Aa

Giải ngân ì ạch gói 347.000 tỷ đồng, nhiều dự án đang “khát vốn“

Thứ Hai, 20/06/2022 - 06:08

Ngày 17/6, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo tiến độ giải ngân gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mới đạt khoảng 33.5 nghìn tỷ đồng. Liệu hết năm 2023, chúng ta có đạt kế hoạch đề ra?

Nghịch lý cố hữu trong giải ngân vốn hỗ trợ, vốn đầu tư công vẫn đang tiếp diễn. Trong khi nhiều doanh nghiệp yếu ớt đang chờ vốn để “hồi sinh”, nhiều dự án hạ tầng giao thông ách tắc; an sinh xã hội cả nước chưa ổn định sau dịch thì một lượng lớn tiền vẫn “nằm im trong két”.

Giải ngân ì ạch trong khi khắp nơi “khát vốn”

Tại Diễn đàn Báo chí và truyền thông sáng 17/6, ông Đỗ Thành Trung, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế Quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết đã giải ngân khoảng 33.5 nghìn trong tổng số 347.000 tỷ đồng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, theo Nghị quyết số 43/2022/QH15.

Nhiều chuyên gia kinh tế - tài chính đánh giá đây là con số giải ngân quá thấp so với kỳ vọng và mong muốn của hàng triệu đối tượng đang chờ hỗ trợ.

Theo đó, tính đến cuối tháng 5/2022, chúng ta đã giải ngân 11.800 tỷ đồng/64.000 tỷ đồng miễn giảm thuế theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP (giảm thuế VAT 10% xuống 8% từ ngày 01/02/2022); khoản 38.400 tỷ đồng dành cho chính sách tín dụng thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, hỗ trợ các thành phần khó khăn vay vốn, mới chỉ hấp thụ gần 5.000 tỷ đồng/19.000 tỷ đồng kế hoạch năm 2022, đạt 1/3 chỉ tiêu đề ra.

Khoản 6.600 tỷ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, có hiệu lực từ ngày 28/3 (Nghị quyết 08) nhưng đến nay mới có 26 tỉnh, thành phố nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà của doanh nghiệp và tiến hành giải ngân được gần… 2 tỷ đồng, theo báo cáo giải trình tại Quốc hội ngày 2/6 vừa qua.

Số liệu từ Bộ Lao động thương binh và Xã hội cũng cho thấy, hiện có hơn 2.000 doanh nghiệp với khoảng 46.000 người lao động đề nghị hỗ trợ kinh phí trên 33 tỷ đồng. Tuy nhiên, mới có 100 doanh nghiệp với gần 6.300 công nhân lao động được hỗ trợ.

Thực tế, nhiều người lao động đang rơi vào cảnh khó khăn, túng quẫn, trong khi các khoản hỗ trợ cấp bách lại giải ngân không đáng kể khiến hàng triệu người “chờ dài cổ” vẫn chưa thấy tiền đâu.

Hàng triệu công nhân đang sống trong các khu nhà trọ xuống cấp vẫn mong chờ gói hỗ trợ tiền thuê nhà từ Chính phủ. (Nguồn: TTXVN)

Gói hỗ trợ dành phần lớn cho đầu tư công, lên tới 176.000 tỷ đồng, dự tính phân bổ 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2% thông qua các ngân hàng thương mại và 134.000 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng; cấp bù lãi suất, phí quản lý cho Ngân hàng Chính sách Xã hội 2.000 tỷ đồng. Nhưng đến nay, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được khoản vay ưu đãi này và có thể "chết" trước khi được cứu.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, trong hai tháng đầu năm 2022, có 32.700 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 51,3% so với cùng kỳ năm trước; khoảng 8.900 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 6,3%.

Nhất là đối với các doanh nghiệp bất động sản, cũng thuộc đối tượng được vay ưu đãi để cải tạo chung cư, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Nhưng hiện tại, nhiều dự án nhà ở xã hội đang chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công do chủ đầu tư và người mua “cạn vốn”.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, hiện cả nước có 214 dự án nhà ở công nhân, quy mô tầm 600ha, nhưng mới hoàn thành 116 dự án; còn 98 dự án chậm tiến độ, 575 khu công nghiệp đang hoạt động vẫn thiếu hụt hạ tầng xã hội cho người lao động, nhất là nhà ở.

Số liệu của Bộ lao động Thương binh và Xã hội cho thấy nhiều công nhân không muốn trở lại các khu công nghiệp, hoặc đang dần dịch chuyển về quê do không gánh nổi chi phí thuê nhà, giá cả sinh hoạt leo thang hiện nay.

