Aa

Giáo viên có cần thẻ hành nghề nhà giáo?

Thứ Năm, 17/01/2019 - 03:14

Chia sẻ về biện pháp ngăn chặn tình trạng giáo viên đánh học sinh, vi phạm đạo đức nhà giáo, một lãnh đạo Hội Cựu giáo chức (Bộ GD&ĐT) đề xuất cần nghiên cứu, áp dụng chứng chỉ hành nghề giáo viên. Đề xuất này nhận được nhiều ý kiến từ các chuyên gia, giáo viên cho rằng không phù hợp.

  Nhiều ý kiến cho rằng, đề xuất cấp thẻ hành nghề đối với giáo viên hiện nay là chưa cần thiết. Ảnh minh họa: Q.Anh

Nhiều ý kiến cho rằng, đề xuất cấp thẻ hành nghề đối với giáo viên hiện nay là chưa cần thiết. Ảnh minh họa: Q.Anh

Cấp chứng chỉ để rút khi vi phạm

Trong Hội thảo Góp ý các nội dung về chính sách nhà giáo trong Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) do Cục Nhà giáo, Bộ GD&ĐT tổ chức, ông Lê Quán Tần, Phó Chủ tịch hội Cựu giáo chức Việt Nam đã kiến nghị nên có chế độ cấp chứng chỉ hành nghề dạy học để kiểm soát chất lượng đảm bảo của giáo viên. Lý do đưa ra đề xuất này là do thời gian qua đã có những giáo viên tát học sinh đến nỗi phải vào bệnh viện... Khi có chứng chỉ hành nghề, nếu vi phạm thì chỉ cần rút chứng chỉ chứ không phải cứ thực hiện hành vi xong rồi nói xin lỗi do nóng nảy, hay còn thiếu kinh nghiệm.

Ngoài ra, ông Lê Quán Tần kiến nghị, trong Luật Giáo dục cũng cần có những điều kiện hành nghề nhà giáo, trong đó có điều kiện về đạo đức nghề nghiệp. Tuy nhiên, ý kiến đề xuất cấp thẻ hành nghề cho giáo viên đã vấp phải nhiều phản ứng trái chiều do lo lắng việc chồng chéo chứng chỉ, bằng cấp cũng như tính minh bạch của quá trình cấp chứng chỉ. Nhiều giáo viên công tác tại các trường phổ thông chia sẻ, chứng chỉ hành nghề sư phạm là thừa bởi trong khi đã có một loạt các quy định khác rồi. Nhiều giáo viên lo lắng khi áp dụng thẻ hành nghề sẽ phải thi sát hạch, nảy sinh cơ chế xin – cho, chạy chọt để có chứng chỉ.

Trên thực tế, các ý kiến của giáo viên nói trên cũng hết sức có lý bởi giáo viên khi đứng lớp chịu sự quản lý cả về chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Vì vậy, việc có thêm chứng chỉ hành nghề sư phạm là việc làm không cần thiết, vừa gây tốn kém cho xã hội, đồng thời tạo điều kiện cho cơ chế tham nhũng phát sinh và những vấn đề tiêu cực khác. Trong tuyển dụng đối với giáo viên đều có quy định rõ về bằng cấp, chứng chỉ và phần lớn giáo viên hiện nay phải thi đỗ viên chức mới được dạy học, bởi số giáo viên hợp đồng hiện nay là không nhiều.

Về đề xuất chứng chỉ hành nghề giáo viên, TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lý Khoa học – Giáo dục Hà Nội cho rằng, hiện nay cũng đang rất cần có cách nào đó để kiểm tra, đánh giá định kỳ về đạo đức, năng lực hành nghề của nhà giáo, tránh tình trạng vào được “biên chế” là yên vị. Bằng tốt nghiệp chỉ là chứng chỉ đào tạo, còn chứng chỉ hành nghề lại là việc khác. Trước khi sinh viên sư phạm ra trường thì nên dùng một năm thực tập của sinh viên để đánh giá về đạo đức và tay nghề. Ai chưa đạt yêu cầu phải kéo dài thêm thời gian đào tạo, đây là cơ hội thử thách đối với những ai thực sự muốn làm nghề giáo viên.

