. Tính đến ngày 6/4, giá phôi thép ở mức 633 USD/tấn, tăng khoảng 30 USD/tấn so thời điểm đầu tháng 3/2021 và tăng hơn 200 USD/tấn so cùng thời điểm năm 2020. Giá thép cuộn cán nóng (HRC) ở mức 795 USD/tấn, tăng 85 USD/tấn so mức giá giao dịch đầu tháng 3/2021. Giá thép tăng vọt nêu trên đã ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng bởi chi phí xây dựng tăng đột biến sẽ làm giảm lợi nhuận, thậm chí nhiều đơn vị lâm vào cảnh thua lỗ.

Không ít doanh nghiệp xây dựng lao đao, đứng trước nguy cơ "vỡ trận", ảnh hưởng lớn đến tiến độ công trình đã và đang thực hiện vì phần lớn hợp đồng ký đơn giá cố định, làm tiếp cũng lỗ, không làm cũng lỗ do phải đền bù.

Doanh nghiệp nhà thầu “sống dở chết dở”

Đó là nhận định của Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) khi được hỏi đến tình hình “sức khoẻ” các doanh nghiệp nhà thầu ngành xây dựng hiện nay. Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch VACC, do ảnh hưởng chung của tình hình dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp nhà thầu xây dựng từ đầu năm 2021 đến nay đang trong tình trạng vô cùng khó khăn. 

Đầu năm 2020 khi dịch bùng phát, các doanh nghiệp còn tiềm lực tài chính để gắng gượng nhưng sang đến năm 2021, cùng nhiều đợt giãn cách xã hội, gần như các doanh nghiệp ngành xây dựng đã “yếu” đi rất nhiều. Dịch bệnh đã đành, ngành xây dựng hiện nay còn chịu thêm “cú đấm bồi” từ giá VLXD tăng cao, đặc biệt là giá thép. 

Chủ tịch VACC
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam.

“Đến thời điểm hiện tại, giá vật liệu đã chững lại và có giảm 5% nhưng nhìn chung vẫn cao hơn so với cuối năm 2020 khoảng trên 10%. Đây là mức giá không hề thấp trong bối cảnh khó khăn như hiện tại, ảnh hưởng rất lớn đến ngành xây dựng nói riêng và thị trường bất động sản nói chung. Kể cả trong trường hợp, các dự án xây dựng được phép triển khai trong mùa dịch thì nhà thầu cũng phải chịu gánh nặng khủng khiếp khi phải chi trả một khoản chi phí lớn cho nguồn vật liệu mà đến nay vẫn chưa tìm ra được giải pháp tháo gỡ”, ông Hiệp nhấn mạnh.

Để hiểu rõ hơn về lời chia sẻ của vị Chủ tịch VACC cũng như tình hình các doanh nghiệp nhà thầu xây dựng ở thời điểm hiện tại, PV Reatimes đã ghi nhân những chia sẻ từ phía doanh nghiệp.

Ông Hoàng Công Đoàn – Chủ tịch Sông Thao Group giãi bày: “Hiện tại doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng khá nhiều do dịch bệnh Covid-19. Khi các doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp đầu tư bị tác động bởi dịch sẽ tạo hiệu ứng dây chuyền ảnh hưởng đến doanh nghiệp xây dựng và ngược lại. Đặc biệt, doanh nghiệp của chúng tôi chuyên về xây dựng các công trình cho doanh nghiệp FDI. Vì vậy khi dịch đến, xã hội giãn cách, thông thương phong toả, nước ngoài không vào được Việt Nam để đầu tư thì doanh nghiệp xây dựng như chúng tôi sẽ không có dự án để hợp tác triển khai”. 

Vị Chủ tịch Sông Thao Group cũng chia sẻ thêm: “Giá VLXD hiện đang leo thang 1 cách chóng mặt đã gây ra nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp nói chung và với bản thân Sông Thao nói riêng. 

Hiện giá vật liệu đang tăng từ 30 - 40%. Với sự tăng giá nhanh chóng, nếu những công trình cho phép thay đổi biên độ giá theo thời gian như Nhà nước quy định thì không sao, nhưng hầu hết các công trình đều chốt giá từ lúc đầu và không cho phép thay đổi giá trong quá trình thi công, vì vậy, nhà thầu sẽ là đối tượng thiệt hại nặng nề nhất. Nếu có chế độ nâng giá thì cũng mất nhiều thời gian chờ đợi theo quyết định, trình chỗ này chỗ kia mới lấy được số tiền bị chênh. Thậm chí có nhiều doanh nghiệp còn không được thanh toán ngay tại thời điểm hiện tại mà phải thi công xong công trình mới hoàn lại tiền. Như vậy, doanh nghiệp sẽ lỗ nặng do phải chịu áp lực lãi vay ngân hàng”.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Minh Hải – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Lam Sơn, bày tỏ: “Giá vật liệu tăng cao, trong khi nhu cầu trong nước có phần giảm do dịch bệnh đang khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn về chi phí lãi vay và tiến độ công trình bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Điều này khiến cả nhà nước (đầu tư công) và doanh nghiệp đều chịu thiệt thòi.

Cũng theo ông Hải: “Đối với đầu tư công, nếu công trình nhỏ và trung bình có thời gian đầu tư 12 tháng trở xuống thì trong hợp đồng ký kết xây dựng sẽ không có mục điều chỉnh giá. Một số công trình trọng điểm, quy mô lớn thì trong hợp đồng xây dựng sẽ có phần điều chỉnh giá. Tuy nhiên, việc quyết toán cho phần điều chỉnh này cũng mất thời gian khá lâu. 

Còn đối với đầu tư tư nhân, hầu như đơn vị thầu đều phải chịu chi phí phát sinh nếu giá vật liệu tăng, bởi hợp đồng thi công xây lắp thường trọn gói. Việc này, cơ quan quản lý nhà nước về giá cũng nên xem xét có chính sách điều chỉnh phù hợp để giảm áp lực cho nhà thầu khi giá vật liệu biến động không ngừng”.

Vị Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa nhận định, nếu giá vật liệu tăng, kéo theo giá bất động sản, cụ thể là phân khúc nhà ở sẽ tăng theo: “Ví dụ, giá thép chiếm khoảng 15 % giá thành xây dựng, như vậy nếu giá thép tăng cao, buộc nhà đầu tư phải tăng giá bất động sản nếu không muốn bù lỗ. Trong khi đó, người mua sẽ khó chấp nhận mức giá không phù hợp với túi tiền trong thời điểm này”.

ảnh
Giá thép tăng vọt đã ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng bởi chi phí xây dựng tăng đột biến sẽ làm giảm lợi nhuận. Ảnh minh hoạ

Cũng giống các doanh nghiệp nêu trên, không nằm ngoài sự ảnh hưởng bởi dịch bệnh và giá VLXD tăng cao, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Miền Trung (Miền Trung Group), đơn vị đã và đang triển khai nhiều dự án tầm cỡ quốc gia, trong đó có dự án Cao tốc Bắc – Nam cho biết: “So với năm ngoái, giá VLXD năm nay gần như tăng 30 - 40%. Ví dụ, thời gian trước đất đắp nền lấy từ trong mỏ có giá khoảng 25 - 30 nghìn đồng/khối, nhưng hiện tại giá vật liệu này tăng lên 45 - 55 nghìn đồng/khối. 

Hơn hết, chúng tôi đang thi công một số dự án trọng điểm quốc gia, vẫn phải chấp nhận chịu lỗ vì giá VLXD tăng cao, trong khi công trình không thể trì hoãn được vì tiến độ thi công đã cam kết trong hợp đồng xây lắp. Trong hợp đồng xây lắp có điều chỉnh giá theo chỉ số giá (hệ số cố định) nhưng không thấm vào đâu so với sự biến động đột biến về giá của thị trường. 

