Aa

Giao đất xây chùa Bái Đính, Tam Chúc: Nhiều bất cập cần được làm rõ

Thứ Tư, 28/08/2019 - 16:15

Theo luật sư Trần Đức Phượng, trường hợp giao đất và sử dụng đất để xây dựng công trình đối với chùa Tam Chúc (Hà Nam) và Bái Đính (Ninh Bình) là do cố tình thực hiện không đúng pháp luật bởi quy định pháp luật đã rõ ràng và cụ thể, không phải là sai sót.

Mới đây, trả lời chất vấn của ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) xung quanh việc cấp hàng ngàn héc-ta đất tại nhiều địa phương như Ninh Bình, Hà Nam, Thái Nguyên, Hải Phòng… nhưng để doanh nghiệp xây chùa, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) đã khẳng định, việc giao đất, cho thuê đất đã có nhiều sai sót.

PV: Thưa luật sư Trần Đức Phượng, liên quan đến việc giao đất xây dựng chùa Bái Đính và chùa Tam Chúc, Bộ TN&MT đã chỉ ra sai phạm trong việc giao đất. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào, thưa luật sư? 

LS Trần Đức Phượng: Theo như Bộ TN&MT trả lời thì vụ giao đất đang có những vấn đề sau: Đầu tiên, theo quy định Nhà nước phải giao đất sạch, có hồ sơ bàn giao và giao cho đối tượng đó nhằm mục đích gì nhưng hiện tại, đang xảy ra tình trạng giao không đúng và sử dụng không đúng. Việc giao đất phải cụ thể đúng như Bộ TN&MT yêu cầu, phải rõ ràng và thông tin số liệu và có mẫu quyết định giao đất. Còn trường hợp này là giao cho Sở Du lịch quản lý thì đồng nghĩa là đưa cơ quan Nhà nước chuyên ngành quản lý mà không hề liên quan tới vấn đề tiền thuê đất. Còn Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp thì phải dưới hình thức như giao đất (nếu là đất ở) hoặc cho thuê đất (nếu là đất nông nghiệp, lâm nghiệp, đất phi nông nghiệp).

Ở đây, các quyết định giao đất không rõ ràng, thông tin là giao đất cho Sở Du lịch nhưng doanh nghiệp tư nhân khác lại hoạt động, xây dựng và đưa vào khai thác quản lý công trình. Như vậy, quyết định giao cho Sở Du lịch có thể sai sót là đánh giá trên mức độ hậu quả không trốn tránh nghĩa vụ tài chính, tuy nhiên, việc doanh nghiệp lại sử dụng đất và xây dựng công trình như vậy là sai và sẽ không có hiệu lực, hậu quả là việc quản lý và sử dụng đất không đúng quy định, thất thoát ngân sách nhà nước.

Chùa Tam Chúc. (Ảnh: Internet)

PV: Như luật sư chia sẻ, quyết định giao đất cho Sở Du lịch là không đúng. Nếu vậy, trách nhiệm sẽ được xác định như thế nào, thưa luật sư?

LS Trần Đức Phượng: Trước hết, ở đây đã rõ việc giao đất cho Sở du lịch là không đúng và việc cho doanh nghiệp sử dụng là sai thì những người liên quan phải chịu trách nhiệm. Mặt khác cũng xét hiện trạng về sử dụng đất để đánh giá hậu quả, cần xác định rõ ai đã xây dựng và ai đang quản lý dự án chùa Tam Chúc, Bái Đính. 

Đơn vị được giao đất là Sở Du lịch nhưng lại đưa cho đơn vị nào sử dụng đất, xây dựng, quản lý công trình trên diện tích đất đó với hình thức nào, theo quy định nào. Nếu trong trường hợp, đất không phải của doanh nghiệp, tại sao anh lại có thể triển khai xây dựng, sử dụng nhưng anh lại không phải trả tiền thuê đất, không thuộc diện miễn giảm tiền thuê đất.

