Giải mã điểm nóng hút dòng tiền của nhà đầu tư thông thái
Hội tụ đầy đủ thế mạnh từ hạ tầng, giao thông kết nối đến quy mô, tiện ích, các đô thị du lịch hứa hẹn không chỉ là điểm đến du lịch, nghỉ dưỡng mà còn mang đến cơ hội kinh doanh chắc thắng, đắc lợi cho các nhà đầu tư.
*****
Phân tích về bức tranh kinh tế vĩ mô Việt Nam ở thời điểm hiện tại, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho hay, kinh tế Việt Nam đang phục hồi nhanh và tương đối ổn định, lạm phát được kiểm soát nhờ vào những nỗ lực của Chính phủ. Việt Nam đang được xem là đi ngược với xu hướng của thế giới khi giữ được mức lạm phát quanh 4% đúng như dự tính.
Đáng chú ý, quý III vừa qua, GDP Việt Nam phục hồi bứt phá ấn tượng, với mức tăng là 13,67%, tính chung 9 tháng đầu năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 - 2023 và đầu tư công được đẩy mạnh. An ninh năng lượng và an ninh lương thực của Việt Nam đang ở mức khá tốt. CPI bình quân 9 tháng đầu năm nay tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước. Về cơ bản, tỷ giá và giá trị tiền đồng Việt Nam giữ ổn định.
Ngân hàng Thế giới (WB) cũng vừa công bố số liệu dự báo tăng trưởng của Việt Nam cho năm 2022 là 7,2%. TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhận định, đây là con số tích cực của kinh tế Việt Nam.
Bên cạnh đó, vấn đề quy hoạch tiếp tục được quan tâm, đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư công được thúc đẩy được coi là một trong ba đột phá chiến lược của nền kinh tế. Pháp lý đã và đang được tháo gỡ (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản đang được nghiên cứu sửa đổi). Ngoài ra, quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, thị hiếu, nhu cầu của khách hàng thay đổi và có sự đa dạng hơn sau dịch Covid-19.
Trong bối cảnh hiện nay, thị trường bất động sản đang “sáng cửa”, tiếp tục xu hướng phát triển và thu hút nhà đầu tư. Điển hình là phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đang nhận được sự quan tâm và có mức độ phục hồi cao nhất.
Đô thị du lịch NovaWorld Ho Tram là tâm điểm trên thị trường bất động sản khu vực phía Nam nhờ sở hữu một loạt các ưu điểm vượt trội, từ lợi thế kết nối liên vùng thuận tiện đến hệ tiện ích đa dạng, đẳng cấp.
Phân tích rõ hơn, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, cùng với đà phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế, sự bùng nổ của du lịch, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng bắt đầu phục hồi, thanh khoản đột biến so với các năm liền kề trước đó và giá cả tăng cao. Ghi nhận từ các đơn vị thành viên của Hội Môi giới Bất động sản cho thấy, 6 tháng đầu năm, mặt bằng giá phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tăng từ 9 - 40%, trong đó tăng mạnh nhất là nhà phố và shophouse với mức tăng 30 - 40%; biệt thự nghỉ dưỡng tăng 11 - 28%; condotel tăng 9 - 15%.
Phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng được nhận định còn nhiều triển vọng để phát triển mạnh mẽ hơn. Các sản phẩm nhà phố, shophouse, shoptel, biệt thự thuộc các dự án ven biển, hướng biển, đô thị du lịch, tổ hợp giải trí - du lịch, dịch vụ, thương mại tại trung tâm các thành phố du lịch biển tiếp tục ghi nhận những tín hiệu khởi sắc ở cả nguồn cung và tỷ lệ tiêu thụ.
Cũng theo ông Đính, giai đoạn năm 2024 - 2025, khi khung pháp lý hoàn thiện, thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng sẽ quay lại chu kỳ tăng trưởng mới, đồng thời trở thành phân khúc quan trọng và chủ chốt của thị trường trong tương lai.
“Đây là ngành xuất khẩu tại chỗ, đem về ngoại tệ ngay trên đất nước chúng ta. Tôi cho rằng bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng sẽ có tiềm năng phát triển rất lớn trong tương lai”, ông Đính nhận định.
Các chuyên gia kinh tế và bất động sản cũng cùng chung nhận định, du lịch là ngành mũi nhọn tạo động lực kéo theo các ngành nghề khác phát triển, góp phần quan trọng trong việc tạo ra lượng lớn công ăn việc làm. Chính vì vậy, lựa chọn đầu tư vào bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, đặc biệt là các đô thị du lịch quy mô và tầm cỡ là lựa chọn bền vững dành cho các nhà đầu tư thông thái.
Với lợi thế về tự nhiên cũng như sự đầu tư bài bản về hạ tầng giao thông, Phan Thiết (Bình Thuận) đang hút nhiều “đại bàng” đến “làm tổ”, nhất là trong phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Kéo theo đó là dòng tiền của nhà đầu tư cũng dịch chuyển về khu vực này.
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh đánh giá: “Cho đến nay hệ thống hạ tầng được coi là một trong những yếu tố quan trọng, là đòn bẩy, là “sợi dây” để phát triển du lịch. Một điểm đến dù có hấp dẫn nhưng giao thông không thuận lợi, kết nối không tốt cũng sẽ rất khó khăn trong việc thu hút khách hàng”.