Cũng theo ông Thông, trong thời điểm hiện nay, việc tăng giá VLXD ảnh hưởng nghiêm trọng đến “sức khỏe” của doanh nghiệp, đặc biệt là đối với đơn vị xây lắp: “Giá VLXD tăng, trong khi đó, giá dự toán xây lắp (trong đó có giá VLXD) không được điều chỉnh ngay, buộc doanh nghiệp phải bỏ tiền túi thanh toán cho các ông chủ VLXD về sự biến động về giá trị vật liệu xây dựng của thị trường so với giá trong hợp đồng xây lắp”. 

Ông Mai Xuân Thông cũng kiến nghị, Nhà nước có chính sách bình ổn giá VLXD để các doanh nghiệp xây lắp ‘tăng sức đề kháng” chống chọi với dịch bệnh.

Như vậy có thể thấy, tình hình các doanh nghệp nhà thầu xây dựng đang vô cùng khốn đốn ở bối cảnh hiện tại. Đặc biệt, mối quan hệ giữa doanh nghiệp VLXD với nhà thầu xây dựng, doanh nghiệp bất động sản là một chuỗi quan hệ liên kết với nhau, luôn tác động và bổ trợ qua lại cho nhau. Vì vậy, khi vật liệu tăng giá, sẽ tạo nên hiệu ứng domino đòi hỏi chi phí cho công trình xây dựng cũng tăng theo, từ đó giá nhà (BĐS) tất yếu sẽ độn lên cao. Cuối cùng không chỉ các doanh nghiệp mà khách hàng – người mua bất động sản cũng là đối tượng phải gắng chịu nhiều thiệt hại.

Đồng loạt đệ đơn “kêu cứu”, tìm lối thoát cho doanh nghiệp nhà thầu 

Trước bối cảnh những khó khăn mà doanh nghiệp nhà thầu đang gặp phải, mới đây Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam đã đồng loạt nhận được các đơn “kêu cứu” từ phía doanh nghiệp nhà thầu, khẩn thiết nhờ Hiệp hội kiến nghị lên Chính phủ tìm ra các giải pháp cấp bách tháo gỡ.

Cụ thể, theo chia sẻ của Chủ tịch Hiệp hội VACC, đây là lần đầu tiên từ trước tới nay đồng loạt nhận được nhiều đơn “kêu cứu” của các doanh nghiệp đến vậy. “Chưa bao giờ chúng tôi nhận được nhiều công văn từ các doanh nghiệp, nhà thầu lớn, vừa và nhỏ đến như thế. Nói để thấy, những khó khăn mà các doanh nghiệp nhà thầu ngành xây dựng hiện nay đang gặp phải khổ sở đến mức nào. Chẳng ai muốn kêu than mình khổ trong khi mình sướng, chỉ đến khi quá khổ người ta mới phải nói ra để cầu cứu”, ông Hiệp chia sẻ.

“Hiện nay, trong bối cảnh đại dịch khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải “kêu cứu”, tuy nhiên có những ngành đã nhận được ưu tiên, tìm cách tháo gỡ, ví dụ như dệt may. Trong khi đó ngành xây dựng cũng khó khăn không kém với tình trạng “thoi thóp”, “sống dở chết dở” thì chưa thấy một cơ quan nhà nước nào có ý kiến, chỉ đạo cho các doanh nghiệp nên và không nên làm gì cũng như xem xét kiến nghị lên Chính phủ để có những giải pháp tháo gỡ. Phải chăng, xây dựng chưa phải là nghành thiết yếu? Khi ngành xây dựng tê liệt, đứt gãy nền kinh tế không bị hề ảnh hưởng? Vì vậy, trước thực trạng này, Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng phải chủ động đề xuất ý kiến với lãnh đạo Chính phủ, các Bộ ban ngành nhằm đề ra các giải pháp tháo gỡ. Tuy nhiên, từ thời điểm đề xuất đến nay, vẫn chưa có dấu hiệu chuyển biến”, ông Nguyễn Quốc Hiệp chia sẻ thêm.

công văn
Công văn Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam gửi lên Chính phủ ngày 9/8/2021.

