Aa

Giải pháp nào cho "lỗ hổng" đổi đất lấy hạ tầng?

Thứ Sáu, 16/06/2017 - 06:00

"Nếu để cho doanh nghiệp đấu giá làm hạ tầng, làm thiết kế, làm quy hoạch, đổi lại doanh nghiệp lấy các quỹ đất này thì giá trị địa tô tăng lên đều thuộc về doanh nghiệp" - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói trong phiên chất vấn tại Quốc hội.

Trong phiên chất vấn ngày 15/6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã đề cập đến thực trạng: "Một số công trình hiện nay sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước giúp giá trị đất của cả khu vực tăng lên, tuy nhiên phần tăng lên này lại sau đó doanh nghiệp lại là người được hưởng, dù không bỏ vốn đầu tư".

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề xuất giải pháp: "Khi giải tỏa mặt bằng, Nhà nước cần thực hiện giải tỏa thêm diện tích hai bên đường; sau khi xây dựng xong hạ tầng cơ bản sẽ thực hiện đấu giá khu đất đó để hưởng giá trị địa tô".

Bộ trưởng Kế hoạch đầu tư Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn - Ảnh: Quochoi.vn

Bộ trưởng Kế hoạch đầu tư Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn - Ảnh: Quochoi.vn

“Nếu chúng ta chỉ giải phóng mặt bằng đúng với con đường hay công trình thôi thì tất cả giá trị ngay sát hai bên tăng lên mà không thuộc Nhà nước”, Bộ trưởng nói.

Đối với trường hợp giá trị đất cả khu vực (có dự án hạ tầng của Nhà nước đi qua) tăng lên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng Nhà nước cần phải bỏ tiền ra làm quy hoạch, đầu tư hạ tầng giao thông và đô thị, sau đó đem đấu giá. Nếu để cho doanh nghiệp làm quy hoạch, thiết kế rồi đổi lại doanh nghiệp lấy các diện tích đất này thì toàn bộ giá trị địa tô sẽ thuộc về doanh nghiệp hết.

 "Chứ nếu để cho doanh nghiệp đấu giá làm hạ tầng, làm thiết kế, làm quy hoạch đổi lại doanh nghiệp lấy các quỹ đất này thì giá trị địa tô tăng lên đều thuộc về doanh nghiệp. Chúng tôi đang kiến nghị cách làm này với Chính phủ đối với các địa phương có đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng, làm giá trị đất khu vực đó tăng lên thì phải làm cho phần địa tô tăng lên thuộc về nhà nước, thuộc về nhân dân", Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

Tư lệnh ngành Kế hoạch và đầu tư cũng cho rằng cần tham khảo cách làm của các nước trên thế giới để mang phần giá trị địa tô tăng thêm này cho nhà nước.

Tuy nhiên thực tế việc đổi đất lấy hạ tầng về phía các địa phương cũng đang ở thế cực chẳng đã trong bối cảnh ngân sách buộc phải cắt giảm nguồn chi cho đầu tư phát triển. Ví dụ điển hình là TP.HCM.

Mới đây địa phương này vừa mới được phê duyệt cơ chế tài chính đặc thù, sự đền bù cho quyết định cắt giảm ngân sách giữ lại của thành phố, từ 23% xuống còn 18% trong giai đoạn năm 2017. TP.HCM có những quy định đặc thù về việc sử dụng quỹ đất công như tạm ứng từ ngân sách để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất; có thể quyết định một số dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư như BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), BTO (xây dựng - chuyển giao - kinh doanh), BT (xây dựng - chuyển giao), BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh), BTL (xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ), BLT (xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao), O&M (kinh doanh - quản lý).

Ước tính, để phát triển cơ sở hạ tầng, TP.HCM cần khoảng 500.000 tỉ đồng cho 5 năm tới. Một phần không nhỏ số tiền này phải dựa vào nguồn đất công để thực hiện đổi đất lấy hạ tầng. Theo Sở tài chính TP.HCM, trong thời gian tới thành phố sẽ đẩy mạnh sắp xếp lại quỹ đất dôi dư với 1.033 mặt bằng nhà đất để làm nguồn cho các dự án đổi đất lấy hạ tầng.

Nói về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM Lê Hoàng Châu khi trao đổi với Reatimes cũng cho rằng: "Trong việc đổi đất lấy hạ tầng, có chuyện phát sinh ra nguy cơ về vấn đề tiêu cực. Vì nếu chính quyền không kiểm soát thỏa đáng, nhà đầu tư theo hình thức BT, sẽ "ăn" cả hai đầu B và T".

Còn tại Hà Nội, phong trào làm dự án BT (đổi đất lấy hạ tầng) cũng đang trở thành "miếng bánh vẽ" siêu lợi nhuận của các đại gia. Không ít doanh nghiệp nhờ đầu tư dự án theo hình thức này đã phất lên thành “đại gia” trong giới BĐS như Tập đoàn Nam Cường, CTCP Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco) hay Công ty CP Him Lam, hay mới đây nhất là Công ty cổ phần Tasco.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top