Lễ trao giải có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, lãnh đạo các cơ quan báo chí, đặc biệt là sự có mặt của các tác giả đoạt 26 giải thưởng có ý nghĩa.
320 triệu đồng được trao cho 26 giải thưởng
Giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam năm 2023 (dành cho thể loại viết trên báo in và báo điện tử) do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam chỉ đạo, giao Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) tổ chức thực hiện.
Nhà báo Lưu Quang Định - Tổng Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt, Trưởng Ban Tổ chức Giải cho biết, điểm khác biệt lớn nhất của Giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn là giải lần đầu tiên được tổ chức, mang tính bao quát, toàn diện về cả 3 lĩnh vực, đó là: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
"Dù lần đầu tiên được tổ chức, nhưng nhờ sự ủng hộ, giúp sức và tham gia nhiệt tình của các tác giả, các cơ quan báo chí; sự quan tâm, chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam… đến giờ phút này, chúng tôi tự tin là giải đã được tổ chức thành công, chuyên nghiệp" – nhà báo Lưu Quang Định chia sẻ.
Theo thống kê, chỉ sau hơn 7 tháng phát động Giải, đã có 2.769 tác phẩm, trong đó có 1.521 tác phẩm gửi về để đăng tải trên Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt và 1.248 tác phẩm do hơn 100 cơ quan báo chí gửi tham dự. Trong đó, có nhiều đơn vị gửi số lượng tác phẩm tham dự lớn như: Báo Nhân dân với 20 loạt bài tác phẩm, VOV gần 10 loạt bài, tác phẩm, Báo Nghệ An, Báo Hà Tĩnh, Thanh Niên, Tuổi trẻ…
Đánh giá về ý nghĩa của giải, bà Bùi Thị Thơm - Phó Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Giải cho biết: “Giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn là một hoạt động quan trọng của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhằm chào mừng Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam nhiệm kỳ 2023 - 2028. Đây cũng là một hoạt động cụ thể nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Qua đó, tạo sự lan tỏa, đồng thuận tới toàn xã hội về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước”.
Từ hơn 2.700 tác phẩm, qua lựa chọn, đã có 150 tác phẩm tốt nhất, đáp ứng các tiêu chí, điều lệ của giải để lọt vào vòng sơ khảo. Trên cơ sở đó, Ban Sơ khảo đã họp, chấm và chọn ra được 55 tác phẩm, bài tốt nhất lọt vào vòng Chung khảo. Trong số này, có 26 tác phẩm được điểm cao nhất để trao các giải thưởng cao nhất và chuyên đề với tổng số giải thưởng lên đến 320 triệu đồng.
Gia tăng thông điệp góp phần thay đổi nhận thức người nông dân và tư duy phát triển nông nghiệp, nông thôn
Theo đánh giá của Hội đồng giám khảo, là những chuyên gia nông nghiệp, nhà báo uy tín trong lĩnh vực tam nông, các tác phẩm tham dự giải phong phú về số lượng, đa dạng về thể loại, sáng tạo về phong cách trình bày. Các bài viết, tác phẩm trải dài trên nhiều thể loại, từ: Chính luận, phản ánh, phóng sự đến phản biện được đăng tải trên loại hình báo in và báo điện tử. Trong đó, các chủ đề về nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tập thể, xây dựng nông thôn mới, gương nông dân Việt Nam xuất sắc… được nhiều nhà báo, tác giả tập trung viết nhất.
Nhà báo Nguyễn Văn Hoài - Phó Tổng Biên tập Báo NTNN/điện tử Dân Việt, Chủ tịch Hội đồng Chung khảo đánh giá, các tác phẩm tham dự giải có tính thực tiễn cao, mang hơi thở từ cuộc sống hiện tại, phát hiện ra những nhân tố điển hình, những gương chân dung Nông dân Việt Nam xuất sắc. Một số bài viết thấm đẫm tình người, về nghị lực vươn lên của những nông dân thời kỳ mới. Nhiều bài viết thể hiện tính lý luận, chuyên sâu cao để giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn hiện nay.