Còn đối với phía tỉnh Hà Nam và Ninh Bình, tôi cho rằng, họ đang có sự cố ý che lấp thông tin bằng ra quyết định “dở dở ương ương” và bỏ mặc trong việc quản lý không theo quy định pháp luật.

PV: Tại sao phải đến khi ĐBQH đặt ra vấn đề, Bộ TN&MT mới chỉ ra sai phạm liên quan tới việc giao đất?

LS Trần Đức Phượng: Thông tin về giao đất thuộc từng địa phương và được tổng hợp báo cáo quản lý đến Tổng cục Quản lý đất đai trong phạm vi cả nước. Thông thường, đây là đơn vị quản lý kế hoạch sử dụng đất hằng năm tại địa phương chứ Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ TN&MT không phải là cơ quan đi kiểm tra từng nơi, từng huyện, từng trường hợp giao đất, cho thuê đất.

Bộ TN&MT có thể không biết việc giao đất và sử dụng đất bởi vấn đề này không nằm trong nhiệm vụ của Bộ TN&MT. Tuy nhiên, việc Tổng cục Quản lý đất đai và Bộ TN&MT đã thấy hiện tượng sử dụng đất như thế nhưng chưa có kế hoạch kiểm tra vẫn là một điểm mà cơ quan cấp trung ương làm khá chậm chạp.

Lỗi vụ việc này sẽ thuộc trách nhiệm trực tiếp là của chính quyền địa phương, những sai phạm đó sẽ bộc lộ sự vênh trong nhiều lĩnh vực quản lý: giao đất, kế hoạch sử dụng đất, cho đến báo cáo thống kê hằng năm gửi cấp trung ương. 

Ví dụ, Sở Du lịch vẫn báo cáo họ đang quản lý đất, tỉnh không ghi mục đích sử dụng đất trong quyết định giao cho Sở Du lịch nhưng khi báo cáo lên Tổng cục quản lý đất đai họ lại ghi mục đích sử dụng đất vẫn là đất rừng chẳng hạn.

Nếu xảy ra tình trạng giao đất không đúng, Bộ TN&MT cần phải vào kiểm tra. Bởi trong trường hợp doanh nghiệp đã xây dựng chùa xong, hoạt động rầm rộ vài năm nhưng mãi đến nay mới thông tin trả lời. Với vụ việc “to như vậy” và “ai cũng biết” mà không chủ động đưa vào kế hoạch kiểm tra thì cũng cần phải xem xét trách nhiệm của cơ quan quản lý cấp trên chuyên ngành về quản lý đất đai.

Luật sư Trần ĐứcPhượng.

PV: Nếu cứ để tình trạng doanh nghiệp xây dựng chùa và… có thể là quản lý chùa thì điều gì sẽ xảy ra, thưa luật sư?

LS Trần Đức Phượng: Nếu giao cho doanh nghiệp sử dụng đất, quản lý dự án chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tiền vốn của xã hội. Thứ hai, khi hoàn thành và sử dụng, hoạt động mà không quản lý được thì sẽ mang tính nửa tâm linh và nửa kinh doanh, làm mất niềm tin của người dân trong hoạt động tín ngưỡng, .

PV: Như vậy, việc giao đất sai, và đến hiện tại thì đơn vị quản lý chùa cũng còn chưa rõ. Điều này có phải xuất phát từ lỗ hổng của pháp luật?

LS Trần Đức Phượng: Tôi nghĩ pháp luật đã có quy định rõ ràng rồi. Trường hợp sai từ giao đất là do cố ý làm như vậy, không phải đến từ lỗ hổng của pháp luật.

PV: Quan điểm của luật sư như thế nào về việc cần có sự tách bạch rõ dự án tâm linh và dự án phát triển du lịch?

LS Trần Đức Phượng: Theo quan điểm cá nhân, dự án văn hóa tâm linh cũng nên chỉ coi là 1 dự án đầu tư bình thường khác, điểm khác ở đây chính là yếu tố “tâm linh”. Tuy nhiên phải rõ ràng về nội dung và có giới hạn vì “tâm linh” bao gồm “tín ngưỡng” và “tôn giáo”, trong khi đó ‘tín ngưỡng” có nguồn gốc dân gian và sinh hoạt của cộng đồng, “tôn giáo” thuộc giáo hội. Có nhiều dự án văn hóa có các công trình như cảnh “địa ngục” nhưng đến các công trình có yếu tố “Đức Phật”, “Đức Chúa” là liên quan đến “tôn giáo” phải theo hoạt động chung, giáo lý của giáo hội.

