Aa

Giải ngân xây nhà ở xã hội, nhà ở công nhân rất chậm, Đại biểu Quốc hội nói gì?

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Tư, 31/05/2023 - 11:29

Hàng loạt gói hỗ trợ doanh nghiệp, người dân đã được ban hành nhưng đến nay tiến độ giải ngân thấp và chậm. Đại biểu Quốc hội nhấn mạnh việc tìm nguyên nhân và giải pháp quyết liệt để thúc tiến độ.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, sáng 31/5, vấn đề giải ngân các gói hỗ trợ ở mức thấp, cũng như việc chậm giải ngân vốn đầu tư tư công được các đại biểu Quốc hội đồng loạt đưa ra nhằm nhanh chóng tìm được phương án giải quyết.

Các gói hỗ trợ đang giải ngân rất thấp

Trình bày trước Quốc hội, đại biểu Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh) cho biết, đồng thuận với giải pháp giảm thuế giá trị gia tăng 2% cho doanh nghiệp, gói hỗ trợ 120.000 nghìn tỷ và chỉ tiêu 95% vốn đầu tư công của Chính phủ. Các giải pháp này đang được cộng đồng doanh nghiệp, người dân đồng thuận. Tuy nhiên, việc giải ngân các gói hỗ trợ còn rất thấp nên cần đẩy nhanh tiến độ.

Theo đại biểu Trần Thị Vân, năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 100 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Năm 2022, có Nghị quyết 43 của Quốc hội, Nghị quyết 11 của Chính phủ với các cái gói hỗ trợ giảm lãi suất 2% cho doanh nghiệp vay xây nhà cho công nhân, gói 15.000 tỷ đồng cho công nhân vay mua nhà ở xã hội qua Ngân hàng Chính sách và mới đây nhất là gói 120.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp và người dân tại các chương trình, dự án nhà ở xã hội.

Như vậy, chỉ trong vòng có hơn 1 năm thì đã có 3 gói hỗ trợ dành cho người thụ hưởng chính là công nhân lao động. Điều này thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm của Quốc hội, của Chính phủ đối với công nhân lao động trong cả nước. 

Tuy nhiên, 2 gói hỗ trợ theo Nghị quyết 43 và và Nghị quyết 11 hiện nay đang giải ngân rất thấp và chậm, gói giảm lãi suất 2% hiện mới giải ngân được gần 1% và gói 15.000 tỷ đồng mới giải ngân được hơn 34%. Bây giờ Chính phủ lại giao tiếp gói 120.000 tỷ đồng, trong đó đối tượng và thời gian kết thúc của 3 gói tín dụng này thì đang trùng lắp nhau và đều kết thúc vào cuối năm 2023.

“Vấn đề đặt ra đây là 2 gói tín dụng trước chúng ta còn chưa hấp thụ hết thì liệu gói 120.000 tỷ đồng có khả thi hay không? Trong khi Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Nhà ở thì đang được sửa đổi và quy hoạch thì chúng ta chưa phê duyệt xong”, bà Vân cho hay.

Trước bất cập trên, đại biểu Trần Thị Vân đề nghị Chính phủ gộp 3 gói hỗ trợ thành 1 và đề xuất cho kéo dài đến hết năm 2025 thì mục tiêu xây dựng 1 triệu căn hộ mà Chính phủ đề ra mới có thể hoàn thành. Đặc biệt, cần nhanh chóng có giải pháp gấp rút để giải ngân nhanh các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

đại biểu Trần Thị Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh
Đại biểu Trần Thị Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh. Nguồn ảnh: Quochoi.vn

Tìm giải pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công

Quan tâm về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, Đại biểu Phạm Đình Thanh (đoàn Kon Tum) đề nghị Chính phủ chỉ đạo, thực hiện ngay việc rà soát, làm rõ nguyên nhân, từ đó triển khai quyết liệt các giải pháp phù hợp nhằm khắc phục tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm trong thời gian qua. Bởi theo đại biểu, trong 4 tháng đầu năm nay, việc giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 14,66% kế hoạch là thấp, sẽ gây áp lực lớn đến kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023.

Theo đại biểu, tiến độ thực hiện các dự án chậm, trong đó nguyên nhân chính là vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, đặc biệt là việc chưa có quy định phù hợp về phân cấp, phân quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng.

ại biểu Ma Thị Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang
Đại biểu Ma Thị Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang. Nguồn ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) cũng cho rằng, bên cạnh những kết quả đã đạt được nhiều kết quả quan trọng tuy nhiên, vẫn có những yếu tố khó khăn bất lợi xuất phát ngay từ những tháng đầu năm 2023, tác động đến mục tiêu tăng trưởng của kinh tế trong năm 2023. Đơn cử như, giải ngân đầu tư công chậm, 4 tháng đầu năm nay, giải ngân chỉ vào khoảng 14,66 % so với kế hoạch.

Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách riêng, cụ thể về đầu tư công; quyết tâm, sát sao hơn nữa để gỡ các vướng mắc nhất là các vướng mắc về thể chế, văn bản hướng dẫn cho các địa phương. Đẩy mạnh phân cấp, giao quyền về cho địa phương chủ động thực hiện và tự chịu trách nhiệm như là việc phân cấp chuyển mục đích sử dụng đất lúa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng.

“Chỉ có phân cấp phân quyền mạnh, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu thì mới đẩy nhanh được tiến độ đầu tư công trong giai đoạn tới”, đại biểu Thuý nhấn mạnh.

Đại biểu Ma Thị Thúy cũng cho rằng địa phương cần bám sát, chú trọng các khâu chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án, chuẩn bị tốt mặt bằng thi công, đặc biệt gỡ nhanh các dự án chậm tiến độ để giúp tăng trưởng kinh tế địa phương và đất nước.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top