Du lịch, thương mại, tiêu dùng, vận tải, nhất là ngành hàng không đang bị tác động trực tiếp do việc hạn chế và cấm đi lại trong nội địa Trung Quốc và giữa Trung Quốc với bên ngoài cũng như với các nước đang nhiễm bệnh.
Ảnh hưởng như thế nào?
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lĩnh vực đầu tiên bị ảnh hưởng nặng của dịch bệnh CoVid-19 là lĩnh vực xuất, nhập khẩu. Khi xảy ra dịch bệnh, Trung Quốc đã thực hiện hàng loạt biện pháp cứng rắn để ngăn dịch bệnh lây lan như hạn chế xuất nhập cảnh, tạm ngừng hoạt động trao đổi cư dân qua biên giới, cách ly các thành phố, hạn chế lưu thông tại hầu hết các địa phương của nước này và không có lực lượng hải quan, giao nhận hàng tại các cửa khẩu dẫn đến khả năng ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc.
Dịch bệnh bùng phát, người dân hạn chế đi lại tới mức tối đa, điều này đã tác động nặng nề tới lĩnh vực du lịch. Thị trường Trung Quốc luôn đứng đầu trong tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam, chiếm tỷ trọng cao nhất, trung bình khoảng 30% trong cơ cấu khách quốc tế đến Việt Nam và luôn có khoảng cách xa so với các thị trường khách lớn khác như Nhật Bản, Mỹ, Đài Loan...
Cục Hàng Không đã có lệnh tạm thời hủy tất cả các đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc và ngược lại từ chiều ngày 01/2/2020 và Chính phủ đã tạm ngừng cấp visa cho khách Trung Quốc từ 30/1/2020 nên số lượng khách Trung Quốc đến nước ta giai đoạn có dịch là bằng 0.
Đối với khách quốc tế đến từ các quốc gia khác, cũng do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, số lượng khách từ các quốc gia khác nhập cảnh vào nước ta cũng sẽ giảm mạnh do Việt Nam là nước có biên giới đường bộ với Trung Quốc và đã có người nhiễm virus Covid-19. Ước tính số lượng khách từ các quốc gia này sẽ giảm khoảng 50 - 60% trong giai đoạn có dịch.
Hai ảnh hưởng trên sẽ tác động tới tổng mức chi tiêu của khách quốc tế tại Việt Nam. Dựa vào kết quả điều tra chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam, khách Trung quốc đến nước ta chi tiêu bình quân khoảng 743,6 USD/1 khách, các khách đến từ các quốc gia khác chi tiêu bình quân 1.141,5 USD/1 khách. Theo tính toán, nếu dịch kéo dài hết quý I, thiệt hại về doanh thu từ khách quốc tế năm 2020 là khoảng 2,3 tỷ USD, nếu dịch kéo dài hết quý 2, thiệt hại khoảng 5 tỷ USD.
Du lịch giảm, sản xuất và nhập khẩu bị ảnh hưởng nên lĩnh vực vận tải cũng không tránh khỏi dịch bệnh do virus CoVid-19 gây ra, trong đó, vận tải hàng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Hiện tại có 11 hãng hàng không Trung Quốc đang khai thác 32 đường bay từ 14 điểm tại Trung Quốc đến 5 điểm tại Việt Nam gồm Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cam Ranh và Phú Quốc với tổng tần suất khai thác 240 chuyến/tuần.
Về phía Việt Nam cũng từ 5 thành phố trên, các hãng hàng không Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines và Vietjet Air đang khai thác 72 đường bay thường lệ và không thường lệ (thuê chuyến) đến 48 điểm tại Trung Quốc với tần suất 401 chuyến/tuần. Như vậy, trước lệnh ngừng bay toàn bộ các chuyến bay giữa Việt Nam và Trung Quốc từ chiều ngày 01/02, tính trung bình mỗi ngày có khoảng trên 80 chuyến bay qua lại giữa Việt Nam và Trung Quốc bị hủy chuyến.
Tiếp theo là vận tải đường bộ và đường sắt, do ảnh hưởng lượng khách đi du lịch, lễ hội giảm. Các dịch vụ hỗ trợ vận tải cũng sẽ giảm theo, đặc biệt là dịch vụ hỗ trợ vận tải ngành hàng không như dịch vụ quản lý bay, dịch vụ cảng hàng không sẽ bị ảnh hưởng.
Theo đánh giá kịch bản tăng trưởng, trong trường hợp dịch Covid-19 kết thúc trong quý I thì theo giá so sánh giá trị tăng thêm ngành vận tải chỉ tăng 5,1% trong quý I và tăng 6,12% trong quý 2; trong trường hợp dịch được kết thúc trong quý II thì giá trị tăng thêm ngành vận tải, kho bãi chỉ tăng 5,1% trong quý I và 6% trong quý
2 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam
Sau cuộc họp thường kỳ Chính phủ ngày 5/2, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam dưới tác động của dịch Covid-19 gây ra và đều tăng trưởng thấp hơn. Theo đó, nếu dịch được khống chế trong quý 1/2020, ước tính GDP năm nay tăng 6,27%, thấp hơn 0,53% so với mục tiếu đầu năm (6,8%). Trong trường hợp thứ 2, dịch khống chế muộn hơn, trong quý 2/2020, ước tính GDP tăng 6,09% so với năm trước (thấp hơn 0,71% so với mục tiêu). Khả năng sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.
