Bất động sản dưỡng lão: Kinh nghiệm thế giới và xu hướng cho Việt Nam

Bất động sản dưỡng lão: Kinh nghiệm thế giới và xu hướng cho Việt Nam

Thứ Ba, 29/12/2020 - 09:06

 

Một trong những thách thức mà xu hướng già hóa dân số đang đặt ra là vấn đề an sinh cho người cao tuổi, nhất là khi người già thường thu mình trong nỗi cô đơn đáng sợ của tuổi xế chiều.

Theo đó, việc tạo ra những không gian nghỉ dưỡng lý tưởng kết hợp chăm sóc sức khỏe và các hoạt động cộng đồng, như một xã hội thu nhỏ dành riêng cho người già được đánh giá là giải pháp hiệu quả nhất để họ được sống một cuộc đời mới thú vị hơn, giải tỏa nỗi sợ cô đơn.

Điều này mở ra cơ hội cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng - dưỡng lão (bất động sản hưu trí an dưỡng), một xu hướng đang dần phổ biến trên thế giới và dự báo sẽ sớm “lên hương” tại Việt Nam khi có vô vàn lợi thế cạnh tranh.

KHI SỐ LƯỢNG NGƯỜI GIÀ TĂNG NHANH

Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Nếu như các quốc gia phát triển mất một thế kỷ hoặc hàng thập kỷ để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số (7%) sang dân số già (14%) như Pháp (115 năm), Thụy Điển (85 năm), Australia (73 năm), Mỹ (69 năm), Canada (65 năm), Anh (45 năm)… thì Việt Nam chỉ mất 20 năm.

Năm 2017, số người cao tuổi chiếm 11,9% trong tổng số dân số, có nghĩa là cứ 9 người thì có 1 người từ 60 tuổi trở lên. Đến năm 2028, nhóm người trên 60 tuổi có thể tăng lên 20%. Đến năm 2050, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia siêu già, tương đương Nhật Bản và Hàn Quốc.

 

Già hóa dân số nhanh sẽ tác động tới nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, như hệ thống an sinh, việc làm, quan hệ gia đình... và hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Người cao tuổi đang phải đối diện với gánh nặng “bệnh tật kép” và các bệnh mãn tính, cần nhiều thời gian điều trị, thậm chí phải điều trị suốt đời.

Bên cạnh đó, người cao tuổi dễ tủi thân, cáu kỉnh vô cớ, hờn dỗi; dễ có cảm giác hụt hẫng lúc về hưu; cô đơn và luôn mong được quan tâm chăm sóc… Họ sẽ rất buồn tủi khi mọi người xung quanh, nhất là con cháu và người thân, vô tình hay hữu ý, tạo một bức tường ngăn cách khiến cho họ cảm thấy cô độc trong thế giới xung quanh. Sự cô đơn có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và hạnh phúc của người già. Điều này có thể nhìn thấy rõ về mặt tinh thần khi tình trạng trầm cảm ở người già thường trở nên nghiêm trọng hơn.

Đặc biệt, trong năm 2020, dịch Covid-19 đã làm gia tăng và nêu bật tính dễ bị tổn thương cũng như những nhu cầu cụ thể của người cao tuổi, nhất là nhu cầu về không gian sống, chăm sóc sức khỏe.

Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA) nhấn mạnh, già hóa dân số là một chủ đề không thể bỏ qua trong Chương trình nghị sự Phát triển bền vững năm 2030. Theo đó, tất cả các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam, phải chuẩn bị cho già hóa dân số, khi các cặp vợ chồng bắt đầu có một gia đình nhỏ hơn. Việt Nam cần phải tính đến một mô hình có thể đồng bộ hóa vấn đề già hóa dân số với tăng trưởng kinh tế và xã hội, đồng thời đảm bảo hòa nhập xã hội cho người cao tuổi.

Bài toán làm sao để người già bớt cô đơn, hướng đến một cuộc sống năng động, hạnh phúc và khỏe mạnh là trăn trở chung của các nước đã bước đến giai đoạn dân số già trên thế giới. Theo đó, đã có những giải pháp được đưa ra nhằm đảm bảo an sinh cho người già, thúc đẩy sự phát triển kép về kinh tế. Trong đó, một xu hướng đang dần trở nên phổ biến hơn, đó là phát triển phân khúc bất động sản hưu trí, an dưỡng - không chỉ tạo ra những bến đỗ hạnh phúc ở tuổi xế chiều cho người già mà còn mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế, xã hội khác.

