Aa

Giấc mơ an cư của người trẻ ngày càng khó

Thứ Tư, 30/10/2019 - 06:00

Với mức thu nhập bình quân đầu người ở TP.HCM hiện khoảng 6.400 USD/năm, phải mất 20 năm tích góp người trẻ mới có thể mua được nhà 1,5 tỷ đồng.

Giá nhà đất liên tục tăng, trong khi thu nhập bình quân của người dân không tăng tương ứng khiến giấc mơ "an cư lạc nghiệp" của nhiều người đã khó càng khó hơn. Ngay cả những bạn trẻ với mức lương vài chục triệu đồng/tháng cũng than khó để sở hữu một căn hộ chứ chưa nói đến chuyện mua đất thành phố để xây nhà.

20 năm mới mua được nhà

Theo khảo sát, hiện trong vòng bán kính 10km từ trung tâm TP.HCM rất hiếm dự án nhà ở có căn hộ giá dưới 1,8 tỷ đồng. Nếu có chỉ là căn hộ cũ hoặc dự án ở xa và đi lại không thuận tiện, tốn thời gian. Còn lại rẻ nhất cũng phải 2,6 - 3 tỷ đồng/căn, cao cấp hơn đi kèm với nhiều tiện ích phải từ 3,5 - 6 tỷ đồng/căn.

Tuy nhiên, để mua được một căn hộ mới ở thời điểm này không dễ bởi thị trường bất động sản TP.HCM từ đầu năm đến nay khan hiếm dự án mới chào bán. Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), nhiều dự án nhà ở bị ách tắc thời gian qua dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung dự án, thiếu nguồn cung sản phẩm, nhất là thiếu loại căn hộ nhà ở thương mại có giá bán vừa túi tiền và nhà ở xã hội. Tình trạng mất cân bằng cung - cầu do nguồn cung quá ít trong lúc nhu cầu quá cao làm cho giá nhà bị đẩy lên cao, dễ xuất hiện tình trạng đầu cơ, đầu tư lướt sóng.

Một dự án nhà ở đang xây dựng trên địa bàn quận 2, TP.HCM Ảnh: Tấn Thạnh

Báo cáo vừa công bố của Công ty Cổ phần DKRA Việt Nam cũng nêu hiện trạng người trẻ gặp khó khăn trong việc mua nhà đến từ hai nguyên nhân chính là nguồn cung nhà ở vừa túi tiền sụt giảm, trong khi đó thu nhập tuy có tăng nhưng không theo kịp mức tăng giá bất động sản hiện tại.

Chỉ trong vòng 5 năm qua, giá phân khúc căn hộ đã tăng 50% - 60%. Giá căn hộ hạng B năm 2015 trung bình khoảng 21 triệu đồng/m2 nay tăng lên 36 triệu đồng/m2. Căn hộ hạng C năm 2015 giá khoảng 16 triệu đồng/m2 nay đã lên 25 triệu đồng/m2. Ở phân khúc đất nền, mức tăng giá trong vòng 5 năm qua đã hơn 100%, có những khu vực tăng hơn 200%.

Trái lại, nguồn cung căn hộ và đất nền vừa túi tiền sụt giảm liên tục. Trong đó, căn hộ hạng C là phân khúc dễ tiếp cận nhất với người trẻ nhưng thị trường ngày càng khan hiếm. Như năm 2016, căn hộ hạng C chiếm xấp xỉ 30%; đến năm 2018 còn khoảng 17%. Cá biệt, trong quý II/2019 không có căn hộ hạng C nào được mở bán.

Báo cáo cũng chỉ rõ với mức thu nhập bình quân đầu người ở TP.HCM hiện khoảng 6.400 USD/năm, phải mất 20 năm tích góp người trẻ mới có thể mua được nhà 1,5 tỷ đồng tại TP.HCM. Giả định mỗi người có sẵn 750 triệu đồng, sau khi trừ đi lãi vay, trả gốc... số tiền còn lại chi tiêu chỉ khoảng 4 - 8 triệu đồng/tháng. Số tiền này quá thấp cho sinh hoạt ở thành phố, chưa kể các phần phát sinh như khi đau ốm, tai nạn... Chưa kể, người trẻ làm sao để có sẵn 750 triệu đồng trước khi mua nhà cũng là bài toán cần tháo gỡ.

