Aa

Giải ngân vốn đầu tư công: Thay đổi cách quản lý, sửa cơ chế cản trở tốc độ giải ngân

Thứ Bảy, 30/07/2022 - 11:07

Bước sang tháng 7, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước có sự cải thiện đáng kể khi nhiều bộ, ngành, địa phương đã có sự bứt phá.

Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vẫn đạt thấp, thậm chí còn giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021. Trao đổi với PV, GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội cho rằng, cần phải thay đổi phương thức quản lý, sửa đổi cơ chế theo hướng nên coi trọng kết quả cuối cùng thay vì cứng nhắc thực hiện các quy trình, quy định như hiện nay.

PV: Giải ngân vốn đầu tư 7 tháng đầu năm vẫn đạt thấp. Trong đó, có những nguyên nhân được nêu ra từ nhiều năm nay nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Phải chăng cơ chế, chính sách của chúng ta có vấn đề, thưa ông?

GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội

GS.TS Hoàng Văn Cường: Đúng là có nhiều nguyên nhân làm tắc nghẽn tiến độ giải ngân đã được chỉ ra từ nhiều năm nay, như: Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), vấn đề chuẩn bị đầu tư… Ở đây, chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận là giải pháp để khắc phục những tồn tại này chưa được triển khai hiệu quả.

Chẳng hạn việc GPMB chậm là do hiện nay chúng ta đang thực hiện song song 2 việc, vừa thi công dự án vừa tiến hành GPMB. Rõ ràng vấn đề này chúng ta đã nhìn thấy rồi nhưng chưa có giải pháp khắc phục. Bên cạnh đó, những chính sách trong đền bù GPMB hiện nay còn nhiều bất cập như xác định giá đất, xác định giá của tài sản thu hồi… chưa thỏa mãn được nhu cầu của người dân nên người dân chưa đồng tình.

Các thủ tục phê duyệt dự án đầu tư để đủ điều kiện được phân bổ vốn hoặc là phê duyệt quá trình điều chỉnh cũng còn nhiều thủ tục hành chính mất thời gian. Đặc biệt là việc giao quyền và phân định trách nhiệm trong mỗi cơ quan, đơn vị liên quan đôi khi còn rất chung chung. Cho nên, cái gì khó khăn của đơn vị này lại đẩy sang đơn vị khác hoặc đẩy lên cơ quan cấp trên.

Để đẩy mạnh tiến độ giải ngân, Chính phủ đã thành lập các đoàn công tác liên ngành gồm nhiều cơ quan cùng tham gia, để khi các dự án vướng mắc ở đâu, các cơ quan này ngồi lại với nhau, đưa ra giải pháp khắc phục ngay. Đây chính là biện pháp để các cơ quan, ban, ngành phối hợp tốt với nhau. Nhưng trên thực tế, công tác phối hợp giải quyết vẫn rất chậm, vẫn mang tính hình thức, chưa thực sự hiệu quả. Điều này chứng tỏ những cơ chế trong quản lý về thủ tục xét duyệt, phê duyệt các dự án đầu tư vẫn còn mang yếu tố ràng buộc để tạo ra sự an toàn cho những cá nhân, tổ chức có thẩm quyền mà chưa quy định rõ trách nhiệm cũng như quyền của cá nhân, tổ chức đó là được tự quyết và tự chịu trách nhiệm.

Bên cạnh đó, còn có lý do nhà thầu triển khai chậm một phần do năng lực yếu kém cũng như trong giai đoạn vừa qua, giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào biến động mạnh nên các nhà thầu phải thi công cầm chừng…

Dù Chính phủ quyết liệt thực hiện nhiều biện pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhưng “bệnh” chậm giải ngân vẫn chưa dứt.

PV: Để những tồn tại, vướng mắc này không trở thành điểm nghẽn mỗi khi nhắc đến vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, theo ông chúng ta nên làm gì?

GS.TS Hoàng Văn Cường: Đã có nhiều giải pháp được thực hiện như quy trách nhiệm cho người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm với tiến độ giải ngân; không giải ngân hết thì sang năm sẽ cắt vốn, điều chuyến vốn; thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra để phát hiện đơn vị nào thực hiện không nghiêm sẽ xử lý… Tuy nhiên, việc giải ngân vẫn chậm và cho đến nay chưa có cá nhân, đơn vị nào bị xử lý, chưa đơn vị nào bị cắt vốn, thậm chí còn được chuyển nguồn sang năm sau…

Có 2 nguyên nhân, thứ nhất là bản thân những người có thẩm quyền chưa mạnh tay. Thứ hai là việc giải ngân chậm rất khó quy trách nhiệm là của ai để xử lý. Đơn cử như 1 dự án cần điều chỉnh nhưng việc điều chỉnh liên quan đến rất nhiều bộ, ngành. Rồi những điều kiện để điều chỉnh có thể thiếu 1 bước nào đó mà bước này không quan trọng nhưng lại cần phải có theo quy định, lập tức cơ quan thực hiện điều chỉnh dự án sẽ vin vào lý do đó để chưa thực hiện điều chỉnh, phê duyệt. Vô hình trung, tiến độ thực hiện dự án sẽ bị chậm lại nhưng việc chậm này lại đúng quy trình, quy định và là vì lý do khách quan nên không ai phải chịu trách nhiệm.