Để làm rõ hơn về câu chuyện này, Cà phê cuối tuần ghi nhận chia sẻ của các vị chuyên gia: TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam; PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, tài chính quốc tế; TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính.

BIẾN THÁCH THỨC THÀNH CƠ HỘI

PV: Nhiều quốc gia trên thế giới đã coi việc phát triển các bất động sản an dưỡng, hưu trí hay bất động sản dưỡng lão là một giải pháp hiệu quả khi đối mặt với những thách thức mà già hóa dân số đặt ra. Các chuyên gia nhìn nhận như thế nào về xu hướng này?

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Tôi cho rằng đó là một giải pháp biến thách thức thành cơ hội mà nhiều quốc gia phát triển đã làm. Trước hết, phải thấy rằng, già hóa dân số là một hiện tượng toàn cầu. Mỗi quốc gia trên thế giới đều đã và đang chứng kiến sự gia tăng cả về quy mô và tỷ lệ người cao tuổi trong dân số. Điều này cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại đã kéo theo nhu cầu về những không gian sống, tĩnh dưỡng lý tưởng dành cho người già, thường gọi là viện dưỡng lão.

Nhu cầu viện dưỡng lão được chia thành 2 nhóm chính. Một là người cao tuổi không có điều kiện sống cùng con cái. Do con cái định cư nước ngoài hoặc làm ăn phương xa, hoặc không có thời gian chăm sóc chu đáo cho bố mẹ. Hai là nhóm người muốn tham gia để sinh hoạt cộng đồng, gặp gỡ những người cùng thế hệ.

bđs dưỡng lão

Tại Nhật Bản, các viện dưỡng lão luôn chú ý đến vấn đề chăm sóc sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần và môi trường sống thiên nhiên, trong lành. Các trung tâm này được áp dụng những công nghệ và sản phẩm hiện đại nhất. Với mô hình viện dưỡng lão cơ bản, các cụ già được sống trong những ngôi nhà nhỏ riêng tư, có thể nấu ăn và dùng bữa cùng nhau trong không gian yên tĩnh như gia đình. Ngoài ra, còn có các hoạt động ngoại khóa, thể thao và các hoạt động khác tùy theo đam mê, sở thích riêng của tùng người. Điều này giúp các cụ già được thư giãn, vui vẻ và yêu đời hơn. Chi phí ở những viện dưỡng lão cao cấp tại Nhật Bản dao động từ 80 - 150 triệu đồng/tháng.

Tại Anh, khối tài sản mà những người cao tuổi nắm giữ đang cao tới mức kỷ lục, trở thành một "miếng bánh" quá màu mỡ đối với án dự án hưu trí xa xỉ. Nhiều dự án an dưỡng hưu trí được xây dựng như những resort. Ở đó, mọi thứ đều được phục vụ theo tiêu chuẩn rất cao, mang lại sự an toàn tuyệt đối cho người cao tuổi và được đánh giá có cơ sở vật chất tốt nhất trên thế giới.

Căn hộ đắt nhất trong các dự án này có giá lên tới 11 triệu bảng Anh, tương đương 330 tỷ đồng. Có nhân viên phục vụ 24/7, các tiện ích vượt trội như bể bơi chữa bệnh, câu lạc bộ riêng tư, hay thậm chí là cả khách sạn cho thú cưng. Tất cả những công nghệ tối tân nhất đều có ở đây. Ví dụ như cảm biến trên sàn nhà (nếu có tai nạn xảy ra sẽ được báo ngay với người quản lý). 

