Buộc phải giảm tải cho trung tâm thành phố
Năm 2008, khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, quy hoạch chung thủ đô đến năm 2030 – tầm nhìn 2050 được quy hoạch lại. Một trong những nội dung của quy hoạch chung là từng bước di dời các cơ quan trung ương, các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, các cơ sở đào tạo dạy nghề và các bệnh viện lớn cấp quốc gia ra khỏi khu vực “Nội đô lịch sử” bao gồm 4 quận nội thành cũ (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa). Đây cũng chính là khu vực “hạn chế phát triển” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 108/QĐ-TTg ngày 20/6/1998 nhằm giảm tải cho khu vực trung tâm thành phố hiện đang quá tải về hạ tầng đô thị (hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội).
Xét về mặt quy hoạch chủ trương di dời trụ sở các bộ, ngành rất đúng, đây là một chủ trương lớn đã được Thủ tướng phê duyệt đòi hỏi nhà nước, cơ quan địa phương, các bộ ngành trung ương địa phương cùng vào cuộc để đề xuất giải pháp cụ thể đồng bộ từng bước thực hiện được mục tiêu nêu trên. Trước mắt là sớm hình thành các khu đô thị mới đa chức năng, đồng bộ, hiện đại, có cảnh quan môi trường vùng ven đô, có chất lượng sống tốt, tạo các lực hút ra bên ngoài để giảm bớt mật độ dân cư trong khu vực trung tâm “Nội đô lịch sử”, giảm hiện tượng giao thông con lắc hàng ngày, do nơi cư trú người dân ở bên ngoài nhưng cơ sở làm việc lại tập trung bên trong trung tâm gây ách tắc giao thông và không hợp lý trong quá trình hoạt động. Tuy nhiên, sau khi được phê duyệt quy hoạch chung (2011) tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến nay mục tiêu di dời các trụ sở cơ quan tuy đã được thực hiện nhưng còn nhiều bất cập.
Chủ trương 1, biện pháp 10
Hiện đã có 7 bộ ngành đã và đang thực hiện xây dựng ở vị trí mới, các trụ sở đã xong nhưng vẫn chưa trả trụ sở cũ. Những trụ sở mới đã xong đều được xây bằng ngân sách nhà nước.Một số bộ ngành còn lại thì vướng mắc ở khâu xác định địa điểm, công tác giải phóng mặt bằng và bố trí nguồn vốn để thực hiện đầu tư xây dựng.
Về mặt quy hoạch đã rất rõ nét nhưng tại sao việc di dời vẫn chưa thực hiện được? Theo ông Đỗ Viết Chiến đó chính là bước tổ chức thực hiện cần rất nhiều giải pháp. Thứ nhất cần quy hoạch rõ vị trí đất mới cho các bộ ngành còn lại. Thứ hai các bộ ngành cần được hỗ trợ ban đầu về hạ tầng kỹ thuật, xây dựng hạ tầng kỹ thuật bên ngoài hàng rào các dự án để trên cơ sở đó tạo điều kiện cho đơn vị di dời sớm triển khai dự án được thuận lợi.
Trong định hướng quy hoạch chung thủ đô được duyệt đã xác định: quỹ đất sau khi di dời ưu tiên sử dụng cho mục đích công cộng, giải quyết các vấn đề còn thiếu và mất cân đối về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội (như trường học, nhà trẻ, sân bãi đỗ xe, vườn hoa cây xanh, không gian sinh hoạt cộng đồng… ). Đây cũng chính là hạn chế lớn nhất để thực hiện mục tiêu di dời, bởi lẽ các nhà đầu tư khi bỏ vốn vào quỹ đất này đều mong muốn thu được lợi nhuận tối đa, trong khi quy hoạch khống chế không xây dựng thêm nhà ở kinh doanh, hạn chế tầng cao, mật độ xây dựng và chức năng sử dụng ưu tiên cho mục đích công cộng.
Chủ trương hạn chế phát triển các dự án khu đô thị mới và nhà ở tại các khu đất sau khi di dời trụ sở làm cho khả năng thu hồi vốn kém, thậm chí dành cho mục đích công cộng thì nguồn thu của doanh nghiệp ở đâu? Rõ ràng có mâu thuẫn giữa bài toán kinh tế và quy hoạch. Vậy giải pháp như thế nào để giải quyết mâu thuẫn này? Ông Đỗ Viết Chiến cho rằng: “Khi tái sử dụng đất đó phải đặt lợi ích của cộng đồng, lợi ích đô thị, lợi ích quốc gia lên trên hết. Cần kiên định với mục tiêu quy hoạch chung để không phá vỡ quy hoạch. Vấn đề giải bài toán vốn cần có sự hỗ trợ của nhà nước, cần phân loại cụ thể: Các trụ sở đầu tư bằng vốn nhà nước, đầu tư bằng Xã hội hóa hay đầu tư bằng vốn nhà nước và dân cùng làm.
Việc thực hiện theo các nguyên tắc như: Công khai hóa quỹ đất sau khi di dời đối với trường hợp xã hội hóa về quy hoạch để các nhà đầu tư cân nhắc lựa chọn; Trường hợp không có khả năng thu hồi vốn từ khu đất đó, nhà nước cần sử dụng quỹ đất bên ngoài (có thể ngay cạnh địa điểm mới trụ sở di dời) để xây dựng nhà ở xã hội cho cán bộ công nhân viên, tạo nguồn thu bù đắp chi phí bỏ ra tại khu vực cũ; Trường hợp đầu tư bằng vốn nhà nước thì quỹ đất sau khi di dời phải được nhà nước thu hồi và thực hiện theo quy hoạch; Trường hợp nhà nước và chủ đầu tư cùng làm thì Nhà nước có thể cùng bỏ vốn với nhà đầu tư cùng thực hiện đối với những vị trí có khả năng thu hồi vốn và sinh lời.
“Chủ trương là rất rõ ràng, giải pháp quy hoạch rất cụ thể, vấn đề tổ chức thực hiện quy hoạch mới đụng tới các tổ chức trong đó có lợi ích các bên. Nhà nước phải vào cuộc quyết liệt thực sự vào giai đoạn tổ chức thực hiện quy hoạch thì mới giải quyết được thực trạng này” – ông Đỗ Viết Chiến nhấn mạnh.