Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, hiện nhu cầu năng lượng đang tăng rất nhanh, nếu không xem xét việc quy hoạch, phát triển và khai thác, các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) sẽ rất khó đáp ứng.
Các nghiên cứu cho thấy, Việt Nam có tiềm năng thủy điện khá lớn (về lý thuyết khoảng 35.000 MW với điện lượng khoảng 300 tỷ kWh/năm) và có tiềm năng lớn về NLTT khác như gió, mặt trời, sinh khối,... Đây là những tài nguyên quý giá, nguồn năng lượng sạch, có khả năng tái tạo, cần được khai thác một cách hợp lý.
Theo ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, việc sử dụng NLTT cho sản xuất điện đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh) tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016.
Theo đó, đã khẳng định, ưu tiên phát triển nguồn điện sử dụng NLTT với mục tiêu đạt tỷ lệ điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo (không bao gồm nguồn thủy điện lớn, vừa và thủy điện tích năng) khoảng 7% vào năm 2020 và trên 10% vào năm 2030. Đối với thủy điện, mục tiêu là đến năm 2020 đạt tổng công suất lắp đặt 21.600 MW; đến năm 2025 đạt 24.600 MW và đến năm 2030 đạt 27.800 MW.
Đối với phát triển điện gió, mục tiêu đến năm 2020 đạt tổng công suất lắp đặt là 800 MW (hiện tại mới là 180 MW); đến năm 2025 là 2.000 MW và đến năm 2030 là 6.000 MW. Đối với năng lượng mặt trời, đến năm 2020, công suất lắp đặt đạt khoảng 850 MW (hiện nay không đáng kể); đến năm 2025 là 4.000 MW và đến năm 2030 là 12.000 MW.
PGS. TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định rằng, hoàn toàn có thể bổ sung và tiếp tục thực hiện các dự án thủy điện nhỏ và vừa. Nhưng điều kiện tiên quyết là cần thay đổi các chính sách, cơ chế, giải pháp để bảo đảm lợi ích dài hạn. Việc phát triển các dự án thủy điện nhỏ và vừa để tận dụng tài nguyên và cũng là cách giảm xây dựng mới các nhà máy nhiệt điện than, khi Việt Nam đã phải nhập khẩu than và nhiệt điện gây ra nhiều tác động tới môi trường. Đây cũng là câu chuyện sinh tử cho phát triển năng lượng, phát triển kinh tế Việt Nam.
Đặc biệt, ảnh hưởng từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 làm thay đổi nhanh chóng cơ cấu năng lượng. Ông Thiên đánh giá: “Lượng điện từ nguồn NLTT đến năm 2020 cố gắng đạt 101 tỷ kWh và đến 2050 chiếm 30% tổng công suất phát điện của hệ thống là cả 1 sự dịch chuyển rất ghê gớm. Do vậy, cần có những quy định, chính sách cụ thể và ổn định để khuyến khích phát triển NLTT”.
“Tiềm năng của thủy điện vừa và nhỏ của Việt Nam còn lớn và có thể khai thác được nếu thay đổi các giải pháp. Ví dụ như cơ chế chính sách không chạy theo ngắn hạn, làm dự án để kiếm chác tài nguyên đất rừng,... bảo đảm được an toàn cho nhân dân, môi trường. Khôi phục nhưng không phải theo cách cũ, phong trào mà theo chiến lược mới, tư duy mới”, ông Trần Đình Thiên nhận định.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công thương, công tác quản lý nhà nước về thủy điện mặc dù đã được tăng cường nhưng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, có nguyên nhân là các cơ quan liên quan ở địa phương còn hạn chế về nhân lực chuyên môn và thiếu quan tâm. Một số chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu cũng chưa nghiêm túc thực hiện, thậm chí còn vi phạm quy định pháp luật trong quá trình đầu tư xây dựng hoặc vận hành khai thác; năng lực quản lý dự án, thiết kế và thi công của nhiều đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, chất lượng của quy hoạch và công trình xây dựng tại một số dự án chưa đáp ứng yêu cầu, còn vi phạm quy định vận hành gây bức xúc trong dư luận.
Ông Vượng cho biết, Việt Nam đang từng bước nâng cao tỷ trọng nguồn điện sản xuất từ nguồn NLTT nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Do đó, những khó khăn, vướng mắc, hạn chế trong phát triển năng lượng tái tạo cần được nhận biết cụ thể và kịp thời bổ sung các quy định cho phù hợp.
“Qua hội thảo này, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, xem xét đề xuất để các cấp có thẩm quyền ban hành các quy định, chỉ đạo thực hiện nhằm đảm bảo phát triển NLTT an toàn, hiệu quả, bền vững, đáp ứng các mục tiêu phát triển năng lượng bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong thời gian tới”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nêu rõ.
Theo báo cáo của Cục Điện lực & Năng lượng tái tạo Bộ Công Thương, thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 62/2013/QH13 ngày 27/11/2013 của Quốc hội về tăng cường quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện, trong những năm vừa qua, Bộ Công Thương đã chủ trì phối hợp với các Bộ, ban, ngành, địa phương tiến hành rà soát, loại bỏ 468 dự án, vị trí tiềm năng, hoặc không xem xét đưa vào quy hoạch với công suất khoảng 2.044 MW do không đảm bảo hiệu quả đầu tư, tác động tiêu cực lớn đối với môi trường - xã hội,... (chủ yếu là các dự án thủy điện nhỏ có công suất thấp).
Chia sẻ tại hội thảo, ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) - đã đưa ra 5 giải pháp để phát triển bền vững và hiệu quả thủy điện nhỏ ở Việt Nam:
Một là, nâng cao hiệu quả công tác rà soát, đánh giá quy hoạch các công trình thủy điện đang vận hành khai thác;
Hai là, tăng cường hơn nữa nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương trong công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện và tuân thủ các quy định của pháp luật;
Ba là, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm hoặc không thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành;
Bốn là, tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương để thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác;
Năm là, Chính phủ, các Bộ, ngành chức năng sớm xem xét để bổ sung, điều chỉnh các nghị định, thông tư, chế tài, thể chế để kịp thời đáp ứng việc đầu tư phát triển thủy điện nhỏ đảm bảo hiệu quả và bền vững; xem xét việc thu hút đầu tư vào thủy điện nhỏ đối với các nhà đầu tư nước ngoài.