Tại Mỹ, viện dưỡng lão được chia ra làm 3 loại hình chính. Thứ nhất là các trung tâm chăm sóc cho những người già cả, tật nguyền hoặc những người vẫn còn khả năng tự lo những nhu cầu căn bản nhưng cần trợ giúp về việc bếp núc, thuốc men, khám bác sĩ, mua sắm… Loại hình thứ hai là những trung tâm chăm sóc những người bị bệnh nặng như tai biến, hôn mê lâu dài. Loại hình thứ 3 là những trung tâm chăm sóc những người bị lú lẫn nặng, đến mức không nhận ra người thân như vợ chồng, con cháu. Những bệnh nhân này có thể được gắn thiết bị định vị để theo dõi di chuyển, bảo đảm an toàn tối đa. Các điều dưỡng, hộ lý thường xuyên túc trực để chăm sóc sức khỏe thể chất cho người già. Bên cạnh đó, các viện dưỡng lão cũng đặc biệt chú trọng đến cả sức khỏe tinh thần của người cao tuổi.

Một dự án bất động sản dưỡng lão tại Nhật Bản.

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Cùng với xu hướng già hóa dân số, ở các nước phát triển, viện dưỡng lão tư nhân là mô hình kinh doanh có lợi nhuận và cũng rất cạnh tranh. Một trong những hình thức đang được ưa chuộng là phát triển các khu nghỉ dưỡng kết hợp với hưu trí. Mô hình kết hợp như vậy đã được áp dụng khá thành công, đặc biệt là ở Pháp và Nhật, những nơi có ngành dịch vụ chăm sóc người cao tuổi phát triển rất mạnh.

Ngoài ra, tại Philippines cũng có những dự án để phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng của người cao tuổi, trong đó có những dự án đẳng cấp quốc tế dành cho họ. Để thu hút khách hàng vào phân khúc bất động sản hưu trí, trước hết Philippines ưu tiên hàng đầu về vấn đề hạ tầng, mở rộng hạ tầng trong bối cảnh ùn tắc giao thông nhằm cung cấp hạ tầng tốt nhất về đi lại. Bên cạnh đó, Philippines có hệ thống bảo hiểm y tế khá tốt, hệ thống điều dưỡng viên trình độ cao, bệnh viện lớn dành cho những bệnh chuyên biệt, hạ tầng y tế sẵn sàng phục vụ cho người cao tuổi. Philippines cũng có chính sách ưu đãi cho người nghỉ hưu, họ có thể mua một căn hộ chung cư chỉ với 50.000USD.

"MỎ VÀNG" CHƯA KHAI THÁC CỦA VIỆT NAM

PV: Có thể thấy, bất động sản dưỡng lão dù đã được định hình khá rõ nét trên thế giới nhưng tại Việt Nam thì phân khúc này còn khá mờ nhạt, mới chỉ xuất hiện vài năm trở lại đây. Theo các chuyên gia,Việt Nam có những lợi thế gì để phát triển loại hình bất động sản nghỉ dưỡng này?

TS. Nguyễn Văn Đính: Nói về lợi thế phát triển nghỉ dưỡng an dưỡng thì Việt Nam là một nước không hề thua kém nếu không nói là cạnh tranh hơn so với các nước trên thế giới. Bởi Việt Nam có nhiều tiềm năng và dư địa để phát triển du lịch nghỉ dưỡng. Mặt khác, khí hậu nhiệt đới ở nước ta cũng có nhiều thuận lợi như các vùng biển, vùng sông hồ, suối khoáng nóng… hấp dẫn du khách. 

bđs duong lao

Ngoài ra, kỹ thuật của ngành y ở Việt Nam ngày nay cũng đã đạt được những trình độ nhất định, không thua kém nhiều so với các nước trên thế giới đặc biệt là vấn đề thuộc lĩnh vực đông y, vật lý trị liệu hay dưỡng sinh.

Hơn nữa, tỷ trọng người già ở Việt Nam cũng ngày càng tăng cao. Việt Nam đang được đánh giá là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số thuộc tốp nhanh nhất thế giới. Và đây chính là nguồn khách hàng tiềm năng để phát triển loại hình bất động sản nghỉ dưỡng dưỡng lão này.

Vì vậy mà hiện nay đã có khá nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn bắt đầu tham gia vào việc phát triển loại hình bất động sản nghỉ dưỡng này. Trong tương lai, khi việc phát triển kinh tế và mức sống được nâng cao, các khu đô thị hiện đại dành cho người già được hình thành nhiều hơn sẽ vừa mang tính nhân văn và phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại.