“Thông qua các bài viết, tác phẩm, loạt chuyên đề đã góp phần làm thay đổi nhận thức của các cấp ủy Đảng, Chính quyền trong việc triển khai mục tiêu "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh"; đồng thời thay đổi tư duy của người nông dân trong thời kỳ mới chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tích hợp đa giá trị. Các bài viết tham dự Giải đã trở thành một hoạt động cụ thể nhằm thực hiện thắng lợi các Nghị quyết số 18, 19, 20-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa XIII qua đó đã tạo sức lan tỏa lớn đến đông đảo dư luận, quần chúng nhân dân cả nước”- nhà báo Nguyễn Văn Hoài nhận xét.
Còn theo giám khảo Nguyễn Thị Hương Lan, Trưởng phòng Nông nghiệp và Biển đảo, Ban Thời sự (VOV1): “Đọc những tác phẩm tham dự giải, tôi thấy khơi gợi lên rất nhiều vấn đề đặt ra cho nông nghiệp, nông thôn nước nhà. Có nhiều tác phẩm không chỉ đưa ra hiện tượng, mà đã đi sâu vào phân tích bản chất, đồng thời đưa ra những giải pháp để khắc phục, thực hiện”.
Đánh giá các tác phẩm tham dự giải, ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và PTNT - thành viên giám khảo nhận xét: "Tôi đọc rất kỹ và thấy cảm động, tâm huyết với 55 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo. Các tác phẩm rất phù hợp với thời điểm này khi cả nước đang bước vào năm thứ 3 thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng về "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh"; thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030; tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 20- NQ/TW về tiếp tục đổi mới và phát triển kinh tế tập thể trong tình hình mới”.
Diễn đàn báo chí chuyên nghiệp, uy tín
Là một trong những tác giả đoạt giải, Nhà báo Lê Hoàng Trà My (báo Phú Thọ) cho biết: “Khi loạt bài Cuộc chiến bảo vệ giun đất của tôi được ghi nhận tại Giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tôi cảm thấy rất tự hào, xúc động, vì những cố gắng của mình đã được ghi nhận, vì sự đồng tình, cùng lên tiếng bảo vệ loài thiên địch làm giàu cho đất này. Giải thưởng cũng sẽ là động lực hơn để tôi cố gắng, tìm tòi những đề tài mới về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”.
Nhà báo Thảo Liên, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) nhìn nhận, "tam nông" là lĩnh vực rộng lớn, có nhiều dư địa để các nhà báo phát huy năng lực của ngòi bút và trên thực tế, các tác phẩm báo chí viết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong những năm qua đã góp phần không nhỏ trong việc lan tỏa các thông điệp nhằm từng bước thay đổi nhận thức của người nông dân, gia tăng sinh kế, hướng tới sự chuyên nghiệp, văn minh hơn; đồng thời thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển theo hướng sinh thái, tích hợp đa giá trị, khơi dậy tiềm năng của nguồn lực đất đai, khí hậu..., qua đó, nâng tầm diện mạo nông thôn Việt Nam, ngày một hiện đại hơn.
"Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là đề tài rất hấp dẫn nhưng không dễ viết, đòi hỏi các tác giả phải kiên trì, nỗ lực và dành nhiều tâm huyết. Việc có một giải báo chí lớn, chuyên nghiệp và uy tín về nông nghiệp, nông dân, nông thôn không chỉ tạo ra động lực và khuyến khích các cây bút tích cực dấn thân và sáng tạo nên những tác phẩm báo chí chất lượng cao, khơi gợi và đưa ra lời giải cho các vấn đề bao trùm từ thực tiễn đến chính sách, lan tỏa những mô hình hiệu quả, những gương điển hình... mà còn nhấn mạnh, đề cao vai trò, tầm quan trọng của thông tin báo chí, truyền thông về một lĩnh vực mang sức mạnh nội sinh và lợi thế cạnh tranh của quốc gia", nhà báo Thảo Liên khẳng định.