Cụ thể, ngày 9/8/2021, VACC đã có công văn gửi lên Chính phủ. Theo đó, nội dung đầu tiên được VACC đề cập là việc đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ xây dựng hướng dẫn việc áp dụng quy định về điều kiện bất khả kháng đối với các hợp đồng giao nhận thầu thực hiện trong thời điểm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Thứ hai là bổ sung các chi phí phòng dịch bắt buộc, các chi phí tạm dừng thi công chờ việc, các chi phí kiểm tra nhanh dịch bệnh cho cán bộ, công nhân… vào chi phí đầu tư xây dựng công trình.

Bên cạnh đó, VACC cũng đề nghị Thủ tướng giao Bộ Xây dựng có quy định hướng dẫn cụ thể về điều kiện để công trình được tiếp tục thi công trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16, công trình nào phải tạm dừng.

Hiệp hội nhà thầu xây dựng xin kiến nghị với Thủ tướng những công trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật, san nền có mặt bằng rất thoáng không bị tập trung đông người hoặc những công trình xây dựng đang ở vào giai đoạn hoàn thiện cuối để bàn giao mà không nằm trong vùng dịch trọng điểm xin đề nghị vẫn cho phép tiếp tục triển khai (nhưng phải áp dụng đầy đủ các biện pháp kiểm tra phòng chống dịch).

Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, các doanh nghiệp xây dựng đều vô cùng khó khăn, VACC kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ một số biện pháp cụ thể: Dừng thu BHXH 6 tháng cuối năm cho tất cả các lao động thời vụ ký hợp đồng lao động từ dưới 6 tháng tại các doanh nghiệp xây dựng.

Về tài chính doanh nghiệp, VACC đề nghị giãn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng từ quý 2/2021 sang đầu năm 2022 (Các khối lượng nghiệm thu hoàn thành đến quý 2/2021 đã xuất hóa đơn nhưng chưa được thanh toán). Giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp thời điểm từ tháng 4/2021 đến tháng 12/2021 cho tất cả các doanh nghiệp xây dựng.

VACC cũng đề xuất các Sở xây dựng địa phương cập nhật kịp thời, chính xác đơn giá các VLXD để áp dụng cho các công trình dùng vốn ngân sách, có được đơn giá chính xác, phù hợp tránh làm thiệt thòi cho các nhà thầu xây dựng.

thép
Giá thép tăng "phi mã" trong năm 2021. Ảnh minh hoạ

Ngoài công văn trình Chính phủ ngày 9/8 nêu trên, trước đó, Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam cũng đã có văn bản số 22/VACC hồi tháng 4/2021, kiến nghị Văn phòng Chính phủ chỉ đạo sớm các Bộ ngành liên quan kiểm tra triệt để nguyên nhân khiến giá thép tăng đột biến. Đồng thời, với các dự án đầu tư bằng vốn đầu tư công, vốn ngân sách, Hiệp hội đề nghị Văn phòng Chính phủ yêu cầu các Sở Xây dựng cập nhật đơn giá thị trường để có cơ sở áp dụng cho các nhà thầu để tránh những tổn thất không đáng có cho các doanh nghiệp khi giá thép liên tục tăng cao.

Hiệp hội nhấn mạnh, các nhà thầu xây dựng đều vấp phải khó khăn, không có cách tháo gỡ do các chủ đầu tư không phải vốn Nhà nước đa số đều sử dụng loại hợp đồng đơn giá cố định không điều chỉnh ở thời điểm ký (trừ trường hợp bất khả kháng). Vì vậy, các nhà thầu phải tự giải quyết sự thâm hụt này còn các dự án đầu tư vốn ngân sách thì lại phải áp dụng đơn giá vật liệu theo thông báo của các sở Xây dựng mà các thông báo này lại không cập nhật biến động giá kịp thời. Thực trạng này sẽ “bào mòn” doanh thu của các doanh nghiệp nhà thầu và ảnh hưởng đến yếu tố sống còn của họ.

Ảnh màn hình
Công văn Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam gửi lên Chính phủ ngày 19/4/2021.

Bài toán xung đột lợi ích, nhà thầu mắc kẹt ở giữa

Vậy, liệu giá thép có đang tăng quá đà một cách bất thường? Và đâu là hướng giải quyết bế tắc cho các doanh nghiệp nhà thầu?

Để hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến giá thép tăng cao trong thời gian qua, đồng thời có cái nhìn khách quan từ hai phía, PV Reatimes đã có cuộc trò chuyện với ông Nghiêm Xuân Đa – Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam.

PV: Từ cuối quý IV năm 2020 đến nay, câu chuyện giá thép tăng đột biến, trong đó một số chủng loại tăng lên đến 30 - 40%, khiến không ít doanh nghiệp nhà thầu lao đao, rơi vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Nguyên nhân là bởi giá thép chiếm khoảng 20% giá trị trong công trình xây dựng nên giá thép tăng khiến giá thành xây dựng tăng cao.
Vậy đến nay tình hình giá thép đang diễn biến ra sao, thưa ông?

Ông Nghiêm Xuân Đa: Sau khoảng thời gian giá thép tăng mạnh từ cuối quý IV năm 2020 thì đến nay, các yếu tố gây nên tăng giá thép đã bắt đầu xuất hiện những điều chỉnh cho sản xuất. Nguyên liệu đầu vào giảm, trong đó giá quặng sắt đã giảm khoảng 30% so với đỉnh.

Giá thép hiện tại đang có chiều hướng đi xuống, còn 20 - 30% so với thời điểm đỉnh ở tháng 4 - 5/2021. Tuy nhiên việc điều chỉnh giá bao giờ cũng có độ trễ về thời gian.

Bên cạnh đó, nhu cầu về thép yếu và bắt đầu giảm sút. Một phần sản lượng rất lớn tập trung ở các nhà máy sản xuất thép phía Nam nhưng khoảng 2, 3 tháng nay, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và phải giãn cách xã hội thời gian dài nên công suất các nhà máy đều giảm, có nơi chỉ sản xuất 30% công suất.

Hiệp hội Thép Việt Nam cũng mới có tổng kết tình hình thị trường thép của tháng 7 và 7 tháng năm 2021. Số liệu tính chung tỷ lệ sản xuất và tiêu thụ thép 7 tháng vẫn tăng, nhưng đó là do còn dư địa tăng mạnh của 6 tháng đầu năm. Còn tính riêng theo từng tháng thì số liệu giảm. Dự báo bắt đầu từ tháng 8 sẽ có sự giảm sút rất lớn. 

Các nhà máy muốn giữ được sản xuất theo chỉ đạo của Chính phủ thì chỉ có nguồn xuất khẩu là tăng. Năm nay, riêng xuất khẩu thép tăng lên khoảng 70% trong 7 tháng. Mà chỉ giữ được xuất khẩu thì mới giữ được ổn định sản xuất từ giờ đến cuối năm. Tình hình tương đối khó khăn.

Mặt bằng giá thép của thế giới hiện nay đang cao hơn của Việt Nam. Trung Quốc thực hiện chính sách hạn chế xuất khẩu và hút hết hàng. Trong khi giá xuất khẩu đang tốt, tháng trước phôi thép xuất khẩu giá khoảng 705 USD/tấn, hiện nay giảm xuống còn khoảng 680 - 690 USD/tấn. Nhưng như vậy tính ra vẫn là khoảng 14 - 15 triệu đồng/tấn. Như vậy thì giá thép trong nước khó giảm được. 