TS. Nguyễn Trí Hiếu:  Khi lượng người cao tuổi tăng lên, nhu cầu an dưỡng, được chăm sóc sức khỏe một cách toàn diện, chu đáo càng gia tăng. Họ cần một nơi thanh tịnh, không khí trong lành, lý tưởng nhất là gần sông, gần biển, thuận tiện kết nối với các tiện ích đời sống như y tế, chăm sóc sức khỏe, tập luyện… để sống phần đời còn lại. 

Việt Nam có rất nhiều lợi thế cạnh tranh từ cảnh quan thiên nhiên, văn hóa đến chi phí rẻ.  Mặt khác, với 5 triệu người Việt đang sinh sống ở nước ngoài, nếu chúng ta phát huy được các lợi thế để phát triển mạnh bất động sản dưỡng lão hay các resort an dưỡng thì đây cũng là “mỏ vàng” có thể khai thác hiệu quả khi có thể thu hút lượng Việt Kiều quay trở về quê tĩnh dưỡng tuổi già. 

Ðối với tâm lý người Việt Nam chưa quen với “dưỡng lão”, mô hình “nghỉ dưỡng” sẽ có nhiều lợi thế để quảng bá và phát triển hơn. Ngoài ra, mô hình này còn tạo được nguồn thu cân bằng giữa khách cố định (dưỡng lão) và khách vãng lai (du lịch).

PV: Vậy theo các chuyên gia, hình thức bất động sản nghỉ dưỡng dưỡng lão có điểm nhấn đặc biệt nào so với các dự án thông thường?

TS. Nguyễn Văn Đính: Tôi nghĩ điểm khác biệt ở đây là nhu cầu của người sử dụng. Với người trẻ, người trong độ tuổi lao động thì nhu cầu nghỉ dưỡng sẽ không thể bằng người già bởi thời gian của họ còn phải phân bổ rất lớn cho công việc, gia đình. Trong khi đó, với người cao tuổi thì nhu cầu được nghỉ ngơi là luôn luôn có. Chính vì vậy mà các dự án nghỉ dưỡng cho người cao tuổi phải đảm bảo yếu tố không chỉ đồng bộ về mọi mặt như cơ sở vật chất mà còn cần phải đồng bộ về thời gian. Tức là đáp ứng được mọi thời gian khi người cao tuổi cần.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Hiện nay những khu nghỉ dưỡng đang được triển khai làm và đầu tư đang có sự kết hợp giữa nhu cầu nghỉ ngơi và chăm sóc sức khỏe. Có không gian xanh để tản bộ, tập thể dục, có các phương tiện tiện ích để chăm sóc sức khỏe, chỉ cầm bấm chuông là có thể được phục vụ. Đặc biệt, những loại hình này khuyến khích những gia đình, những người bạn với nhau cùng đến và chung sống. Ở đó vừa đảm bảo những không gian riêng vừa phải đảm bảo không gian chung để sống hòa hợp. Đây cũng là điểm khác biệt giữa những dự án nghỉ dưỡng thông thường và dự án nghỉ dưỡng dưỡng lão cho người cao tuổi.

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Đặc điểm của các viện dưỡng lão thường là những chung cư hoặc căn hộ trong khu nghỉ dưỡng, an ninh tuyệt đối. Tại các khu dưỡng lão cũng có các phương tiện cần thiết cho người già, ví dụ như các thiết bị cảm biến thông minh, hỗ trợ đắc lực trong việc theo dõi từng bước đi, hướng đến sự an toàn cho người cao tuổi. Bên cạnh đó, người già sẽ được chăm sóc kỹ từ khâu vệ sinh đến ăn uống, chế độ dinh dưỡng, theo dõi sức khỏe và được tham các hoạt động ngoài trời, sinh hoạt cộng đồng…

CÁC LOẠI HÌNH BẤT ĐỘNG SẢN ĐANG "LÃNG QUÊN" NGƯỜI CAO TUỔI

PV: Trong bối cảnh hiện tại, việc phát triển bất động sản dưỡng lão tại Việt Nam có gặp phải trở ngại gì không, thưa các chuyên gia?

