Aa

Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tác động đến ngân sách thế nào?

Chủ Nhật, 07/06/2020 - 15:28

Chính phủ đánh giá tác động tích cực và tiêu cực về đề nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trong ngắn hạn việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp có gây áp lực lên cân đối ngân sách Nhà nước (NSNN), nhưng về dài hạn sẽ góp phần tăng thu cho NSNN vào những năm sau.

Ngày 5/6, Chính phủ đã gửi đến Quốc hội báo cáo đánh giá tác động về chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác. Đây là nội dung bắt buộc khi Chính phủ trình chính sách mới.

Chính sách giảm thuế được đánh giá là phù hợp với thực tế và khả năng NSNN.

Tránh ưu đãi dàn trải

Tại đây, Chính phủ xác định, diễn biến dịch bệnh Covid-19 phức tạp, khó lường và chưa dự báo được thời điểm kết thúc trên thế giới, dự kiến sẽ ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực của Việt Nam, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ. Vì vậy, để các doanh nghiệp có quy mô nhỏ có thêm nguồn lực tài chính duy trì và khôi phục sản xuất kinh doanh, vượt qua khó khăn, thách thức do tác động của dịch bệnh, góp phần đạt mục tiêu cao nhất có thể về tăng trưởng kinh tế của năm 2020 thì cần thiết phải có giải pháp kịp thời trình Quốc hội ban hành Nghị quyết để quy định giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ và sớm đưa chính sách này vào thực tiễn.

Ở Việt Nam, trước ngày 1/1/2014, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp quy định thuế suất áp dụng chung là 25%. Từ ngày 1/1/2014 Luật số 32/2013/QH13 đã quy định lộ trình áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, theo đó từ 1/1/2014 áp dụng thuế suất phổ thông là 22% và từ ngày 1/1/2016 là 20%.

Riêng doanh nghiệp có quy mô nhỏ là doanh nghiệp có tổng doanh thu năm trước liền kề không quá 20 tỷ đồng, được áp dụng thuế suất 20% từ ngày 1/7/2013, sớm hơn so với lộ trình nêu trên. Như vậy, hiện nay, doanh nghiệp có quy mô nhỏ đang áp dụng mức thuế suất như đối với doanh nghiệp nói chung là 20%.

Do vậy, để đảm bảo đúng mục tiêu, đúng đối tượng cần hỗ trợ, phù hợp với quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, thực tế thực hiện thời gian vừa qua và kinh nghiệm quốc tế, đồng thời tham khảo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc nghiên cứu giảm thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm tăng cường thúc đẩy doanh nghiệp có quy mô nhỏ phát triển và mở rộng sản xuất kinh doanh theo mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 là rất cần thiết và có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay.

Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ, trong bối cảnh kinh tế xã hội và thu ngân sách hiện nay thì việc xác định đối tượng doanh nghiệp để đề xuất giải pháp hỗ trợ cần phải dựa trên nguyên tắc: hỗ trợ đúng, trúng đối tượng để đạt được lợi ích kinh tế xã hội cao nhất nhưng lại không làm ảnh hưởng lớn đến thu NSNN, đặc biệt là tránh tình trạng ưu đãi dàn trải, làm giảm hiệu quả của chính sách khuyến khích, hỗ trợ.

Phù hợp với thực tế và khả năng NSNN

Về nội dung chính sách, Chính phủ đánh giá tác động của ba giải pháp, một là giảm 30% và hai là giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020, và ba là giữ như quy định hiện hành.

Sau khi nghiên cứu tác động của các giải pháp trên cơ sở đánh giá tác động tích cực và tiêu cực, đề nghị chọn giải pháp 1.

Tác động tích cực của giải pháp này là góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp có quy mô nhỏ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có quy mô nhỏ tích tụ vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, là tiền đề giúp các doanh nghiệp có quy mô nhỏ phát triển, chuyển đổi thành doanh nghiệp có quy mô lớn hơn.

Giải pháp này cũng đảm bảo phù hợp với thực tế và khả năng NSNN cũng như thông lệ quốc tế.

Tác động tiêu cực được tính đến là làm giảm thu NSNN năm 2020 khoảng 15.840 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, số giảm thu do hỗ trợ doanh nghiệp có quy mô nhỏ sẽ được bù đắp từ các loại thuế gián thu và các nguồn thu ngân sách khác vì số tiền thuế được giảm sẽ được sử dụng cho tiêu dùng và đầu tư; đồng thời, sẽ góp phần tăng thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp vào giai đoạn tiếp theo do doanh nghiệp có điều kiện để tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh.

Việc giảm thuế đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ có thể sẽ gây ra tình trạng lợi dụng chính sách để tránh thuế bằng cách giữ các tiêu chí để được xác định là doanh nghiệp có quy mô nhỏ nhằm hưởng ưu đãi về thuế, Chính phủ nhìn nhận.

Theo dự kiến điều chỉnh chương trình đợt hai của kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV, sáng 11/6 Quốc hội sẽ nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về đề nghị giảm thuế của Chính phủ, sau đó sẽ tiến hành thảo luận tại tổ trước khi thảo luận tại hội trường vào sáng 16/6.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top