Doanh nghiệp với mục tiêu lợi nhuận, họ luôn hành động theo tín hiệu của thị trường. Vì thế đó cũng là một nghịch lý.

Ông Nghiêm Xuân đa
Ông Nghiêm Xuân Đa – Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam.

PV: Nguyên nhân nào khiến giá thép thời gian qua tăng mạnh như vậy?

Ông Nghiêm Xuân Đa: Về nguyên tắc, theo kinh tế thị trường thì giá là do cung và cầu quyết định. Ở đây về phía cung, giá sẽ liên quan đến chi phí sản xuất, yếu tố sản xuất. Nhà sản xuất phải có nguyên vật liệu, vốn và lao động. Ở đây vấn đề vốn và lao động tạm coi là cố định vì trong một thời gian ngắn, 2 yếu tố này sẽ không thay đổi nhiều; nhưng nguyên liệu thì thay đổi rất lớn.

Nguyên liệu sản xuất thép hiện nay ở nước ta từ quặng sắt, thép phế, than mỡ, điện cực, các loại phero…. phần lớn đều phải nhập. Mà giá nguyên liệu sản xuất ở thị trường thế giới tăng cao. 

Quặng sắt, phôi, cuộn cán nóng giá đều tăng cao, nên giá thép trong nước khó giảm được. Giá quặng sắt so với năm ngoái tăng hơn gấp đôi; thép phế cũng tăng khoảng 50 - 60%, điện cực cũng tăng giá; chỉ có giá than là tương đối ổn định, tăng lên không nhiều lắm… Tất cả các yếu tố đó cộng lại sẽ đẩy chi phí lên cao, mà ta không thể can thiệp quyết định được. Các doanh nghiệp muốn sản xuất được thì họ phải bù đắp chi phí. 

Một yếu tố nữa đó là tắc nghẽn về vấn đề chi phí vận chuyển, tắc nghẽn về nguồn cung ứng. Trước kia, thời gian vận chuyển chỉ mất 2 tuần, nhưng hiện nay kéo dài tới 3 - 4 tuần, kéo theo chi phí cũng bị đội lên. Thời gian chu kỳ mua hàng dài hơn, chi phí tài chính nhiều hơn, phải dự trữ nhiều hơn. 

Chúng tôi chưa hình thành được mô hình chung, mỗi nhà máy lại có cơ cấu chi phí khác nhau nên khó có thể đánh giá được hết. Nhưng nhìn chung chủ yếu là do nguyên liệu tăng giá trên thị trường thế giới.

Còn về phía cầu, nguyên tắc là cầu lớn thì giá tăng. Ở nước ta giai đoạn những tháng đầu năm khi dịch Covid-19 được khống chế tốt, sản xuất trong nước, nhu cầu thị trường bất động sản và các dự án cũng tăng mạnh, dẫn đến cầu nội địa về thép tăng. Còn chưa kể đến cầu quốc tế về xuất khẩu cũng tăng lên. Và rõ ràng là khi cầu tăng, cung lại có những yếu tố hạn chế thì giá thép sẽ tăng.

Đó là những xem xét về mặt kỹ thuật, còn việc kiểm soát thị trường sẽ thuộc vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước.

Việt Nam là láng giềng của Trung Quốc, một thị trường có tầm cỡ lấn át cả thế giới bởi chiếm già nửa tổng lượng thép toàn cầu. Sau đại dịch Covid-19, Trung Quốc đang đà phục hồi kinh tế mạnh mẽ nên chú trọng thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế như đầu tư cơ sở hạ tầng.