Việc duyệt dự án nói chung phải có chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép xây dựng, phù hợp quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng,… theo quy định pháp luật. Và nếu có giấy chứng nhận đầu tư thì phải ghi rõ mục tiêu và hoạt động của dự án, việc sử dụng đất, nếu đất phục vụ công trình tôn giáo chỉ được giao cho giáo hội và hoạt động tôn giáo tại công trình đó phải do giáo hội thực hiện, chi phí của giáo hội chứ không thể để doanh nghiệp quản lý công trình rồi doanh nghiệp mời giáo hội đến đó để hoạt động.

Ở đây, trường hợp chùa Bái Đính ở tỉnh Ninh Bình và Tam Chúc tại Hà Nam, tôi cho rằng đang có tình trạng phát triển dự án trên một mảnh đất mà không rõ ràng về giao cho ai, mục đích sử dụng đất là gì, tất cả đang rất mập mờ, không hiểu họ có xin được giấy phép xây dựng không. Điều này dẫn tới hoạt động kinh doanh không đúng, quản lý về tôn giáo cũng không đúng và không phù hợp với sự phát triển văn hóa và tín ngưỡng.

PV: Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng các khu du lịch có yếu tố tâm linh. Thưa luật sư, làm thế nào để tránh tình trạng chồng chéo giữa kinh doanh lợi nhuận và phát triển văn hóa tín ngưỡng?

LS Trần Đức Phượng: Hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng các khu du lịch để thu hút khách. Với dự án du lịch có mang yếu tố tâm linh, chúng ta chưa có số liệu thống kê nhưng đã nhìn thấy ở nhiều địa phương, có thể kể đến như: Lũng Cú (Hà Giang), Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), Cái Tráp (Hải Phòng), Thiên Trúc Lân (Quảng Nam – đã bị dừng), Ma Thiên Lãnh (Tây Ninh), Bà Chúa Xứ (An Giang),… cho đến các dự án đang được định hướng như: Núi Cô Tiên (Khánh Hòa) và cùng rất nhiều dự án khác dù không dưới tên gọi là khu du lịch văn hóa tâm linh nhưng có đầu tư xây dựng các công trình có các yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng hay mang những yếu tố tâm linh.

Trên thực tế trong ngành du lịch, các công trình tín ngưỡng, tôn giáo và tâm linh hiện nay đang được quản lý dưới nhiều dạng khác nhau (cá nhân, tổ chức, cộng đồng, đơn vị quản lý sự nghiệp) và được quy định tại các văn bản như: Bộ Luật Dân sự; Luật Di sản văn hóa; Luật Du lịch; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Đầu tư; Luật Doanh nghiệp; Luật Đất đai; Luật Xây dựng;…

Trong cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình tôn giáo, theo Luật Xây dựng quy định phải có văn bản chấp thuận của Ban Tôn giáo cấp có thẩm quyền; đối với công trình tượng đài, tranh hoành tráng phải có giấy phép hoặc văn bản chấp thuận về sự cần thiết xây dựng và quy mô công trình của Cơ quan quản lý nhà nước về văn hoá.

Quan điểm cá nhân của tôi, đối với dự án tâm linh mà có nội dung “tín ngưỡng” và ‘tôn giáo” không nên giao cho doanh nghiệp mà “tôn giáo” phải thuộc quản lý của giáo hội, “tín ngưỡng” thì để cho cộng đồng dân gian. Do vậy, dự án có yếu tố “tâm linh” thì cũng cần biết giới hạn đến đâu để hướng đến xây dựng “giá trị văn hóa” của dự án chính mình.

- Cảm ơn chia sẻ của luật sư!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top