Aa

Giảm giá tới 80%: Cơ hội vàng cho du lịch nội địa hậu COVID-19

Thứ Bảy, 22/02/2020 - 13:29

Cả ngành du lịch đang lâm cảnh lao đao từ những tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19. Giữa bối cảnh đó, các doanh nghiệp cam kết giảm giá từ 20 - 80% giá dịch vụ nhằm kích cầu du lịch nội địa.

Cả ngành du lịch trong nước đang lâm cảnh lao đao từ những tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, lượng khách sụt giảm nghiêm trọng. Trong bối cảnh đó, chiều ngày 21/2, Liên minh Kích cầu du lịch Việt Nam chính thức ra mắt.

Đây được xem là động thái tích cực và nhanh nhạy của doanh nghiệp du lịch cả nước trong việc bắt tay nhau vượt cơn sóng gió. Cùng liên kết để tung ra những dịch vụ có mức giá giảm 20 - 80% được coi là một nỗ lực lớn trong việc kích cầu du lịch nội địa ở thời điểm này.

Các doanh nghiệp đang nỗ lực kích cầu du lịch nội địa trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tác động tiêu cực. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Trưởng ban Liên minh Kích cầu du lịch Việt Nam đã có cuộc trao đổi xung quanh hoạt động của Liên minh.

Chủ động ứng phó

PV: Liên minh Kích cầu du lịch Việt Nam 2020 vừa chính thức ra mắt chiều ngày 21/2, vậy phương thức hoạt động của tổ chức này thế nào, thưa ông?

Ông Vũ Thế Bình: Liên minh Kích cầu là kênh hoạt động của các doanh nghiệp du lịch Việt Nam trên phạm vi cả nước. Liên minh có ban điều hành là các doanh nghiệp hàng đầu cùng với hàng không Việt Nam để điều tiết các hoạt động chung trên toàn quốc cũng như đẩy mạnh hoạt động du lịch của liên minh.

Liên minh Kích cầu hoạt động dựa trên địa bàn các địa phương là chính. Bản thân các địa phương cũng sẽ thành lập những nhóm kích cầu để hỗ trợ cho hoạt động chung.

Lần này, chương trình kích cầu sẽ diễn ra trên khắp cả nước theo lần lượt. Ví dụ, ngày hôm nay kích cầu cho miền Nam Trung bộ và Tây Nguyên, tuần sau là kích cầu cho đồng bằng Nam bộ, Côn Đảo, Phú Quốc, đến giữa tháng Ba sẽ là Trung bộ, Bắc Trung bộ...

Tôi tin rằng, trong tháng Ba chúng ta có thể triển khai rộng chương trình kích cầu ra khắp các địa bàn trọng điểm của du lịch Việt Nam.

Du khách Việt thăm quan di tích lịch sử trong quần thể danh thắng Tràng An. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Những địa phương nào sớm thoát khỏi dịch COVID-19 sẽ sớm được kích cầu du lịch đầu tiên và kích cầu có trách nhiệm để hoạt động sớm phủ kín cả nước nhằm thúc đẩy sự hồi phục nhịp độ tăng trưởng trước đây.

Tinh thần của những người làm du lịch là chủ động chứ không chờ đợi, phải khắc phục những khó khăn, thực thiện nghiêm túc tiêu chí của du lịch an toàn.

PV: Ông đánh giá thế nào về tinh thần tham gia của các doanh nghiệp, địa phương vào chương trình này?

Ông Vũ Thế Bình: Hiện nay, đi đầu là các doanh nghiệp lữ hành bởi họ phải tổ chức các hành trình tour cho du khách. Nhưng bản thân mỗi tour du lịch bao gồm rất nhiều dịch vụ khác nhau, trong đó có dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận chuyển, mua sắm, vui chơi giải trí…, mà mỗi một dịch vụ đó lại gắn với một hệ thống doanh nghiệp. Cho nên, để tham gia chương trình kích cầu này các loại hình dịch vụ phải liên kết với nhau.

Sáng nay, chúng tôi đã làm việc với 4 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Đăk Lăk và thấy rất rõ các doanh nghiệp, loại hình dịch vụ du lịch đều sẵn sàng hưởng ứng tham gia chương trình và đưa ra các gói kích cầu rất hấp dẫn.

Sự tham gia của nhiều loại hình sẽ tạo ra sức bật cho ngành du lịch. Khi du khách cảm nhận họ được chào đón, được hưởng lợi thì du lịch sẽ sớm được khôi phục.

Du khách quốc tế rất chuộng các sản phẩm kim hoàn thủ công mỹ nghệ ở Hội An. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Giá dịch vụ giảm từ 20% - 80%

PV: Với 4 tỉnh tham gia kích cầu đầu tiên như ông vừa nói, họ sẽ mang đến những chương trình tour gì hấp dẫn?

Ông Vũ Thế Bình: Chương trình kích cầu sẽ khởi động ngay khi dịch COVID-19 chưa chấm dứt trên toàn quốc. Hiện có ba chương trình tour 4 ngày 3 đêm Phú Yên - Bình Định, Đăk Lăk - Gia Lai, Phú Yên - Gia Lai có mức giá giảm tới 40%. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng sẽ giảm giá từ 20% - 80% giác các loại hình dịch vụ.