TS. Nguyễn Văn Đính: Khái niệm về nghỉ dưỡng dưỡng lão trong quy phạm pháp luật là gần như chưa có. Nên để phát triển loại hình này trở thành mũi nhọn hay mục tiêu là chưa được chú trọng mặc dù những nhu cầu của người cao tuổi là rất cần thiết và rất nhiều.

Ngoài ra về phía Nhà nước cũng chưa có nhiều các chính sách ưu tiên, hỗ trợ việc dưỡng lão cho người cao tuổi. Chính xác hơn là vấn đề này chưa được chú trọng. Các loại hình về bất động sản nghỉ dưỡng “nhắm” vào giới trẻ đang được đầu tư nhiều hơn mà lãng quên đi nhu cầu của độ tuổi xế chiều này. Trong bối cảnh tỷ lệ người già tăng cao như hiện nay, bất động sản dưỡng lão cần được khuyến khích và có nhiều ưu đãi hơn để phát triển như một giải pháp để ứng phó với những thách thức của xã hội già hóa.

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Mỗi viện dưỡng lão ở Mỹ, chi phí cho một tháng ít nhất phải 1.000 USD. Tại Việt Nam, thu nhập bình quân đầu người mới chỉ khoảng hơn 300 USD, nên nhu cầu dưỡng lão chưa phổ biến. Yếu tố tài chính cũng là một vấn đề trở ngại.

Tiếp nữa, hiện chưa có một thị trường gọi là bất động sản dưỡng lão, hay an dưỡng hưu trí ở Việt Nam. Số lượng viện dưỡng lão còn ít, chất lượng chưa cao. Cả nước hiện có 102 cơ sở tổng hợp có phân khu chăm sóc người cao tuổi, trong đó, chỉ có 32 cơ sở chuyên nghiệp và các viện dưỡng lão này phần lớn thuộc khu vực tư nhân. Tức là, không đủ mức bình quân mỗi tỉnh thành một trung tâm. Bên cạnh đó, nhu cầu nhân lực cũng là một vấn đề cấp bách.

Nhiều chủ đầu tư cũng đã nghĩ đến việc hình thành những khu dưỡng lão cao cấp nhưng vẫn còn rất mờ nhạt. Một trong những nguyên nhân khiến phân khúc này chưa phát triển ở Việt Nam đó là xét về mặt tâm lý, nhiều người già vẫn mong muốn ở với con cái của họ. Chính con cái cũng cần ông bà để trông cháu.

PV: Vâng, như chia sẻ của TS. Nguyễn Trí Hiếu, vấn đề tâm lý sống theo đại gia đình hay nói cách khác, việc đưa bố mẹ vào viện dưỡng lão đang được hình dung như một hành động bất hiếu là một trở ngại lớn khiến bất động sản dưỡng lão chưa phát triển ở Việt Nam. Vậy theo các chuyên gia, trong tương lai, tâm lý này liệu có thay đổi hay không?

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Trước đây, hành động này là một việc làm như đang bỏ rơi bố mẹ. Tuy nhiên khi xã hội phát triển và tiến bộ hơn thì việc quan điểm về viện dưỡng lão cũng sẽ dần thay đổi cởi mở hơn. Các viện dưỡng lão sẽ được coi như chốn yên bình, hưởng vui tuổi già. Đây một hình thức báo hiếu văn minh sẽ dần trở nên phổ biến.

Bởi theo xu hướng của xã hội, người trẻ phải tự lo cuộc sống của mình, tự làm chủ gia đình và chăm sóc con cái, không còn phụ thuộc vào bố mẹ. Mặt khác, những người già, khi họ sống cùng con cái, họ cũng sẽ không có sự thoải mái, thậm chí còn e ngại trở thành gánh nặng. Con cháu đi làm cả ngày, trong khi người già lại rất rảnh rỗi. Nếu không có người bầu bạn, tâm sự, chăm sóc, những người già sẽ rất cô đơn, mỗi ngày sẽ trở nên dài đằng đẵng.