Tôi cho rằng, giải pháp căn cơ hiện nay là chúng ta phải thay đổi phương thức quản lý, sửa cơ chế chính sách. Theo đó, không nên coi trọng đơn vị thực hiện theo quy trình, quy định như thế nào mà nên tập trung vào kết quả cuối cùng. Bên cạnh đó, các đơn vị phải tìm ra được giải pháp thực hiện để đạt kết quả đó.

Phân bổ chưa hết vốn - trách nhiệm thuộc về phía các bộ, ngành, địa phương

Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, cho đến thời điểm này vẫn còn nhiều đơn vị chưa phân bổ hết vốn. Thậm chí có đơn vị đang đề nghị trả lại vốn. Điều đó cho thấy, đây là nghịch lý trong bối cảnh có tiền lại không tiêu được.

Ông Hoàng Văn Cường cho biết, rõ ràng những thủ tục để triển khai đầu tư đang có vấn đề và nó thể hiện rất rõ trách nhiệm của những cơ quan liên quan đến việc phê duyệt dự án đầu tư chưa phối hợp với nhau một cách chặt chẽ, mỗi cơ quan chưa thực sự nâng cao được trách nhiệm của mình đối với việc phải đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công mà có khi các vướng mắc được cơ quan này đẩy sang cơ quan khác. Đồng thời, điều đó thể hiện sự phối hợp, sự gắn trách nhiệm của mỗi cơ quan, đơn vị với việc giải ngân này là chưa tốt. Rõ ràng trách nhiệm ở đây thuộc về phía các cơ quan bộ, ngành, địa phương.

Trong khi thực hiện, đơn vị có thể bỏ qua vài bước, vài khâu không quan trọng. Những bước, những khâu này không ảnh hưởng đến kết quả đầu ra, không tác động xấu đến xã hội và không vì động cơ cá nhân thì kết quả cuối cũng vẫn được chấp nhận. Nhưng để làm tốt và để chứng minh rằng đơn vị, cá nhân đó không vụ lợi, không gây thiệt hại cho ngân sách thì đơn vị, cá nhân đó phải công khai quy trình thực hiện.

Một biện pháp nữa mà tôi cho rằng rất thiết thực hiện nay, đó là cơ quan quản lý phải công bố giá nguyên vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng hay UBND các tỉnh, thành phố). Hàng tháng hoặc định kỳ nửa tháng, các cơ quan này phải công bố ngay để cho nhà thầu thấy được sự biến động về giá nguyên vật liệu để chủ động thực hiện.

Đặc biệt, khâu nghiệm thu khối lượng hoàn thành phải được tiến hành rất kịp thời từng tháng. Từ trước tới nay vẫn tồn tại tình trạng là cứ thi công xong đến cuối năm mới nghiệm thu khối lượng và thanh toán. Nhưng bây giờ trong bối cảnh biến động này, các cơ quan, ban, ngành phải làm rất kịp thời để tránh tình trạng nhà thầu chờ điều chỉnh giá tăng lên; làm khối lượng ít nhưng lại khai nhiều; hoặc làm rồi (làm với giá thấp) nhưng chờ giá tăng lên thì mới tính toán khối lượng để điều chỉnh giá.

PV: Năm nay công tác giải ngân vốn đầu tư công còn nặng nề hơn năm trước bởi ngoài kế hoạch vốn được giao, chúng ta phải hoàn thành việc giải ngân chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Với tiến độ giải ngân như hiện nay, ông có kỳ vọng gì về việc hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn khi hết năm ngân sách?

GS.TS Hoàng Văn Cường: Ngoài việc giải ngân vốn đầu tư công, chúng ta phải thực hiện giải ngân gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề, với trách nhiệm tăng lên gấp đôi. Thêm vào đó, năm nay có sự biến động về giá cả nguyên vật liệu. Đây chính là những khó khăn, thách thức cần phải vượt qua.

Năm nay chúng ta cũng có thuận lợi là phần lớn vốn đầu tư công được dồn cho các dự án lớn, trọng điểm. Vì thế, khả năng tiêu thụ vốn của các dự án này rất lớn.

Về phía Chính phủ cũng rất quyết liệt khi thành lập các đoàn công tác từ rất sớm… Đây cũng là tác nhân thúc đẩy việc giải ngân vốn đầu tư công nhanh lên.

Đặc biệt, vừa qua ngoài việc ban hành nghị quyết về phục hồi kinh tế, Quốc hội đã mở ra rất nhiều cơ chế cho một số dự án đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ như việc khai thác mỏ vật liệu không phải mất thời gian để xin phép; cho phép chỉ định thầu…

Với các thuận lợi này, chúng ta kỳ vọng tiến độ giải ngân sẽ đạt cao hơn vào những tháng cuối năm. Nhưng để đạt được mục tiêu giải ngân 100% kế hoạch vốn thì vô cùng khó nếu như chúng ta không thực sự có những giải pháp đột phá, quyết liệt và sự quyết tâm, tính năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của những người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương.

- Xin cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top