Tỷ giá trung tâm liên tục giảm
Tỷ giá trung tâm liên tục được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh giảm trong một tuần trở lại đây. Theo đó, tỷ giá trung tâm đã có phiên giảm thứ 4 liên tiếp vào ngày 30/3, với mức giảm 5 VND xuống còn 23.230 VND/USD. Tính chung trong 4 phiên gần đây, tỷ giá trung tâm đã giảm tới 30 VND, tương đương giảm 0,13%. Tuy nhiên so với thời điểm cuối năm 2019, tỷ giá trung tâm vẫn tăng 75 VND, tương đương tăng 0,32%.
Với biên độ +/-3%, hiện giá mua - bán USD được phép dao động trong khoảng từ 22.533 VND/USD (tỷ giá sàn) và 23.927 VND/USD (tỷ giá trần). Sở Giao dịch NHNN cũng lập tức giảm giá bán ra USD về còn 23.650 VND/USD, thấp hơn tỷ giá trần tới 277 VND, trong khi giá mua vào vẫn được giữ ở mức 23.175 VND/USD.
Tỷ giá trung tâm giảm cũng phù hợp với xu hướng điều chỉnh của đồng USD trên thị trường thế giới. Theo đó, sau khi lập đỉnh 3 năm ở mức hơn 103 điểm, chỉ số USD quay đầu giảm liên tục trong bối cảnh FED một mặt tăng cung đồng USD cho các thị trường bên ngoài Mỹ, mặt khác triển khai một gói nới lỏng định lượng bổ sung không giới hạn quy mô để hỗ trợ nền kinh tế; Chính phủ Mỹ cũng ban hành gói cứu trợ với quy mô lên tới 2.200 tỷ USD.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng, xu hướng giảm giá của đồng USD chỉ là tạm thời bởi cuộc khủng hoảng hiện nay là cuộc khủng hoảng liên quan đến vấn đề sức khỏe con người, chứ không xuất phát từ hệ thống tài chính như cuộc khủng hoảng năm 2008 - 2009. Bởi vậy, việc bơm tiền ra để cứu trợ chỉ làm dịu đi phần nào những khó khăn hiện nay, chứ không thể giải quyết tận gốc những khó khăn này. Do đó, vai trò trú ẩn an toàn của USD vẫn được đề cao.
Trên thực tế, USD cũng đã có xu hướng phục hồi nhẹ khi bước vào tuần giao dịch này. Hiện chỉ số đồng USD đã phục hồi khoảng 0,41% lên quanh 98,8 điểm.
Tỷ giá thực vẫn neo cao
Trái ngược với diễn biến của tỷ giá trung tâm, tỷ giá thực (giá mua bán USD của các nhà băng) vẫn có xu hướng tăng nhẹ.
Theo đó, tỷ giá tại các ngân hàng chỉ giảm vào chiều ngày 24/3 sau khi NHNN giảm mạnh giá bán ra đồng bạc xanh như một lời khẳng định cho cam kết trước đó là sẵn sàng bán ngoại tệ với giá thấp hơn để can thiệp ổn định tỷ giá. Các phiên sau đó, giá mua - bán USD của các nhà băng lại tiếp tục xu hướng tăng và hiện đang neo gần sát mức đỉnh thiết lập ngày 24/3.
Cụ thể, hiện giá mua vào USD của các ngân hàng phổ biến trong khoảng 23.520 - 23.540 VND/USD, trong khi giá bán ra phổ phiến trong khoảng 23.700 - 23.720 VND/USD, chỉ thấp hơn khoảng 40 VND so với mức đỉnh ngày 24/3.
Trên thị trường chợ đen, đồng USD giao dịch ở 23.700 - 23.850 VND/USD, giảm 20 VND ở chiều mua nhưng lại tăng 30 VND ở chiều bán so với cuối tuần trước. So với ngày 24/3, giá mua vào USD trên thị trường tự do thấp hơn 150 VND, còn giá bán ra thấp hơn 100 VND.
Lý giải nguyên nhân giá mua - bán đồng bạc xanh của các ngân hàng vẫn neo ở mức cao cho dù tỷ giá trung tâm và cả đồng USD trên thị trường thế giới đều giảm, một chuyên gia cho biết, có thể do một số nguyên nhân.
Thứ nhất, nhu cầu mua USD để thanh toán tiền hàng hóa nhập khẩu của doanh nghiệp thường tăng vào những ngày cuối tháng, cuối quý.
Thứ hai, các nhà đầu tư nước ngoài cũng liên tục bán ròng các tài sản tài chính của Việt Nam. Trong 3 tháng đầu năm nay, ước tính các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng cổ phiếu niêm yết với giá trị khoảng 7.000 tỷ VND và bán ròng trái phiếu chính phủ khoảng 3.000 tỷ VND.
Thứ ba, không loại trừ việc tỷ giá trong nước liên tục tăng mạnh trong trung tuần tháng 3, trong khi lãi suất VND giảm, cộng thêm tâm lý lo ngại dịch bệnh đã thúc đẩy nhu cầu nắm giữ đồng USD trong một bộ phận người dân.
Trong khi đó, nguồn cung ngoại tệ hiện cũng không dồi dào như thời gian trước khi mà dịch bệnh khiến xuất khẩu gặp khó, giải ngân vốn FDI cũng sụt giảm; thu từ du lịch lại càng giảm mạnh hơn… “Cầu tăng, cung không dồi dào, cộng thêm yếu tố tâm lý chính là lý do khiến tỷ giá tăng”, vị chuyên gia trên cho biết.