Điều hành chính sách tiền tệ - Giải pháp nào để ổn định niềm tin và phân bổ vốn hiệu quả?

Điều hành chính sách tiền tệ - Giải pháp nào để ổn định niềm tin và phân bổ vốn hiệu quả?

Thứ Hai, 14/11/2022 - 06:20

Ổn định niềm tin và phân bổ vốn hiệu quả là hai việc cần thiết phải làm trong bối cảnh hiện nay nhằm điều hành chính sách tiền tệ, từ đó có thể đạt được mục tiêu gia tăng số lượng và cả chất lượng nhà đầu tư. 

*****

 

Trong thời gian vừa qua thị trường liên tục đón nhận những thông tin rất tiêu cực từ việc một số lãnh đạo doanh nghiệp lớn liên quan đến vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua phát hành trái phiếu. Có thể thấy hai trụ cột của thị trường chứng khoán là thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu đều đang phơi bày những mặt trái của nó và làm cho nhà đầu tư mất hoàn toàn niềm tin vào các thị trường này. 

Hệ quả là thị trường cổ phiếu có mức thanh khoản sụt giảm thấp nhất trong hai năm trở lại đây cũng như số lượng tài khoản mở mới thấp kỷ lục, kèm theo đó là sự sụt giảm của chỉ số VN-Index khi từ 1.500 điểm xuống còn trên dưới 1.000 điểm, tương đương với 30% giá trị vốn hóa thị trường đã bốc hơi. Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu cũng rơi vào tình cảnh tương tự khi mà số lượng trái phiếu phát hành thành công giảm kỷ lục và các nhà đầu tư đua nhau rút vốn khỏi các quỹ đầu tư trái phiếu vì lo sợ rủi ro trong tương lai.

Làn sóng sợ hãi tiếp tục lan rộng ra cả thị trường tài chính và ảnh hưởng đến cả các ngân hàng thương mại, nơi mà SCB phải chứng kiến việc rút tiền hàng loạt do tâm lý e ngại khi ngân hàng này có liên quan đến Vạn Thịnh Phát, và buộc NHNN phải can thiệp để đảm bảo niềm tin cho nhà đầu tư.

Nguyên nhân chính dẫn đến sự khủng hoảng của thị trường chứng khoán trong thời gian qua nằm ở việc quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng, làm cho các đối tượng đầu cơ và lừa đảo có cơ hội trục lợi từ thị trường. Bên cạnh đó là các quy định pháp lý về phát hành chứng khoán cũng như quản lý còn có nhiều bất cập và lỗ hỏng, đặc biệt là việc phát hành trái phiếu riêng lẻ đã gây ra việc phát hành trái phiếu vô tội vạ và gây ảnh hưởng đến an toàn của toàn bộ hệ thống tài chính bởi hiệu ứng domino của nó.

Để lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư là chuyện không thể một sớm một chiều mà cần xây dựng một hệ thống cải tổ toàn bộ hệ thống tài chính một cách toàn diện và triệt để. Trước tiên phải xuất phát từ khuôn khổ pháp lý và khâu tạo lập thị trường tài chính.

Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần rà soát lại toàn bộ các quy định về Luật Chứng khoán và các văn bản dưới luật, những quy định nào còn lỗ hổng và trong thời gian qua đã phát hiện ra thì nhanh chóng đưa ra các quy định về chỉnh sửa bổ sung cho phù hợp.

Bên cạnh đó khâu tạo lập thị trường cần xem xét lại, cụ thể là các quy định về phát hành chứng khoán, giao dịch chứng khoán và làm rõ vai trò của các cơ quan quản lý trong từng vấn đề sai phạm của thị trường.

Thành lập bộ phận chuyên trách giám sát và thanh tra thị trường độc lập với Ủy ban chứng khoán Nhà nước.

Cần thành lập ban chuyên trách thường xuyên theo dõi, kiểm tra và giám sát hoạt động của thị trường chứng khoán và cơ quan này cần phải độc lập với đơn vị vận hành là Ủy ban chứng khoán nhằm đảm bảo tính độc lập trong việc giám sát hoạt động. Tránh tình trạng như hiện nay là cơ quan vận hành cũng là cơ quan giám sát hoạt động của thị trường. 