Theo vị chuyên gia này, sự xuất hiện của “bộ đôi” sân bay Phan Thiết, sân bay Long Thành và tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc gia tăng cơ hội tăng trưởng, phát triển du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội - môi trường nói chung của tỉnh Bình Thuận và các vùng lân cận.
Dự án sân bay quốc tế Long Thành và sân bay Phan Thiết kể từ khi xuất hiện đã làm bật tăng giá trị bất động sản của nhiều khu vực. Khi hoàn thành, sân bay Phan Thiết sẽ là động lực phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Riêng với thị trường du lịch, sân bay Phan Thiết sẽ rút ngắn khoảng cách di chuyển từ các tỉnh miền Bắc nhờ đường bay thẳng. Đồng thời, tăng cường khả năng tiếp cận, mở rộng đối tượng du khách quốc tế.
Đặc biệt, tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết sẽ về đích trong năm nay càng khiến thị trường bất động sản du lịch nơi đây được săn đón. Với việc rút ngắn khoảng cách và thời gian di chuyển từ TP.HCM đến Phan Thiết chỉ còn 2 giờ đồng hồ, Phan Thiết không chỉ hút du khách đến du lịch, nghỉ dưỡng mà còn hấp dẫn lượng lớn cư dân về sinh sống khi lượng người sử dụng xe ô tô cá nhân gia tăng, việc di chuyển trong bán kính 2 - 3 giờ đồng hồ đã trở nên “bình thường”.
Theo đó, các đô thị du lịch tại Phan Thiết nhanh chóng trở thành tâm điểm, “làm mưa làm gió” trên thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Điển hình phải kể đến đô thị du lịch NovaWorld Phan Thiet với quy mô hàng nghìn héc-ta, đa dạng các loại hình sản phẩm như: Biệt thự, nhà ở “home wellness”, shophouse, shoptel, boutique shoptel…
Bên cạnh hệ thống hơn 20 khách sạn, resort 3 - 5 sao hiện đại, đẳng cấp, đại đô thị du lịch NovaWorld Phan Thiet sở hữu hệ tiện ích đẳng cấp quốc tế với hơn 200 tiện ích “khủng” lần đầu xuất hiện: Trung tâm thể thao phức hợp 220ha với cụm sân golf 36 hố theo tiêu chuẩn quốc tế, đủ điều kiện để tổ chức PGA Tour, khu thi đấu thể thao trong nhà, ngoài trời, sân vận động...
Đô thị du lịch NovaWorld Phan Thiet là nơi đáng để sinh sống và phát triển kinh doanh du lịch khi có đầy đủ điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng, tiện ích.
Cùng với đó, công viên biển Miami Bikini quy mô 16ha cung cấp nhiều tiện ích độc đáo hay cụm công viên chủ đề, công viên nước, công viên thiếu nhi, trung tâm giải trí phức hợp trong nhà Arena sức chứa 10.000 chỗ ngồi, trung tâm chăm sóc sức khỏe, thẩm mỹ quốc tế… đưa NovaWorld Phan Thiet trở thành đô thị du lịch quy mô và hiện đại của châu Á, “điểm phải đến” của du khách trên toàn thế giới.
Đánh giá về xu hướng phát triển đô thị du lịch, ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục quản lý Nhà và thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng chia sẻ thêm, nếu bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng phát triển nhỏ lẻ sẽ không có hiệu quả bằng những đô thị du lịch được đầu tư và phát triển đồng bộ. Đô thị du lịch “all - in - one” đã trở thành xu hướng khi nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi, hưởng thụ của người dân hiện nay rất lớn, tiêu chuẩn chất lượng cũng ngày càng cao.
“Tôi cho rằng, đã phát triển khu du lịch nghỉ dưỡng, đặc biệt là các đô thị du lịch thì cần phải có các doanh nghiệp tầm cỡ như Novaland, Vingroup, Sun Group… Các dự án phải đủ lớn như NovaWorld Phan Thiet, NovaWorld Ho Tram để có thể tích hợp đầy đủ cảnh quan, tiện ích và dịch vụ mới hấp dẫn được du khách và gia tăng giá trị bất động sản cho các chủ sở hữu”, ông Hà cho hay.
Cũng theo ông Hà, lợi nhuận của bất động sản đô thị du lịch có thể đến từ nhiều hướng như an cư lâu dài để làm ăn kinh doanh, đầu tư khai thác kinh doanh (kinh doanh dịch vụ, cho thuê…). Đặc biệt, khi hạ tầng được phát triển đồng bộ, giao thông kết nối thuận tiện cùng với hệ sinh thái tiện ích được đầu tư toàn diện, đẳng cấp, các đô thị du lịch sẽ kiến tạo điểm đến hấp dẫn, thu hút lượng khách “khổng lồ” về nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, mua sắm… Từ đó kéo theo sự phát triển của các ngành nghề kinh doanh, dịch vụ phụ trợ, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế toàn diện và bền vững cho cả khu vực. Đó mới là kỳ vọng thực sự của các nhà đầu tư sành sỏi./.