Đây là một tín hiệu khả quan, cho thấy sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị trong việc quyết liệt giải ngân ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm, thúc đẩy vốn đầu tư công mang lại hiệu quả cao, phục hồi nền kinh tế sau cơn “bạo bệnh” Covid-19.
Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ giải ngân
2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021- 2025. Đầu tư công tiếp tục là động lực cho tăng trưởng năm 2022 và giai đoạn sắp tới.
Để thúc đẩy tăng trưởng, triển khai các dự án đầu tư công đúng tiến độ, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo các bộ, ngành địa phương tập trung các giải pháp, nhiệm vụ đẩy mạnh giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022 ngay từ những tháng đầu năm.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương đã khẩn trương vào cuộc. Mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng tất cả đều vì một mục tiêu chung là phấn đấu giải ngân 100% nguồn vốn được giao.
Năm 2022, tỉnh Thừa Thiên - Huế được bố trí hơn 4.281 tỷ đồng vốn đầu tư công. Với quan điểm bám sát, cụ thể hóa các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tập trung bố trí vốn để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình, dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, có tính kết nối và lan tỏa...
Với mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2022, tỉnh Sơn La cũng đang tiếp tục yêu cầu các sở, ban, ngành, huyện, thành phố, các chủ đầu tư tập trung cao, có những biện pháp quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, dự án, giải ngân kế hoạch vốn ngân sách nhà nước; nhất là các dự án trọng điểm kết nối, có tác động liên vùng, có ý nghĩa thúc đầy phát triển kinh tế, xã hội bền vững; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; đôn đốc, bảo đảm tiến độ thi công; thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng hoàn thành.
Không những chú trọng nguồn vốn cho những dự án trọng điểm để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, các địa phương cũng đã yêu cầu các đơn vị lưu ý việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư phải đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; nâng cao năng lực của chủ đầu tư, tập trung khắc phục các hạn chế, yếu kém trong quản lý, tổ chức thực hiện dự án, giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian qua.
Giải ngân cao hơn cùng kỳ năm trước
Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 (không bao gồm 24.000 tỷ đồng vốn chương trình mục tiêu quốc gia chưa được Thủ tướng Chính phủ giao) hơn 556.234 tỷ đồng.
Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, trong 2 tháng đầu năm 2022, cả nước giải ngân được trên 44.612 tỷ đồng, đạt 8,61% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tỷ lệ này cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 (5,09%). Trong đó, vốn trong nước đạt 9,22% (cùng kỳ năm 2021 đạt 5,68%), vốn nước ngoài đạt 0,20% (thấp hơn cùng kỳ năm 2021 là 0,38%).
Hiện có 7 bộ và 20 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 15%. Trong đó, có một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (32,65%), Thái Bình (31,7%), Lai Châu (27,3%).
Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn 2 tháng đầu năm 2022 tuy cao hơn cùng kỳ năm 2021 nhưng vẫn đạt thấp so với tổng kế hoạch vốn được giao. Nguyên nhân là trong tháng 1, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung thanh toán khối lượng hoàn thành của kế hoạch vốn năm 2021 đến hết thành 31/1/2022 và khiển khai phân bổ kế hoạch vốn năm 2022 đã được Thủ tướng Chính phủ giao.
Bên cạnh đó, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán trong tháng 2, đồng thời, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại số địa phương đã ảnh hưởng lớn đến công tác thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.
Do đó, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, Bộ Tài chính đang tiếp tục đề nghị các bộ, ngành, địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn năm 2022 khẩn trương thực hiện phân bổ vốn chi tiết cho các dự án theo đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với các dự án chưa đủ điều kiện giao kế hoạch vốn năm 2022 do chưa được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện thủ tục đầu tư, báo cáo cấp có thẩm quyền giao danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho các dự án; thực hiện phân bổ kế hoạch vốn năm 2022 sau khi các dự án đã đủ điều kiện giao vốn theo quy định của pháp luật về đầu tư công và kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ.