Tại phiên chất vấn, ĐB Phạm Thị Thanh Mai (Đông Anh) phản ánh tình trạng vi phạm trật tự xây dựng không chỉ xảy ra ở các hộ gia đình mà còn ở các tổ chức phát triển nhà ở.
Theo bà Mai, kỳ họp thứ 3 cũng đã có phóng sự minh chứng rõ việc một số chung cư xây dựng sai so với giấy phép. Cơ quan cảnh sát điều tra cũng được chuyển một số vụ việc nghiêm trọng của một số tổ chức trên địa bàn.
"Tôi muốn hỏi Giám đốc Công an TP, đối với một số vụ việc đã được chuyển cho Công an TP thì tiến độ xử lý và công khai kết quả điều tra, cũng như nếu cần thiết khởi tố vụ án, khởi tố bị can đã được làm đến đâu?
Chúng ta sẽ có câu trả lời cử tri thế nào vì mức độ vi phạm của các vụ việc đặc biệt nghiêm trọng này?", ĐB Mai đặt câu hỏi.
Trả lời về 18 công trình chuyển sang cơ quan công an, GĐ Công an TP. Hà Nội, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương thông tin, tại kỳ họp 6 tháng đầu năm 2017 và năm 2016, Thanh tra TP đã chuyển cho Công an TP điều tra làm rõ dấu hiệu vi phạm pháp luật của một số đơn vị, trong đó điển hình là doanh nghiệp tư nhân số 1 tỉnh Điện Biên và công ty cổ phần sản xuất nhập khẩu Bemes thuộc tập đoàn Mường Thanh do ông Lê Thanh Thản làm Chủ tịch.
Đây là đơn vị triển khai khoảng 12 dự án ở Hà Nội. Các dự án này qua điều tra đều thấy có dấu hiệu về tội trốn thuế và có dấu hiệu vi phạm các quy định về quản lý nhà ở.
“Chúng tôi nhận được sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP tiếp nhận kết luận của thanh tra TP. Tuy nhiên, Bộ Công an cũng nhận được kết luận của Thanh tra Chính phủ về đơn vị này ở 21 tỉnh thành trên cả nước. Trong quá trình điều tra, chúng tôi phối hợp chặt chẽ với Cục C46 Bộ Công an để làm rõ những hành vi vi phạm pháp luật của đơn vị này trên địa bàn Hà Nội", ông Khương cho biết.
"Việc khởi tố vụ án, khởi tố các bị can chúng tôi đang chờ ý kiến quyết định của Bộ Công an. Nếu để cho cơ quan điều tra của Công an Hà Nội khởi tố vụ án, khởi tố bị can liên quan tới vụ việc vi phạm của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố thì chắc là sang tuần sau khi có ý kiến của lãnh đạo bộ, chúng tôi sẽ khởi tố vụ án và cụ thể hóa các hành vi vi phạm của các cá nhân để khởi tố bị can”.
Cũng theo Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, trong trường hợp Bộ Công an quyết định để cho C46 khởi tố chung vi phạm của doanh nghiệp này tại 21 địa phương, Công an Hà Nội sẽ chuyển toàn bộ hồ sơ đã điều tra, xác minh để bộ xử lý./.
Vài năm trở lại đây, việc sai phạm trong lĩnh vực xây dựng của Mường Thanh diễn ra khắp nơi từ Bắc đến Nam nhưng không được xử lý dứt điểm, hầu hết sau đó đều được hợp thức hóa. Có thể điểm qua một số sai phạm của Mường Thanh như sau: - Công trình khách sạn Mường Thanh không phép xuất hiện sừng sững ngay giữa vị trí trung tâm TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) xảy ra năm 2016. - Công trình Mường Thanh Khánh Hòa (gần cầu Trần Phú, TP. Nha Trang, Khánh Hòa) xây vượt tầng. Theo quy hoạch, công trình này phải xây dựng với quy mô 40 tầng cho phù hợp với quy hoạch chung của TP. Nha Trang đến năm 2025, trong khi công trình lại xây vượt lên 43 tầng. Ngoài ra, dự án tổ hợp khách sạn - căn hộ cao cấp Mường Thanh Nha Trang Centre (60 Trần Phú, TP. Nha Trang) cũng có những vi phạm xây vượt trần. - Tại Bình Thuận, dự án khách sạn Mường Thanh Mũi Né xây dựng sai phép 3 tầng. - Tại TP. HCM, Mường Thanh được Sở Xây dựng TP. HCM cấp phép khoan thăm dò địa chất khu đất ở số 8A Mạc Đĩnh Chi (P.Bến Nghé, Q.1) có thời hạn. Tuy nhiên, chủ đầu tư lại tổ chức thi công các tầng hầm và sàn tầng 1 khi chưa có giấy phép xây dựng, chưa đủ điều kiện khởi công công trình. - Tại Hà Nội, cuối năm 2016, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, trả lời với cử tri cho biết cơ quan chức năng đã kiểm tra khu nhà ở Đại Thanh do Xí nghiệp xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu (thuộc Tập đoàn Mường Thanh) làm chủ đầu tư và thấy có những vi phạm hết sức nghiêm trọng. Ông Chung liệt kê: “Thứ nhất là xây dựng không phép. Thứ hai là xây dựng quá chiều cao quy định. Tiếp nữa là xây cả vào khu không được phép xây như các vị trí quy hoạch dải cây xanh. Các tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy cũng không đủ. Các khu này xây xong thì bán hết rồi”. |