Cần chính sách hỗ trợ của nhà nước

Chia sẻ về vấn đề này, ông Ngô Quang Phúc, Tổng Giám đốc Phú Đông Group, đang triển khai nhiều dự án căn hộ ở phân khúc giá trung bình, đề nghị nhà nước cần có chính sách, quy hoạch khu vực riêng để thu hút nhà đầu tư xây dựng nhà ở thuộc phân khúc bình dân cho người dân, đặc biệt là những người trẻ. Theo ông Phúc, nếu cứ để nhu cầu tăng mà cung không đáp ứng chắc chắn giá nhà đất sẽ còn tăng cao, khi đó sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, ảnh hưởng đến cả nền kinh tế.

Ông Phạm Lâm, Tổng Giám đốc DKRA Việt Nam, cho rằng chính sách nhà ở xã hội hiện tại cần có những cải tiến về quy trình, thủ tục, giấy tờ. Đồng thời cần có những cơ chế, chính sách phù hợp nhằm khuyến khích chủ đầu tư tham gia nhiều hơn vào phân khúc này. Đặc biệt, cần xem xét vấn đề quy hoạch và quỹ đất, phải có khu dành cho loại hình nhà ở vừa túi tiền hoặc chương trình nhà ở quốc gia. Bên cạnh đó, tạo cơ chế chính sách trong quản lý hệ thống thông tin về nhà đất minh bạch hơn.

Ngoài ra, để giá bất động sản không còn tăng mạnh, nhất thiết phải đánh thuế vào các căn nhà, đất tiếp theo. Khi đó giá nhà đất sẽ tăng chậm lại hoặc giảm khi nhà đầu tư không còn đổ tiền nhiều vào bất động sản để đầu cơ. Một giải pháp nữa là đánh thuế vào bất động sản bỏ hoang, bởi hiện nay nhiều khu đô thị vùng ven trở thành các khu đô thị bỏ hoang, không người ở.

Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu cho rằng người trẻ phải có thu nhập trên 15 triệu đồng/tháng và phải có ý thức tiết kiệm mới có thể mua nhà thương mại diện tích nhỏ, còn nếu nhà ở xã hội thì có thể dưới 15 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện nay hầu như nhà ở xã hội chỉ đếm trên đầu ngón tay và không phải ai cũng tiếp cận được. Trong khi nguồn cung nhà ở thương mại giá thấp lại khan hiếm, do đó nhà nước cần "cấp cứu" để giải tỏa nguồn cung. Theo ông Châu, nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ tín dụng cho người mua căn hộ đầu tiên cũng như gấp rút đưa ra chính sách phát triển nguồn cung nhà ở thương mại diện tích nhỏ ở các khu vực vùng ven, giáp ranh thành phố để phù hợp nhiều người sống độc thân.

Phải có kế hoạch dài hơi

Chia sẻ việc làm sao để người trẻ có thể sở hữu được nhà, tổng giám đốc một công ty bất động sản đưa ra lời khuyên các bạn trẻ phải tính toán kế hoạch dài hơi và xác định rõ khả năng tài chính; lựa chọn căn nhà phù hợp thu nhập và nhu cầu thực tế; lựa chọn các dự án có chương trình hỗ trợ tài chính như nhà ở xã hội; chuẩn bị tiền có sẵn từ 30% - 50%; kế hoạch vay và trả nợ ngân hàng phù hợp với thu nhập ổn định, gia tăng thu nhập và phân bổ kế hoạch tài chính cá nhân cho hiệu quả và cuối cùng là phải theo dõi biến động của thị trường.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top