Chia sẻ tại buổi Tọa đàm: “Phát triển Tín dụng tiêu dùng - Giải pháp đẩy lùi tín dụng đen” do Báo đầu tư tổ chức, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chỉ ra sự nổi lên của tầng lớp thu nhập trung bình ở Việt Nam trong thập niên qua đã kéo theo sự thay đổi đáng kể về hành vi tiêu dùng. Không nhất thiết phải là "tiết kiệm trước, tiêu sau", mà có thể là "vay mua trước, trả sau".
Trong khi đó, tình trạng thiếu hụt nguồn cung đối với các khoản vay giá trị nhỏ; việc tiếp cận tín dụng tiêu dùng (TDTD) chính thức còn thiếu bao trùm (inclusive) khi học sinh, sinh viên, nông dân được vay rất ít; ngay cả với khách hàng được vay, nhu cầu tín dụng còn chưa được đáp ứng đầy đủ khi trên 50% khách hàng tại CTTC và 60% tại NHTM chỉ được đáp ứng dưới 2/3 nhu cầu vốn. Điều này cho thấy dư địa cho thị trường TCTD là rất lớn.
“Nghĩa là, phát triển TCTD không chỉ đẩy lùi “tín dụng đen”, mà còn là một con đường, một động lực, một cách thức để phát triển kinh tế - xã hội, mở ra một cơ hội nâng cao phúc lợi cho người dân”, TS. Nguyễn Đình Cung phân tích.
Đồng quan điểm, TS. Trần Kim Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế - Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, đối với nền kinh tế và xã hội, TDTD giúp nâng cao cơ hội tiếp cận tài chính cho người dân, giúp kế hoạch tiêu dùng diễn ra suôn sẻ giữa các chu kỳ biến động của thu nhập, do vậy góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống và gia tăng công bằng xã hội; hạn chế cho vay nặng lãi, “tín dụng đen” đang ngày càng gia tăng và biến tướng trong xã hội hiện nay.
Tín dụng đen bùng nổ và tạo nhiều hệ lụy xấu với đời sống kinh tế xã hội tại một số địa phương trong cả nước. Trong bối cảnh đó, các chuyên gia cho rằng, việc các công ty tài chính được tạo điều kiện thuận lợi đẩy mạnh cho vay tiêu dùng sẽ góp phần hạn chế sự tăng trưởng của “tín dụng đen” đang hoàng hành.
Theo ông Trịnh Bá Việt Xô, Trưởng phòng Quản lý đối tác chiến lược, Công ty Tài chính Home Credit Việt Nam để tín dụng tiêu dùng của các tổ chức tín dụng tiếp cận đến người dân nhiều hơn công tác quảng bá thương hiệu và truyền thông có vai trò quan trọng.
"Vì sao người dân quen chọn tín dụng đen? Lý do thật đơn giản, vì tín dụng đen quá dễ tiếp cận. Trên cột điện, trên tường, trên trụ điện, chúng ta có thể dễ dàng thấy những mẩu quảng cáo được dán chồng chồng lớp lớp mời gọi vay nóng kèm số điện thoại liên lạc", ông Xô nhấn mạnh.
Cùng đó, công ty tài chính cần mở rộng mạng lưới các điểm bán hàng để khách hàng có thể tiếp cận dễ dàng, đội ngũ nhân viên luôn sẵn sàng tư vấn theo nhu cầu của khách hàng. Khi người dân có đầy đủ thông tin và thêm lựa chọn khi cần vay, họ sẽ giảm dần thói quen tìm đến tín dụng đen.
Ngoài ra, nâng cao hiểu biết về tín dụng an toàn cho người dân. Các công ty tài chính tiêu dùng cần hợp tác xây dựng “cẩm nang thông tin” – nguồn thông tin chính thống giúp người dân hiểu rõ sự minh bạch và quy củ của tín dụng “xanh và sạch”. Các công ty tài chính tiêu dùng hoạt động hợp pháp dưới sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan chức năng, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước. Chất lượng sản phẩm cũng phải được nâng cao. Bên cạnh sản phẩm vay mua sắm thiết yếu, các công ty tài chính đã và đang phát triển thêm nhiều gói vay mới đáp ứng nhu cầu ngắn và dài hạn của khách hàng.
Tại Hội thảo, các chuyên gia cùng đưa ra quan điểm trong thời gian tới, việc quản lý hoạt động cho vay tiêu dùng cần phải theo hướng bảo đảm hài hòa giữa mục tiêu thúc đẩy thị trường này phát triển lành mạnh, tạo sức cạnh tranh giữa các tổ chức cho vay để thu hút khách hàng. Điều này sẽ gián tiếp khiến lãi suất vay tiêu dùng “dễ thở” hơn hiện nay, giúp người dân dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ tài chính chất lượng cao.
Mặt khác, cạnh tranh trong lĩnh vực TDTD cũng ngày càng tăng cao, tạo ra nguy cơ rủi ro đạo đức, rủi ro hoạt động của các TCTD. Đồng thời, hành lang pháp lí hiện tại đôi khi không theo kịp thực tiễn trong bối cảnh các hình thức cung cấp TDTD mới xuất hiện ngày càng nhiều và ngày càng đa dạng cũng sẽ tạo ra những rủi ro nhất định. Do đó, cần phải có một hệ thống cảnh báo, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ hơn đối với sự phát triển của TDTD. Đồng thời, các TCTD cần phải nhanh chóng áp dụng các chuẩn mực Basel II để kiếm soát không chỉ rủi ro tín dụng mà còn phải kiểm soát rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường.