Aa

Giải pháp nào cho khu công nghiệp và khu đô thị bền vững?

Thứ Tư, 28/08/2024 - 09:03

Để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, giới chuyên gia cho rằng, tập trung phát triển các khu công nghiệp và đô thị bền vững là rất cần thiết.

Phát biểu tại tọa đàm "Giải pháp toàn diện cho khu công nghiệp và đô thị bền vững" tổ chức ngày 27/8, ông Chu Quang Thái, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, Việt Nam đã đưa ra nhiều cam kết quan trọng về ứng phó với biến đổi khí hậu tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26), trong đó có mục tiêu "Phát thải ròng bằng 0 - Net Zero vào năm 2050".

Theo đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, mục tiêu này đang đặt áp lực lớn lên việc phát triển các khu công nghiệp và khu đô thị tại Việt Nam. Theo đó, phải đảm bảo các dự án khu công nghiệp và khu đô thị mới được phát triển theo hướng bền vững, có mức phát thải thấp thì mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mới có khả năng thực hiện. Tuy nhiên điều này là không hề dễ, để làm được cần có một chiến lược với các giải pháp thực hiện rõ ràng.

Giải pháp nào cho khu công nghiệp và khu đô thị bền vững?- Ảnh 1.

Ông Chu Quang Thái, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại sự kiện.

Chia sẻ tại sự kiện, các chuyên gia cũng cho rằng, để phát triển các khu công nghiệp và đô thị bền vững, hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0, cần phải có một bộ giải pháp toàn diện.

Theo bà Lê Phương Anh, Giám đốc chương trình Công trình bền vững Việt Nam (SBVN), định hướng Net Zero và lộ trình giảm phát thải CO2 đều là những mục tiêu mới không chỉ đối với Việt Nam mà với toàn thế giới. Do đó, để thực hiện được mục tiêu này, Việt Nam cần tiếp cận những phương pháp thiết kế, phương thức tính toán, những công cụ mới trong xây dựng công trình.

"Các toà nhà tại Việt Nam hiện nay chiếm đến trên 40% tổng tiêu thụ điện quốc gia. Tuy vậy, các nhà đầu tư, nhà phát triển dự án còn có nhiều nghi ngại, nhiều lấn cấn khi tiếp xúc với các công cụ và nguyên lý mới. Chính điều này đang cản trở hành trình hướng đến Net Zero, giảm phát thải CO2 của Việt Nam", bà Phương Anh nói.

Vì vậy, vị chuyên gia cho rằng, thị trường công trình xanh và bền vững tại Việt Nam chỉ có thể phát triển mạnh, góp phần vào mục tiêu Net Zero 2050 nếu những rào cản trên được gỡ bỏ.

Giải pháp nào cho khu công nghiệp và khu đô thị bền vững?- Ảnh 2.

Các chuyên gia chia sẻ tại sự kiện.

Nhìn nhận ở góc độ thiết kế năng lượng công trình, ông Trần Thành Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Edeec, Viện phó Viện IRAT cho rằng, việc thiết kế hiệu quả năng lượng song hành với đánh giá hiệu quả kinh tế cũng đóng vai trò then chốt trong việc đạt được mục tiêu Net Zero.

Theo đó, việc tối ưu hóa năng lượng không chỉ là một mục tiêu cần thiết trong bối cảnh phát triển bền vững, mà còn là yếu tố then chốt giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và đảm bảo sự cân bằng giữa phát triển và bảo tồn tài nguyên.

"Trong bối cảnh các doanh nghiệp đang hướng tới Net Zero, những giải pháp thiết kế kinh tế năng lượng sẽ mở ra nhiều hướng đi mới, góp phần quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu bền vững mà không tạo thêm gánh nặng chi phí đầu tư ban đầu, thậm chí có thể giảm tổng mức đầu tư, đồng thời rất có lợi về dài hạn và đáp ứng các điều kiện xuất khẩu sản phẩm có tính thân thiện môi trường", Giám đốc Công ty TNHH Edeec nhận định.

Phát biểu tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Founder Sen Vàng Group cũng đã có những chia sẻ về các phương pháp phát triển bền vững cho doanh nghiệp trong lĩnh vực phát triển khu công nghiệp và khu đô thị.

Theo bà Ngọc, để đạt được sự bền vững trong kinh doanh, các doanh nghiệp cần phải tích hợp chiến lược xanh vào kế hoạch phát triển của mình. Điều này bao gồm việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về xây dựng xanh, sử dụng năng lượng hiệu quả và tối ưu hóa quản lý tài nguyên./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top