Aa

Giải pháp đa chiều khơi thông vốn cho doanh nghiệp

Thứ Hai, 05/09/2022 - 06:16

Theo chuyên gia, để khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp trong bối cảnh áp lực đè nặng, cần có giải pháp đa chiều từ cả phía ngân hàng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước.

Hệ luỵ từ thiếu vốn

Trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) rục rịch tăng mạnh lãi suất, chính sách tiền tệ thắt chặt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) bắt đầu thẩm thấu dẫn đến áp lực lạm phát, tỷ giá sẽ nặng lên trong thời gian tới, gây sức ép lên mặt bằng chung của nền kinh tế. Đồng nghĩa với việc, các doanh nghiệp tiếp cận vốn đã khó sẽ càng gặp khó hơn...

Nhiều doanh nghiệp hiện nay đang hoạt động cầm chừng vì chi phí sử dụng vốn quá cao và các chi phí đầu vào khác cũng gia tăng đáng kể. (Ảnh minh hoạ)

PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Huệ, Giảng viên Tài chính, ĐH Kinh tế Quốc dân phân tích, hệ luỵ từ việc thiếu vốn khiến một số các dự án đang thực hiện dựa vào nguồn vốn vay có thể bị hoãn lại, tạm dừng hoặc bỏ giữa chừng vì chủ đầu tư không còn đủ nguồn lực tài chính. Một xu hướng khác nữa là chuyển nhượng các dự án cho nhà đầu tư nước ngoài.

Trong bối cảnh thị trường tín dụng chính thức có những rào cản nhất định, các doanh nghiệp có khuynh hướng tìm nguồn tài trợ từ thị trường tín dụng không chính thức, mà nhanh chóng và tiện lợi nhất là vay nóng các cá nhân, tổ chức khác. Thực trạng này dẫn đến hiện tượng tín dụng ngầm phát triển mạnh mẽ. Mặc dù lãi suất cao nhưng không cần tài sản thế chấp và có thể giải ngân nhanh chóng.

“Về lâu dài, làm suy giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp dẫn đến nguy cơ đổ vỡ trong nền kinh tế là khá cao. Nhiều doanh nghiệp hiện nay đang hoạt động cầm chừng vì chi phí sử dụng vốn quá cao và các chi phí đầu vào khác cũng gia tăng đáng kể”, PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Huệ nhận xét.

Vừa qua, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ có báo cáo gửi tới Thủ tướng Chính phủ cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp đã kiên trì chống chọi, nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh suốt thời gian qua. Tuy nhiên, doanh nghiệp rất cần có sự trợ lực về tài chính để có thể duy trì hoạt động và hồi phục.

Thực tế các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh chiếm tới 95% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động của Việt Nam. Nếu không giải quyết vấn đề cho vay tín dụng thì các doanh nghiệp và hộ kinh doanh này sẽ có nguy cơ phá sản, bởi hai lý do: Thứ nhất, là không có tiền trả lương cho người lao động và theo đó, doanh nghiệp sẽ mất nguồn nhân lực. Thứ hai, là không có vốn để kinh doanh và đầu tư mới, không thể khắc phục được các hậu quả sau những năm Covid vừa qua.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có vai trò như những doanh nghiệp vệ tinh, hỗ trợ cho các doanh nghiệp và tập đoàn lớn trong quá trình triển khai những dự án trọng điểm của đất nước. Do đó, việc cần thiết lúc này là phải có các biện pháp kiểm soát mức tăng lạm phát một cách hợp lý để nới “room” tín dụng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ kinh doanh nói trên. “Nếu không sẽ xảy ra kịch bản trong năm tới là các doanh nghiệp này bị phá sản, không thể tồn tại được, kéo theo suy thoái kinh tế. Như vậy còn nguy hiểm hơn lạm phát”, Ban IV lưu ý.

Giải pháp đa chiều

Để gỡ khó về vốn, ThS. Nguyễn Trúc Vân, Viện phát triển kinh tế TP.HCM nhấn mạnh đến giải pháp đa chiều từ cả phía ngân hàng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước.

Ngân hàng có thể xem xét, đẩy mạnh việc cho vay thông qua tín chấp, đánh giá hiệu quả và lợi nhuận của các dự án đầu tư để cấp vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ảnh Quốc Tuấn

Theo ThS. Nguyễn Trúc Vân, về phía doanh nghiệp, cần tái cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp với tình hình tài chính hiện có và năng lực, sở trường của doanh nghiệp. Đổi mới hệ thống quản trị nội bộ, tăng cường công tác phân tích, lập kế hoạch chiến lược, tăng cường quản lý tài chính... Chủ động trong việc xây dựng dự án, phương thức đầu tư phù hợp với năng lực về vốn, công nghệ và con người. Minh bạch vấn đề tài chính để sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, giảm thiểu chi phí, rủi ro cho cả doanh nghiệp và ngân hàng.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên liên hệ với Quỹ Bảo lãnh tín dụng để đề nghị bảo lãnh nếu không có tài sản thế chấp. Hiểu rõ tình trạng luân chuyển dòng tiền và vấn đề thâm hụt vốn lưu động, giải phóng tiền mặt từ các hóa đơn xuất khẩu, nâng cao hiệu quả các khoản thu, giảm chi phí xử lý thanh toán, tận dụng nguồn vốn dư thừa mà vẫn đảm bảo khả năng tiếp cận tiền mặt, giảm rủi ro và duy trì lợi nhuận. Đồng thời quản lý chuỗi cung ứng, thanh toán an toàn cho các nhà cung cấp, tận dụng uy tín của người mua để tiếp cận nguồn vốn ngân hàng...

Về phía ngân hàng, tăng cường tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ chính thức hoặc thông qua các chương trình, dự án của các tổ chức, tạo nguồn vốn lãi suất thấp. Ngân hàng có thể xem xét, đẩy mạnh việc cho vay thông qua tín chấp, đánh giá hiệu quả và lợi nhuận của các dự án đầu tư để cấp vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chủ động ngồi lại với doanh nghiệp, đánh giá lại các khoản nợ, bàn bạc, gia hạn nợ, đáo nợ, cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất.

Ngoài ra có thể phát triển hình thức thuê tài chính để giúp doanh nghiệp nhanh chóng đổi mới công nghệ; tạo ra những sản phẩm riêng dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, huy động các nguồn vốn dài hạn dành cho khu vực này.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước, NHNN tiếp tục cung ứng vốn qua nghiệp vụ thị trường mở và nghiệp vụ tái cấp vốn để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại, điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt để điều tiết vốn từ nơi thừa sang nơi thiếu, nhằm tạo điều kiện tối đa để những doanh nghiệp vừa và nhỏ được ưu tiên về vốn vay.

Cùng với đó, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích ngân hàng thương mại có tỷ lệ dư nợ tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ ở mức cao.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top