Xu hướng giảm lãi suất
Trên thị trường tiền tệ, xu hướng giảm lãi suất đang trở nên rõ nét hơn khi lãi suất huy động các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng của hầu hết ngân hàng thương mại hiện giảm 0,5%/năm so với trước, xuống mức 5%/năm, qua đó tạo dư địa để giảm lãi suất cho vay.
Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang hướng tới mục tiêu giảm ít nhất 0,5%/năm lãi suất cho vay trong năm 2020.
Động thái giảm lãi suất của các ngân hàng diễn ra sau khi Ngân hàng Nhà nước giảm các lãi suất điều hành như lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6,25%/năm xuống 6%/năm, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,25% xuống 4%/năm… kể từ ngày 16/9/2019.
Ông Trịnh Thanh Cần, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng, việc giảm lãi suất điều hành là điều cần thiết nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Với các ngân hàng thương mại, lãi suất điều hành giảm có thể coi là một tín hiệu để lãi suất trên thị trường giảm theo.
Khi các ngân hàng vay vốn từ Ngân hàng Nhà nước giảm được chi phí đầu vào sẽ kéo lãi suất tiền gửi và cho vay đi xuống.
Mức lãi suất cho vay thấp hơn được kỳ vọng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh. Điều này giúp duy trì và cải thiện mức tăng trưởng ngành công nghiệp sản xuất, cũng như nhiều ngành nghề khác.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Agribank nhận xét, mức cắt giảm lãi suất như vậy vẫn khá khiêm tốn.
Trong khi đó, từ ngày 1/12/2019, Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc từ 1,2%/năm xuống 0,8%/năm.
“Trường hợp Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có các động thái quyết liệt hơn trong việc hạ lãi suất thì mới thực sự tác động mạnh tới thị trường”, ông Khoa nói.
Đối với thị trường chứng khoán, thông tin lãi suất giảm không có tác động nhiều, bởi cần thời gian để phản ánh vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp, với một độ trễ khoảng 6 tháng.
Dù vậy, với khả năng kiểm soát tốt chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hiện tại, lãi suất có khả năng sẽ giảm thêm trong thời gian tới, giúp doanh nghiệp có điều kiện vay vốn tốt hơn.
Khi doanh nghiệp có nguồn vốn vay rẻ thì hoạt động kinh doanh sẽ được cải thiện, tạo cho nhà đầu tư kỳ vọng kết quả kinh doanh năm sau khởi sắc hơn năm trước, qua đó hỗ trợ thị trường chứng khoán.
Nhìn chung, động thái giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước được nhiều ý kiến đánh giá sẽ tạo điều kiện làm giảm mặt bằng lãi suất trên thị trường, góp phần giảm chi phí vốn, gia tăng hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, cũng như góp phần gia tăng tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trong hạn mức cho phép.
Ông Trần Quốc Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thủy sản Kiên Hùng (KHS) nhìn nhận, quyết định giảm lãi suất và đưa ra các gói vay ưu đãi của các ngân hàng là tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp, nhất là những nơi đang có những khoản vay lớn để tập trung đầu tư sản xuất - kinh doanh.
Điều này càng có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh giá nhiều mặt hàng nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp đang tăng.
Những doanh nghiệp có khoản vay lớn chủ yếu nằm trong nhóm ngành dầu khí, bất động sản, thép…, đây là những nhóm làm nhiều dự án cần lượng vốn lớn.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Trần Thanh Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đại Thiên Lộc (DTL) chia sẻ, so với thời điểm giữa năm 2019, hiện lãi suất vay vốn của Công ty đã được điều chỉnh giảm 0,2%/năm.
Với khoản vay tiền mặt xấp xỉ 1.000 tỷ đồng, việc ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất giúp Công ty giảm chi phí lãi vay khoảng 2 tỷ đồng/năm.
… Chưa ngấm vào nhiều doanh nghiệp
Đại diện Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) cho hay, các hợp đồng vay của PVS và các công ty liên kết đều có thời hạn, nên việc điều chỉnh giảm lãi suất ngay là rất khó, nếu có cũng ở một tỷ lệ rất thấp.
Mặc dù nhiều ngân hàng công bố cho vay với lãi suất ưu đãi 7%/năm, nhưng một số hợp đồng vay vốn của các công ty con, công ty liên kết của PVS đang có mức lãi suất 10 - 11%/năm.
Trong quý III/2019, PVS đạt doanh thu hợp nhất hơn 4.648 tỷ đồng, tăng gần 26% so cùng kỳ năm 2018, nhưng do giá vốn và chi phí gia tăng, doanh nghiệp chỉ lãi ròng hơn 63 tỷ đồng, giảm 72% so với cùng kỳ.
Trong đó, chi phí lãi vay của PVS trong quý III/2019 là 21,42 tỷ đồng, tăng nhẹ so với con số 20,87 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2018.
“Dù các quyết định giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước được ban hành, nhưng trên thực tế, đến thời điểm này chưa có nhiều tác động trên diện rộng”, đại diện PVS nói.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính cho biết, mặt bằng lãi suất tại Việt Nam hiện nay vẫn khá cao. Do vậy, việc giảm lãi suất sẽ góp phần hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn rẻ hơn.
Đặc biệt, các ngân hàng giảm lãi suất vào cuối năm là thời điểm hợp lý, do đây là lúc các doanh nghiệp đang có nhu cầu vốn lớn cho nhu cầu sản xuất - kinh doanh.
Lý thuyết là như vậy, song trên thực tế, việc giảm lãi suất vẫn đang được áp dụng khá hạn chế, nhất là lãi suất cho vay tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, nên không có tác động lan tỏa và cần thời gian để đo lường tác động tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.
Những doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn vẫn phải đi vay, bất chấp lãi suất có hạ hay không.
Chưa kể, Ngân hàng Nhà nước có định hướng kiểm soát chặt chẽ hơn các khoản vay nhiều rủi ro như đối với lĩnh vực bất động sản.
Cụ thể, bên cạnh việc tiếp tục giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn (tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn là 40% áp dụng cho 9 tháng đầu năm 2020 và từ tháng 10/2020 sẽ giảm còn 30%), Ngân hàng Nhà nước còn tăng hệ số rủi ro khi kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200%.
Theo đó, khi cần khoản vốn đầu tư lớn, các doanh nghiệp địa ốc khó có thể trông chờ vào các khoản vay đơn thuần từ nhà băng, mà phải tự huy động vốn.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã triển khai phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn, thay cho vay vốn ngân hàng, dù lãi suất cao hơn.