Aa

Giải ngân vốn đầu tư công: Khẩn trương triển khai tiến độ ngay đầu năm

Thứ Bảy, 15/04/2023 - 14:14

Bối cảnh kinh tế - xã hội trong thời gian tới, nhìn chung là khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Theo đó, Chính phủ xác định thúc đẩy đầu tư công là một trong ba động lực tăng trưởng.

Bối cảnh kinh tế - xã hội trong quý II/2023 cũng như thời gian về cuối năm, các dự báo trong và ngoài nước đánh giá nhìn chung sẽ phức tạp, khó lường, theo đó khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi.

Bám sát Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030, Chính phủ đã thúc đẩy đầu tư công là một trong ba động lực tăng trưởng chính.

Một số địa phương duy trì tốc độ giải ngân ổn định

Thông tin từ Bộ Tài chính đến cuối tháng Ba, cả nước ghi nhận 2 bộ và 15 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên 15% kế hoạch. Trong đó, một số địa phương duy trì được tốc độ giải ngân ổn định trong các năm qua, tiêu biểu như Tiền Giang, Bến Tre đã đạt tỷ lệ giải ngân trên 30%, Đồng Tháp là 25%...

Theo đại diện của tỉnh Tiền Giang, ngay từ tháng 12/2022, tỉnh triển khai giao vốn của năm 2023 cho các các chủ đầu tư. Bên cạnh đó, lãnh đạo và các cấp thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ dự án, đặc biệt là các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả trong quý I, tổng vốn đầu tư công giải ngân là hơn 1.650 tỷ đồng, đạt trên 33% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Cùng với tinh thần đó, lãnh đạo tỉnh Bến Tre khẳng định việc phân bổ vốn đầu tư công sớm là điều kiện tiên quyết trong tiến độ giải ngân. Thêm vào đó, tỉnh cũng chú trọng ưu tiên vốn vào các dự án, công trình thanh toán nợ và đang triển khai thi công có tiến độ tốt, có khả năng hoàn thành trong năm.

Với Đồng Tháp, lãnh đạo tỉnh xác định giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển, phục hồi kinh tế của địa phương. Các lãnh đạo tỉnh được phân công phụ trách từng dự án và thực hiện giao ban định kỳ hằng tuần nhằm tháo gỡ khó khăn. Trên cơ sở đó, tỉnh quy định cụ thể hóa trách nhiệm từng đơn vị, địa phương, đặc biệt là vai trò người đứng đầu trong công tác đầu tư xây dựng, giải phóng mặt bằng.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp chia sẻ kinh nghiệm với những khó khăn vướng mắc vượt tầm, tỉnh đã chủ động kiến nghị tới các bộ, ngành để xuất các giải pháp theo hướng nâng cao sự chủ động và trách nhiệm của địa phương đối với kế hoạch đầu tư công.

Cụ thể, Đồng Tháp đã kiến nghị về việc phân cấp, ủy quyền cho địa phương được điều chỉnh, bổ sung danh mục đầu tư và vốn bố trí giữa các dự án sử dụng nguồn ngân sách Trung ương theo quy định, đảm bảo không vượt tổng vốn kế hoạch trung hạn. Và, Trung ương xem xét, điều chỉnh thời gian điều chỉnh kế hoạch đầu tư công hàng năm từ trước ngày 15/11 năm kế hoạch thành trước ngày 15/1 của năm sau.

Trách nhiệm thuộc về lãnh đạo địa phương

Bên cạnh những bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai giải ngân sớm ngay trong những tháng đầu tiên của năm, báo cáo của Bộ Tài chính cho hay đến hết quý I cả nước còn 49 bộ và 24 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 9%.

Do đó, Bộ Tài chính cho rằng cần siết kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, hiệu quả công vụ trong đầu tư công cần được đề cao để thúc đẩy giải ngân nguồn vốn này.

Ngày 13/4 vừa qua, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc với 13 địa phương về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, nội dung chính là xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các tồn tại trong vấn đề giải ngân vốn đầu tư công để tìm ra giải pháp tháo gỡ.