Tổng thanh tra toàn bộ hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn.

Sau khi đã thành lập cơ quan giám sát, điều tiếp theo cần làm là tổng thanh tra toàn bộ hoạt động của tất cả các doanh nghiệp niêm yết để sàng lọc lại tất cả, những doanh nghiệp nào vi phạm các quy định và làm ăn gian dối thì phải hủy niêm yết hoặc có những chế tài nghiêm khắc để lập lại trật tự cho thị trường, từ đó mới có thể lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư tham gia vào thị trường chứng khoán.

Cần sớm đưa các vụ việc lừa đảo, làm giá, lũng đoạn chứng khoán ra xét xử để răn đe và sớm lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư.

Để lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư, các cơ quan điều tra cần sớm đưa các vụ việc lừa đảo, lũng đoạn thị trường chứng khoán ra xét xử để tỏ rõ quyết tâm làm trong sạch thị trường, bên cạnh đó những bản án nghiêm khắc của pháp luật sẽ là yếu tố có tính chất răn đe cho các đội lái nếu có ý định trục lợi từ làm giá chứng khoán, lũng đoạn thị trường trong tương lai.

Bên cạnh đó, cũng cần có những thông điệp rõ ràng về việc các cá nhân, tổ chức này phải chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại cho các nhà đầu tư để giúp các nhà đầu tư có thể thu hồi phần nào tiền vốn đã bị lừa đảo, đặc biệt là trong các vụ việc xét xử về phát hành trái phiếu.

Theo mục tiêu của Bộ Tài chính, từ nay đến 2030 sẽ có 10% dân số Việt Nam tham gia thị trường chứng khoán. Đây là một mục tiêu về việc phủ sóng và đưa kênh đầu tư chứng khoán thành một trong những kênh huy động vốn hữu hiệu cho nền kinh tế, để làm được điều này, chúng ta cần thực thi một số giải pháp sau:

Cần có những chính sách khuyến khích sự phát triển của kênh phát hành trái phiếu sau khi đã có những quy định chặt chẽ để quản lý kênh này.

Thị trường trái phiếu là một thị trường hết sức quan trọng trong nền kinh tế khi nó là nơi cung vốn trung và dài hạn cho toàn bộ nền kinh tế, mà thực tế thì các doanh nghiệp sẽ cần nguồn vốn này nhiều hơn là nguồn vốn ngắn hạn từ ngân hàng. Chính vì thế một nền kinh tế dựa trên thị trường chứng khoán (market base system) được cho là hiệu quả hơn, và các nền kinh tế lớn như Mỹ vẫn là dựa trên thị trường là chủ yếu. 

Do đó, Chính phủ nên cân nhắc việc đưa ra các giải pháp nhằm thúc đẩy thị trường này phát triển như xây dựng thị trường bảo hiểm cho trái phiếu, cho phép các công ty bảo hiểm tham gia để cung cấp các sản phẩm bảo hiểm trái phiếu, từ đó bảo vệ được quyền lợi cho nhà đầu tư cũng như khi các công ty bảo hiểm tham gia họ sẽ có chuyên môn để thẩm định kỹ hơn các sản phẩm trái phiếu mà họ chấp nhận bảo hiểm, từ đó tăng độ an toàn cho thị trường hơn. Ở thị trường Mỹ, các công ty bảo hiểm vẫn đóng vai trò tương tự và giúp làm tăng sự an toàn cũng như niềm tin cho nhà đầu tư khi họ mua trái phiếu doanh nghiệp và không phải lo lắng về việc tổ chức phát hành không thể thanh toán các khoản nợ khi đến hạn. Vì nếu tổ chức phát hành gặp sự cố thì công ty bảo hiểm sẽ đứng ra thay mặt tổ chức phát hành thanh toán cho nhà đầu tư.