Trong khi đó, các cụ già cùng độ độ tuổi, thậm chí là những người bạn thân rủ nhau sống cùng ở viện dưỡng lão, họ được sống với nhau vui vẻ, khi ốm đau thì quan tâm tới nhau, bình thường thì trò chuyện, tập thể dục với nhau. Như vậy, họ sẽ cảm thấy vừa được sống thoải mái vừa bớt đi nỗi lo trở thành gánh nặng cho con cái. Ngoài ra còn được các nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe và việc sinh hoạt cộng đồng sẽ khiến họ năng động hơn. Các mô hình viện dưỡng lão xanh mát, đồng bộ tiện ích sẽ giúp người cao tuổi hưởng tuổi già vui vẻ , đồng thời giúp họ được sống một cuộc đời mới sau những tháng năm vất vả, cực nhọc.

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Đúng vậy, trong cuộc sống xô bồ hiện nay, không phải ai cũng có thời gian để ở cạnh chăm sóc bố mẹ. Nếu con cái bận rộn, người già nhốt mình trong những không gian cứng nhắc với bốn bức tường bao quanh, họ sẽ rất cô đơn. Người già cũng muốn sống riêng, độc lập để đỡ phiền con cái và con cái cũng muốn sống đời sống tự do hơn.

Họ cần có một cộng đồng sinh hoạt chung với những người cùng thế hệ, cùng nhu cầu. Đó là một trong những điều hấp dẫn người già. Ngoài ra, rất nhiều người già còn mong ước tìm được một người bạn đời. Đến những khu an dưỡng, những người có tuổi có cơ hội gặp gỡ, tìm hiểu nhau. Có những buổi giao lưu văn hóa nghệ thuật, phát huy các sở trường, họ sẽ không còn cô đơn. Con cái của họ vẫn có thể đến thăm họ thường xuyên nếu có thời gian.

“ĐỒNG TIỀN ĐI TRƯỚC LÀ ĐỒNG TIỀN KHÔN”

PV: Nhìn từ các nhu cầu của người cao tuổi và các lợi thế sẵn có của Việt Nam, các chuyên gia nhận định như thế nào về cơ hội đầu tư loại hình bất động sản nghỉ dưỡng dưỡng lão trong thời gian tới? Đây có phải là một trong những phân khúc tạo ra cơ hội sinh lời hiệu quả cho các nhà đầu tư trong năm 2021?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Bất động sản nghỉ dưỡng kết hợp với dưỡng lão, hưu trí là thị trường rất tiềm năng. Với những người cao tuổi sung túc, có điều kiện thì đây là nơi lý tưởng cho họ. Khi giới thượng lưu Việt Nam đang tăng lên thì những resort dưỡng lão sẽ rất đắt khách. Bởi chính giới thượng lưu khi về già, sau quãng thời gian tuổi trẻ cống hiến và lao động, nhu cầu an dưỡng tại những khu đô thị dưỡng lão sinh thái đẳng cấp, với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe trọn gói, tự do thỏa mãn những niềm đam mê riêng của mình trong một cộng đồng cùng thế hệ là rất lớn. 

Ngoài ra, đây cũng là một phân khúc thị trường hướng đến những người cao tuổi nước ngoài sang sinh sống ở Việt Nam, chọn Việt Nam làm nơi nghỉ dưỡng hưu trí, sống phần đời còn lại. Đây là một thị trường rất lớn, rất cần các nhà kinh doanh phát triển thị trường này.

Trong tương lai gần, bất động sản nghỉ dưỡng dưỡng lão Việt Nam sẽ phát triển ở những nơi khu vực vùng ven các đô thị lớn, khi người già không phải ở quá xa với con cái của họ và muốn có một đời sống thoải mái, tĩnh dưỡng tuổi già. Đây là cơ hội lớn mà các nhà kinh doanh có thể tận dụng. Nhưng để hình thành một thị trường lớn mạnh hơn thì có lẽ cần 5 - 10 năm nữa.

Tuy nhiên, đây cũng là một phân khúc nên định hình từ bây giờ để không bỏ lỡ những cơ hội về sau. 

