Aa

Giải pháp giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận tốt gói hỗ trợ

Thứ Năm, 21/04/2022 - 06:14

Theo chuyên gia, cần nâng cao vai trò của các Hiệp hội doanh nghiệp trong công tác phản hồi chính sách, tiếp cận vốn, thuế, thủ tục hành chính... với cơ quan quản lý Nhà nước.

Theo TS. Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (DNNVV), với gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng mà Quốc hội, Chính phủ đã thông qua và ban hành, trên 80% là dành cho đầu tư công, còn khoảng gần 20% là hỗ trợ trực tiếp. Nhưng hỗ trợ này không phải là Nhà nước in ra 350.000 tỷ, mà nằm ở các hạng mục đầu tư, ở hỗ trợ an sinh xã hội, hỗ trợ cho doanh nghiệp thông qua giảm 2% thuế VAT, hay cấp bù lại suất 2% với tín dụng, hỗ trợ nhà ở xã hội cho công nhân...

Doanh nghiệp phải tự nhìn nhận khả năng, năng lực của mình, cũng như tự đổi mới và tái cấu trúc để giảm chi phí xuống thấp nhất và nâng hiệu quả kinh doanh lên cao nhất.

“Chúng tôi rất kỳ vọng vào công tác thực thi chính sách của Chính phủ, còn riêng về các thủ tục hành chính thì cũng là một vấn đề khó, bởi cải cách từ cũ sang mới là cả một quá trình và công cụ hiện nay chủ yếu phụ thuộc vào chuyển đổi số. Thậm chí Nhà nước phải đầu tư vào chuyển đổi số, không nên chỉ hô hào khẩu hiệu, khi các thủ tục được mã hóa sẽ không còn câu chuyện gây phiền hà, xách nhiễu xảy ra”, ông Thân bày tỏ.

Để cộng đồng doanh nghiệp có thể tiếp cận tốt với các chính sách hỗ trợ, lãnh đạo Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho rằng có một số điểm cần chú ý như: 

Thứ nhất, Việt Nam có 16 - 17 Hiệp định thương mại FTA, mà không nước nào có nhiều hiệp định tự do như vậy. Tuy nhiên hiện nay, đặc biệt là khối DNNVV vẫn còn manh mún, nếu không có sự cải cách ngay từ bây giờ sẽ không bao giờ đạt được mục tiêu tham gia vào các Hiệp định.

“Để làm được điều này, các doanh nghiệp cần chuẩn chị ngày từ khâu sản xuất hàng nội địa. Dù chúng ta chưa xuất khẩu được, chưa tiếp cận được các tiêu chí, điều kiện theo tiêu chuẩn quốc tế, thì hãy làm theo quy chuẩn nhất định để bán ra cho người tiêu dùng trong nước, sau đó mới vươn ra xuất khẩu. Về vấn đề này, cũng cần có hỗ trợ của Nhà nước định hướng và sự ủng hộ từ phía người dân, bằng cách không tiêu thụ sản phẩm không đảm bảo chất lượng”, ông Thân phân tích.

Thứ hai, là câu chuyện về tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp nói rằng vì thiếu vốn mà không thể tiếp tục sản xuất kinh doanh. Song hiện nay, các ngân hàng đang cạnh tranh rất khốc liệt, những doanh nghiệp có doanh thu tốt, trả nợ, trả lãi nghiêm chỉnh thì đều được “săn đón”, nên vấn đề khó dễ từ ngân hàng chỉ là một phần.

Thứ ba, về chính sách vĩ mô, các DNNVV vẫn còn rất thờ ơ, trong khi đây là vấn đề quan trọng cần phải bám sát. Do đó, các cơ quan truyền thông nên để ý tuyên truyền sâu rộng về sự thay đổi chính sách của Đảng và Nhà nước, để các DNNVV khịp thời nắm bắt, giúp cho sự vận hành và thay đổi mô hình sản xuất kinh doanh theo thời cuộc.

“Chúng tôi rất mong Chính phủ sẽ giao cho Hiệp hội quyền đánh giá chỉ số của doanh nghiệp, về việc này sẽ có cơ quan nghiên cứu, phân loại, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp. Đồng thời giao cho chúng tôi được đánh giá các cơ quan ban ngành, để từ đó có biện pháp chống lại các rào cản về thể chế, về thủ tục hành chính gây khó dễ cho hoạt động doanh nghiệp. Đây là số liệu rất quan trọng để Đảng, Chính phủ, Quốc hội nhìn vào tham khảo và cũng nói lên góc nhìn của doanh nghiệp về công tác phục vụ của bộ máy hành chính đã tốt, đã đảm bảo hay chưa. Ở các nước phát triển, Hiệp hội DNNVV đều rất mạnh, rất có tiếng nói bởi vì có sự tham gia đóng góp và được Chính phủ giao cho các nhiệm vụ quan trọng hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp”, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam đề xuất.

Hiện nay, những doanh nghiệp có doanh thu tốt, trả nợ, trả lãi nghiêm chỉnh thì đều được ngân hàng “săn đón”.

Đồng quan điểm với những ý kiến trên, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính bổ sung thêm một số ý kiến rằng, mặc dù hỗ trợ của Nhà nước là rất quan trọng nhưng đó chỉ là một phần, doanh nghiệp không nên trông mong hay đòi hỏi quá lớn, mà phải tự nhìn nhận khả năng, năng lực của mình, cũng như tự đổi mới và tái cấu trúc để giảm chi phí xuống thấp nhất và nâng hiệu quả kinh doanh lên cao nhất.

Đặc biệt, công tác liên kết, liên doanh các Hiệp hội vẫn còn khiêm tốn, rõ ràng, cộng đồng doanh nghiệp vẫn cảm thấy vai trò của các Hiệp hội còn mờ nhạt, nên chưa mặn mà trong việc tham gia hay đóng góp vào những hoạt động chung. Nếu Hiệp hội tổ chức được liên kết các doanh nghiệp cùng ngành ngang với nhau, sẽ giúp doanh nghiệp học tập lẫn nhau về hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ về nguyên liệu đầu vào đầu ra trong lúc khó khăn, tạo thành chuỗi sản xuất kinh doanh... Cùng với đó, là xây dựng các lớp bồi dưỡng, đào tạo ngắn ngày, sát với từng loại hình doanh nghiệp, từng ngành nghề để các doanh nghiệp nâng tầm hiểu biết, có tầm nhìn dài hơi hơn.

Ngoài ra, Hiệp hội Doanh nghiệp cũng cần thể hiện vai trò hỗ trợ của mình trong các vấn đề phản hồi chính sách, tiếp cận vốn, thuế, thủ tục hành chính với cơ quan quản lý Nhà nước. Còn về phía Nhà nước, rõ ràng các doanh nghiệp phải có tiếng nói của mình về những chính sách đã ban hành, để nhìn nhận đánh giá đối với các doanh nghiệp, cũng như đánh giá với các cơ quan quản lý Nhà nước, tác động từ chính sách ra sao để cơ quan quản lý có sự điều chỉnh cơ chế phù hợp, phục vụ tốt nhất cho hoạt động của doanh nghiệp.

“Không chỉ trong năm 2022, mà cả những giai đoạn về sau, chúng ta sẽ làm mới được cơ chế kinh tế, giúp cho các doanh nghiệp có thể nâng cao tầm của mình để tận dụng thời cơ khi đã hội nhập một cách rất sâu rộng với nền kinh tế thế giới, hưởng được các lợi ích từ những Hiệp định thương mại tự do đã ký kết một cách tương xứng”, vị chuyên gia nói.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top