Ngoài ra hiện nay chỉ có các doanh nghiệp lớn mới có đủ khả năng phát hành trái phiếu, trong khi đa số các doanh nghiệp trong nền kinh tế là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, do thủ tục phát hành sẽ mất nhiều thời gian cũng như chi phí do đó loại hình này chỉ phù hợp với các doanh nghiệp lớn. Chính vì thế, cần có những chính sách hỗ trợ cũng như khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ để họ có thể tham gia được vào sân chơi này như ứng dụng các công nghệ Fintech để giảm thiểu chi phí và quá trình phát hành cho các doanh nghiệp, hoặc hỗ trợ các chi phí phát hành cho các doanh nghiệp này. Tuy nhiên, các yếu tố và quy định về an toàn thì vẫn phải được đảm bảo như là đối với các doanh nghiệp lớn để đảm bảo về an toàn cho hệ thống.

Cần xây dựng một kênh hướng dẫn và tuyên truyền cho người dân hiểu về thị trường tài chính - tiền tệ.

Hầu hết các nhà đầu tư hiện nay trên thị trường là các F0 mới tham gia thị trường, với những hạn chế về kiến thức kinh tế - tài chính và đầu tư. Đó cũng là lý do khiến họ mất rất nhiều tiền trong thời gian qua và theo khảo sát cho thấy, phần lớn họ sẽ không muốn quay trở lại thị trường trong tương lai. Vì đa số họ đã chạy theo lòng tham, dùng hết tiền tiết kiệm của mình, thậm chí vay nợ để mong muốn có thể giàu nhanh trên TTCK. Thị trường chứng khoán thời gian vừa qua với sự tham gia của các đội lái, lũng đoạn và chi phối thị trường thì các nhà đầu tư F0 này trở thành miếng mồi ngon, giống như những con bạc khác nước bị chi phối bởi các nhà cái và TTCK chẳng khác gì một sòng bài hợp pháp nơi người chiến thắng luôn là nhà cái. Chính vì thế, bên cạnh lập lại trật tự và tính minh bạch cho thị trường, cần lắm một kênh tuyên truyền và hướng dẫn cho người dân thực sự hiểu về vai trò và lợi ích khi tham gia thị trường chứng khoán, cũng như hướng dẫn họ đầu tư một cách chính thống, bài bản, tập trung đầu tư vào doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh tốt, tiềm năng phát triển trong tương lai và hưởng lợi nhuận từ thu nhập của doanh nghiệp, chứ không phải chạy theo các cổ phiếu rác bị làm giá với hy vọng mua thấp bán cao và có thể đổi đời nhanh.

Công ty quản lý vốn Nhà nước SCIC cần đóng vai trò là nhà tạo lập thị trường và can thiệp ở những thời điểm thị trường quá nóng hoặc quá lạnh.

Ở các nước phát triển, các nhà tạo lập thị trường đóng vai trò bình ổn giá cả chứng khoán và đảm bảo tính thanh khoản cho thị trường, hạn chế việc thị trường tăng quá nóng hoặc giảm quá mạnh. Như chúng ta biết, SCIC là công ty nắm lượng lớn cổ phiếu của các doanh nghiệp Nhà nước có niêm yết trên TTCK và họ có thể đóng vai trò là nhà tạo lập thị trường tốt nhất. Việc SCIC tham gia thị trường như một nhà tạo lập thị trường sẽ giúp cho thị trường không bị tăng hoặc giảm quá sốc như hiện nay, và giúp hạn chế việc nhà đầu tư hoảng loạn trên thị trường. Điều đó sẽ góp phần thúc đẩy một thị trường phát triển ổn định và giúp các nhà đầu tư yên tâm hơn khi tham gia vào thị trường chứng khoán. SCIS cũng sẽ đóng vai trò điều tiết thị trường và điều tiết việc dòng vốn ra vào thị trường tương tự như NHNN điều tiết thị trường tiền tệ thông qua các kênh của chính sách tiền tệ. Thông qua đó, Chính phủ có thể dùng SCIC như một công cụ để có thể điều tiết thị trường cũng như thực thi các chính sách tài chính tiền tệ, nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Cần có sự liên kết và phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan điều hành chính sách tài chính - tiền tệ, cũng như phải có cơ chế để tăng tính minh bạch trong chính sách và tính có thể dự báo được trong các chính sách điều hành thị trường.