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Tôi cho rằng cơ hội này sẽ dài hơn chứ không phải chỉ trong năm 2021. Thực tế đã một số các nhà đầu tư đã và đang đầu tư theo hướng này từ năm 2018 - 2019 và họ đang cố gắng phát triển theo hướng mới hơn, phù hợp hơn với nhu cầu ở Việt Nam dựa trên những kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới.

Đây rõ ràng là một kênh đầu tư mới có thể “rút hầu bao" của người cao tuổi, vừa phát triển được hoạt động du lịch, nghỉ dưỡng  vừa tạo được nhu cầu dài hạn gắn liền với nhiều dịch vụ.

Bất động sản dưỡng lão sẽ là một xu hướng tất yếu, nếu chúng ta nắm bắt được ngay từ bây giờ là rất tốt, còn tới 5 - 7 năm nữa là thời kỳ nở rộ, cơ hội đầu tư vẫn có như sẽ thấp hơn. “Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”, những người có khả năng đón đầu được cơ hội thì sẽ rất thành công trong tương lai. 

PV: Vậy cần phải có giải pháp gì ở thời điểm hiện tại để tạo ra bệ đỡ, thúc đẩy phân khúc bất động sản này phát triển, thưa chuyên gia?

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Phân khúc bất động sản hưu trí được hình thành để phục vụ nhu cầu của người cao tuổi, đây có thể nói là phân khúc mới trong thị trường bất động sản ở nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Vậy các nước đầu tư như thế nào vào phân khúc thị trường này để hấp dẫn người cao tuổi? Đây là vấn đề cần được quan tâm từ bây giờ.

Hiện mỗi năm, Việt Nam “xuất khẩu” một lượng lớn điều dưỡng viên sang làm việc tại các viện dưỡng lão ở nước ngoài. Vậy tại sao chúng ta không tận dụng nguồn lao động này cho nước nhà. Thúc đẩy phát triển bất động sản nghỉ dưỡng dưỡng lão sẽ là hình thức xuất khẩu tại chỗ, phục vụ tại chỗ, tạo ra 1 lượng GDP rất lớn. 

Nói để thấy, việc phát triển bất động sản dưỡng lão sẽ góp phần giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến an sinh xã hội, do vậy cần phải có sự kết hợp giữa các nhà phát triển bất động sản, các chuyên gia về y tế và chính sách của Nhà nước. 

Ngành dịch vụ dưỡng lão tại Việt Nam chắc chắn là một lĩnh vực đầu tư buộc phải phát triển, dù muốn hay không. Ðể khuyến khích mô hình kinh doanh lĩnh vực nghỉ dưỡng cho người cao tuổi, Việt Nam sẽ cần phải bổ sung thêm nhiều quy định phù hợp với tình hình hiện tại. Nhưng quan trọng nhất vẫn là tầm nhìn của các nhà hoạch định chính sách, trong bối cảnh dân số Việt Nam sẽ già đi trong tương lai./.

- Xin cảm ơn chia sẻ của các chuyên gia!

Bây giờ thế giới phẳng, con người bận rộn vô cùng. Người Hà Nội vốn sống chậm rãi, khoan nhặt, thi ca nhưng sang thập kỷ này người Hà Nội cũng sống theo sự cuồng nộ, sự chăm lo cho nhau bị hạn chế. Như vậy, nếu cứ sum vầy và con cái bận rộn cứ để cha mẹ già nằm ở trong nhà thì sẽ sinh ra bi kịch, bất hạnh, báo hiếu không còn là báo hiếu ngọt ngào. Nên, tiếp nối một cuộc sống khác, một lối sống khác vẫn giữ được lề của mình, trở về với sự tĩnh lặng, chiêm nghiệm cuộc đời…

Viện dưỡng lão không phải là nơi phục hồi chức năng, mà còn là nơi phục hồi niềm vui, phục hồi sức sống của con người.

Cuộc đời của con người là sự bươn chải nhọc nhằn đến vô cùng để tạo nên một cuộc sống yên tĩnh. Người già hãy dành cho mình một hầu bao, để một ngày nào đó đẹp trời tự mình hành quân đến các viện dưỡng lão, không chờ sự quyết định của con cái. Để vào nơi tĩnh lặng, chiêm nghiệm về cuộc đời. 

Nhà văn Chu Lai

 

12/25/2020 22:59
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top