Với tác động của dịch Covid-19, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 có thể sẽ giảm 21% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng 46,5 tỷ USD (tương đương khoảng 9% kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước năm 2019). Chịu ảnh hưởng chính là xuất khẩu nông sản và nông sản chế biến, hàng lâm sản giảm khoảng trên 29%, hàng thủy sản giảm 38%, hàng dệt may giảm 22%... Trong quý 1/2020, xuất khẩu sang Trung Quốc có thể giảm tới hai con số so với cùng kỳ năm trước.
Còn theo nhóm tác giả Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV, 3 kịch bản giảm tăng trưởng năm 2020 dựa trên đánh giá dự báo tác động của dịch nCoV tới 8 lĩnh vực bao gồm dịch vụ y tế và nguồn nhân lực, du lịch - lữ hành - khách sạn, dịch vụ giao thông - vận tải, bán lẻ (tiêu dùng giảm), ngoại thương, đầu tư, chuỗi sản xuất - cung ứng, và dịch vụ tài chính - ngân hàng. Xu hướng chung là đều suy giảm trong ngắn hạn. Hướng đánh giá chung này cũng thể hiện tại báo cáo dự báo của Bộ KHĐT.
Cụ thể, GDP năm 2020 Việt Nam giảm khoảng 0,83 điểm %; trong đó, GDP quý 1 giảm 1,23 điểm % và GDP quý 2 giảm 0,71 điểm %. Kịch bản thứ 2 là GDP Việt Nam quý 1 có thể giảm khoảng 1,22 điểm %; GDP quý 2 giảm 0,39 điểm %, và GDP cả năm giảm khoảng 0,32 điểm %. Và kịch bản thứ 3 là GDP quý 1 có thể giảm 1,24 điểm %, GDP quý 2 giảm 1,46 điểm % và GDP cả năm giảm khoảng 2,71 điểm %.
Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng phụ thuộc nhiều vào diễn biến dịch bệnh cũng như khả năng kiểm soát dịch của Trung Quốc và các nước. Hiện nay, vẫn còn quá sớm để có thể đánh giá đầy đủ và chính xác những tác động này đối với kinh tế - xã hội của đất nước.
Giải pháp phục hồi nền kinh tế
Trước những ảnh hưởng của virus CoVid-19 xảy ra với nền kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, qua đợt dịch bệnh Covid-19, nền kinh tế bộc lộ rõ hơn những điểm mạnh và điểm yếu, đặc biệt là về cơ cấu kinh tế và khả năng chống chịu trước tác động lớn từ bên ngoài. Do vậy, cần phải đẩy nhanh các biện pháp tái cơ cấu nền kinh tế cả trước mắt và lâu dài.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nhanh chóng cơ cấu lại thị trường xuất khẩu theo hướng đa dạng hóa thị trường, không phụ thuộc vào một thị trường, đáp ứng tiêu chuẩn hàng hóa cao về xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn địa lý; thúc đẩy công nghiệp chế biến nông sản. Phát triển nhanh, chuyên sâu một số ngành công nghiệp nền tảng, chiến lược có lợi thế cạnh tranh; thúc đẩy công nghiệp chế biến thực phẩm. Thúc đẩy tăng năng suất, chất lượng trên cơ sở đổi mới sáng tạo, công nghệ, năng lực quản trị và chuyển đổi số, đặc biệt là trong chế biến, chế tạo của khu vực doanh nghiệp Việt.
Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát tổng thể các mặt hàng, sản phẩm hiện đang có mức độ phụ thuộc nhiều vào một thị trường (bao gồm cả thị trường xuất khẩu và thị trường đầu vào, nguồn cung nguyên liệu), xây dựng, triển khai phương án, lộ trình phù hợp chuyển sang thị trường và sản xuất trong nước hoặc thị trường, nguồn cung từ các đối tác khác để giảm dần phụ thuộc vào một thị trường, đối tác. Chú trọng phát triển các sản phẩm xuất khẩu mới, sản phẩm sáng tạo, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, các mặt hàng xuất khẩu thân thiện môi trường.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất các phương án kích cầu nhằm bảo đảm giữ vững mục tiêu tăng trưởng. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an khẩn trương xây dựng, triển khai thực hiện chương trình kích cầu, giảm giá du lịch để thu hút khách trở lại. Xem xét khả năng miễn lệ phí, đơn giản thủ tục visa cho khách du lịch trọn gói đi theo đoàn do các công ty lữ hành quốc tế phục vụ. Nghiên cứu giảm giá, miễn phí vé, phí tham quan từ trong thời gian diễn ra dịch và 2-3 tháng sau thời gian kiểm soát dịch bệnh để kích cầu du lịch sau khi dịch được kiểm soát.
Đẩy mạnh khai thác và phát triển thị trường nội địa, nâng cao sức tiêu dùng trong nước và phát triển thương hiệu Việt. Khơi dậy nội lực trong nước, khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam phát triển, khuyến khích hàng hóa do người Việt Nam sản xuất.Ưu tiên phát triển hệ sinh thái dịch vụ, trong đó tập trung vào một nhóm các lĩnh vực dịch vụ trên cơ sở áp dụng đồng bộ công nghệ và nền tảng công nghệ thông tin đảm bảo thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư như kinh tế chia sẻ, kinh tế số. Đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng công nghệ trong thương mại nhất là thương mại điện tử, dịch vụ giao vận và chuyển phát.