Aa

Giải quyết tranh chấp hợp đồng đối tác công tư (PPP) bằng trọng tài thương mại

Thứ Năm, 04/07/2019 - 20:01

Việc sử dụng phương án trọng tài thương mại hay hòa giải thương mại cho các tranh chấp trong mô hình PPP giữa nhà đầu tư (khối tư nhân) và Nhà nước sẽ mang lại nhiều ưu việt.

Đó là lời khẳng định của ông Vũ Ánh Dương, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tại Hội thảo phòng ngừa và giải quyết tranh chấp hợp đồng đối tác công tư trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng: Kinh nghiệm Việt Nam, Thực tiễn quốc tế & Định hướng chính sách diễn ra vào sáng nay (4/7).

Hợp tác tác đối tác công tư (PPP): Giải pháp phát triển hạ tầng

Phát biểu tại Hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, theo số liệu từ Chính phủ, tính đến thời điểm tháng 1/2019, cả nước đã có 336 dự án PPP đã ký kết hợp đồng (trong đó có 140 dự án BOT, 188 dự án BT và 08 dự án khác). Việc áp dụng hình thức đầu tư theo mô hình đối tác công tư là phương án nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn về phát triển cơ sở hạ tầng của Việt Nam trong bối cảnh hiện tại.

Theo ông Phòng, khi Việt Nam không còn là quốc gia nghèo đói, cơ cấu các nguồn vốn vay cũng thay đổi, các khoản vay ưu đãi ít đi và các khoản vay thương mại nhiều hơn. Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước có hạn, nợ công và nợ nước ngoài đã gần chạm ngưỡng an toàn, điều kiện cho vay của các tổ chức quốc tế kém ưu đãi hơn, nhất là đối với vốn ODA, thì việc huy động nguồn lực từ xã hội là một giải pháp cần thiết và tất yếu.

Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) dự kiến sẽ trình ra Quốc hội thảo luận tại kỳ họp tháng 10/2019 tới. “Đây là khung khổ pháp lý hết sức quan trọng để thúc đẩy hơn nữa dòng vốn đầu tư của tư nhân vào phát triển hạ tầng”, ông Phòng nhấn mạnh.

dfd

Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Hoàng Quang Phòng.

Ông Phòng cũng khẳng định, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có kinh nghiệm cho sự phát triển trong triển khai và thực hiện hợp tác đối tác công tư (PPP).

“Chẳng hạn một kinh nghiệm tốt có thể học hỏi là cách tiếp cận, ưu tiên xử lý tranh chấp PPP bằng hình thức trọng tài thương mại, hòa giải thương mại. Đây là lựa chọn hiệu quả, giảm khả năng các tranh chấp PPP bị đẩy thành các vụ kiện về đầu tư theo các hiệp định bảo hộ đầu tư (BITs) hoặc các hiệp định thương mại mới (FTAs)”.

Vị lãnh đạo VCCI cũng cho rằng, nếu có cách tiếp cận tốt vấn đề giải quyết tranh chấp, khi xử lý từng vụ việc hay khi xây dựng khung khổ chính sách sẽ có ý nghĩa để xây dựng quan hệ PPP bền chặt.

"Nó giúp tạo dựng được niềm tin cho nhà đầu tư, qua đó, thu hút mạnh mẽ hơn sự tham gia của tư nhân vào phát triển hạ tầng của đất nước", ông Phòng nhấn mạnh.

Giải quyết tranh chấp bằng thương mại trong tài

Tại hội thảo, luật sư Đỗ Trọng Hải, Giám đốc Công ty luật Bizlink phân tích, các tranh chấp có thể phát sinh trong hợp tác đầu tư công bao gồm: tranh chấp giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư hoặc doanh nghiệp dự án; tranh chấp giữa các nhà đầu tư với nhau; tranh chấp giữa Nhà nước với người dân; tranh chấp giữa nhà đầu tư hoặc doanh nghiệp dự án với người dân; tranh chấp trong mối quan hệ giữa các bên…

Cũng theo ông Phạm Duy Nghĩa (Đại học Fulbright Việt Nam), chủ thể tham gia hợp tác PPP sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro như về tài chính, thuế, sự thay đổi của pháp luật (như Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, đất đai, ngân sách, xây dựng, môi trường), cơ chế giải quyết tranh chấp; cơ chế quản lý, giám sát, định giá các dự án BOT, BT..

Những rủi ro này sẽ làm tăng chi phí, gây khó khăn và kéo dài dự án thậm chí phải dừng. Đặc biệt, những rủi ro xảy ra có thể gây thiệt hại cho các bên và dẫn tới tranh chấp.

Toàn cảnh hội thảo. (Ảnh: Enternews)

Toàn cảnh hội thảo.

Về phương án giải quyết tranh chấp, ông Nghĩa cho rằng, cần phải căn cứ vào mức độ đoán định và sự hợp tác. Các giải pháp mà ông Nghĩa đưa ra bao gồm: Giải thích ý chí của các bên vào thời điểm xác lập Hợp đồng PPP hoặc đưa ra các lựa chọn phù hợp với hoàn cảnh thay đổi; tận dụng các cơ chế phi chính thức, thiết kế các cơ chế tham vấn chuyên gia, thúc đẩy thương lượng, hòa giải; trọng tài; khai thác các khả năng của tranh tụng dân sự, hành chính, bồi thường nhà nước, và tranh chấp.

Cũng theo ông Vũ Ánh Dương, việc sử dụng phương án trọng tài thương mại hay hòa giải thương mại cho các tranh chấp trong mô hình PPP giữa nhà đầu tư (khối tư nhân) và nhà nước sẽ mang lại nhiều tính ưu việt.

Ông Dương cho biết thêm, hiện tại Chính phủ cũng đang tiếp cận theo hướng nỗ lực xử lý ngay, dứt điểm các tranh chấp phát sinh ở cấp độ hợp đồng (dân sự/thương mại) và xử lý tranh chấp thông qua đối thoại, tránh nguy cơ leo thang thành tranh chấp đầu tư; tạo môi trường kinh doanh ổn định.

Trước đó, tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JJCI) cho rằng: “Việc áp dụng một cách tích cực mô hình PPP là một trong những phương thức hiệu quả để sử dụng nguồn vốn tư nhân và thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng thay cho Chính phủ".

Tuy nhiên, JJCI cũng nhấn mạnh, mô hình PPP tức là doanh nghiệp tư nhân thực hiện đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng thay cho Chính phủ, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn lo ngại sự rủi ro khi tham gia hình thức này.

JJCI cũng cho rằng cần cho phép sử dụng trọng tài nước ngoài trong tất cả các dự án cơ sở hạ tầng bao gồm "bất động sản" như một điều khoản về giải quyết tranh chấp. Cho phép các nhà đầu tư và các công ty dự án được đặt ra quyền thế chấp cho quyền sử dụng đất, quyền sử dụng vận hành tài sản trên đất và thiết bị dự án. Làm rõ sự chia sẻ rủi ro giữa Chính phủ và nhà đầu tư tư nhân, Chính phủ cũng sẽ gánh chịu rủi ro thông qua các loại bảo lãnh của Chính phủ trong đó có việc chuyển đổi ngoại tệ .

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top