Triển khai chậm, lo giảm hiệu lực, hiệu quả
Ngày 10/3 là thời hạn Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp danh mục dự án dự kiến bố trí Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội của các bộ, ngành, địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.
Có lẽ, đây là khung thời gian không thể trì hoãn thêm được nữa. Bởi lẽ, ngày 31/3/2023 là “deadline” cuối cùng, mà sau thời hạn này, bộ, ngành, địa phương nào chưa kịp thời hoàn thiện thủ tục đầu tư thì sẽ dừng không thực hiện, không phân bổ vốn của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội được nữa.
Báo cáo Chính phủ mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã thông báo toàn bộ số vốn 176.000 tỷ đồng của Chương trình dành cho đầu tư, phát triển. Trong đó, đã giao kế hoạch 147.138 tỷ đồng (83,6%); đã báo cáo và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến phân bổ số vốn 14.710 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn hơn 14.150 tỷ đồng của 50 dự án chờ được hoàn thiện thủ tục để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 31/3/2023. Trong số này, 26 dự án đã được các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện thủ tục đầu tư, với số vốn dự kiến bố trí là 9.428,065 tỷ đồng. Phần còn lại của 24 dự án vẫn đang trong trạng thái chờ đợi.
Theo yêu cầu tại Nghị quyết số 69/2022/QH15 của Quốc hội, số vốn hơn 14.150 tỷ đồng này phải được tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước ngày 31/3/2023. Nếu không kịp thời hoàn thiện thủ tục, thì nguy cơ gây lãng phí nguồn lực là rất lớn, phần vốn này sẽ không được phân bổ tiếp.
Chính vì vậy, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2/2023 mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã đề nghị các bộ, cơ quan, địa phương liên quan cần khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư đối với số vốn hơn 14.150 tỷ đồng nêu trên, tránh trường hợp không được phân bổ tiếp.
Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 95/CĐ-TTg ngày 4/3/2023, yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương: Công an, Quốc phòng; Quảng Ngãi, Điện Biên, Bình Phước, Ninh Thuận, Lạng Sơn, Phú Thọ, Bình Thuận, Đồng Nai, Khánh Hòa, Lào Cai, TP.HCM, Bình Dương khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội đã được Thủ tướng Chính phủ thông báo danh mục và mức vốn. Thời hạn báo cáo, theo chỉ đạo của Chính phủ là ngày 6/3, “không để chậm trễ hơn nữa”.
Nhưng theo thông tin của Báo Đầu tư, đến chiều ngày 8/3, vẫn chưa có đầy đủ phản hồi từ các bộ, ngành, địa phương về chỉ đạo của Chính phủ. Nhiều dự án vẫn chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Trên thực tế, thời gian qua, việc chậm trễ trong triển khai hợp phần đầu tư phát triển trong Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chủ yếu do đề xuất của bộ, ngành, địa phương không sát với thực tế, đặc biệt là ở lĩnh vực y tế, giáo dục.
Tình hình giờ đây đã được cải thiện hơn, với các dự án của ngành y tế. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, vẫn còn tình trạng “vốn chờ dự án”, trong khi chỉ còn khoảng 20 ngày nữa là tới thời hạn 31/3. Nếu không kịp thời hoàn thiện thủ tục đầu tư, nguồn lực quý dành cho Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội sẽ bị bỏ phí, làm giảm hiệu lực, hiệu quả của Chương trình.
Chạy đua với thời gian
Không chỉ là “chạy đua với thời gian” để hoàn thành các thủ tục đầu tư cần thiết, để kịp phân bổ vốn, mà áp lực lớn nhất hiện nay chính là làm sao giải ngân được phần vốn của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội dành cho các chương trình, dự án. 176.000 tỷ đồng của Chương trình dành cho đầu tư, phát triển là một nguồn lực không nhỏ. Chưa kể, còn một ngân khoản lớn của kế hoạch đầu tư công 2023 cũng đang chờ được giải ngân.
Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đã có lần bày tỏ lo lắng, khi số vốn còn nhiều, mà bây giờ mới trình, mới phân bổ, thì việc giải ngân trong năm 2023 là “không khả thi”.
Không chỉ ông Vũ Hồng Thanh lo lắng, mà nhiều lãnh đạo các địa phương cũng lo lắng. Cách đây chưa lâu, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam phải tổ chức một cuộc họp bàn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các dự án thuộc ngành y tế.
Tại cuộc họp này, dù các chủ đầu tư rất quyết tâm hoàn thành dự án đúng hạn, nhưng khi mà thời gian thực hiện Chương trình chỉ còn 10 tháng, thì đã có những câu hỏi được đặt ra, là liệu có thể hoàn tất và giải ngân các dự án này trước 31/12/2023 không? Một số dự án cho đến nay vẫn chỉ đang trong giai đoạn hoàn thiện thủ tục để được phê duyệt.
Sốt ruột trước tiến độ giải ngân các dự án thuộc Chương trình, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 1/2023, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương rà soát, tổng hợp tình hình phân bổ chi tiết, giải ngân nguồn vốn của Chương trình trong kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 của các bộ, cơ quan, địa phương; gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo quy định để tổng hợp, báo cáo Chính phủ tại các phiên họp thường kỳ hằng tháng. Tuy nhiên, Bộ Tài chính chưa báo cáo về số liệu này.
Nguồn lực lớn, trong khi thời gian không còn nhiều, buộc các bộ ngành, địa phương phải “chạy đua với thời gian”, nếu muốn đẩy nhanh giải ngân và đảm bảo hiệu quả của Chương trình.
Khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương để cập nhật số liệu giải ngân kế hoạch vốn của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội trên Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công, thì đến ngày 27/2/2023, mới có một địa phương báo cáo trên Hệ thống với số vốn giải ngân 1,267 tỷ đồng. Đây là phần vốn giải ngân của Dự án Sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa nước (Hồ 3/2, Nước Rin, Đập Quang, Đá Chồng) của tỉnh Quảng Nam.