Aa

TS. Nguyễn Hữu Huân: Tăng lãi suất khiến thị trường chứng khoán “ngủ đông”, bất động sản xuất hiện làn sóng “cắt lỗ”

Hà Thương
Hà Thương ngthuongreatimes@gmail.com
Thứ Hai, 31/10/2022 - 06:09

Theo TS. Nguyễn Hữu Huân, trong bối cảnh tín dụng bị thắt chặt, khủng hoảng niềm tin đang len lỏi xuất hiện, việc tăng lãi suất càng khiến cho cộng đồng doanh nghiệp thêm phần khó khăn.

Trước các đợt tăng lãi suất liên tục của hơn 90 ngân hàng trên thế giới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tuần qua cũng đã quyết định tăng các mức lãi suất điều hành thêm 1 điểm %. Đây là lần tăng lãi suất điều hành thứ hai của Ngân hàng Nhà nước chỉ trong vòng một tháng qua. Cụ thể, tăng lãi suất tái cấp vốn từ 5%/năm lên 6%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3,5%/năm lên 4,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng từ 6%/năm lên 7%/năm.

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành, các ngân hàng thương mại đã đồng loạt tăng lãi suất huy động và ngày 27/10 vừa qua, 3 “ông lớn” trong nhóm Big 4 gồm Agribank, BIDV, Vietinbank đã tham gia cuộc đua. 

Giới chuyên gia đánh giá, chính sách tăng lãi suất là giải pháp quan trọng để đảm bảo giá trị đồng tiền và hạn chế lạm phát. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, việc tăng lãi suất liên tục trong bối cảnh “room” tín dụng cạn đang khiến cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có đặc thù “nghiện” vốn vay ngân hàng càng thêm khó khăn. Từ đó, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề, Reatimes đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng Bộ môn Tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM. 

Tăng lãi suất để giữ chân dòng tiền ở lại trong nước

PV: Một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm lớn của giới kinh tế hiện nay là đà tăng lãi suất từ phía Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, chỉ trong 1 tháng, Ngân hàng Nhà nước đã tăng lãi suất đến 2 lần. Trước động thái quyết liệt này, ông có nhìn nhận như thế nào?

TS. Nguyễn Hữu Huân: Việc tăng lãi suất là cần thiết để giảm áp lực lên tỷ giá trong giai đoạn hiện tại. Bởi việc Fed thường xuyên tăng lãi suất sẽ khiến dòng tiền rời bỏ các thị trường mới nổi như Việt Nam và quay về Mỹ, điều này làm căng thẳng tỷ giá trong thời gian vừa qua và ảnh hưởng trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô. 

Chính vì thế, buộc NHNN phải tăng lãi suất để có thể giữ chân dòng tiền ở lại trong nước. Cần lưu ý là nếu như lãi suất ở Mỹ là 5% thì lãi suất Việt Nam phải cao hơn rất nhiều vì chúng ta cần phải cộng thêm phần bù rủi ro tỷ giá, hiện nay vào khoảng 5 đến 7%. Tức lãi suất hấp dẫn của Việt Nam đâu đó phải tầm 10%.

Ngày 24/10 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quyết định tăng các mức lãi suất điều hành thêm 1 điểm % (Ảnh minh hoạ)

PV: Bên cạnh Fed thường xuyên tăng lãi suất, còn có nguyên nhân nào nữa, thưa ông? 

TS. Nguyễn Hữu Huân: Một trong những nguyên nhân khác của việc tăng lãi suất là giúp cởi trói cho các NHTM để đảm bảo thanh khoản hệ thống. Vì trần lãi suất huy động hiện nay là sự kìm hãm việc tăng lãi suất huy động của NHTM để huy động vốn, và nếu không huy động vốn được thì căng thẳng thanh khoản sẽ rất lớn cho hệ thống các ngân hàng hoặc phát sinh các vấn đề tiêu cực như chi lãi ngoài. Chính vì thế, việc tăng lãi suất theo thực tế thị trường là phù hợp và giúp hỗ trợ thanh khoản cho các NHTM. 

