Aa

Giải ngân tín dụng lo rủi ro nợ xấu

Thứ Tư, 03/06/2020 - 06:10

Nhu cầu vốn của khách hàng giảm khiến tín dụng nhiều ngân hàng tăng trưởng âm trong quý I. Theo lãnh đạo các nhà băng, dư nợ khó tăng cao trong quý II/2020, do lo ngại nợ xấu gia tăng.

Việc hỗ trợ lãi suất luôn đòi hỏi đi kèm với đảm bảo an toàn hoạt động tín dụng, tránh nợ xấu gia tăng. Vì thế, ngân hàng phải kiểm soát được dòng tiền cho vay.

Lo ngại rủi ro nợ xấu

Tín dụng nhiều ngân hàng tăng trưởng âm và để hỗ trợ khách hàng trong bối cảnh dịch bệnh, các ngân hàng cũng khó “neo” lãi vay cao. Thế nhưng, không phải nhà băng cho vay chỉ vì khoản tín dụng đó có tài sản đảm bảo. Muốn vay được vốn, khách hàng phải chứng minh được tính khả thi của dự án sản xuất, kinh doanh, cũng như khả năng trả nợ.

Tổng Giám đốc Ngân hàng OCB, ông Nguyễn Đình Tùng cho hay, song song với việc đẩy mạnh tái cơ cấu, giãn nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, Ngân hàng cũng đẩy mạnh giải ngân với mức lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, trước diễn biến dịch bệnh, hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng, nên rủi ro nợ xấu là khó tránh khỏi. Vì thế, OCB luôn thận trọng và kiểm soát chặt chất lượng tín dụng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Ngân hàng TPBank cho rằng, nợ xấu chắc chắn tăng sau Covid-19. Nợ xấu của ngân hàng này đã tăng từ 1,28% đầu năm nay lên 1,87% đến cuối quý I. TPBank đặt mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 2,5% đến cuối năm 2020, tăng trưởng tín dụng ở mức 9%, lên 105.181 tỷ đồng.

Thay vì triển khai các chính sách giảm lãi suất cho khách hàng vay mới, Ngân hàng Kienlongbank tập trung giảm lãi cho khách đang vay, bởi nhu cầu vay mới không khả quan. Thực tế về nhu cầu vay được chứng minh từ tăng trưởng âm về tín dụng của một loạt ngân hàng như VietinBank, Saigonbank, NCB...

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý II/2020 do Vụ Dự báo thống kê (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) thực hiện cho biết, cả năm 2020, mặt bằng rủi ro chung của các nhóm khách hàng tăng so với năm trước. Trong quý I/2020, 16,2% tổ chức tín dụng nhận định rủi ro ở mức “khá cao”. Quý II/2020, 58,1% tổ chức tín dụng kỳ vọng rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng ở mức “ổn định”, 26,7% tổ chức tín dụng quan ngại rủi ro “tăng nhẹ”, trong khi 14,3% kỳ vọng rủi ro “giảm”.

Tài sản đảm bảo chỉ là một phần

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng (NHNN) cho hay, Thông tư 01/2020/TT-NHNN là giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Tất cả doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch đều được ngành ngân hàng hỗ trợ bằng cách cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ.

Quan điểm xuyên suốt của ngành ngân hàng khi cho vay mới là hết sức thận trọng, phải xác định rõ năng lực của khách hàng, mục đích sử dụng và kiểm soát được dòng tiền.

Theo ông Hùng, quan điểm xuyên suốt của ngành ngân hàng khi cho vay mới là hết sức thận trọng, phải xác định rõ năng lực của khách hàng, mục đích sử dụng và kiểm soát được dòng tiền. “Khi cho vay mới để khôi phục sản xuất, kinh doanh, ngân hàng không chỉ dựa trên tài sản đảm bảo, mà còn xem xét khả năng trả nợ của khách hàng”, ông Hùng nói.

Ngay cả doanh nghiệp cũng phải nhìn nhận, cơ cấu lại hoạt động để nâng cao năng lực tài chính, tạo uy tín đối với ngân hàng. Các doanh nghiệp phải xem lại xem mình đầu tư vào các dự án mới như thế nào, hiệu quả ra sao, việc trả những khoản nợ cũ thế nào...

Sau khi dịch bệnh xảy ra, các khoản nợ cũ được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ (tức không bị chuyển nhóm nợ), thì khách hàng vẫn đủ điều kiện để được vay mới. Nhưng khi vay mới để củng cố, tái cơ cấu hoạt động thì phương án nào để doanh nghiệp có thể trả được khoản nợ mới và một phần nợ đã vay trước. Đó cũng là lý do các ngân hàng hết sức thận trọng trong việc rót thêm vốn mới cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Phó Thống đốc NHNN, ông Đỗ Minh Tú nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh, nguồn vốn tín dụng đưa ra nền kinh tế cũng phải kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp có nguồn lực củng cố hoạt động, nên không loại trừ việc NHNN nới thêm room tín dụng cho các ngân hàng khi xét thấy nhu cầu cần thiết. Tuy nhiên, việc hỗ trợ lãi suất luôn đòi hỏi đi kèm với đảm bảo an toàn hoạt động tín dụng, tránh nợ xấu gia tăng. Vì thế, ngân hàng phải kiểm soát được dòng tiền cho vay.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top