Aa

Giám đốc World Bank chỉ ra 3 thách thức Việt Nam phải đối mặt trong giai đoạn tới

Thứ Sáu, 30/09/2022 - 17:42

Theo Giám đốc World Bank Carolyn Turk, Việt Nam có 3 thách thức lớn cần phải giải để hiện thực hóa khát vọng trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030.

Tại Hội thảo khoa học “Những vấn đề lý luận - thực tiễn qua 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá XI vể một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020”, bà Carolyn Turk, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định, Việt Nam đã đạt được những thành tựu giảm nghèo ấn tượng trong thập kỷ qua, đặc biệt liên quan đến tình trạng nghèo cùng cực, giảm từ 16,8% năm 2010 xuống còn 5% năm 2020 (theo chuẩn nghèo của các nước có mức thu nhập trung bình thấp của Ngân hàng Thế giới). Bước cải thiện đáng kể này phần lớn là nhờ quá trình tăng trưởng kinh tế dựa trên lợi tức dân số và tỷ trọng việc làm chính thức tăng lên khi người lao động chuyển dần khỏi nền nông nghiệp năng suất thấp.

Tuy vậy, tỷ trọng dân số trong khu vực phi chính thức vẫn còn khá cao trong khi thời kỳ dân số vàng đang gần kết thúc. Để hiện thực hóa khát vọng trở thành nước thu nhập trung bình cao của Việt Nam vào năm 2030 và nước có thu nhập cao vào năm 2045, nền kinh tế sẽ phải đạt được năng suất cao hơn, hiệu quả hơn, tăng hòa nhập xã hội cũng như khả năng chống chịu mạnh mẽ trước các cú sốc liên quan đến biến đổi khí hậu.

Carolyn Turk, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam
Bà Carolyn Turk, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam

Trong bối cảnh đó, hệ thống an sinh xã hội (ASXH) phải giải quyết ba thách thức: 

Thứ nhất, việc làm phi chính thức: Bất chấp kết quả tăng trưởng ấn tượng của Việt Nam, tỷ trọng lao động trong khu vực phi chính thức vẫn ở mức cao. Nhìn chung, khoảng 76% tổng số lao động và 55-60% lao động phi nông nghiệp vẫn làm việc trong khu vực phi chính thức. Tính phi chính thức là một phép thử đối với hệ thống ASXH xét về ít nhất ba phương diện. Rõ ràng nhất là nhiều người lao động không có bảo hiểm trước những rủi ro như thất nghiệp và khuyết tật. Ba phần tư lực lượng lao động ở Việt Nam không được bảo vệ khỏi những cú sốc này. Phi chính thức cũng đồng nghĩa với doanh thu thuế thấp hơn và nguồn tài chính cho bảo hiểm xã hội kém bền vững hơn. Cuối cùng, tình trạng phi chính thức còn liên quan đến năng suất thấp hơn do thiếu vốn, hạn chế khả năng tiếp cận tài chính, kỹ năng và thường nằm ngoài phạm vi của các chương trình thị trường lao động chủ động. 

Thứ hai, già hóa dân số: Việt Nam đang đứng trước thời điểm quan trọng về nhân khẩu học khi là quốc gia có tốc độ già hóa dân số thuộc hàng nhanh nhất trên thế giới. Tỷ lệ người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) được ước tính sẽ tăng từ 7% lên 15% vào năm 2035. Nguồn lao động trẻ dồi dào từng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Việt Nam trong những thập kỷ qua đang dần cạn kiệt. Năm 2015, số người trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi) tại Việt Nam cao gấp 10 lần số người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên. Đến năm 2035, tỷ lệ này sẽ giảm xuống còn khoảng 4,6 lần. Điều này đặt ra những thách thức lớn đối với hệ thống ASXH nếu hầu hết trong số họ không có bảo hiểm xã hội hoặc lương hưu xã hội. Ngoài ra, với lực lượng lao động lớn tuổi, năng suất lao động cao hơn có ý nghĩa rất quan trọng để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế. 

