Aa

Giảm lãi suất điều hành sẽ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng?

Chủ Nhật, 16/08/2020 - 06:28

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cắt giảm một loạt lãi suất điều hành, trong đó cắt giảm 0,5% lãi suất dự trữ bắt buộc và duy trì lãi suất tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng VND ở mức 0%...

Giảm loạt lãi suất điều hành

NHNN vừa giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND của các TCTD từ 1%/năm xuống còn 0,5%/năm; trong khi lãi suất đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng VND vẫn được duy trì ở mức 0%. Lãi suất tiền gửi bằng VND của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô; Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam tại NHNN cũng được giảm từ 1%/năm về còn 0,8%/năm.

Đây là lần thứ hai trong năm 2020 NHNN điều chỉnh lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc của các TCTD. Trước đó vào ngày 16/3/2020, lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND của các TCTD đã được NHNN điều chỉnh tăng nhẹ (0,2%/năm). Điều này được cho là để hỗ trợ chi phí cho các TCTD trong bối cảnh thanh khoản dư thừa lớn vì tín dụng gặp nhiều khó khăn.

Thế nhưng lần này, mặc dù thanh khoản của hệ thống các TCTD tiếp tục dư thừa và tín dụng vẫn tăng trưởng ì ạch, song nhà điều hành lại cắt giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc tới 0,5%.

Lý giải cho động thái này, NHNN cho biết, từ đầu năm đến nay cơ quan này đã triển khai đồng bộ các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô; qua đó, thị trường tiền tệ, ngoại hối diễn biến ổn định, lạm phát được kiểm soát và mặt bằng lãi suất trên thị trường đã giảm nhiều so với trước khi dịch bệnh xảy ra. Để phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô cũng như hỗ trợ đà tăng trưởng kinh tế, NHNN đã ban hành các quyết định điều chỉnh lãi suất nêu trên.

Đến cuối tháng 7/2020, tín dụng mới chỉ tăng 3,45% so với cuối năm 2019
Đến cuối tháng 7/2020, tín dụng mới chỉ tăng 3,45% so với cuối năm 2019

Nhiều chuyên gia ngân hàng cũng cho rằng, về lý thuyết, việc giảm lãi suất tiền gửi của các TCTD và các TCTD phi ngân hàng tại NHNN sẽ khuyến khích các tổ chức này cho vay. Thậm chí trên thế giới, cũng có khá nhiều các NHTW lớn, như NHTW châu Âu (ECB), NHTW Nhật Bản (BoJ) áp dụng lãi suất âm đối với tiền gửi của các ngân hàng thương mại, có nghĩa các định chế này phải trả tiền lãi đối với khoản tiền gửi tại NHTW, mục tiêu là để thúc đẩy hoạt động cho vay ra nền kinh tế.

TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chyên gia tài chính ngân hàng nhận định, động thái cắt giảm lãi suất điều hành mới đây của NHNN góp phần khuyến khích các TCTD rót thêm vốn vào nền kinh tế, phần nào tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân chịu tác động bởi dịch COVID-19.

Không nhiều tác dụng

Tuy nhiên không ít ý kiến cho rằng, động thái nêu trên của NHNN không có nhiều tác dụng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh hiện nay. Trên thực tế, hiện mặt bằng lãi suất đang ở mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, thế nhưng tín dụng vẫn tăng trưởng ì ạch. Nguyên nhân chính khiến tín dụng tăng chậm là do cầu tín dụng của nền kinh tế yếu khi mà hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ vì đại dịch. Trong khi đại dịch cũng khiến mức độ rủi ro tăng lên.

Do đó, dù NHNN giảm lãi suất tiền gửi của các ngân hàng tại NHNN, thì các ngân hàng này cũng không dám hạ chuẩn tín dụng để đẩy mạnh cho vay, vì ngại rủi ro nợ xấu và mất vốn.

Trên thực tế tại nhiều quốc gia đang áp dụng lãi suất âm, nhưng tín dụng vẫn tăng trưởng èo uột; các ngân hàng chấp nhận trả tiền cho NHTW còn hơn là cho vay do lo ngại rủi ro.

Đối với dự trữ bắt buộc, đây là số tiền mà các TCTD phải gửi tại NHNN theo quy định để dự phòng rủi ro thanh khoản. Vì vậy, việc giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc không có tác động tới hoạt động cho vay của các ngân hàng do họ không thể sử dụng lượng tiền này để cho vay.

Hơn nữa, mức điều chỉnh lãi suất dự trữ bắt buộc là khá nhỏ, trong khi số tiền gửi dự trữ bắt buộc cũng không lớn. Thậm chí, mức lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc hiện hành vẫn còn cao hơn khá nhiều so với lãi suất liên ngân hàng là mức lãi suất vay mượn của các nhà băng với nhau để bù đắp thiếu hụt tạm thời, đặc biệt là bù đắp cho thiếu hụt dự trữ bắt buộc trong ngắn hạn.

Có chăng chỉ là lãi suất tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc sẽ có tác động đến tín dụng. Tuy nhiên mức lãi suất này vẫn được duy trì ở 0% suốt từ cuối năm 2019 đến nay. Vì vậy động thái trên của NHNN chỉ ảnh hưởng tới thu nhập của các ngân hàng.

“Việc giảm lãi suất tiền gửi của các ngân hàng và một số tổ chức khác tại NHNN một mặt là để phù hợp với mặt bằng lãi suất hiện nay, nhất là khi NHNN đã hai lần cắt giảm các mức lãi suất điều hành. Động thái này của NHNN cũng góp phần giảm bớt gánh nặng chi phí cho ngân sách nhà nước ở thời điểm này”, một chuyên gia ngân hàng cho biết.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top