Các chính quyền địa phương để xảy ra chậm tiến độ định giá đất sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cả đầu tư công lẫn đầu tư tư. (Ảnh: CVT/Vietnam+)
Các chính quyền địa phương để xảy ra chậm tiến độ định giá đất sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cả đầu tư công lẫn đầu tư. (Ảnh: CVT/Vietnam+)

Nhìn chung, các lãnh đạo các tỉnh, thành phố cho biết những khó khăn lớn nhất nằm ở khâu giải phóng mặt bằng, tái định cư, trong các vấn đề như xác định nguồn gốc đất, giá trị đất, thỏa thuận với người dân và nhiều địa phương hiện chưa chủ động bố trí đất sạch để tái định cư. Bên cạnh đó, trình tự thủ tục chuyển đổi đất rừng, đất trồng lúa, đàm phán gia hạn hiệp định, thương thảo hợp đồng, đấu thầu và giải ngân vốn vay nước ngoài đối với các dự án ODA… yêu cầu nhiều bước khiến cho thời gian bị kéo dài.

Giải quyết những vướng mắc trên, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các địa phương thực hiện việc định giá và giao Sở Tài Nguyên và Môi trường sẽ là cơ quan tham mưu. Ông nhấn mạnh chính quyền địa phương để xảy ra chậm tiến độ định giá đất sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đầu tư công.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu trước ngày 20/4, các tỉnh, thành phố phải thống kê báo cáo những dự án cần có sự kéo dài kế hoạch sử dụng vốn của năm 2022 để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng Tư này.

“Nếu thống kê, báo cáo chậm trách nhiệm thuộc về lãnh đạo địa phương,” Phó Thủ tướng Chính phủ khẳng định.

Thu hồi tạm ứng vốn quá hạn để nâng cao hiệu quả

Cùng với việc đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân, Bộ Tài chính cho biết đã có công văn yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thu hồi tạm ứng vốn đầu tư quá hạn.

Báo cáo từ Kho bạc Nhà nước cho biết số tạm ứng quá hạn tính đến thời điểm hiện nay của các bộ, ngành, địa phương là trên 12.603 tỷ đồng.

Đơn cử, báo cáo từ Kho bạc Nhà nước Đắk Lắk cho biết tỉnh hiện đang có số dư tạm ứng vốn đầu tư công từ các năm trước chuyển sang năm 2022 trên 2.3410 tỷ đồng. Cộng thêm trong năm 2022, số dư nguồn vốn ứng trước chưa được bố trí kế hoạch vốn để thu hồi trên địa bàn tỉnh gần 352 tỷ đồng.

Tương tự tính đến thời điểm cuối năm 2022, Hà Tĩnh có 114 dự án chưa thu hồi được vốn tạm ứng quá hạn. Hơn nữa, tỉnh có đến 103 tỷ đồng vốn tạm ứng tại 78 dự án nằm trong diện khó thu hồi, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao (báo cáo từ Kho bạc Nhà nước Hà Tĩnh, các dự án này đã nhận tạm ứng từ trước năm 2014).

Địa phương lớn như TP.HCM, việc khó thu hồi tạm ứng vốn đầu tư cũng xảy ra. Theo Kho bạc Nhà nước, hiện có nhiều tài khoản có số dư tạm ứng quá hạn về hạng mục giải phóng mặt bằng và xây lắp (chiếm 91% số dư) và chủ yếu ở giai đoạn 2015 - 2020.

Xác định thu hồi tạm ứng vốn đầu tư là một trong những yếu tố góp phần nâng cao hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, lãnh đạo Kho bạc Nhà nước các các đơn vị trong ngành đã nỗ lực đưa ra các giải pháp để thu hồi nhanh nguồn vốn này.

Ông Dương Bá Đức, Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính cho biết, số dư tạm ứng lớn đã làm cho hiệu quả của nguồn vốn đầu tư công bị kém đi. Vì vậy, Bộ Tài chính đã có công văn yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện kiểm tra, đánh giá việc thực hiện, thu hồi tạm ứng vốn đầu tư quá hạn chưa thu hồi nguồn ngân sách Nhà nước./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top