Bên cạnh đó, nhiều dự án giao thông trọng điểm chậm tiến độ do giải ngân chậm trễ như sân bay Long Thành; một số cảng logistics lớn; cao tốc Bắc - Nam; cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt; cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc; tuyến Tân Vạn - Nhơn Trạch… Nếu để dồn vào cuối năm, khi mùa mưa đến sẽ rất khó khăn cho việc triển khai thi công và giải ngân.

Nhiều chuyên gia cho rằng, khi vốn đầu tư công chậm phân bổ sẽ không giải quyết được các ách tắc hiện nay trong xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là với những vùng kinh tế trọng điểm, đồng thời kéo chậm tốc độ hồi phục, phát triển của nền kinh tế nói chung.

Dự án cao tốc Bắc Nam đang cần vốn để đẩy nhanh tiến độ thi công. (Nguồn: Quỳnh Trần)

Chậm giải ngân vốn hỗ trợ và vốn đầu tư công không phải là câu chuyện mới. Trao đổi với Reatimes, chuyên gia Tài chính - Ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đây là hiện tượng khá phổ biến ở Việt Nam. Năm 2020, khi Covid-19 xuất hiện, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP, Nghị quyết 154/NQ-CP trong đó đưa ra mức hỗ trợ 300.000 tỷ đồng cho ngân hàng; 180.000 tỷ đồng cho giảm thuế và tiền thuê đất; 8.000 tỷ đồng phân bổ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; chính sách hỗ trợ lương cho người lao động. Nhưng cuối cùng chỉ có gói dành cho ngân hàng là triển khai mạnh mẽ nhất, các gói còn lại đều không hoàn thành mục tiêu trong năm.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng đánh giá tốc độ giải ngân gói 347.000 tỷ đồng đang quá chậm. Với tiến độ này, có thể hết năm 2022 chỉ giải ngân được khoảng 20% tổng số vốn.

Cơ chế đã ban hành, vì sao không thể giải ngân?

Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ băn khoăn, khi thể chế không vướng, trong mua sắm thì đã ban hành cơ chế đặc thù, cho cả chỉ định thầu trong xây lắp, tuy nhiên tiền vẫn chưa được chi, vướng mắc là do đâu?

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, đây là một nhiệm vụ mới, không có trong kế hoạch dài hạn. Lần đầu tiên trong lịch sử, chúng ta có gói phục hồi kinh tế sau đại dịch rất lớn, có nhiều chương trình và chính sách phức tạp, cần sự phối hợp giữa các bộ ngành địa phương nên cũng nảy sinh nhiều công việc. Chính phủ cần hướng dẫn bằng Nghị định, quy định chặt chẽ trách nhiệm của bộ ngành liên quan để thực hiện thông suốt và thuận lợi.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết ông cũng hết sức thông cảm với Chính phủ. Gói 347.000 tỷ đồng là khoản hỗ trợ lớn nên cần xây dựng cơ chế cụ thể, rõ ràng để thực hiện. Các chính sách, cơ chế cũng mới ban hành và đang trong quá trình thực thi.

Như Nghị định 31 ban hành ngày 20/5, hướng dẫn thực thi hỗ trợ lãi suất đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Nghị định 36/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội vừa ban hành ngày 30/5. Vì vậy, các bộ, ban ngành địa phương sẽ phải dò dẫm, thận trọng chứ không thể giải ngân ồ ạt.

Ngoài ra, một số gói hỗ trợ hoàn toàn chưa có cơ chế chính sách nào cả nên bộ, ngành liên quan đang nghiên cứu để đưa ra các nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn thực hiện. Riêng việc đầu tư công hạ tầng giao thông phải tuân thủ Luật Đầu tư công, nên để đưa dự án vào kế hoạch cũng mất 1,5 năm.

Cũng theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, có một số gói hỗ trợ nên “tùy cơ ứng biến”. Ví dụ đối với 46.000 tỷ đồng cho y tế, trong hoàn cảnh dịch bệnh đã được kiểm soát thì cơ bản sẽ giải ngân chậm lại. Với gói hỗ trợ khoảng 5.000 tỷ đồng lấy từ Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam để phát triển hạ tầng viễn thông, internet, trong đó sử dụng 1.000 tỷ đồng để thực hiện chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Hiện tại, học sinh đã đi học trực tiếp nên tiến độ giải ngân cho chương trình cũng chững lại.

Để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ, các ngân hàng cần linh hoạt hơn trong cơ chế cho vay. (Ảnh minh họa)

TS. Nguyễn Trí Hiếu lại nhận định, vấn đề chưa có cơ chế chỉ là một phần của câu chuyện chậm giải ngân. Ví dụ, đối với gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng từ các Ngân hàng thương mại, nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận vốn bởi chính cơ chế riêng của các ngân hàng.