Và thứ ba, biến đổi khí hậu: Biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng đến Việt Nam theo chiều hướng ngày càng tăng trong những thập kỷ tới, tăng thêm mối nguy trước các cú sốc cho hộ gia đình và nền kinh tế. Khoảng 60% diện tích đất và 70% dân số của Việt Nam phải hứng chịu nhiều thiên tai. Tuy nhiên, cho đến nay, hệ thống ASXH vẫn chưa đủ khả năng thích ứng để chuẩn bị và ứng phó với thảm họa ngoài các biện pháp cứu trợ truyền thống.

Để giải quyết những bài toán trêb, bà Carolyn Turk cho rằng Việt Nam đã đưa ra những lựa chọn chính sách quan trọng trong các năm gần đây. Đầu năm 2022, tuổi nghỉ hưu bắt đầu được tăng dần. Các cải cách về bảo hiểm xã hội nhằm nâng cao tính bền vững về tài chính và tăng cường mở rộng diện bao phủ đã được phản ánh trong Nghị quyết 28. 

Tuy nhiên, Việt Nam sẽ cần tiếp tục phát triển dù cơ cấu dân số có thay đổi ra sao. Điều này đồng nghĩa với yêu cầu nâng cao năng suất lao động. Người lao động Việt Nam không chỉ cần nâng cao hiệu quả làm việc trong các ngành nghề hiện có mà còn phải có khả năng chuyển sang các công việc có chất lượng tốt hơn, mang lại giá trị gia tăng cao hơn. Điều này không chỉ đòi hỏi tiếp tục cải thiện hệ thống giáo dục và đào tạo mà còn cần thông tin thị trường lao động và hỗ trợ việc làm tốt hơn để giúp người lao động, bao gồm cả những người làm việc trong khu vực phi chính thức, nâng cao khả năng làm việc và tìm được việc làm tốt hơn. Đây là lĩnh vực giao thoa giữa chính sách ASXH và phát triển vốn con người vì không có hình thức hỗ trợ thu nhập nào cho hộ gia đình tốt hơn việc chính người lao động có được mức lương cao và được bảo hiểm trước những rủi ro.

Giám đốc World Bank cũng cho rằng, có một số rủi ro mà chương trình BHXH truyền thống không thể giải quyết được. Đơn cử như đại dịch COVID-19, tác động của biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến hầu hết, nếu không muốn nói là toàn bộ xã hội. Bài học trong hai năm vừa qua đã dạy chúng ta rằng điều quan trọng là phải có thông tin và các quy trình điện tử để triển khai nhanh chóng khi thiên tai xảy ra. Chúng ta chưa làm tốt điều này trong cuộc khủng hoảng COVID-19 vì việc quản lý các chương trình và cơ sở dữ liệu an sinh xã hội chủ yếu dựa trên quy trình thủ công và phân cấp tập trung.

Vào năm 2020, chỉ 1/5 số lao động khu vực phi chính thức được xác định là đối tượng nhận hỗ trợ của chính phủ. Với mức thu nhập và trình độ phát triển hiện nay, Việt Nam cần có khả năng ứng phó nhanh chóng và hiệu quả với các cuộc khủng hoảng. Các cơ chế thể chế và tài chính cũng như khả năng tận dụng dữ liệu hành chính và các nền tảng số, bao gồm việc chi trả điện tử, có thể giúp Việt Nam xây dựng được một hệ thống “an sinh xã hội thích ứng”.

Chỉ trong khoảng thời gian một hay hai năm vừa qua, Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng để khắc phục những hạn chế này. Việc triển khai nhanh chóng căn cước công dân mới và ứng dụng trong việc làm sạch các cơ sở dữ liệu lớn là một trụ cột quan trọng để tăng cường quản trị dữ liệu. Ngoài ra, việc xây dựng nền tảng trao đổi dữ liệu quốc gia, ban hành nghị định định danh và xác thực điện tử và các tiêu chuẩn về chia sẻ và kết nối dữ liệu giữa các cơ quan, bộ ngành hiện cũng đang được khẩn trương tiến hành. Thậm chí hiện nay các hộ gia đình dễ bị tổn thương ở các các vùng có nguy cơ lũ lụt cao đang được lập bản đồ dựa trên các thông tin không gian địa lý. 
 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top