Aa

Giảm lãi suất: Ngân hàng Nhà nước đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp

Thứ Sáu, 20/09/2019 - 06:20

Các biện pháp kỹ thuật của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nếu có được sự đồng lòng của các ngân hàng thương mại lớn thì mục tiêu giảm lãi suất có thể đạt được.

Lãi suất trên thị trường có dấu hiệu nóng

Lãi suất trên thị trường đang có dấu hiệu xáo trộn thời gian qua. Trong cơn khát vốn, các ngân hàng đua phát hành trái phiếu để huy động vốn. Mặc dù lãi trái phiếu ngân hàng xếp vào nhóm thấp hơn các doanh nghiệp khác; tuy vậy, mức lãi suất trái phiếu các ngân hàng công bố cao hơn lãi suất huy động. Trong 8 tháng đầu năm, lãi suất và kỳ hạn bình quân của nhóm ngân hàng là 6,75%/năm và 3,3 năm.

Một loại hình tương đương trái phiếu, thậm chí lãi suất còn hấp dẫn hơn cùng sinh ra song hành với trái phiếu là chứng chỉ tiền gửi.

Chẳng hạn, mới đây, Ngân hàng Bản Việt công bố phát hành chứng chỉ tiền gửi ghi danh dành cho khách hàng cá nhân và khách hàng tổ chức với lãi suất lên đến 10,2%/năm.

Đây là loại hình chứng chỉ tiền gửi ghi danh với mệnh giá tối thiểu cá nhân là 10 triệu đồng và tổ chức là 100 triệu đồng. Kỳ hạn từ mức 24, 36, 48, 60 tháng. Hình thức lĩnh lãi 6 tháng, 12 tháng hoặc cuối kỳ. Duy trì đến hết kỳ hạn.

Hay như, LienVietPostBank cũng huy động vốn bằng chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng, 36 tháng và 60 tháng, lãi suất lên đến 8,8%/năm dành cho số tiền gửi 5 tỷ đồng trở lên. Chứng chỉ tiền gửi của VIB cũng có kỳ hạn 18 tháng, lãi suất 6,68%/năm; 24 tháng là 6,88%/năm, mệnh giá tối thiểu 1 triệu đồng.

VietABank, người mua chứng chỉ tiền gửi mệnh giá từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng được hưởng lãi suất 6,9%/năm. Còn chứng chỉ tiền gửi có mệnh giá trên 2 tỷ đồng, kỳ hạn 6 tháng, lãi suất 7,1%/năm; 9 tháng là 7,2%/năm; 13 tháng 7,9%/năm; 15 tháng 8,1%/năm; 18 tháng 8,2%/năm.

Ngày 26/8 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước phát đi công văn số 6669/NHNN-CSTT về việc lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng. Theo cơ quan này, thời gian qua đã xuất hiện hiện tượng các tổ chức tín dụng, chi ngánh ngân hàng nước ngoài đã điểu chỉnh lãi suất tiền gửi bằng VND nhanh và khá lớn ở một số kỳ hạn hoặc triển khai các sản phẩm chứng chỉ tiền gửi với mức lãi suất cao.

“Động thái tăng lãi suất này làm tiềm ẩn nhiều rủi ro ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển lành mạnh của hệ thống ngân hàng, tạo ra diễn biến tâm lý tiêu cực trên thị trường, có nguy cơ dẫn đến cuộc đua về lãi suất huy động giữa các tổ chức tín dụng, gây bất ổn thị trường tiền tệ”, công văn cảnh báo.

Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định sẽ theo dõi sát việc triển khai giải pháp về lãi suất và tín dụng của các tổ chức tín dụng và sẽ có biện pháp xử lý nghiêm trường hợp vi phạm quy định của pháp luật và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, trong đó gồm cả biện pháp thu hẹp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của tổ chức ngân hàng vi phạm.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu để đảm bảm ổn định thị trường tiền tệ, góp phần thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vỹ mô, Thống đốc đã yêu cầu các tổ chức tín dụng cần nghiêm túc thực hiện chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 8/1/2019 với các nội dung chính. Cụ thể, duy trì mặt bằng lãi suất huy động ổn định hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh, chấp hành quy định về lãi suất tiền gửi, tăng cường kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ về việc chấp hành tín dụng đối với khách hàng và người có liên quan…

Động thái hạ lãi suất nhằm giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp

Trước diễn biến trên, từ ngày 16/9/2019, Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh giảm lãi suất. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 1870/QĐ-NHNN ngày 12/9/2019 về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng.