Nhiều ngân hàng sợ lãnh trách nhiệm xã hội vì việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và yếu thường tiềm ẩn nhiều rủi ro. Khi mất vốn thì không được Chính phủ bồi thường, nên các ngân hàng đã đưa ra chuẩn mực cho vay không thay đổi. Doanh nghiệp muốn vay vốn phải chứng minh được năng lực tài chính, nhưng những doanh nghiệp vừa và nhỏ đang yếu ớt sau đại dịch không thể đáp ứng yêu cầu này. Trong khi ngân hàng cũng có cái khó của họ, nên việc giải ngân cứ diễn ra kiểu thăm dò, chậm chạp.

PGS.TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, cơ chế đã có mà không phân bổ, giải ngân được thì nguyên nhân phần lớn nằm ở năng lực của người thực thi. Hiện nay Chính phủ đề cao tinh thần tự chủ, nên đã chuyển giao trách nhiệm cho nhiều địa phương, tuy nhiên, việc chuyển giao quyền lực lại không kèm theo chế tài mạnh mẽ, không phạt nặng nên ách tắc vẫn xảy ra.

"Cần giải pháp mới cho vấn đề đã cũ"

Chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu

TS. Nguyễn Trí Hiếu gợi ý một số giải pháp tham khảo để tăng cường giải ngân nhanh, đúng, trúng và kịp thời gói hỗ trợ gần 350.000 tỷ đồng.

Thứ nhất, Quốc hội có thể chủ động và tăng cường giám sát chặt chẽ việc thực hiện Nghị quyết 43 trên tất cả các lĩnh vực thông qua Ủy ban giám sát. Các vấn đề nảy sinh đều phải nhanh chóng đưa trở lại Quốc hội để báo cáo với Chính phủ và thảo luận giải pháp tháo gỡ.

Thực tế có những hướng dẫn ra đời khá muộn gây lúng túng trong việc triển khai thực thi ở các địa phương và nguồn tiền hỗ trợ không đến tay người dân kịp thời, nên Chính phủ cần tăng cường theo dõi và nhanh chóng đưa ra các hướng dẫn hỗ trợ cụ thể.

Thứ hai, có những việc cần triển khai ngay không cần hướng dẫn của Chính phủ. Ví dụ trong hỗ trợ y tế, khi bệnh nhân đang chờ ở cổng viện hàng ngày, hàng giờ mà các tiền đề đã có đủ thì có thể xuống tiền mua thuốc, vật tư y tế ngay. Tuy nhiên, phải có giám sát để đảm bảo tiền tiêu đúng mục đích và cần luật hóa cơ chế bảo vệ người dám nghĩ, dám làm.

Thứ ba, đứng trước một chương trình hỗ trợ lớn, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ban ngành địa phương có thể xây dựng những chương trình quảng bá rộng rãi để người dân nắm bắt thông tin, hiểu rõ các quyền lợi và tìm đến kịp thời, tránh trường hợp tiền chưa kịp tiêu, người dân chưa kịp làm đơn thì gói hỗ trợ đã đóng lại. Ví dụ ở Mỹ, có những gói an sinh xã hội được Chính phủ thông báo liên tục qua chương trình quảng cáo trên báo chí, thậm chí Chính phủ mời gọi họ đến các cơ quan có thẩm quyền để nộp đơn yêu cầu quyền lợi.

PGS.TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính).

Các chuyên gia kinh tế - tài chính cũng cảnh báo nếu không có cơ chế rõ ràng, doanh nghiệp có thể lợi dụng chính sách, vay rẻ chỗ này, gửi tiền chỗ khác hay dòng tiền có thể chảy vào bất động sản, chứng khoán và tạo bong bóng ở các thị trường này. Vậy nên, việc hạch toán, quyết toán thông suốt rất cần thiết, nhất là đối với hệ thống ngân hàng.

Để thúc đẩy giải ngân, PGS.TS. Ngô Trí Long cho rằng, cần lưu ý đến việc thực thi ở cấp độ địa phương. Cơ chế ở trên đã có, nhưng cần đẩy nhanh tiến độ triển khai ở các cấp bên dưới và Chính phủ cũng cần theo dõi sát sao, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương. Mặt khác, cần chỉ ra người chịu trách nhiệm cụ thể và có chế tài nghiêm minh để đôn đốc thực hiện.

Hiện đã sắp bước sang quý III/2022, nhiều chuyên gia lo ngại chúng ta sẽ không thể giải ngân hết theo kế hoạch, đồng nghĩa với việc tước đi cơ hội phục hồi, phát triển của hàng chục nghìn doanh nghiệp, hàng triệu người dân và ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội nói chung. Tuy nhiên, các chuyên gia, doanh nghiệp và người dân cũng rất hy vọng các biện pháp quyết liệt của Chính phủ có thể hóa giải vấn đề này./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top