Ngày 20/11, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chủ trì hội thảo tham vấn Nghị định quy định về tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp và Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết Luật Đất đai.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh hai Nghị định sẽ giải quyết ngay những điểm nghẽn, vấn đề vướng mắc từ thực tiễn để thúc đẩy, đưa nguồn lực đất đai vào phát triển kinh tế.
Theo Bộ trưởng, việc tham vấn các chuyên gia, lãnh đạo các Sở Tài nguyên và Môi trường từ thực tiễn tổ chức thi hành pháp luật để hoàn thiện Nghị định trình Chính phủ ban hành trong tháng 12/2019, triển khai trong năm 2020.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng Nghị định khi ban hành ra phải gỡ được những vướng mắc, bất cập đang diễn ra hiện nay tại các địa phương.
Đồng thời, Nghị định phải đưa ra được cơ chế đảm bảo quyền lợi cụ thể lâu dài cho người dân, doanh nghiệp khi tham gia vào các chương trình tập trung, tích tụ đất đai sản xuất nông nghiệp; đảm bảo hài hòa mối quan hệ giữa người dân, nhà nước và doanh nghiệp trên cơ sở cùng đồng thuận và phát triển.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Đất đai Lê Thanh Khuyến, Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực từ ngày 1/7/2014.
Việc ban hành kịp thời, đồng bộ và khá đầy đủ các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thi hành, góp phần đưa Luật Đất đai đi vào cuộc sống.
Tuy nhiên, việc triển khai, thi hành các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai vẫn còn một số vướng mắc, bất cập trong việc tiếp cận đất đai thông qua hình thức thỏa thuận thuê, nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất; trong xử lý đất đai đối với các trường hợp chấm dứt hoạt động dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư; trong việc giao, cho thuê các thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu được tách thửa theo quy định; trong đăng ký, cấp Giấy chứng nhận và trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Mặt khác, thực tế triển khai cho thấy quá trình tập trung, tích tụ ruộng đất còn chưa mang lại hiệu quả.
Bên cạnh đó, việc Quốc hội thông qua Luật Quy hoạch, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật liên quan đến quy hoạch, cần thiết phải rà soát lại các quy định tại các nghị định quy định về việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ.
Về phạm vi điều chỉnh, Tổng Cục trưởng Lê Thanh Khuyến cho biết: Phạm vi của Nghị định quy định cụ thể những cơ chế, chính sách về tập trung, tích tụ đất nông nghiệp để tổ chức sản xuất nông nghiệp mà Luật Đất đai đã có quy định.
Đồng thời, Nghị định còn quy định một số cơ chế, chính sách chưa được Luật Đất đai quy định như cấp xã làm đầu mối thực hiện việc thuê quyền sử dụng đất hoặc nhận ủy quyền của người sử dụng đất để tạo lập quỹ đất nông nghiệp...
Đối với tập trung, tích tụ đất đai, các đại biểu thảo luận về phạm vi điều chỉnh có quy định một số cơ chế, chính sách chưa được Luật Đất đai quy định; quy mô tập trung, tích tụ đất đai được áp dụng chính sách khuyến khích; các cơ chế khuyến khích tập trung đất đai, triệt tiêu tình trạng đầu cơ và thâu tóm đất đai của người nông dân.
Các đại biểu thảo luận thêm về chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp để xây dựng hạ tầng (đường giao thông, nhà kho, nhà kính…) phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; khôi phục lại đất nông nghiệp để hoàn trả mặt bằng cho người sử dụng đất khi kết thúc dự án hoặc khi nhà đầu tư bị phá sản; hỗ trợ và bảo hiểm rủi ro trong tập trung, tích tụ đất nông nghiệp.
Về sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, các đại biểu trao đổi về việc giao đất, cho thuê đất đối với các thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu được tách thửa do Nhà nước trực tiếp quản lý cho người sử dụng đất liền kề.
Các đại biểu cũng thảo luận thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua nhà ở, công trình xây dựng trong các dự án phát triển nhà ở; 2 phương án xử lý đối với việc bồi thường, hỗ trợ đối với đất nông nghiệp đã sử dụng ổn định từ trước ngày 1/7/2004 mà hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp không đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất./.