Năm 2020, nước này đã nhập 38,56 triệu tấn thép, tăng 150% so với năm trước. Ngoài ra, theo dự báo của Viện Nghiên cứu và Quy hoạch Công nghiệp Luyện kim Trung Quốc, khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi sau dịch Covid-19, nhu cầu thép quốc tế tăng gần 5%, tương ứng 1,83 tỷ tấn vào năm 2021, thì riêng Trung Quốc là 991 triệu tấn, tăng 1%.

Khi Việt Nam chủ yếu nhập nguyên liệu từ đất nước này thì việc họ tăng mình cũng phải tăng, họ hạ mình cũng phải hạ là điều không tránh khỏi, vì mình mua nguyên liệu chính là của họ.

Ông Phạm Chí Cường - Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam

PV: Một số ý kiến đặt nghi vấn về việc liệu có tồn tại câu chuyện thao túng thị trường đẩy giá thép lên cao hay không? 

Ông Nghiêm Xuân Đa: Về vấn đề có hay không tình trạng thao túng thị trường, dưới góc độ quan sát cá nhân, tôi cho rằng không có chuyện các doanh nghiệp thao túng hay găm hàng để tăng giá. Nguyên nhân là bởi mức độ cạnh tranh của ngành thép rất lớn, có hàng chục đơn vị sản xuất, thì sẽ khó xảy ra câu chuyện câu kết để đẩy giá. Bản chất là như vậy.

Ngoài ra, để giảm giá thép, Hiệp hội Thép Việt Nam cũng đã có những kiến nghị để khơi thông. Thứ nhất là làm sao giảm được chi phí cho doanh nghiệp trong khả năng, thông qua các công cụ của cơ quan Nhà nước; 

Thứ hai, vì ngành thép có đặc thù sản phẩm đầu ra của đơn vị này là đầu vào của đơn vị khác, nên Hiệp hội Thép cũng khuyến nghị các đơn vị sản xuất ưu tiên nguồn phôi, nguồn nguyên liệu cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Đó là một chuỗi nên cần ưu tiên thị trường trong nước. 

Cuối tháng 6/2021, Hiệp hội Thép Việt Nam đã có văn bản khuyến nghị các doanh nghiệp thành viên thực hiện một số giải pháp nhằm góp phần bình ổn thị trường trong nước.

VSA khuyến nghị các doanh nghiệp thép tiếp tục phát huy công suất, đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm thép, tổ chức hệ thống phân phối hợp lý để ổn định nguồn cung trong nước, đáp ứng đủ nhu cầu thị trường thép trong nước; thực hiện kê khai, niêm yết giá phù hợp với quy định của pháp luật.

Đồng thời, tăng cường hợp tác phối hợp ưu tiên nguồn nguyên liệu thép thô, thép cuộn cán nóng cho thị trường trong nước, hạn chế xuất khẩu; Tiết giảm chi phí sản xuất, đồng thời bảo đảm giá bán hợp lý để bình ổn giá cả thị trường thép trong nước; Nâng cao năng lực quản lý, cải tiến công nghệ trong sản xuất thép nhằm tiết giảm chi phí sản xuất, đồng thời bảo đảm giá bán hợp lý.

VSA lưu ý các doanh nghiệp cần tăng cường phối hợp và hợp tác; Hạn chế xuất khẩu để ưu tiên nguồn nguyên liệu và bán thành phẩm cho thị trường trong nước.

VSA cũng kiến nghị Cơ quan Nhà nước cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường để phòng ngừa các hiện tượng gian lận thương mại, đầu cơ tích trữ; Khuyến khích xuất khẩu các mặt hàng thép thành phẩm như thép xây dựng, tôn mạ, ống thép, thép cuộn cán nguội; Tiếp tục duy trì các biện pháp phòng vệ thương để bảo vệ sản xuất trong nước và xây dựng chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam...

PV: Ở giai đoạn tất cả các doanh nghiệp đều khó khăn do tác động của dịch bệnh, làm sao có thể cân bằng lợi ích giữa doanh nghiệp VLXD, trong đó có doanh nghiệp thép, với các đơn vị nhà thầu, thưa ông?

