Aa

Giấc mơ "thành phố phía Đông"

Thứ Ba, 16/06/2020 - 14:46

Các chuyên gia trong lĩnh vực đô thị khẳng định "thành phố trong thành phố" hay "thành phố phía Đông" là một chủ trương đúng, một định hướng tốt về mặt đô thị của TP.HCM.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong buổi làm việc mới đây đã bày tỏ ủng hộ đề xuất của TP.HCM về khu đô thị sáng tạo phía Đông, một thành phố trong thành phố để “đầu tàu kinh tế” của cả nước có cơ hội đột phá trong tăng trưởng và phát triển.

Nếu đề xuất được chấp thuận Việt Nam sẽ có mô hình “thành phố trực thuộc thành phố” đầu tiên trên cả nước

Ý tưởng thành lập khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông (thành phố phía Đông) được lãnh đạo TP.HCM ấp ủ nhiều năm qua. TP.HCM cũng tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo và cuộc thi ý tưởng quy hoạch quốc tế… để cụ thể hóa các ý tưởng thành bộ khung pháp lý về quy hoạch, xây dựng.

Tại Diễn đàn kinh tế TP.HCM 2018 diễn ra vào cuối tháng 11/2018, lãnh đạo UBND TP.HCM đã nêu ý tưởng xây dựng khu Đông của thành phố trở thành khu đô thị sáng tạo. Đây sẽ là hạt nhân để dẫn đầu và thúc đẩy phát triển kinh tế thành phố và khu vực phía Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Khu đô thị sáng tạo phía đông dựa trên các trụ cột có sẵn là Khu công nghệ cao (quận 9), Đại học Quốc gia TP.HCM (quận Thủ Đức) và Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2).

Ông Diệp Văn Sơn, Nguyên Phó Vụ trưởng Cơ quan Thường trực phía Nam của Bộ Nội vụ từng thừa nhận việc chọn hướng đột phá về Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP để định hướng tổ chức lại đơn vị hành chính TP thuộc TP là phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Nhìn ra thế giới thì việc đề xuất mô hình “thành phố mới” nhằm tăng tốc và đẩy mạnh phát triển một khu vực hay một quốc gia đã được sử dụng từ rất lâu vì đô thị luôn được xem là một động cơ thúc đẩy tăng trưởng và bứt phá kinh tế hữu hiệu.

Tuy nhiên, để các “thành phố mới” này có thể làm tròn nghĩa vụ của mình cần cả một hệ thống chính sách mới được đi kèm với những chiến lược phát triển hay cơ chế quản lý đặc thù được thiết lập riêng, thậm chí chấp nhận sửa đổi cả khung pháp lý nhằm tạo nên một nền tảng riêng biệt cũng như một sự “tự do” nhất định thông qua một số “đặc quyền” mà các thực thể này có được.

Phố Đông Tân Khu là một khu thành thị thuộc phía Tây Thượng Hải và nằm ở vị trí đắc địa của nút giao thông trung tâm vùng duyên hải trung Trung Quốc và cửa sông Trường Giang

Đơn cử, khu Phố Đông - Thượng Hải, cách đây 30 năm chỉ là bãi đất trống, nhà thấp tầng nhưng bây giờ là những tòa nhà chọc trời, quy tụ những doanh nghiệp hàng đầu tại khu trung tâm tài chính Lục Gia Thủy, nằm bên bờ sông Hoàng Phố.

Ông Gao Chengyong, Ủy viên Ủy ban Công nghệ, Cục Phát triển Đô thị Thượng Hải cho biết: "Việc xây dựng sân bay quốc tế Phố Đông đã mang đến những điều kiện thuận lợi để phát triển khu Phố Đông. Trong quá trình phát triển khu phố Đông, vì việc quy hoạch là rất quan trọng, mọi phương diện đều phải được cân nhắc kỹ lưỡng, bao gồm việc quy hoạch giao thông, ứng phó biến đổi khí hậu, và sự phát triển dân số về sau này".

Ngoài ra, với nhiều chính sách thu hút đầu tư đổi mới theo tư duy thị trường như giao quyền quyết định, tự chịu trách nhiệm cho cấp chính quyền địa phương, đẩy mạnh hợp tác công tư, rút gọn thủ tục chấp thuận đầu tư trong và ngoài nước chỉ còn 7 ngày… đã giúp kinh tế khu vực này phát triển nhanh chóng, đóng góp hơn một nửa ngân sách cho thành phố Thượng Hải với con số hàng trăm tỷ USD mỗi năm, giúp Thượng Hải hiện trở thành là 1 trong 5 trung tâm tài chính hàng đầu trên thế giới.

Cũng theo ông Gao Chengyong, ở Phố Đông, chính sách bồi thường thiệt hại, tái định cư và ổn định đời sống dựa vào 2 tiêu chí. Thứ nhất: Tạo chỗ ở cho người dân tốt hơn nơi cũ. Theo đó, công ty khai phát đứng ra bồi thường, giải phóng mặt bằng, không giải tỏa trắng như ở ta mà cố gắng bố trí gần chỗ ở cũ. Dân thấy chỗ ở mới tốt hơn nơi cũ nên hầu hết giao đất để xây dựng Phố Đông.

Thứ hai: Tạo công ăn việc làm để dân có thu nhập sống được. Đối với người trẻ, công ty đào tạo và sắp xếp để tạo việc làm; nếu không còn tuổi lao động sẽ được hưởng chế độ BHXH để có thu nhập ổn định đến cuối đời; nếu đã lớn tuổi nhưng chưa hết tuổi lao động, chính quyền sắp xếp các công việc dịch vụ đô thị hoặc các dịch vụ khác trong khu khai phát để tạo việc làm.

Chuyên gia quy hoạch đô thị Ngô Viết Nam Sơn góp ý TP.HCM có thể tham khảo mô hình vùng đô thị Paris của Pháp. Vùng đô thị Paris của Pháp có quy mô dân số hơn 12 triệu dân, diện tích 17.000km2.

Thủ đô Paris có diện tích không lớn, chỉ 105km2 với dân số khoảng 2,3 triệu người. Nhưng ba tỉnh ráp ranh thuộc vùng đô thị Pari là Seine Saint Denis, Val de Marne và Hauts de Seine, mặc dù là độc lập nhưng phát triển theo hướng chỉ đạo chung của trung tâm thủ đô Paris.

Nếu làm tốt thì thành phố phía Đông của TP.HCM tương lai sẽ giống với khu Hauts de Seine của Paris, là nơi bao gồm khu trung tâm mới cao tầng La Défense với những cao ốc kinh tế - tài chính, hạ tầng hiện đại và thu hút dân cư trí thức có thu nhập cao. Còn khu trung tâm hiện hữu với bề dày lịch sử sẽ được bảo tồn và đẩy mạnh phát triển du lịch.

“Nếu TP.HCM xây dựng được thành phố phía Đông thì trong tương lai, thu nhập của người dân thành phố có thể sẽ gấp đôi hiện tại và đóng góp ngân sách thành phố cho Trung ương cũng gấp đôi”, ông Sơn kỳ vọng.

Thành phố phía Đông dự báo sẽ đóng góp khoảng 30% GDP của TP.HCM, tương đương mức GDP của nhiều tỉnh khác cộng lại và sẽ là nguồn lực tăng trưởng mới của TP.HCM. Dự kiến, thành phố phía Đông sẽ có diện tích tự nhiên 211,5km2, quy mô dân số hơn 1,1 triệu người.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top