Thị trường chứng khoán “ngủ đông”, bất động sản xuất hiện làn sóng “cắt lỗ”

PV: Như ông chia sẻ, mục đích của việc tăng lãi suất là tốt. Tuy nhiên, nhìn một cách đa chiều, nhiều đánh giá cho rằng, việc tăng lãi suất cũng sẽ tác động không tốt tới sản xuất kinh doanh, đầu tư của các doanh nghiệp và người dân. Quan điểm của ông như thế nào?

TS. Nguyễn Hữu Huân: Việc tăng lãi suất chắc chắn sẽ ảnh hưởng không tốt đến việc huy động vốn phục vụ sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam. Chưa kể, “room” tín dụng ở phần lớn ngân hàng đã hết hoặc không còn nhiều, nên các doanh nghiệp sẽ rất khó để tiếp cận đến nguồn vốn tín dụng từ giờ cho đến cuối năm. Vì vậy, các doanh nghiệp cần điều chỉnh phương án và hoạt động kinh doanh cho phù hợp trong bối cảnh mới, không chỉ trong các tháng cuối năm mà còn ở cả các quý đầu năm sau. 

Tương tự đối với người dân, khi lãi suất tăng cao buộc người dân phải hạn chế vay vốn tiêu dùng và thắt chặt chi tiêu hơn. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế nhưng trong bối cảnh khó khăn chung của toàn thế giới thì chúng ta chỉ có thể cố gắng làm tốt nhất chứ không thể có được giải pháp toàn vẹn cả đôi đường vừa ổn định vĩ mô mà vừa đạt tăng trưởng kinh tế cao được.

PV: Các thị trường có sự liên thông với nhau nên dòng vốn sẽ luân chuyển từ nơi có lãi suất thấp đến nơi có lãi suất cao. Vì vậy, việc Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất có được xem là “cú đấm bồi” vào thị trường chứng khoán, thưa ông?

TS. Nguyễn Hữu Huân: Việc này đã và đang xảy ra ở TTCK Việt Nam khi thanh khoản thị trường xuống thấp nhất trong 2 năm qua, cho thấy một lượng lớn các nhà đầu tư đã rời bỏ thị trường và quay sang các kênh an toàn hơn, có lãi suất cũng tương đối hấp dẫn hơn như gửi tiết kiệm ngân hàng. Và việc TTCK rơi vào tình trạng “ngủ đông” là không thể tránh khỏi theo quy luật của chu kỳ kinh tế.

PV: Với thị trường bất động sản, liệu có chung cảnh ngộ với thị trường chứng khoán hay không, khi liên tục ghi nhận chính sách tăng lãi suất?

TS. Nguyễn Hữu Huân: Tất nhiên là thị trường bất động sản cũng sẽ không là ngoại lệ, vì đa số nguồn vốn đầu tư bất động sản là đi vay, kể cả mua bất động sản để ở của những người có nhu cầu thực sự hay là đầu cơ bất động sản. Chính vì thế, việc hạn chế tín dụng trong lĩnh vực bất động sản làm hạn chế dòng vốn chảy vào thị trường này rất lớn chứ chưa nói đến việc tác động của lãi suất tăng cao. 

Tức là giờ nhà đầu tư bất động sản muốn vay vốn với lãi suất cao cũng khó mà vay được vì room tín dụng đã không còn nhiều và bị hạn chế. Còn những người có thể tiếp cận được hoặc đang vay thì phải đối mặt với mức lãi suất tăng hàng ngày, hiện nay có nơi đã lên tới 15%. Và trước áp lực tăng lãi suất cao như vậy, rất có thể sẽ xảy ra hiện tượng bán tháo để “cắt lỗ” thu hồi vốn trong thời gian tới. 

Thực tế hiện nay cũng cho thấy, có rất nhiều chủ đầu tư bất động sản đã phải giảm giá đến 50% giá trị bất động sản để ra hàng. Đây là một hiện tượng “vô tiền khoáng hậu” trên thị trường bất động sản khi mà tài sản được xem là không bao giờ mất giá lại phải giảm giá đến 50%, điều chỉ nhìn thấy ở thị trường tiêu dùng hàng hóa có giá trị nhỏ. 