Ông Nghiêm Xuân Đa: Về tác động qua lại giữa các doanh nghiệp, đó là yếu tố khách quan. Đối với người làm chính sách, tôi cho rằng cần có một cái nhìn tổng thể các ngành trong một chuỗi liên quan đến nhau như doanh nghiệp vật liệu, doanh nghiệp nhà thầu hay chủ đầu tư.

Đơn cử tôi lấy ví dụ, trước đây, thép là ngành do Nhà nước định giá, sau đó kê khai giá; đến nay thì chỉ còn kê khai giá thôi. Ngành thép hiện nay được tự do hóa cao, mức độ thị trường lớn, giá cả để thị trường quyết định.

Tuy nhiên, lĩnh vực đầu tư công lại bị điều tiết về giá vật liệu, khi thi công công trình vốn ngân sách phải áp dụng theo đơn giá nhà nước. Như vậy, một đầu thả nổi, một đầu bị điều tiết, nhà thầu sẽ bị kẹt ở giữa và gặp khó khăn.

Từ phía Hiệp hội cũng sẽ không thể can thiệp vào quyết định của từng doanh nghiệp. Các nhà máy sản xuất, đơn vị sản xuất phải tuân thủ theo thị trường. Với VLXD, tôi nghĩ rằng không phải chỉ có giá thép tăng, mà tất cả các nguyên vật liệu khác như xi măng, gạch, đá, cát… đều tăng giá. Nó rơi vào chu kỳ tăng giá hàng hóa của cả thế giới.

Vì vậy đây cũng là bài toán nan giải, luôn tồn tại xung đột lợi ích giữa các bên.

PV: Còn "sức khỏe" của doanh nghiệp ngành thép trong bối cảnh hiện nay ra sao?

Ông Nghiêm Xuân Đa: Sức khỏe của doanh nghiệp ngành thép 6 tháng đầu năm 2021 tương đối tốt, tốt hơn so với nhiều năm trước đây. Tuy nhiên dự báo 6 tháng cuối năm sẽ giảm sút. Có điều, có thể các doanh nghiệp đã tích lũy được từ 6 tháng đầu năm, nên mức độ ảnh hưởng có thể không quá lớn. 

PV: Dự báo thị trường thép và giá thép thời gian tới sẽ diễn biến như thế nào, thưa ông?

Ông Nghiêm Xuân Đa: Để có thể đưa ra được những dự báo là rất khó. Tháng 5 khi trao đổi thông tin với báo chí, quan điểm của tôi là giá vẫn ở trạng thái giằng co, chưa có định hướng xu thế rõ ràng. 

Tuy nhiên với những thông tin gần đây, từ những yếu tố đầu vào giảm thì giá trong nước sắp tới có thể sẽ giảm. Thị trường Trung Quốc hiện nay cũng bắt đầu giảm. 

Tuy nhiên như tôi đã trao đổi, có một yếu tố tác động khác, đó là giá xuất khẩu lại tăng cao. Giá xuất khẩu cao sẽ đẩy giá, khó giảm. Doanh nghiệp có thể xuất khẩu thép sang Trung Quốc, các nước Đông Nam Á. Một số doanh nghiệp khỏe còn có thể xuất khẩu các loại sản phẩm sang thị trường Úc, Mỹ, châu Âu. Đó là những động thái nên được nhìn nhận khách quan, thận trọng trong đánh giá. 

Nhưng nhìn chung tôi cho rằng, giá thép sẽ chững lại và có thể có xu hướng giảm, nếu như căn cứ trên mô hình và chi phí giảm. Còn giảm đến mức nào, có giảm được như kỳ vọng của các nhà thầu xây dựng không thì cũng khó có thể nói trước, cần phải tiếp tục quan sát thị trường.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top