PV: Theo ông, có thể đảm bảo sự tham gia của các doanh nghiệp trong suốt chương trình kích cầu?

Ông Vũ Thế Bình: Đó là vấn đề khó bởi dù có tham gia chương trình kích cầu thì họ vẫn phải bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp mình. Các doanh nghiệp khi xây dựng kế hoạch kích cầu đều phải tính toán làm sao để hài hòa giữa lợi ích doanh nghiệp và khách hàng nhằm đảm bảo tính bền vững.

Đương nhiên, đợt kích cầu lần này nhằm khắc phục hậu quả của dịch COVID-19 nhưng cũng là cách giúp tập hợp lại lực lượng của các doanh nghiệp du lịch để triển khai lâu dài nhiều chiến dịch tiếp theo khác.

Tôi tin rằng nếu họ đã kết hợp được với nhau thành một khối, tạo được sự hiểu biết và đồng cảm với nhau trong hoạt động thì chắc chắn khối liên minh giữa các loại hình doanh nghiệp sẽ còn kéo dài và phục vụ tốt cho việc triển khai kích cầu du lịch ở các tỉnh và thành phố về lâu dài.

PV: Hôm nay, Hiệp hội Du lịch cũng công bố bản tiêu chí du lịch an toàn, vậy Hội sẽ triển khai tinh thần mới này tới từng điểm đến như thế nào?

Ông Vũ Thế Bình: Đây là một nội dung quan trọng. Bởi, trong khi dịch COVID-19 còn đang diễn ra, thì hai chữ “an toàn” sẽ giúp quyết định việc có thu hút được khách hay không. Trong tiêu chí mà Hiệp hội Du lịch công bố, bao gồm điểm đến an toàn, doanh nghiệp an toàn, các dịch vụ an toàn và các hoạt động du lịch an toàn. Hiệp hội Du lịch đã xin ý kiến của Bộ Y tế và được Bộ Y tế góp ý, sửa chữa bộ tiêu chí này.

Đó là những tiêu chí dễ thực hiện nhưng đảm bảo được an ninh, an toàn trước dịch bệnh. Tôi tin rằng các doanh nghiệp nếu cam kết thực hiện các tiêu chí này sẽ khiến du khách yên tâm lên đường đi du lịch.

Đặc biệt, bản thân lãnh đạo các địa phương cũng phải cam kết thực hiện đúng các tiêu chí đó thì mới được đưa vào danh sách triển khai chương trình kích cầu.

Một danh thắng của cố đô Hoa Lư. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Giảm giá, không giảm chất lượng

PV: Tiêu chí của chương trình kích cầu là du lịch Việt Nam là giảm giá chứ không giảm chất lượng. Vậy sẽ cần những ràng buộc như thế nào với các doanh nghiệp để có thể đạt được điều đó?

Ông Vũ Thế Bình: Việc giảm giá là một yếu tố quan trọng trong chương trình kích cầu. Những đơn vị đăng ký tham gia chương trình đều phải có cam kết giảm giá cho các tour, dịch vụ nhưng không được giảm chất lượng. Chúng ta khuyến khích khách đến chứ không phải bán tháo khoán hàng hóa, cho nên chất lượng phải đảm bảo.

Bản thân Liên minh Kích cầu là một hệ thống các doanh nghiệp giám sát lẫn nhau. Ngay trong quy chế của chúng tôi, doanh nghiệp nào không thực hiện nghiêm túc cam kết của mình sẽ bị loại khỏi danh sách kích cầu. Khách du lịch kích cầu chỉ đến với những doanh nghiệp đăng ký kích cầu mà thôi.

Tôi tin rằng các doanh nghiệp khi đã đăng ký vào danh sách kích cầu, sẽ nghiêm túc thực hiện các cam kết vì đó là hình ảnh của du lịch Việt Nam.

PV: Ngày hôm qua, trong cuộc họp với Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp cũng chia sẻ rằng mức giảm 30% đã là quá nhiều, trong khi con số của Liên minh như ông vừa nói lên tới 80%. Ông có thể nói gì về điều này?

Ông Vũ Thế Bình: Chúng ta sẽ có mức giảm từ 20%-80% tùy từng loại hình dịch vụ. Ngày hôm nay, chúng tôi đã nhận được cam kết từ hãng hàng không là sẽ giảm tới 40%, có những tuyến đường đã giảm tới 50%.

Chúng ta đang trong giai đoạn khó khăn thì mọi người, mọi doanh nghiệp cùng phải chung tay để giải quyết khó khăn này. Cho nên việc giảm giá từ 20% - 80% các loại hình dịch vụ là có triển vọng.

PV: Điểm khó nhất để kêu gọi các bên tham gia Liên minh Kích cầu là gì, thưa ông?

Ông Vũ Thế Bình: Đó là kiểm soát việc cam kết của các cơ sở bởi mỗi tour du lịch đều liên quan tới rất nhiều dịch vụ. Chúng ta phải giám sát việc thực hiện các dịch vụ đó vì nó tạo ra sự công bằng trong cam kết.

Có thể có những đơn vị không giảm giá nhưng thực chất họ lại thu lợi từ những đơn vị giảm giá. Cho nên, để đảm bảo công bằng, phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động trong từng tour kích cầu. Đó cũng là một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu của Liên minh.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top