Nhà báo Lư Dũng (báo Bạc Liêu) chia sẻ: “Theo tôi, giải cần tiếp tục được tổ chức và mở rộng hơn nữa, với mục tiêu làm thay đổi nhận thức, tư duy của người nông dân, chuyển từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang làm kinh tế nông nghiệp, tạo ra sản phẩm cạnh tranh, giá trị gia tăng cao và hướng đến phát triển bền vững. Đồng thời, hình thành nên những kênh thông tin quan trọng giúp cho Đảng, Chính phủ và các địa phương trong việc xây dựng, ban hành chính sách về "tam nông”.
Nhà báo Hữu Hưng, Báo điện tử VOV (Đài Tiếng nói Việt Nam) đánh giá: “Giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam năm 2023 là sân chơi nghiệp vụ cho anh chị em báo chí chuyên viết về "tam nông" có thể giao lưu, sinh hoạt, qua giải báo chí này sẽ giúp anh, chị em trao dồi kỹ năng, đặc biệt giúp cho các mô hình sản xuất, gương nông dân được tôn vinh, lan tỏa và nhân rộng.Tôi tin rằng với những sân chơi như này bà con sẽ mạnh dạn thay đổi, từ đó lan tỏa và truyền thông tốt hơn nữa trong lĩnh vực "tam nông" trong những năm tới".
Đánh giá về công tác tổ chức giải, ông Trần Thanh Lâm - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, thành viên Ban Chỉ đạo nhấn mạnh: “Việc Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì chỉ đạo tổ chức giải đã tạo ra sân chơi bổ ích, chuyên nghiệp không chỉ cho các nhà báo và còn giành có tất cả những người quan tâm đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nếu không có giải báo chí này thì rất khó để có những bài viết được tôn vinh, rất khó có những tác giả được trân trọng, đề cao trong một lĩnh vực cũng rất quan trọng, sinh động, rộng lớn nhưng cũng rất khó khăn, vất vả".
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đánh giá, Theo ông Lâm, giải diễn ra vào đúng "điểm rơi" quan trọng của nhiều sự kiện đặc biệt ý nghĩa, khi chúng ta đang tích cực thực hiện theo nội dung Văn kiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh"; 2 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và vào đúng thời điểm trước thềm diễn ra Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2023-2028).
Ông Trần Thanh Lâm cũng khẳng định, công tác tổ chức rất bài bản, một cuộc thi "dù lớn, dù nhỏ" nếu có điều lệ, thể lệ, nguyên tắc thì mới bền vững, lâu dài. "Cách làm của Ban Tổ chức rất bài bản, nhất là lần đầu tiên tổ chức nên đây là kinh nghiệm rất lớn, có thêm sự tự tin, kinh nghiệm cho những năm tiếp theo. Việc Trung ương Hội NDVN giao cho Báo NTNN/Báo điện tử Dân Việt tổ chức thực hiện giải báo chí này là quyết định rất phù hợp, sáng suốt, bởi đây là cơ quan báo chí lớn, là tiếng nói, diễn đàn của Hội NDVN và giai cấp nông dân cả nước. Đặc biệt, là tờ báo có vị trí, tiếng nói, kinh nghiệm tổ chức một số cuộc thi"- ông Lâm cho biết.
CƠ CẤU GIẢI THƯỞNG
Giải thưởng Cuộc thi gồm có: Giải Nhất, Giải Nhì, Giải Ba, Khuyến khích và các giải thưởng phụ với cơ cấu cụ thể, gồm:
+ 01 Giải Nhất trị giá: 50.000.000 đồng
+ 02 Giải Nhì trị giá: 30.000.000 đồng, mỗi giải
+ 03 Giải Ba trị giá: 20.000.000 đồng, mỗi giải
+ 10 Giải Khuyến khích trị giá: 10.000.000 đồng, mỗi giải.
+ 10 Giải chuyên đề, trị giá: 5.000.000 đồng, mỗi giải