Thị trường sinh ra bởi lòng tham và chết đi bởi nỗi sợ hãi

PV: Theo một đánh giá: Thị trường hiện nay không chỉ khủng hoảng về tài chính mà còn khủng hoảng về niềm tin. Quan điểm của ông về ý kiến này như thế nào? Nếu có khủng hoảng về niềm tin, theo ông đâu là nguyên nhân?

TS. Nguyễn Hữu Huân: Thị trường sinh ra bởi lòng tham và chết đi bởi nỗi sợ hãi, khi chúng ta đặt hết niềm tin, kỳ vọng vào một cái gì đó và thực tế nó lại lừa dối ta thì rõ ràng sẽ làm cho ta mất toàn bộ niềm tin về nó. 

Đây không phải là lần đầu tôi chứng kiến cảnh này, nếu ai đã đầu tư vào TTCK Việt Nam giai đoạn 2006-2009 thì sẽ thấy rõ là lịch sử đã lặp lại. Thời điểm ấy, cũng nhà nhà đầu tư chứng khoán, người người đầu tư chứng khoán, buổi tiệc chứng khoán được xem như sẽ không bao giờ kết thúc và chỉ số VNIndex liên tục lập đỉnh, rất nhiều người đã giàu lên từ TTCK vào thời điểm đó nhưng rồi cũng mất tất cả ở cú sập sau đó của thị trường. 

Nguyên nhân được cho là do thiếu minh bạch trên TTCK và việc lũng đoạn thị trường của các đội lái và chính điều đó đã làm ảnh hường rất lớn đối với niềm tin của nhà đầu tư. Và rồi thị trường sụp đổ khi niềm tin đã mất và tất cả rời bỏ thị trường với lời thề không bao giờ quay lại thị trường này một lần nào nữa vì nó đã lấy đi của họ tất cả. Vì vậy, nếu như các cơ quan chức năng không quản lý chặt chẽ và quyết tâm làm minh bạch hóa thị trường, thì 10 hay 15 năm sau lịch sử có thể sẽ tiếp tục lặp lại.

PV: Trước thực tế này, theo ông đâu là phương án để điều tiết thị trường mà không ảnh hưởng đến “sức khoẻ” của nền kinh tế, các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến khách hàng? 

TS. Nguyễn Hữu Huân: Theo tôi, việc thị trường giảm điểm chỉ ảnh hưởng đến việc huy động vốn của doanh nghiệp chứ không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của họ, đặc biệt đây lại là thị trường thứ cấp nơi các nhà đầu tư mua bán qua lại lẫn nhau chứ không có sự tham gia của tổ chức phát hành. Tuy nhiên thị trường thứ cấp cũng sẽ ảnh hưởng ngược trở lại với thị trường sơ cấp và gây khó khăn trong việc huy động và phát hành chứng khoán của doanh nghiệp.

Việc làm trong sạch thị trường hiện nay là cần thiết để sàng lọc ra những doanh nghiệp làm ăn gian dối, lừa dối nhà đầu tư. Đây là một cuộc đại phẫu lớn, đau đớn nhưng tôi nghĩ là cần thiết để thị trường chứng khoán hoạt động minh bạch hơn, và thực hiện đúng vai trò của nó là huy động vốn hữu hiệu cho nền kinh tế. Đặc biệt, giúp thay đổi phương thức đầu tư của nhà đầu tư, đừng để họ xem thị trường là một canh bạc hên xui, một nơi có thể làm giàu nhanh chóng, mà là một nơi để có thể đầu tư dài hạn và nhận thu nhập từ kết quả kinh doanh tốt của doanh nghiệp chứ không phải là hưởng lợi từ việc đầu cơ cổ phiếu.

PV: Ông dự báo lãi suất trong thời gian tới sẽ diễn biến như thế nào?

TS. Nguyễn Hữu Huân: Lãi suất theo tôi sẽ vẫn còn tiếp tục tăng trong thời gian tới ít nhất là đến hết năm sau. Chính vì thế, chúng ta cần chuẩn bị tâm thế cho điều đó và có các chiến lược cho phù hợp với tình hình mới.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top