Aa

Giải pháp huy động vốn cải tạo chung cư "chờ sập"

Thứ Tư, 14/09/2016 - 09:23

“Tổng lượng vốn đầu tư cải tạo các chung cư cũ là rất lớn trong khi vốn ngân sách dự kiến cho công tác cải tạo còn nhiều hạn chế nên rất cần có chiến lược huy động vốn cho công tác này”, Ths.NCS. Vũ Đức Bảo, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.

Muốn huy động vốn cần tạo lòng tin

Hôm nay, trên Chinhphu, Ths.NCS. Vũ Đức Bảo, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội cho biết công tác triển khai cải tạo chung cư cũ của Việt Nam nói chung và của TP Hà Nội nói riêng còn rất chậm. Trong suốt 10 năm qua, tại Hà Nội mới chỉ cải tạo được 8 chung cư cũ (14 tòa nhà) được xây mới, đưa vào sử dụng; 5 chung cư cũ đã triển khai phá dỡ đưa vào xây mới (B6 Giảng Võ, C1 Thành Công, 17 nhà gỗ phường Chương Dương, 97-99 Láng Hạ, 26 Liễu Giai); 4 chung cư nguy hiểm đang tổ chức di dời.

“Tổng lượng vốn đầu tư cải tạo các chung cư cũ là rất lớn trong khi vốn ngân sách dự kiến cho công tác cải tạo còn nhiều hạn chế nên rất cần có chiến lược huy động vốn cho công tác này”, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy nhấn mạnh.

Nhiệm vụ căn bản, cốt lõi của hoạt động thu hút vốn đầu tư cho phát triển phân khúc này chính là dựa vào nội lực từ nguồn lực to lớn, đó chính là nguồn lực nội bộ người dân. Để người dân và các cư dân tại trong và ngoài chung cư cũ nhận thức trách nhiệm trong công tác cải tạo và xây mới chung cư của chính họ thì mới có khả năng triển khai thực hiện dự án một cách hợp tình, hợp lý và phù hợp với thời đại.

Theo ông Bảo, để tạo được nguồn vốn cho cải tạo chung cư cũ, cần tạo lòng tin cho người dân và các chủ đầu tư trong việc triển khai đầu tư. Đặc biệt các cấp chính quyền cần phải tham gia một cách trực tiếp vào quá trình đầu tư xây dựng chung cư cũ, tránh tình trạng người dân di dời rồi và đóng tiền tăng thêm diện tích mà chủ đầu tư không thực hiện đúng tiến độ.

“Thu hút vốn là vấn đề khó nhưng khi cùng đồng lòng trong vấn đề đầu tư và có trách nhiệm trong triển khai thực hiện thì việc người dân bỏ vốn đầu tư xây mới là có khả thi. Cần xây dựng lòng tin trong cải tạo chung cư cũ thông qua việc thực hiện triệt để các bước công việc theo đúng tiến độ, sẽ có khả năng sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên đất khu vực trung tâm. Đồng thời, tạo nguồn thu thông qua du lịch, dịch vụ thương mại trong tương lai”, ông Bảo nhận định.

Cơ chế kêu gọi nhà đầu tư

Khoảng 3 tháng trước, Báo Đầu tư đưa thông tin, UBND TP. Hà Nội công bố danh mục 10 dự án bất động sản lớn tại các vị trí “đất vàng”, vốn là các khu tập thể cũ của Hà Nội trước đây. Trong đó, dự án có quy mô vốn đầu tư lớn nhất là đầu tư cải tạo, xây mới Khu tập thể Ngọc Khánh (quận Ba Đình), có tổng vốn đầu tư 47.000 tỷ đồng, còn dự án có quy mô vốn đầu tư nhỏ nhất là đầu tư cải tạo, xây mới Khu tập thể Khương Thượng (quận Đống Đa) có quy mô vốn đầu tư 6.000 tỷ đồng. Đây là những dự án đã từng được Hà Nội kêu gọi đầu tư từ nhiều năm trước, nhưng chưa có nhà đầu tư đăng ký thực hiện hoặc đăng ký rồi bỏ cuộc.

Cần nguồn vốn lên đến 361.000 tỷ đồng để thực hiện một loạt dự án bất động sản lớn, Hà Nội đang xem xét cơ chế đặc biệt cho chủ đầu tư. Nhưng nếu không có giải pháp cụ thể, chế tài đủ mạnh, kế hoạch này có nguy cơ sẽ lại nằm trên giấy.

Hồi đầu tháng 8, Vnmedia đưa tin, trong phiên thảo luận tại phiên họp HĐND Thành phố, đại biểu Nguyễn Hoài Nam đã đề nghị UBND Thành phố làm rõ thêm vấn đề cải tạo chung cư cũ.

Ông Nam phân tích: “Trước đây Thành phố đã có các Nghị quyết để giải quyết kinh phí, cùng với đó là  Luật Thủ đô cũng có những quy định tạo điều kiện để kêu gọi nhà đầu tư cùng với Thành phố tham gia cải tạo chung cư cũ, nhưng đến nay tiến độ vẫn rất chậm. Chúng tôi có rà soát lại các điều kiện, cơ chế của Nghị quyết 17 thì thấy chưa được Thành phố đưa vào áp dụng, hoặc là Thành phố chưa đủ sức để kêu gọi, thuyết phục nhà đầu tư”.

Đại biểu Nguyễn Hoài Nam nêu lên một thực tế đáng chú ý, đó là các nhà đầu tư có tiềm lực chủ yếu xin đất lập dự án ở những khu đất vàng chứ không thực sự muốn tham gia cải tạo chung cư cũ.

Trả lời về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Hùng thừa nhận, việc cải tạo chung cư cũ đang có tiến độ chậm.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND Thành phố nêu lên một thông tin đáng chú ý, đó là sau khi Thành phố đưa ra quy định cho phép khi cải tạo chung cư cũ được phép xây cao tầng, hiện nay có rất nhiều nhà đầu tư đang nộp hồ sơ xin được tham gia.

Thực tế qua khảo sát chất lượng nhà ở chung cư cũ của Sở Xây dựng Hà Nội (tháng 6/2016) cho thấy, Hà Nội có khoảng 55% diện tích nhà chung cư cũ có chất lượng kém và có chất lượng nhà ở mức trung bình. Kết quả kiểm định các chung cư cũ năm 2015 có 4 công trình chung cư ở mức nguy hiểm cấp độ D, 95 chung cư ở mức C và 101 chung cư ở mức B. Còn đầu năm 2016 có thêm 62 chung cư có biểu hiện lún và xuông cấp nghiêm trọng. Một số khu nhà chung cư cũ đặc biệt nguy hiểm như khu P3 Kim Liên, E6, E7 Quỳnh Mai, B6 Giảng Võ...

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top