Aa

Giảm lãi suất: Mục tiêu và thách thức

Thứ Sáu, 18/02/2022 - 06:25

Dù khó, nhiều thách thưng nhưng đa số ý kiến các chuyên gia đều cho rằng, mục tiêu giảm lãi suất 0,5 - 1% trong năm 2022 - 2023 của Chính phủ, NHNN là khả thi.

Thị trường tiền tệ, tài chính thế giới nóng lên từng ngày khi cùng lúc phải đón nhận nhiều thông tin tiêu cực về chỉ số lạm phát, giá dầu và lãi suất.

Việt Nam không thể nằm ngoài vòng xoáy khi độ mở thương mại gấp đôi GDP, áp lực lạm phát tăng lên từ cả nội tại nền kinh tế và tác động của giá cả thế giới. Cũng chính vì thế, có nhiều lo ngại xung quanh mục tiêu giảm lãi suất hỗ trợ nền kinh tế của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong năm 2022 - 2023.

Thách thức

Báo cáo mới đây của SSI cho biết, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tuần sau tết tiếp tục tăng mạnh với kỳ hạn qua đêm kết thúc tuần đã tăng 0,52%, còn kỳ hạn 1 tuần tăng 0,75 điểm cơ bản lên mức mức 3,32%/năm kỳ hạn qua đêm và 3,39%/năm kỳ hạn 1 tuần. 

Diễn biến trên thị trường liên ngân hàng trong thời gian qua tương đối khác biệt trong nhiều năm trở lại đây, khi thanh khoản gặp nhiều khó khăn sau Tết Nguyên đán. Tín dụng đang có xu hướng tăng mạnh trong vòng hai tháng qua. Theo số liệu từ NHNN, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 29/1/2022 đạt 2,74% so với cuối năm 2021. 

Nhiều ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động nhằm thu hút lượng tiền gửi nhàn rỗi vào hệ thống trước kỳ vọng sản xuất kinh doanh quay trở lại. Thanh khoản không còn dồi dào như 2 năm về trước. Đây cũng là yếu tối nội tại mang tới thách thức cho mục tiêu giảm 0,5 - 1% lãi suất ngân hàng trong năm 2022 - 2023 để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi mà Chính phủ và NHNN đã đề ra.

Nhìn từ yếu tố bên ngoài, giá dầu đang tăng vượt mọi dự báo sẽ đẩy thế giới vào một cuộc đua lạm phát và sau đó là lãi suất. Theo Bank of America, giá dầu có thể sớm vượt mốc 100 USD ngay trong quý II năm nay. Các ngân hàng lớn của Phố Wall, bao gồm Goldman Sachs, JP Morgan và Morgan Stanley, cũng dự báo ​​giá dầu sẽ chạm 100 USD/thùng ngay trong năm nay. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn tới giá hàng hoá, nguyên nhiên liệu trên thế giới. Từ khoá lạm phát sẽ là trọng tâm của nền kinh tế toàn cầu trong năm 2022.

Từ Mỹ, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Tài chính ngân hàng cho biết, thế giới đang đi vào giai đoạn lạm phát lớn. Năm 2021, lạm phát của Mỹ đã lên tới 7% là mức tăng cao nhất trong vòng 40 năm. Hiện tại đây, Chính phủ Mỹ đang trấn an người dân, cho rằng Chính phủ đang có thành quả tốt trong việc tạo công ăn việc làm. Tuy nhiên, một điều có thể nhìn thấy rõ là giá cả đang tăng mạnh từng ngày từ giá xăng dầu, thực phẩm tới nhà cửa, xe cộ.

Hai nguyên nhân chính được cho là dẫn tới tình trạng lạm phát tăng cao tại Mỹ là gói giải cứu trợ quá lớn và lãi suất duy trì thấp trong thời gian dài.

Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ đã đẩy một lượng lớn tiền vào lưu thông để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua đại dịch. Tuy nhiên, do chuỗi cung ứng bị đứt gãy, nhiều người nghỉ việc, ngay cả những hải cảng của Mỹ cũng không có đủ nhân công bốc xếp. Tình trạng này ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh sau đại dịch. Khi tiền lưu thông quá nhiều, hàng hoá ít thì giá cả tất sẽ lên cao, ông Hiếu phân tích.

photo-1-16353215875842142751241

"Việt Nam đang ở "ngã ba đường", rất khó để cùng một lúc đạt được cả 2 mục tiêu là giảm lãi suất, giữ lạm phát thấp và tăng trưởng GDP từ 6,5 - 7%". 

TS. Nguyễn Trí Hiếu

 

 

Ngoài ra, việc chính phủ Mỹ tiếp tục giữ lãi suất ở mức thấp cũng đẩy lạm phát lên. Điều này cũng xảy ra tương tự tại châu Âu và có thể là cả Việt Nam.

 

Đánh giá về những thách thức trong công tác điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, có những thách thức Việt Nam gặp phải giống như thế giới là vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng, giá cả thế giới tiếp tục tăng, giá dầu tăng vượt các dự báo, nền kinh tế đang phục hồi. Vì vậy, lạm phát tăng là khó tránh khỏi.

Để kiểm soát lạm phát có 2 phương án cơ bản, một là giảm cầu, 2 là tăng lãi suất. Tuy nhiên, để giảm cầu ở thời điểm hiện tại là không thể và không nên. Vì vậy, phương án tốt nhất là tăng lãi suất. Đây sẽ là chiếc van để kìm hãm lãi suất. Cũng vì vậy mà đặt vấn đề giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp thời điểm hiện tại ở Việt Nam sẽ đặt chúng ta ở "ngã ba đường", rất khó để cùng một lúc đạt được cả 2 mục tiêu là giảm lãi suất, giữ lạm phát thấp và tăng trưởng GDP từ 6,5 - 7%.