Ngoài ra, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước phải có sự đồng thuận và hỗ trợ lẫn nhau trong việc điều hành thị trường tiền tệ và tài chính để tránh việc trống đánh xuôi, kèn thổi ngược, mâu thuẫn giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa thì sẽ dẫn đến việc giảm hiệu quả của các chính sách được thực thi.

Có các chính sách nhằm phân bổ nguồn vốn tiền tệ - tài chính một cách phù hợp, tránh trường hợp thúc đẩy quá mạnh, sau đó lại thắt quá chặt, làm dòng vốn đôi lúc thì hình thành bong bóng quá nhanh, rồi sau đó lại siết van dẫn vốn và khiến cho các doanh nghiệp bị tắc nghẽn vốn hoàn toàn như trường hợp điều tiết nguồn vốn ở thị trường bất động sản trong thời gian vừa qua. Do vậy, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cần phải có các cơ chế điều tiết vốn cho hiệu quả để tránh gây ra những cú sốc không đáng có và ảnh hưởng đến thị trường. Bên cạnh đó, các chính sách cần có tính dự báo được, ví dụ như FED, họ thường thể hiện chính sách trước khi thực hiện, và cũng thông báo là chính sách có thể kéo dài bao lâu, như việc tăng lãi suất của FED hiện tại, họ cũng phát đi thông điệp là chính sách tăng lãi suất sẽ tiếp tục có thể là cho đến hết 2023. Tinh minh bạch và có thể dự báo được trong các chính sách sẽ giúp cho các doanh nghiệp có đầy đủ thông tin để đưa ra các chiến lược cho phù hợp trong tình hình mới, tránh việc bị động hoặc trở tay không kịp khi chính sách xoay chuyển quá nhanh trong thời gian qua.

Cần xây dựng những chỉ số chứng khoán mới thể hiện chính xác hơn biến động của thị trường, và kèm theo đó là những chỉ số tâm lý nhà đầu tư.

Các chỉ số như VN-Index, VN30 thường hay xảy ra các hiện tượng xanh vỏ đỏ lòng hay đỏ vỏ xanh lòng, tức không phản ánh chính xác diễn biến của đa số các mã cổ phiếu trên thị trường, bên cạnh đó cũng là cơ hội cho các đội lái chi phối các chỉ số này thông qua việc tập trung đánh các cổ phiếu trụ cột trên thị trường để đạt được mục tiêu lũng đoạn thị trường, đặc biệt là sử dụng cách này để trục lợi ở những ngày đáo hạn phái sinh. Chính vì thế, Ủy ban chứng khoán cần nghiên cứu đưa ra các bộ chỉ số khác thay thế và thể hiện chính xác hơn diễn biến của thị trường chứng khoán.

Bên cạnh đó, cũng cần ứng dụng các công nghệ Big Data và tận dụng các thông tin trên mạng xã hội để xây dựng các chỉ số tâm lý nhà đầu tư, bởi yếu tố tâm lý là yếu tố đóng vai trò quyết định đến sự phát triển của thị trường chứng khoán, và là phong vũ biểu để dự báo cho thị trường. Chính vì thế, chúng ta cần nghiên cứu và xây dựng các chỉ số này để giúp cho các cơ quan quản lý, các nhà đầu tư có thể đánh giá và dự báo được sự vận động của thị trường trong tương lai từ đó có các chiến lược quản lý và kinh doanh cho phù hợp.

Hy vọng với các giải pháp như trên có thể giúp cho thị trường tài chính - tiền tệ trong thời gian tới có thể dần lấy lại niềm tin của nhà đầu tư và từ đó đạt được mục tiêu gia tăng số lượng và cả chất lượng nhà đầu tư tham gia vào thị trường. Đồng thời giúp thị trường có thể phát triển trở thành một kênh huy động vốn hữu hiệu cho nền kinh tế song song với kênh huy động từ ngân hàng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giúp kinh tế Việt Nam bứt phá trong giai đoạn tới./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top