Mức giảm cụ thể như sau: Lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6,25%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,25%/năm xuống 4,0%/năm.

Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng từ 7,25%/năm xuống 7,0%/năm. Lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở từ 4,75%/năm xuống 4,5%/năm.

Bộ phận Phân tích và tư vấn khách hàng cá nhân của CTCP Chứng khoán SSI cho rằng, động thái giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tác động không quá lớn. Bởi, NHNN điều hành chính sách tiền tệ trực tiếp thông qua các chỉ tiêu về tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán (M2)…, không phải qua trung gian là lãi suất điều hành như các nước khác.

Đến tháng 6 năm nay, tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng M2 lần lượt là 7,36% và 7,11% - thấp hơn so với cùng kỳ 2018. NHNN thực tế đã có một đợt nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng đủ tiêu chuẩn nhưng hầu hết thấp hơn đề xuất từ các ngân hàng thương mại.

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng đặt ra cho cả năm vẫn là 14%, cho thấy NHNN đang điều hành M2 thận trọng.

Theo SSI Retail Research, điều này hoàn toàn hợp lý do xét trong bối cảnh tổng cầu chậm cải thiện, tăng M2 sẽ làm tăng rủi ro lạm phát, nhập siêu, bong bóng tài sản. Giá dầu tăng đột ngột và thương chiến Mỹ - Trung leo thang là 2 cảnh báo nhãn tiền để tiếp tục thận trọng với chính sách tiền tệ.

Trong ngắn hạn, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng, lợi tức trái phiếu Chính phủ các kỳ hạn ngắn trên thứ cấp sẽ chịu tác động mạnh nhất. Và thực tế, trong ngày NHNN ra thông tin giảm lãi suất điều hành, lãi suất qua đêm trên liên ngân hàng giảm xuống còn 2,78%/năm, lợi tức trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 1 - 3 năm giảm xuống quanh 2,6%/năm.

Về dài hạn, các lãi suất trên thị trường liên ngân hàng sẽ dao động trong khoảng từ lãi suất tín phiếu đến lãi suất OMO (từ 2,75%/năm đến 4,5%/năm).

Ở điều kiện lý tưởng, giá vốn rẻ hơn trên thị trường liên ngân hàng và môi trường thanh khoản được kỳ vọng sẽ được giữ dồi dào sẽ tạo cơ sở để các ngân hàng giảm mặt bằng lãi suất trên thị trường 1 (thị trường giữa các NHTM với các tổ chức kinh tế và cá nhân).

Tuy vậy, vốn liên ngân hàng chỉ đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn, không dùng để cấp tín dụng và bị hạn chế bởi tỷ lệ 20% so với vốn huy động tổ chức kinh tế & dân cư nên tính liên thông từ thị trường 2 (thị trường liên ngân hàng) xuống thị trường 1 cần một thời gian dài.

NHNN đang tăng cường kiểm soát dòng chảy tín dụng và chủ trương giảm lãi suất để hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Bằng chứng là cơ quan này đã có hàng loạt động thái như 2 lần các ngân hàng thương mại tiên phong giảm lãi suất cho vay với các nhóm ngành ưu tiên, NHNN tuyên bố xử lý nghiêm các ngân hàng chạy đua tăng lãi suất trong đó có việc cắt giảm tăng trưởng tín dụng, kiểm soát chặt cho vay BĐS, trái phiếu BĐS của các ngân hàng.

Việc giảm lãi suất điều hành được cho là động thái tiếp theo các hành động trên của NHNN.

Trong bối cảnh có nhiều yếu tố thuận lợi như trên, các biện pháp kỹ thuật của NHNN nếu có được sự đồng lòng của các ngân hàng thương mại lớn thì mục tiêu giảm lãi suất có thể đạt được mà chưa cần phải dùng đến các biện pháp nới lỏng, bơm tiền vào nền kinh tế.

Dù vậy, nhìn ở bình diện lớn hơn, chỉ nỗ lực của NHNN để thúc đẩy nền kinh tế giai đoạn hiện nay là không đủ. Công cụ tiền tệ đang phải xoay sở trong một không gian hẹp khi mà vừa phải ổn định vĩ mô, vừa hỗ trợ tăng trưởng.

SSI Retail Research nhấn mạnh 2 giải pháp hàng đầu là giải ngân đầu tư công và thực thi bảo hộ, đồng thời cho rằng trong bối cảnh thế giới tiềm ẩn nhiều rủi ro, phát huy tối đa nội lực sẽ vừa tạo được tăng trưởng, vừa tránh được các biến động bất lợi từ bên ngoài. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top