Mục tiêu và giải pháp

Giá vàng và giá USD đang tăng mạnh trong vài phiên giao dịch trở lại đây cả trên thế giới và Việt Nam. Đây được coi là 2 tài sản cơ bản, sẽ là hầm trú ẩn của giới đầu tư khi rủi ro nền kinh tế tăng cao.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú thừa nhận, thách thức lớn nhất đối với NHNN là phải giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa yêu cầu giảm lãi suất, mở rộng tín dụng hỗ trợ phục hồi kinh tế và yêu cầu kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định vĩ mô.

img-bgt-2021-pho-thong-doc-dao-minh-tu-1618397752-width1280height720

Các TCTD cần phải thể hiện rõ ý thức, trách nhiệm với khách hàng và với cộng đồng, xã hội bằng cách sử dụng nguồn lực của mình để chia sẻ khó khăn với nền kinh tế

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú

Những rủi ro lớn mà chính sách tiền tệ phải đối mặt trong thời gian tới gồm: Nguy cơ lạm phát tăng do nhiều yếu tố cả khách quan và chủ quan; tác động của chính sách thương mại, đầu tư, gia tăng đột biến giá nhiều hàng hóa, thắt chặt tiền tệ của một số quốc gia có nền kinh tế lớn; kinh tế dự kiến phục hồi trong năm 2022 khiến nhu cầu tiêu dùng, đầu tư gia tăng, gây sức ép lên giá cả. Trong nước, thị trường bất động sản, chứng khoán, trái phiếu tăng trưởng nóng, độ trễ của các gói kích thích kinh tế và độ mở của việc nới lỏng tiền tệ mấy năm vừa qua.

"Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế, doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, các TCTD cần phải thể hiện rõ ý thức, trách nhiệm với khách hàng và với cộng đồng, xã hội bằng cách sử dụng nguồn lực của mình để chia sẻ khó khăn với nền kinh tế", Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Thực tế, dù bối cảnh thế giới đang rất nóng nhưng cơ bản các đánh giá về thị trường Việt Nam đa phần là lạc quan và áp lực lạm phát là không quá lớn. Điều này có thể xuất phát từ nguyên nhân 2 năm vừa qua chúng ta không có các gói hỗ trợ lớn và cơ bản là miễn, giảm thuế thay vì đẩy tiền mới vào nền kinh tế.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhấn mạnh, áp lực lạm phát tăng, lãi suất tăng đối với Việt Nam năm nay là hiện hữu. Theo nghiên cứu của Viện đào tạo và Nghiên cứu BIDV, dự báo lạm phát năm nay quanh mức 3,5 - 3,8% (từ mức 1,84% năm 2021). Lãi suất đầu vào sẽ tăng, có thể từ 0,3 - 0,8% tuỳ từng kỳ hạn nhưng lãi suất cho vay cơ bản ổn định, thậm chí giảm nhẹ để hỗ trợ phục hồi theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN.

Ông Lực lưu ý, con số trên đã tính toán cả tác động của giá cả tăng và thực hiện Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế của Chính phủ.

Để hiện thực hoá mục tiêu giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ, NHNN, ông Lực cho rằng, các TCTD cần tiếp tục đa dạng hoá hoạt động, nhất là chuyển đổi số để tăng lượng tiền gửi không kỳ hạn, góp phần điều hoà chi phí huy động vốn, tiếp tục tiết giảm chi phí... để đảm bảo cân bằng giữa mục tiêu và thách thức lãi suất, lạm phát tăng.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, theo tính toán lạm phát sẽ tăng cùng chiều với thế giới. Tuy nhiên, hiện các dự báo lạm phát năm 2022 của Việt Nam cũng chỉ quanh mức 3,7% và lạm phát thế giới khoảng 3,4%. 

"Áp lực lạm phát là có nhưng không phải "con ngáo ộp". Giảm lãi suất chủ yếu chịu áp lực từ chính sách thắt chặt tiền tệ của các nước phát triển, lạm phát đang tăng lên và áp lực từ việc nhà nước huy động thêm nguồn lực từ phát hành trái phiếu chính phủ. Mục tiêu giảm lãi suất năm 2022 là khó nhưng để giảm từ 0,5-1% trong 2 năm 2022-2023 là có thể đạt được", ông Thành nói.

Trong một báo cáo mới đây, HSBC đánh giá, kinh tế Việt Nam “xông đất” năm 2022 bằng những bước đi vững chắc, có thể thấy rõ trong số liệu thống kê tháng 1. Mặc dù số ca nhiễm Covid-19 mới vẫn gia tăng, Việt Nam đã không áp dụng những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt như trước.

Lạm phát nhiên liệu dù tiếp tục gia tăng, đẩy số liệu tháng 1 lên 1,9% so với cùng kỳ năm trước nhưng giá lương thực thực phẩm vẫn ổn định trong bối cảnh lạm phát do nhu cầu còn chưa tăng. Vì vậy, HSBC cho rằng, lạm phát nhiều khả năng không phải mối lo quá lớn với Việt Nam trong năm nay.

HSBC dự báo mức lạm phát bình quân của Việt Nam của năm 2022 là 3% (tăng so với mức dự báo trước đó là 2,7%). "Mức này cũng không cho thấy một rủi ro đáng kể cho NHNN vì vẫn còn thấp hơn mức lạm phát mục tiêu 4% của Chính phủ".

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top