Giáo viên chỉ cần đạt “chuẩn” là đủ?

Trên thực tế, chứng chỉ hành nghề (hoặc tương đương) đối với nhà giáo được nhiều quốc gia áp dụng, những người vượt qua đợt kiểm tra, hoặc đáp ứng đủ các tiêu chí mới được làm giáo viên. Bên cạnh đó, thực tế trình độ chuyên môn, đạo đức nhà giáo của một bộ phận giáo viên hiện nay cũng nảy sinh một số bất cập. Hàng loạt những vụ lùm xùm của ngành Giáo dục, từ giáo viên quỳ gối xin lỗi, cô giáo không giảng bài, cô giáo phạt học sinh súc miệng bằng nước vắt giẻ lau bảng, giáo viên phạt tát học sinh 231 cái tát... Đòi hỏi cần phải kiểm soát chất lượng giảng dạy cũng như tư cách đạo đức nhà giáo là việc làm cần thiết.

Về thực trạng đội ngũ nhà giáo hiện nay, GS.VS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, hiện nay đội ngũ nhà giáo của chúng ta cũng rất đông, con số lên tới hơn 1 triệu giáo viên, công tác tại nhiều địa bàn khác nhau… và hơn 24 triệu học sinh. Nên đôi khi xảy ra hiện tượng giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo nghiêm trọng cũng là điều dễ hiểu, không vì một vài vụ việc mà đánh đồng chất lượng nhà giáo hiện nay. Tuy nhiên, đối với những giáo viên vi phạm nghiêm trọng cứ mạnh mẽ đưa ra khỏi ngành và ngành Giáo dục cần sàng lọc đưa ra khỏi ngành những giáo viên không xứng đáng.

“Trong khi chất lượng, quản lý nhà giáo hiện nay đã nảy sinh một số vấn đề bất cập, song chưa có những quy định cụ thể rõ ràng về vấn đề này. Theo tôi, bên cạnh sàng lọc là bồi dưỡng lại đội ngũ nhà giáo theo quy chuẩn mới, các trường đào tạo sư phạm ngoài đào tạo chuyên môn tốt cũng cần đào tạo các kỹ năng để giáo viên không những dạy bộ môn mà còn dạy học sinh học làm người, say mê học tập… Có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu của đổi mới giáo dục như đã đề ra”, GS.VS Phạm Minh Hạc chia sẻ thêm.

Về thực trạng đội ngũ nhà giáo hiện nay, ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết: “Về cơ bản, đội ngũ nhà giáo ở tất cả các cấp học đã đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo, trong đó tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn, cụ thể: mầm non 96,6%, tiểu học 99,7%, THCS 99,0% và THPT 99,6%. Hầu hết cán bộ, giáo viên có lòng yêu nghề, có phẩm chất đạo đức tốt, năng lực sư phạm. Trong thời gian tới, Bộ cùng các Sở GD&ĐT triển khai thực hiện chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông, chuẩn Hiệu trưởng trường phổ thông. Bộ cũng sẽ ban hành các chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý trường phổ thông thống nhất trong cả nước”.

Mới đây, tại Hội nghị triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: “Muốn giáo dục có nền tảng tốt thì phải có thầy cô tốt, muốn có thầy cô tốt phải nhìn vào điều kiện làm việc, động lực làm việc của thầy cô. Nếu chỉ tăng điều kiện mà không tạo động lực thì chính sách của chúng ta không hiệu quả, thậm chí dẫn tới tiêu cực. Nhưng bên cạnh đó, một mặt tạo điều kiện tốt, cơ hội, động lực nhưng mặt khác cần phải có chế tài với các thầy cô không đáp ứng được yêu cầu, tránh tình trạng cào bằng, để một số nhỏ “cá biệt” làm ảnh hưởng đến uy tín, dẫn đến thầy cô rơi vào băn khoăn, áp lực”.

Quang Anh

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top